‘Phong trào giấy trắng’ lại bùng phát, các chuyên gia: Tập Cận Bình gặp nguy
Để đối phó với suy thoái kinh tế và “phong trào giấy trắng”, chính quyền Trung Quốc đã vội vàng bỏ phong tỏa và chấm dứt chính sách “zero-covid”. Nhưng không ngờ, vào đêm ngày 12 tháng 12, các cuộc biểu tình của sinh viên đã nổ ra ở sáu trường đại học. Các cuộc khủng hoảng khác cũng đang tới gần Trung Quốc. VOA vì điều này đã đăng một bài báo, với tựa đề, “Giông tố Trung Quốc nổi lên khắp nơi, Tập Cận Bình sẽ kết thúc như thế nào?”
Các trường đại học nổ ra cuộc biểu tình vào ngày 12/12 được phân bố ở Phúc Kiến, Giang Tây, Giang Tô, Tứ Xuyên, Vân Nam và các nơi khác.
Nguyên nhân biểu tình không giống nhau,chẳng hạn, các sinh viên tốt nghiệp từ Trường Cao đẳng Y tế Giang Tây thuộc Đại học Nam Xương và sinh viên Đại học Y Nam Kinh đều yêu cầu được trả lương công bằng và phản đối sự đối xử bất công.
Sinh viên Đại học Phúc Châu phản đối việc trường thay đổi kế hoạch cho sinh viên về nhà. https://platform.twitter.com/embed/Tweet.
Còn các sinh viên tốt nghiệp của Đại học Y khoa Từ Châu thì phản đối vì họ được cử ra tuyến đầu để điều trị cho những bệnh nhân dương tính với covid-19 nhưng không có thiết bị bảo hộ cần thiết.
Tiến sĩ Ngô Quốc Quang, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Đại học Stanford, Hoa Kỳ nói với VOA vào ngày 28/11 rằng, ý nghĩa lớn nhất của “cuộc cách mạng giấy trắng” cho đến nay là người dân Trung Quốc đã đập tan nỗi sợ hãi và dũng cảm đứng lên.
VOA vào ngày 13/12 đã đưa ra liệt kê rằng ngoài chính sách phòng chống dịch bệnh và cách mạng giấy trắng, về chính trị ông Tập Cận Bình còn phải đối mặt với rủi ro người kế nhiệm và rắc rối kế nhiệm, cũng như rắc rối của vấn đề Đài Loan.
Tiến sĩ Trình Hiểu Nông, một chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc, phân tích rằng, ông Tập Cận Bình không dám đào tạo người kế vị: “Bởi vì vị trí hiện tại của ông ấy đã ở trong tình thế ‘sau ánh hào quang lời mắng nhiếc cuồn cuộn đến’ nên ông ấy không thể buông tay được, và không thể đào tạo người kế vị. Bất người kế nhiệm nào cũng có thể lật bàn (lật đổ chính quyền) sau khi ông ấy chết. Người kế nhiệm này cũng có thể đá Tập Cận Bình xuống bùn”.
Về tình hình này, Neil Thomas, nhà phân tích cấp cao về các vấn đề Trung Quốc và Đông Bắc Á tại công ty tư vấn rủi ro chính trị toàn cầu Eurasia Group, cho rằng ông Tập Cận Bình có kế hoạch cai trị cho đến khi không còn cai trị được nữa, vì vậy, “vấn đề kế vị chính trị của Tập Cận Bình hiện là một rủi ro cực lớn đối với Trung Quốc. Chúng tôi biết điều đó sẽ xảy ra, chúng tôi biết đó sẽ là một vấn đề lớn, nhưng chúng tôi không biết khi nào nó sẽ xảy ra và chúng tôi không biết nó sẽ xảy ra như thế nào”.
Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với những xung đột xã hội sâu sắc, mâu thuẫn nội bộ ngày càng gay gắt và sự phòng bị, đối kháng liên tục của cộng đồng quốc tế. Các nhà phân tích nhìn chung cho rằng trước tình hình hỗn loạn này, Tập Cận Bình có thể sẽ lành ít dữ nhiều.
Chẳng hạn, Tiến sĩ Trình Hiểu Nông, phân tích rằng Tập Cận Bình đã trở thành “người cô đơn” trong nội bộ ĐCSTQ, “hơn 1 triệu quan chức đã bị trừng phạt, và điều quan trọng nhất là các quan chức hiện nay đã bị cắt nguồn tài lộ (tiền tài). Vốn dĩ người làm quan đều có mục tiêu, đời này phải kiếm được bao nhiêu tiền, rồi chuyển sang nước ngoài ở đâu đó, thẻ xanh Mỹ chắc làm xong rồi, nhà cũng mua xong, chỉ chờ đến lúc tuổi già hưởng phúc, đây đều là mục tiêu làm quan của họ, nay mục tiêu này đã bị ông Tập Cận Bình phá hỏng hoàn toàn, nên không chỉ có hơn vài triệu, mà hàng chục triệu người trong đảng đang nghiến răng nghiến lợi, mà họ đều là tinh anh của ĐCSTQ. Vì vậy, theo diễn giải này, ông Tập Cận Bình là một người cô đơn trong thể chế”.
Ngụy Kinh Sinh, một nhà hoạt động dân chủ Trung Quốc, đã đề cập rằng mặc dù ĐCSTQ giám sát chặt chẽ, nhưng “Trần Thắng và Ngô Quảng – những thủ lĩnh đầu tiên đứng lên khởi nghĩa chống lại nhà Tần không phải là những nhân vật lớn, và cuộc nổi loạn ở thị làng Đại Trạch là không thể đoán trước, mà chế độ chuyên chế diệt vong là quy luật lịch sử”.
Tống Vĩnh Nghị, một chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc và là giáo sư đã nghỉ hưu tại Đại học Bang California, Hoa Kỳ, nói với VOA: “Một khi điều gì đó xảy ra, chính quyền ông Tập sẽ sụp đổ ầm ầm”.
Bá Long
Biểu tình chống COVID-19: Đại sứ Trung Quốc nói ngửi thấy mùi ‘cách mạng màu’
Nhà ngoại giao của ĐCSTQ ông Lư Sa Dã – đại sứ Trung Quốc tại Pháp vừa nói rằng, làn sóng biểu tình phản đối các biện pháp kiểm soát COVID-19 gần đây ở nước này là do người ngoài tìm cách xúi giục “cách mạng màu”. Chứ không phải do cách kiểm soát dịch hà khắc, cực đoan của chính phủ khiến người dân vượt quá sức chịu đựng phải đứng lên phản đối.
“Đầu tiên, mọi người xuống phố để bày tỏ không hài lòng với cách các chính quyền địa phương không thể khai triển đúng và đầy đủ biện pháp mà chính phủ trung ương đưa ra, nhưng sau đó phong trào biểu tình nhanh chóng bị các lực lượng nước ngoài lợi dụng”, Đại sứ Trung Quốc tại Pháp Lô Sa Dã nói tại một bữa tối hôm 7/12. Phát biểu của ông được đăng trên website của đại sứ quán ngày 14/12, theo Tiền Phong.
Đại sứ Lô cũng nói: “Chúng tôi có thể ngửi thấy rõ ràng mùi của các cuộc cách mạng màu thường xảy ra ở một số quốc gia đang phát triển trong những năm gần đây. Một số người Trung Quốc chịu ảnh hưởng của các lực lượng bên ngoài”.
Dù phát biểu như vậy, nhưng Đại sứ Lô không chỉ rõ lực lượng nước ngoài nào tác động.
Đây không phải lần đầu tiên Chính phủ Trung Quốc nói đến cách mạng màu.
Năm ngoái, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị lên tiếng phản đối các cường quốc xúi giục cách mạng màu ở Trung Á, hàm ý nói đến các cuộc biểu tình chống chính phủ tại một số quốc gia thuộc Liên Xô cũ trong đầu những năm 2000 và sau đó tại Trung Đông.
Bắc Kinh cũng cáo buộc “bàn tay bẩn” của người ngoài gây ra đợt biểu tình nghiêm trọng ở Hong Kong năm 2019.
Cách mạng màu là cụm từ để chỉ những phong trào chính trị tại một số quốc gia thuộc Liên Xô cũ hay thuộc vùng Balkan trong những năm đầu thập niên 2000, lấy tên 1 màu sắc hay 1 cây cối, bông hoa tiêu biểu. Trong những cuộc cách mạng này, những người tham gia đã đấu tranh bất bạo động để đối phó với các chính quyền mà họ xem là tham ô hay độc đoán. Các cuộc cách mạng màu nổi bật với sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ (NGO) và các nhà hoạt động sinh viên trong việc tổ chức các cuộc đấu tranh bất bạo động.
Điển hình trong các cuộc cách mạng màu là Cách mạng 5 tháng 10 ở Serbia (2000), Cách mạng Hoa hồng ở Gruzia (2003), Cách mạng Cam ở Ukraina (2004), và Cách mạng Hoa Tulip ở Kyrgyzstan (2005). Trong mỗi lần, nhiều người đã xuống đường biểu tình sau các cuộc bầu cử gây tranh cãi. Nếu thành công, nó sẽ dẫn đến sự lật đổ chính phủ hay từ chức của những lãnh đạo bị họ xem là độc đoán.
Liên Thành
Một tỉnh của Trung Quốc hủy toàn bộ ngày nghỉ lễ của nhân viên y tế đến cuối tháng 3/2023
Mới đây, tỉnh Hà Nam của Trung Quốc đã yêu cầu các nhân viên công tác trong hệ thống y tế hủy bỏ các ngày nghỉ lễ từ nay đến cuối tháng 3 năm sau. Vấn đề này hiện đang được cư dân mạng Trung Quốc bàn tán sôi nổi.
Vào ngày 15/12, Tin tức Daxiang – kênh truyền thông chính thức của Hà Nam – đưa tin rằng hệ thống y tế của tỉnh đang ở trong trạng thái chuẩn bị chiến tranh cấp một (cấp cao nhất), các cơ sở y tế là chiến trường chính trong phòng chống dịch bệnh. Từ nay đến hết tháng 3 năm sau, hệ thống y tế trên toàn tỉnh sẽ hủy bỏ các ngày nghỉ lễ. Tổ khám chữa bệnh của bộ chỉ huy các cấp sẽ được điều động theo ngày, báo cáo theo ngày, người đứng đầu cũng như nhân viên phụ trách khám chữa bệnh của các cơ sở y tế phải thường trực 24/24 giờ.h
Ngày 16/12, mạng xã hội Trung Quốc thảo luận sôi nổi về tin tức trên. Chủ đề liên quan cũng lên xu hướng tìm kiếm của Weibo – mạng xã hội tương tự Facebook và rất phổ biến ở Trung Quốc.
Có không ít cư dân mạng chế giễu và phản đối yêu cầu này:
- “Ủy ban Y tế Hà Nam thật lắm người tài … Hà Nam là một nơi kỳ diệu, luôn nghĩ ra những điều mà bạn không thể nghĩ tới”.
- “Mặc dù đúng là trước nay vẫn luôn không có ngày lễ, nhưng khi nhìn thấy loại thông báo này, trong lòng chỉ thấy cay đắng”.
- “Một nơi không ngừng làm mới nhận thức của tôi”.
- “Dựa vào đâu mà không cho nhân viên y tế nghỉ?!”.
- “Có vẻ như Luật Lao động không áp dụng cho hệ thống y tế”.
- “Nhìn xem, chẳng nhắc một chữ đến ngày nghỉ [bù], tiền bạc, đãi ngộ, cách làm vô sỉ này đã mang tính hệ thống. Những con lừa trong đội sản xuất cũng không bị vắt kiệt như thế”.
- “Ngày lễ do luật định mà cũng có thể làm vậy sao, nói hủy liền hủy, hệ thống y tế mở ra tiền lệ này, các bên khác cũng sẽ học theo, không chừng sau đây lại có yêu cầu đi làm cả năm không ngày nghỉ, hoặc là làm đến chết, hoặc là tự động cuốn gói ra đi, rất có thể người tiếp theo sẽ là bạn”.
Cũng có cư dân mạng “ủng hộ” chính quyền:
- “Ủng hộ tất cả các tổ chức đảng và chính phủ hủy bỏ các ngày nghỉ lễ và dành thời gian phục vụ nhân dân! Lãnh đạo hệ thống y tế hãy lấy mình làm gương, chung tay bảo vệ sức khỏe của người dân!”.
Ngoài ra, còn có những bình luận cảnh báo hậu quả:
- “Nếu như muốn dựa vào việc chèn ép nhân viên y tế để giải quyết vấn đề người nhiễm bệnh, vậy là đang chuyển hướng dư luận sang mâu thuẫn khác. Việc gì thuộc về xã hội thì đừng để cá nhân phải hy sinh, hơn nữa còn làm việc không ngày nghỉ, nói không chừng vừa không giải quyết được vấn đề mà còn gây thêm rắc rối”.
- “Vài ngày trước mới xuất hiện tin một sinh viên y khoa đột tử, sáng nay lại có thêm chuyện một y tá bị bệnh nhưng kiên trì làm việc, cuối cùng đến đứng cũng không đứng vững nữa. Haizz, bác sĩ, y tá đâu phải người máy, không thể làm việc cường độ cao mãi như vậy”.
Trước đó, một nghiên cứu sinh 23 tuổi tại Bệnh viện Hoa Tây ở tỉnh Tứ Xuyên đã bị nhiễm dịch nhưng vẫn phải đi làm, sau đó đột ngột qua đời vì bệnh tim. Sự việc đang thu hút sự chú ý của cư dân mạng.
Hôm 13/12, ông Tăng Quang (Zeng Guang), cựu trưởng nhóm các nhà khoa học của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (China CDC), nói với tờ The Paper rằng, cơn bão dịch bệnh đến quá nhanh, có không ít nhân viên y tế đã bị nhiễm bệnh. Tại thủ đô Bắc Kinh, để các bệnh viện có thể hoạt động bình thường, thành phố đã yêu cầu các nhân viên y tế bị nhiễm Covid mức độ nhẹ hoặc nhiễm bệnh không triệu chứng tiếp tục làm việc, lúc này giống như tình trạng “bị thương nhẹ vẫn phải ra mặt trận” trong thời chiến tranh.
Theo The Epoch Times tiếng Hoa
Đông Phương biên dịch
Mỹ công bố 2,5 tỷ USD viện trợ lương thực cho châu Phi
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hôm thứ Năm (15/12) đã công bố hàng tỷ đô la viện trợ nhân đạo bổ sung để giải quyết tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng ở châu Phi, nơi đang đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực lớn hơn và phức tạp hơn bao giờ hết, theo Reuters đưa tin.
Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố rằng Hoa Kỳ đã cam kết bổ sung 2,5 tỷ đô la hỗ trợ khẩn cấp lương thực từ trung hạn đến dài hạn cho các hệ thống cung ứng và hệ thống cung cấp lương thực ổn định của châu Phi.
“Chúng ta đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, và không nơi nào cảm thấy khủng hoảng này nghiêm trọng hơn ở lục địa châu Phi,” ông Biden nói vào ngày cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh kéo dài 3 ngày ở Washington với các nhà lãnh đạo châu Phi từ 49 quốc gia và Liên minh châu Phi.
“Ngày nay, nạn đói một lần nữa rình rập vùng Đông Bắc châu Phi. Giá lương thực cao và các rào cản thương mại cao đang gây thiệt hại cho cuộc sống và sinh kế của hàng triệu người trên khắp lục địa.”
Tình trạng thiếu lương thực đã trở nên tồi tệ hơn ở phần lớn châu Phi trong những năm gần đây, do xung đột vũ trang kéo dài và tác động của biến đổi khí hậu, dẫn đến hạn hán kéo dài ở một số khu vực và lũ lụt phá hoại mùa màng ở những khu vực khác.
Nhưng tình hình đã trở nên trầm trọng hơn do suy thoái kinh tế vì đại dịch gây ra, mức nợ gia tăng và gần đây là hậu quả từ cuộc xâm lược Ukraine của Nga, nguyên nhân một phần khiến giá lương thực, nhiên liệu và phân bón tăng vọt.
Hoa Kỳ và Liên minh châu Phi hôm thứ Năm cũng công bố quan hệ đối tác chiến lược để đẩy nhanh công việc hướng tới an ninh lương thực trong khu vực và đặt ra một số mục tiêu, theo một tuyên bố riêng từ Nhà Trắng.
Các mục tiêu ngắn hạn của quan hệ đối tác bao gồm xác định các phương tiện để Châu Phi đảm bảo nguồn cung cấp ngũ cốc và phân bón đa dạng và linh hoạt hơn nhằm đáp ứng nhu cầu trước mắt của châu lục này và cung cấp hỗ trợ nhân đạo.
Trong số các mục tiêu trung và dài hạn là khám phá các cách để cải thiện khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu của châu Phi, tăng khả năng tiếp cận bền vững và đáng tin cậy đối với phân bón và đầu vào của chúng, đồng thời đa dạng hóa sản xuất hàng hóa nông nghiệp.
Thiên Đức, theo Reuters
Ủy ban 6/1 đề nghị Bộ Tư pháp truy tố ông Trump ba tội danh
Ủy ban 6/1 của Hạ viện liên bang Mỹ đang chuẩn bị bỏ phiếu thông qua văn bản đề nghị Bộ Tư pháp truy tố cựu Tổng thống Donald Trump ít nhất 3 tội danh liên quan đến vụ hỗn loạn tại Điện Capitol vào ngày 6/1/2021.
Politico dẫn hai nguồn tin biết về nội dung báo cáo của Ủy ban 6/1 đưa tin rằng tài liệu đề nghị truy tố ông Trump sẽ được công bố trong cuộc họp vào chiều thứ Hai 19/12 (giờ Mỹ).
Bài báo của Politico cho biết nội dung báo cáo nêu trên “phản ánh một số khuyến nghị từ tiểu ban chịu trách nhiệm đánh giá các giới thiệu truy tố hình sự tiềm tàng”.
Tiểu ban thuộc Ủy ban 6/1 đề nghị Bộ Tư pháp truy tố ông Trump ba tội danh: nổi dậy, cản trở tiến trình chính thức và âm mưu lừa gạt chính phủ Mỹ. Politico cho biết họ không rõ liệu ông Trump còn bị đề nghị truy tố thêm tội danh nào nữa không.
Ủy ban 6/1 tại Hạ viện do Đảng Dân chủ kiểm soát trong nhiều tháng qua đã đang điều tra các vụ việc xoay quanh vụ hỗn loạn tại Điện Capitol hôm 6/1/2021.
Ngoài ông Trump, thì cựu Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows, cựu Thị trưởng New York Rudy Giuliani, Công tố vên liên bang John Eastman và cựu quan chức Bộ Tư pháp Jeffrey Clark cũng đang bị Ủy ban 6/1 đề nghị truy tố.
Tuy nhiên, khuyến nghị của Ủy ban 6/1 không có tính ràng buộc và Bộ Tư pháp toàn quyền quyết định liệu có theo đuội việc truy tố ông Trump và các cựu quan chức dưới quyền ông hay không.
Về phần mình, ông Trump nhiều lần tuyên bố công khai ông không làm gì sai và lên án cuộc điều tra của Ủy ban 6/1 là “săn phù thủy”, là nỗ lực bôi nhọ ông nhằm chặn ông tái tranh cử vào năm 2024. Cựu tổng thống cũng khẳng định ông tin cuộc bầu cử 2020 là gian lận
Tháng trước, sau khi ông Trump chính thức tuyên bố phát động chiến dịch tái tranh cử tổng thống Mỹ năm 2024, Tổng Chưởng lý Merrick Garland đã chỉ định ông Jack Smith làm Biện lý Đặc biệt chỉ đạo các cuộc điều tra của Bộ Tư pháp về việc có thể ông Trump dính líu đến vụ hỗn loạn Điện Capitol, và nỗ lực lật ngược cuộc bầu cử 2020, cũng như lưu giữ trái phép tài liệu mật tại dinh thự Mar-a-Lago, Florida.
Xuân Thành
Ông Medvedev nói các quốc gia NATO có thể là ‘mục tiêu quân sự hợp pháp’
Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev hôm thứ Sáu gợi ý rằng các thành viên của liên minh quân sự NATO đang cung cấp hỗ trợ cho Ukraine có thể là “mục tiêu quân sự hợp pháp”.
Trong một tuyên bố dài trên kênh Telegram của mình, ông Medvedev, phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, đã đặt câu hỏi liệu việc các quốc gia NATO cung cấp vũ khí cho Ukraine có thể được coi là một cuộc tấn công vào đất nước của ông hay không.
“Ngày nay… câu hỏi chính là liệu cuộc chiến hỗn hợp trên thực tế mà NATO tuyên bố ở đất nước chúng ta có thể được coi là sự tham gia của liên minh vào cuộc chiến với Nga hay không? Có thể coi việc cung cấp một lượng lớn vũ khí cho Ukraine là một cuộc tấn công vào Nga hay không?” ông viết.
“Các nhà lãnh đạo của các quốc gia NATO liên tục nhất trí tuyên bố rằng các quốc gia của họ và toàn bộ khối không có chiến tranh với Nga. Tuy nhiên, mọi người đều nhận thức rõ rằng đây không phải là trường hợp này,” ông Medvedev tiếp tục.
Ông lưu ý rằng về vấn đề này, câu hỏi đặt ra là liệu các đồng minh NATO có phải là mục tiêu quân sự hợp pháp hay không.
Theo “các quy tắc chiến tranh được đặt tên”, ông nói, lực lượng vũ trang của các quốc gia khác đã chính thức tham chiến, là đồng minh của quốc gia kẻ thù và các vật thể nằm trên lãnh thổ của họ được coi là mục tiêu quân sự hợp pháp.
Ông Medvedev cho biết các mục tiêu quân sự hợp pháp khác bao gồm giới lãnh đạo quân sự – chính trị của quốc gia kẻ thù và bất kỳ quân địch nào.
Ông cho biết điều này bao gồm bất kỳ thiết bị quân sự và phụ trợ nào của kẻ thù, bất kỳ đối tượng nào liên quan đến cơ sở hạ tầng quân sự cũng như cơ sở hạ tầng dân sự tạo điều kiện đạt được các mục tiêu quân sự (cầu, trạm vận chuyển, đường xá, cơ sở năng lượng, nhà máy và xưởng ít nhất đáp ứng một phần nhiệm vụ quân sự v.v.).
Điện Kremlin đã nhiều lần cáo buộc các đồng minh NATO tham gia vào cuộc xung đột bằng cách gửi vũ khí cho Ukraine, huấn luyện quân đội và hỗ trợ tình báo quân sự.
Tháng trước, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken tuyên bố rằng Hoa Kỳ cùng với các đồng minh NATO đã cung cấp hơn 40 tỷ USD hỗ trợ quân sự cho Ukraine kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu vào ngày 24/2.
Hôm thứ Năm, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã đưa ra cảnh báo tới Hoa Kỳ về đề xuất chuyển giao hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot cho Ukraine.
Bà cảnh báo rằng khả năng Washington chuyển giao hệ thống cho Kyiv có thể làm leo thang xung đột.
Bà Zakharova cho biết Washington đang yêu cầu các thành viên NATO đóng góp đáng kể hơn vào quá trình quân sự hóa Ukraine, đồng thời cho biết thêm rằng tất cả vũ khí do các quốc gia phương Tây cung cấp cho Ukraine sẽ trở thành mục tiêu của Nga.
Lê Vy (theo Newsweek)
Citibank đóng cửa kinh doanh ngân hàng cá nhân tại Trung Quốc Đại Lục
Citibank đã đưa ra thông báo trên trang web chính thức của mình vào ngày 15/12, nêu rõ rằng công việc đóng cửa hoạt động kinh doanh ngân hàng cá nhân của Citibank China đã chính thức khởi động.
Trước đó vào tháng 4/2021, Citibank đã chính thức công bố sẽ tái cấu trúc mảng ngân hàng cá nhân toàn cầu, với mục tiêu tập trung nguồn lực và đầu tư vào các mảng kinh doanh có lợi thế cạnh tranh và kinh tế quy mô.
Bối cảnh của thông báo này là Citibank dự định rút khỏi mảng kinh doanh tài chính cá nhân tại 13 thị trường bao gồm châu Á và châu Đại Dương, bao gồm cả Trung Quốc Đại Lục và Đài Loan. Sau đó, hoạt động kinh doanh tài chính cá nhân toàn cầu của công ty chỉ hoạt động ở Singapore, Hồng Kông, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và London. Việc đóng mảng kinh doanh ngân hàng cá nhân của Citibank China bao gồm tất cả các hoạt động kinh doanh thẻ ngân hàng, vay thế chấp, cho vay cá nhân, tiền gửi, đầu tư, bảo hiểm và kinh doanh ngoại hối.
Thông báo nêu rõ trong quá trình đóng cửa hoạt động kinh doanh một cách có trật tự, Citibank sẽ hỗ trợ khách hàng chuyển tiền gửi và các sản phẩm (mà khách hàng sở hữu) một cách có trật tự; từng bước chấm dứt hoạt động kinh doanh thẻ tín dụng và tiếp tục thu hồi nợ thẻ tín dụng theo quy định của hợp đồng. Quá trình này sẽ căn cứ vào thời điểm Citibank gửi thông báo cho khách hàng, sau đó tài khoản sẽ bị đóng, còn hiện tại thẻ vẫn sử dụng bình thường và không bị ảnh hưởng.
Theo trang web chính thức của Citibank, lịch sử của Citibank tại Trung Quốc có thể bắt nguồn từ tháng 5/1902 và đây là ngân hàng Mỹ đầu tiên mở tại Trung Quốc. Vào tháng 4/2007, Citibank là một trong những công ty quốc tế đầu tiên đăng ký làm ngân hàng doanh nghiệp địa phương. Citibank (China) Co., Ltd. thuộc sở hữu hoàn toàn của Citibank Inc. của Mỹ. Hiện tại, Citibank China có chi nhánh tại 12 thành phố ở Trung Quốc (Bắc Kinh, Trường Sa, Thành Đô, Trùng Khánh, Đại Liên, Quảng Châu, Quý Dương, Hàng Châu, Nam Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến và Thiên Tân). Báo cáo thường niên năm 2021 của Citibank China cho thấy doanh thu năm 2021 của công ty là 5,445 tỷ nhân dân tệ, lợi nhuận ròng là 1,801 tỷ nhân dân tệ và số lượng nhân viên là 2.945 người.
Có vẻ như ngay cả những ngân hàng lớn của Mỹ như Citibank cũng đang gặp khó khăn trước áp lực của tình trạng thị trường hỗn loạn và môi trường lãi suất cao.
Vũ Chân, Vision Times