Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu trong cuộc họp báo Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ, vào ngày 27/6/2022. (Ảnh: Kenzo Tribouillard/AFP/Getty Images)
Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg hôm 10/12 cảnh báo rằng, cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine có thể lôi kéo liên minh gồm 30 thành viên này vào một ‘cuộc chiến lớn’.
“Tôi lo ngại rằng cuộc chiến ở Ukraine sẽ vượt quá khỏi tầm kiểm soát và lan rộng thành một cuộc chiến lớn giữa NATO và Nga”, ông Stoltenberg nói với kênh truyền hình NRK của Na Uy trong một cuộc phỏng vấn ngày 10/12.
Ông Stoltenberg, người trước đây từng là Thủ tướng Na Uy các giai đoạn 2000 – 2001 và 2005 – 2013, cho biết: “Nếu mọi thứ đi chệch hướng, chúng có thể dẫn đến những sai lầm khủng khiếp”.
Tuyên bố của người đứng đầu NATO được đưa ra chưa đầy một tuần sau khi ba căn cứ không quân của Nga – nằm sâu trong lãnh thổ Nga – bị máy bay không người lái tấn công. Vụ việc đã khiến ba quân nhân thiệt mạng, làm hư hại hai máy bay và khiến Moscow lo ngại bị trả đũa. Ukraine đã bác bỏ trách nhiệm về các vụ tấn công.
Một trong những căn cứ không quân trên được cho là sở hữu các máy bay ném bom chiến lược tầm xa có thể được trang bị để mang đầu đạn hạt nhân.
Ngày hôm sau, một sân bay quân sự gần thành phố Kursk của Nga tiếp tục trở thành mục tiêu của cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, khiến cho một tàu chở dầu bốc cháy.
Mặc dù Kyiv không nhận trách nhiệm về các vụ tấn công, nhưng sự cố này đã được các quan chức quân sự Ukraine “ca ngợi”.
Các cuộc tấn công vào căn cứ không quân Nga ngay trước chuyến thăm hai ngày tới Kyiv của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị Victoria Nuland. Chuyến thăm của bà Nuland, một nhà phê bình lâu năm của Tổng thống Nga Vladimir Putin, đã làm dấy lên suy đoán rằng, Washington đã cho phép Kyiv tiến hành các cuộc tấn công.
Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price đã nhanh chóng bác bỏ đồn đoán này. Ông khẳng định với các phóng viên vào ngày 6/12 rằng, Washington “không cho phép cũng không khuyến khích” Ukraine tấn công các mục tiêu bên ngoài biên giới của mình.
Ông nói thêm rằng, không có bằng chứng nào cho thấy Ukraine đã thực hiện các cuộc tấn công.
Hoa Kỳ bác bỏ dính líu đến vụ việc
Vào ngày 9/12, tờ The Times, một nhật báo nổi tiếng của Anh, cho biết, Lầu Năm Góc đã “ngầm xác nhận” các cuộc tấn công của Ukraine nhằm vào các mục tiêu bên trong nước Nga.
Để chứng minh cho khẳng định của mình, tờ The Times đã trích dẫn “các nguồn tin quốc phòng Hoa Kỳ” giấu tên, cùng một cựu nhà ngoại giao Hoa Kỳ và chuyên gia chính sách của Lầu Năm Góc, Eric Edelman – người từng kêu gọi trang bị vũ khí tầm xa cho Ukraine.
Moscow nhiều lần tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ được coi là “một bên trực tiếp trong cuộc xung đột” nếu cung cấp cho Kyiv vũ khí tầm xa có khả năng tấn công lãnh thổ Nga.
Ngày 11/12, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nhắc lại lập trường mà ông Price đã nêu.
“Chúng tôi không… khuyến khích hoặc tạo điều kiện cho các hoạt động [quân sự] của Ukraine bên trong nước Nga”, ông Kirby nói trong một cuộc phỏng vấn với đài ABC.
“Chúng tôi đang cố gắng đảm bảo rằng Ukraine có thể bảo vệ và giành lại lãnh thổ của mình”, ông nói thêm, theo bản ghi cuộc phỏng vấn chính thức của đài ABC.
Vào giữa tháng 11, hãng tin AP dẫn lời một “quan chức tình báo cấp cao của Mỹ” giấu tên cho biết, các lực lượng Nga đã phóng một tên lửa vào lãnh thổ của Ba Lan – một thành viên của NATO.
Tuyên bố này hóa ra lại là sai lầm và đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc đụng độ sắp xảy ra giữa Nga và NATO, tổ chức có nghĩa vụ bảo vệ các quốc gia thành viên nếu họ bị tấn công.
AP sau đó đã sa thải vị phóng viên đưa tin về điều mà họ mô tả là một sai lầm “nghiêm trọng”. Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã gặp nhau tại thủ đô Kyiv của Ukraine vào ngày 19/11/2022.
Vương quốc Anh cân nhắc viện trợ vũ khí tầm xa cho Ukraine
Bất chấp những cảnh báo của Nga và lo ngại leo thang căng thẳng, Vương quốc Anh dường như đang cân nhắc việc tiếp tục cung cấp các hệ thống vũ khí tầm xa cho quân đội Ukraine.
Khi được hỏi trực tiếp về vấn đề này vào ngày 12/12, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết ông “rất cởi mở” với ý tưởng này.
Ông Wallace nói với các thành viên của Quốc hội: “Tôi [vẫn đang] không ngừng cân nhắc đến các hệ thống vũ khí mà Vương Quốc Anh có thể cung cấp [cho Ukraine]”.
Ông nói rằng, Vương quốc Anh sở hữu các hệ thống vũ khí tiềm năng. Do đó, nếu người Nga tiếp tục nhắm mục tiêu vào các khu vực dân sự, cũng như cố gắng phá vỡ các Công ước Geneva, thì ông sẽ giữ tư tưởng “cởi mở” để xem Vương Quốc Anh sẽ có động thái gì tiếp theo.
Kể từ khi Moscow bắt đầu xâm lược Ukraine vào ngày 24/2, Vương quốc Anh đã viện trợ cho Ukraine tổng cộng 4,65 tỷ USD, bao gồm vũ khí, huấn luyện quân sự và hỗ trợ nhân đạo.
Vào ngày 19/11, Thủ tướng Vương quốc Anh Rishi Sunak đã đến thăm Kyiv và cam kết hỗ trợ thêm 61 triệu USD cho nỗ lực chiến tranh của Ukraine.
Tác giả: Adam Morrow – The Epoch Times
Huyền Anh biên dịch