Cảm thán về danh hiệu thầy thuốc ưu tú

Y Đức

27-11-2022

BS Nguyễn Văn Việt Thành. Nguồn: Bệnh viện Bình Dân.

Danh lợi làm mờ mắt con người. Khi lợi lộc có dư rồi người ta thèm khát danh vọng.

Những ngày qua báo chí lùm xùm về việc phong danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, cho thấy người dân và công luận quan tâm đến việc phong tặng danh hiệu sao cho xứng đáng với cống hiến của nghệ sĩ.

Trong ngành y, chúng tôi cũng mong những người tài đức cống hiến cho sự nghiệp đạt được những danh hiệu tương xứng, thế mà tại bệnh viện Bình Dân việc đề cử bầu chọn cho các danh hiệu thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú, diễn ra gây bức xúc cho mọi người. Cụ thể ban giám đốc bệnh viện tự đề cử ra 3 nhân vật cho danh hiệu thầy thuốc ưu tú là BS Phạm Văn Viễn, BS Ngô Viết Thi và BS Lương Thanh Tùng rồi bắt mọi người bầu chọn cho họ.

Bệnh viện còn biết bao người xứng đáng, tài đức, đủ tiêu chuẩn mà không chọn, lại chọn 3 ông chuyên môn kém nhất bệnh viện, y đức tệ nhất, thượng đội hạ đạp, né tránh ca khó chỉ canh những ca dễ kiếm tiền nên chẳng có công trình nghiên cứu nào, do đó không đủ tiêu chuẩn phải chủ nhiệm ít nhất 2 đề tài nghiên cứu khoa học. Thế nhưng ban giám đốc lại hợp pháp hóa cho họ bằng việc ra lệnh cho phòng nghiên cứu khoa học phải sáng tác đủ các nghiên cứu khoa học cho các vị này.

Tương tự trường hợp BS Nguyễn Văn Việt Thành, phó khoa ngoại lồng ngực, theo tiêu chuẩn thầy thuốc ưu tú đối với cán bộ quản lý y tế thì phải có thời gian công tác trong ngành từ 20 năm trở lên, trong khi BS Thành sinh năm 1981, mới làm bệnh viện mười mấy năm, lại đạt danh hiệu thầy thuốc ưu tú nhỏ tuổi nhất.

Những trường hợp nêu trên đã vi phạm nghị định, quy định về xét tặng danh hiệu thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú, coi thường pháp luật, làm mất giá trị của các danh hiệu cao quý, đáng ra phải được trao cho thầy thuốc đạt tiêu chuẩn trong hoạt động nghề nghiệp.

Theo quy chế bệnh viện, bác sĩ thực hiện phẫu thuật thủ thuật phải đúng cột được xếp để tránh sai sót chuyên môn. Tuy nhiên, điều gây bức xúc là việc xếp cột bác sĩ lại có những bất cập. Bệnh viện đưa ra tiêu chuẩn xếp cột bác sĩ đặc biệt (đủ trình độ mổ những ca siêu phẫu) với tiêu chuẩn phần cứng là phải có ít nhất học vị tiến sĩ hoặc bác sĩ chuyên khoa cấp 2, thế mà có nhiều vị (bác sĩ Dương Bá Lập; bác sĩ Đỗ Lệnh Hùng; bác sĩ Phạm Hữu Đoàn;…) chưa đủ tiêu chuẩn đó lại được xếp loại đặc biệt.

Bị nhiều người bức xúc, nói quá, nên bệnh viện tự sửa tiêu chuẩn học vị lại (kiểu nắn đường vào nhà quan) cột đặc biệt ít nhất phải là tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp 2 hoặc là nghiên cứu sinh(?). Học vị là văn bằng do một cơ sở giáo dục hợp pháp trong hoặc ngoài nước cấp cho người tốt nghiệp một cấp học nhất định. Nghiên cứu sinh chưa tốt nghiệp, chưa biết khi nào tốt nghiệp, không biết có tốt nghiệp được không, sao lại đưa vào tiêu chuẩn học vị được.

Có lẽ cũng nhận ra bất hợp lý trên, nên để xoa dịu dư luận khi có 2 bác sĩ vừa tốt nghiệp tiến sĩ (bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng, bác sĩ Văn Thành Trung) bệnh viện vội vả buộc phòng tổ chức cán bộ công bố quyết định của trường đại học Y Dược về việc tốt nghiệp tiến sĩ của 2 vị này trong buổi giao ban chuyên môn bệnh viện. Việc làm chưa có tiền lệ này càng làm người ta thắc mắc hơn vì bệnh viện đâu có cấp bằng cho 2 ông này đâu, tự nhiên đọc quyết định của bên trường làm gì.

Để cho mấy ông nghiên cứu sinh lợi ích nhóm này mau tốt nghiệp, bệnh viện tổ chức chương trình tầm soát miễn phí 5 bệnh lý thường gặp, gồm bướu giáp, ung thư gan, giãn tĩnh mạch chân, ung thư tiêu hóa và đỗ mồ hôi tay chân tại bệnh viện Bình Dân từ ngày 11/5/2022 đến 30/12/2022. Sao lại chọn 5 loại bệnh lý trên?

Cứ tưởng là chương trình vì cộng đồng, nhưng thực chất là kế hoạch tìm chuột cobay cho mấy ông nghiên cứu sinh: Đề tài đổ mồ hôi tay chân của bác sĩ Nguyễn Văn Việt Thành; đề tài cắt đại tràng của bác sĩ Dương Bá Lập; đề tài mổ robot của bác sĩ Nguyễn Phú Hữu…

Related posts