Tác giả Petr Svab
Theo cơ quan dự báo kinh tế ITR Economics, ngành công nghiệp Mỹ sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm tới, rồi rơi vào một cuộc suy thoái vào năm sau.
Ông Patrick Luce, một kinh tế gia của ITR, nói với The Epoch Times rằng, “Chúng tôi vẫn dự đoán chu kỳ tăng trưởng sẽ chậm lại nhiều hơn vào năm 2023, nhưng giờ đây lần hạ cánh mềm ban đầu mà chúng tôi dự đoán vào khoảng cuối năm 2023 có vẻ như sẽ chuyển thành hạ cánh cứng vào năm 2024.”
Một chỉ số quan trọng khiến ITR thay đổi dự báo nói trên là sự đảo ngược của lãi suất công khố phiếu.
Hồi tháng Bảy, lợi suất công khố phiếu 10 năm giảm xuống dưới mức 2 năm và mức chênh lệch đảo ngược này đã tăng lên kể từ đó. Sự đảo ngược như thế báo hiệu rằng các nhà đầu tư cảnh giác với tình hình kinh tế trong vài năm tới và trong quá khứ điều đó thường có xu hướng xảy ra từ 12 đến 18 tháng trước khi xảy ra một cuộc suy thoái.
Ông Luce cho rằng triển vọng ảm đạm này là do việc Cục Dự trữ Liên bang tăng mạnh lãi suất trong năm nay, từ gần như bằng 0 hồi tháng Ba lên mức hơn 4% như hiện nay.
Ông nói: “Năm nay chúng ta thấy rằng Fed đẩy mạnh lãi suất lên quá nhanh.”
Chủ tịch Fed Jerome Powell đã nói trong nhiều tháng rằng lãi suất cần phải duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn để chế ngự lạm phát.
Lạm phát đã leo thang từ dưới 2% hồi đầu năm 2021 lên hơn 9% hồi tháng Sáu. Kể từ đó, lạm phát đã giảm xuống mức 7.1% trong tháng Mười Một.
Sự gia tăng này được cho là do một số yếu tố, chủ yếu là do mức chi tiêu rất lớn của chính phủ trong đại dịch COVID-19, cũng như những gián đoạn chuỗi cung ứng do các biện pháp phong tỏa được thực hiện để đối phó với đại dịch.
Ông Luce cho biết sự kết hợp của hai yếu tố này đã “làm tắc nghẽn hệ thống.”
Chính sách hạn chế năng lượng trong nước của chính phủ Tổng thống Biden và cuộc chiến ở Ukraine là các vấn đề khác mà một số chuyên gia cho là ảnh hưởng đến lạm phát giá cả.
Ông Powell đã nhấn mạnh rằng Fed có ít quyền lực đối với phía cung của nền kinh tế, nhưng ông có thể cố gắng thu hẹp khoảng cách giữa sản xuất và tiêu dùng bằng cách điều chỉnh phía nhu cầu.
Vấn đề ở đây là, vào thời điểm Fed cho rằng lạm phát đã được kiểm soát, thì có thể họ đã thắt chặt chính sách tiền tệ quá mức rồi.
“Những tác động này không xảy ra trong một sớm một chiều,” ông Luce nói. “Chúng cần thời gian để phát tác về mặt kinh tế vĩ mô, ở phạm vi rộng hơn.”
Hiệu ứng trễ kéo theo
Trong phân tích của mình, ITR ví nền kinh tế như một đoàn tàu hỏa. Những toa xe phía trước nhìn thấy tác động của những gì sắp xảy ra trước tiên, trong khi những toa xe phía sau đang phản ứng chậm hơn với các xu hướng đang diễn ra trong nền kinh tế.
Ông Luce nói: “Khu vực tài chính dẫn dắt nền kinh tế. Thị trường nhà ở, cụ thể là loại hình nhà đơn lập, dẫn dắt nền kinh tế.”
Sau đó đến các chỉ số như đơn đặt hàng mới và sản xuất công nghiệp. Tiếp đến nữa là mậu dịch bán sỉ và sau đó là bán lẻ. Ông Luce chỉ ra rằng ở cuối đoàn tàu là giá tiêu dùng, và đây chính xác là chỉ số mà Fed đang cố gắng tác động.
Ông lưu ý rằng trong lĩnh vực nhà ở, cuộc suy thoái sắp tới là điều đương nhiên sẽ xảy ra.
Lãi suất cao hơn lập tức làm giảm hoạt động cho vay, sau đó hoạt động cho vay nhanh chóng gây tác động đến lĩnh vực nhà ở, vốn là lĩnh vực nhạy cảm với các biến động về lãi suất vay nợ mua nhà.
Hồi tháng Mười, việc cấp giấy phép nhà ở đã giảm khoảng 11% so với cùng thời kỳ năm ngoái, khiến ITR nhận định lĩnh vực này đã suy thoái.
Ông Luce nói: “Sự sụt giảm đó đã bắt đầu rồi.”
“Chúng tôi dự đoán điều đó sẽ tiếp tục xảy ra trong suốt năm tới và thậm chí sang cả quý đầu tiên của năm 2024.”
Tuy nhiên, ông hy vọng rằng lĩnh vực nhà ở sẽ không sụt giảm liên tục như trong cuộc Đại Suy thoái năm 2008.
Ông nói: “Hàng tồn kho ngày nay thấp hơn nhiều so với hồi năm 2005–2006 khi chúng dẫn đến cuộc Đại Suy thoái.”
Trong khi đó, tỷ lệ nhà sở hữu để trống thấp, còn tỷ lệ nhà sở hữu không để trống cao, và mọi người dường như vẫn có đủ thu nhập để trả các khoản vay mua nhà của họ.
Ông Luce cho biết, “Khả năng thanh toán nợ của người tiêu dùng ngay lúc này và khả năng thanh toán nợ của gia đình ngay lúc này là rất vững.”
Yếu tố đang gây áp lực lên lĩnh vực nhà ở là giá quá cao.
ITR đang kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất lên khoảng 5% và sau đó dừng việc tăng lãi suất vào khoảng tháng Ba đến tháng Năm năm sau.
Ông Luce nói: “Khi lãi suất quỹ liên bang đạt đến đỉnh điểm và nếu họ bắt đầu hạ lãi suất xuống, thì điều đó cũng sẽ giúp giảm bớt tình trạng [áp lực] về khả năng chi trả hiện nay trong thị trường nhà ở.”
Ông lưu ý rằng thị trường nhà ở đặc biệt phụ thuộc vào tính địa phương, có nghĩa là một số khu vực có thể sẽ chứng kiến sự sụp đổ lớn trong khi có thể đó chỉ là sự sụt giảm ở những khu vực khác.
Suy thoái trong lĩnh vực công nghệ
ITR dự đoán rằng công nghệ là một lĩnh vực khác sẽ chứng kiến suy thoái kinh tế đến sớm.
Ông Luce cho biết ngành này đã bị “kích thích theo xu hướng” trong thời kỳ đại dịch và do đó “dễ bị ảnh hưởng bởi sự thoái trào hơn trong thời kỳ hậu COVID.”
ITR dự kiến, phần còn lại của nền kinh tế có thể sẽ chìm vào một cuộc suy thoái vào đầu năm 2024, mặc dù tương đối nhẹ.
Ông Luce cho biết, từ góc độ GDP, cuộc suy thoái này có thể giống với cuộc suy thoái “đi ngang rồi bật tăng trở lại” trong những năm 2000–2001.
Từ góc độ sản xuất công nghiệp, cuộc suy thoái này cũng sẽ gần giống cuộc suy thoái vào cuối những năm 1960 hoặc đầu những năm 1990.
Ông nói: “Chắc chắn là nhẹ hơn so với những gì chúng ta thấy trong cuộc Đại Suy thoái.”
Ông giải thích rằng cuộc suy thoái kinh tế này sẽ không gây ra giảm phát, mà đúng hơn là “một sự tạm dừng” của lạm phát.
Trong phần còn lại của thập niên này, ITR dự kiến lạm phát sẽ tiếp tục tăng cao. Một mặt, người Mỹ đang già đi tính theo tuổi trung bình, điều đó có nghĩa là lực lượng lao động bị thu hẹp và áp lực tăng lương. Ngoài ra, trong thời kỳ đại dịch, nhiều người làm việc dù đã đến tuổi về hưu đã bỏ việc và dường như họ không quay trở lại.
Ông Luce nói: “Khi tôi xem xét tỷ lệ tham gia lực lượng lao động, phần lớn nhân khẩu học đang quay trở lại xu hướng, nhưng đặc biệt là những người trên 65 tuổi chưa quay trở lại tỷ lệ tham gia đó từ thời đại dịch COVID.”
Hơn nữa, đại dịch và những tai ương do các đợt phong tỏa đã thúc đẩy một “xu hướng nội địa hóa” của các công ty giảm sự phụ thuộc vào các nguồn cung cấp từ ngoại quốc và đưa hoạt động sản xuất về Hoa Kỳ. Điều đó cũng thúc đẩy nhu cầu lao động trong nước.
Việc chuyển hướng sang mức hàng tồn kho cao hơn để khắc phục tình trạng gián đoạn nguồn cung tiềm ẩn cũng gây ra lạm phát vì điều này hủy hoại một phần năng suất vốn.
Ông Luce nói, “Những xu hướng đó là có thật và chúng ta đang cảm nhận được chúng.”
Ông cho biết nếu Fed khăng khăng giữ nhiệm vụ giữ lạm phát quanh mức 2%, thì họ có thể gặp phải các yếu tố “về mặt cấu trúc” “tạo ra nhiều áp lực lạm phát hơn mức 2% đó.”
Ông Luce cho hay dự báo ITR giả định rằng thị trường việc làm sẽ vẫn “đủ mạnh để trợ giúp tăng trưởng thu nhập thực tế đang diễn ra” và giá lương thực sẽ “ở mức vừa phải hoặc giảm xuống.”
Một lưu ý khác là ITR đưa ra các dự báo dựa trên các lực lượng thị trường — họ không cố gắng đoán xem chính phủ có thể làm gì, chẳng hạn như để ứng phó với suy thoái kinh tế.
Petr Svab là một phóng viên chuyên đưa tin về New York. Trước đây, ông từng đưa tin về các chủ đề quốc gia bao gồm chính trị, kinh tế, giáo dục và việc thực thi pháp luật.
Vân Du biên dịch