Quân đội Nga công bố kế hoạch mở rộng, thành lập các đơn vị mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin có bài phát biểu trong buổi lễ chính thức sáp nhập bốn khu vực của Ukraine mà quân đội Nga đang chiếm đóng, tại Điện Kremlin ở Moscow, Nga, vào ngày 30/09/2022. (Ảnh: Grigory Sysoyev/Sputnik/AFP qua Getty Images)

Hôm thứ Tư (21/12), Nga đã công bố một kế hoạch đầy tham vọng nhằm tăng cường quân số trong nước từ 1 triệu lên 1,5 triệu và tiến tới thành lập thêm nhiều đơn vị mới để phục vụ cho nỗ lực chiến tranh tại chiến trường Ukraine.

Người đứng đầu quân đội Nga đã trích dẫn các kế hoạch kết nạp Phần Lan và Thụy Điển của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) như một nhân tố để Nga mở rộng lực lượng. Dưới đây là sơ lược về các kế hoạch quân sự của Moscow.

Cú hích cho một lực lượng lớn hơn

Hôm 21/12, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố rằng, nước này cần một lực lượng 1,5 triệu người “để đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ đảm bảo an ninh của Nga”. Ông không nói khi nào quân đội Nga sẽ đạt đến quy mô đó.

Quân đội Nga hiện có khoảng 1 triệu binh sĩ, ít hơn nhiều so với lực lượng của Trung Quốc là 2 triệu và lực lượng của Mỹ là khoảng 1,4 triệu. Ấn Độ cũng có hơn 1,4 triệu binh sĩ.

Điện Kremlin ban đầu cho rằng quy mô quân đội của họ như vậy là đủ lớn. Tuy nhiên, các tính toán của Moscow đã thay đổi sau khi tham vọng giành chiến thắng chớp nhoáng trước nước láng giềng bị sự kháng cự của Ukraine dập tắt.

Cả Nga và Ukraine đều giữ bí mật về thương vong trong cuộc xung đột. Lần cuối cùng quân đội Nga công bố thương vong trong cuộc chiến là vào tháng 9, khi họ tuyên bố có 5.937 binh sĩ thiệt mạng, mặc dù ước tính của phương Tây cao hơn đáng kể. Đầu tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Vương quốc Anh Ben Wallace nói rằng 100.000 binh sĩ Nga đã thiệt mạng, bị thương hoặc đào ngũ kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu.

Vào tháng 8, Tổng thống Nga Putin đã phê duyệt việc tăng quy mô quân đội Nga lên 1,15 triệu quân bắt đầu từ ngày 1/1/2023. Vào tháng 9, ông Putin chỉ đạo huy động 300.000 quân dự bị để tăng cường lực lượng ở chiến trường Ukraine. Con số này đã được tính vào quân số hiện giờ của Nga.

Trong khi ông Putin tuyên bố rằng không cần huy động thêm lực lượng, sắc lệnh huy động của ông lại không đặt mức giới hạn, điều này cho phép quân đội gọi thêm quân dự bị khi cần thiết. Sắc lệnh này cũng cấm các binh sĩ tình nguyện tự ý kết thúc hợp đồng

Việc huy động này nằm ngoài dự thảo thường lệ. Thông thường mỗi năm hai đợt, chính quyền chỉ được gọi 120.000 đến 140.000 nam giới nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc trong vòng một năm.

Tập trung vào lực lượng tình nguyện viên

Bộ Quốc phòng Nga cho biết, họ chủ yếu sử dụng các tình nguyện viên chứ không cần đến lính nghĩa vụ trong các hoạt động tác chiến. Trước khi tiến vào chiến trường Ukraine, quân đội Nga đã tuyển dụng khoảng 400.000 binh sĩ hợp đồng, trong đó có khoảng 150.000 lính thực địa.

Ông Shoigu cho biết, sau khi mở rộng quân đội Nga sẽ có thêm 695.000 binh sĩ hợp đồng tình nguyện, 521.000 người trong số họ sẽ gia nhập hàng ngũ vào cuối năm 2023.

Tất cả nam giới Nga từ 18 đến 27 tuổi đều phải phục vụ trong quân đội trong vòng một năm. Tuy nhiên, có không ít người đã lợi dụng quyền hoãn nhập ngũ do học đại học và miễn trừ y tế để trốn quân dịch. Ông Shoigu cho biết, độ tuổi nhập ngũ sẽ được thay đổi từ 21 đến 30, và các tân binh sẽ được lựa chọn giữa việc làm lính nghĩa vụ trong một năm hoặc ký hợp đồng làm tình nguyện viên với quân đội.

Ông Putin hứa rằng những người được huy động sẽ nhận được mức lương hàng tháng ít nhất là 195.000 rúp (khoảng 2.800 USD), cao hơn khoảng 5 lần so với mức lương trung bình của Nga. Một số chính quyền khu vực cũng hứa sẽ cung cấp thêm tiền thưởng.

Gia đình của những người lính thiệt mạng trong trận chiến ở Ukraine được hưởng nhiều khoản bồi thường do nhà nước quy định, tổng cộng có thể vượt quá 12 triệu rúp (hơn 170.000 USD).

Bất chấp các khoản thanh toán và các đặc quyền khác, lệnh động viên của ông Putin đã khiến hàng trăm nghìn người tháo chạy ra nước ngoài để tránh bị gọi nhập ngũ, và quân đội Nga đã phải vật lộn để mua đủ nguồn cung cấp cho những người bị bắt.

Tái cấu trúc quân đội

Ông Shoigu đã vạch ra kế hoạch thành lập các đơn vị quân đội và các nhóm lực lượng mới ở miền tây nước Nga, bao gồm cả một quân đoàn sẽ được triển khai đến khu vực tây bắc Karelia gần Phần Lan.

Các kế hoạch này đánh dấu sự quay trở lại của cấu trúc quân sự thời Liên Xô cũ, mà Nga đã từ bỏ trong các cuộc cải cách quân sự gần đây với việc thành lập các đơn vị nhỏ hơn, cơ động hơn.

Ông Shoigu tuyên bố rằng, các lữ đoàn bộ binh, lính dù và thủy quân lục chiến hiện có sẽ được sắp xếp thành các sư đoàn, những đơn vị lớn hơn mà Nga có trong quá khứ và Mỹ cùng một số đồng minh NATO vẫn có. Ông cũng thông báo rằng một số bộ phận mới sẽ được thành lập.

Là một phần của kế hoạch cải cách, một số đơn vị không quân sẽ được đặt dưới quyền của các nhóm lực lượng trên bộ nhằm tăng cường phối hợp giữa hai lực lượng này. Giới quan sát cho rằng, động thái này không đem lại hiệu quả trong cuộc chiến ở Ukraine.

Điền vào các khoảng trống năng lực

Trong bài phát biểu hôm 21/12 trước các quan chức quân sự cấp cao, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh rằng phải dùng những bài học kinh nghiệm trong cuộc chiến để hiện đại hóa lực lượng vũ trang nước này.

Ông đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường thông tin liên lạc và cải thiện chiến thuật pháo binh. Một số blogger quân sự người Nga than phiền rằng, sự phối hợp giữa các đơn vị thường rất kém trong khi các chỉ huy phải mất quá nhiều thời gian để chỉ định cũng như dọn sạch các mục tiêu cho các cuộc tấn công bằng pháo binh và tên lửa.

Ông Putin còn nhấn mạnh rằng phải mở rộng việc sử dụng máy bay không người lái, đồng thời nhấn mạnh rằng yếu tố này đã đóng một vai trò then chốt trong cuộc xung đột.

Tổng thống Nga hứa hẹn rằng, các ngành công nghiệp quân sự sẽ tăng cường sản xuất vũ khí mà không làm cạn kiệt nguồn lực của đất nước và gây tổn hại cho nền kinh tế.

Ưu tiên lực lượng hạt nhân

Ông Putin cũng tuyên bố sẽ đặc biệt nhấn mạnh vào việc hiện đại hóa các lực lượng hạt nhân của Nga. Ông mô tả đây là “sự đảm bảo chính cho chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước Nga, cũng như cân bằng chiến lược và cân bằng lực lượng toàn cầu”.

Ông cho biết tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat mới sẽ sớm được đưa vào sử dụng. Sarmat sẽ được dùng để thay thế các tên lửa đạn đạo cũ kỹ do Liên Xô chế tạo và là vũ khí cốt lõi của lực lượng hạt nhân Nga. Tổng thống Nga cũng ca ngợi Sarmat vì khả năng né tránh bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào.

Ông Putin nói thêm rằng, Nga sẽ triển khai thêm vũ khí siêu thanh, đồng thời nhấn mạnh rằng tàu chiến đầu tiên được trang bị tên lửa siêu thanh Zircon tối tân sẽ được hải quân Nga biên chế vào tháng tới.Theo The Epoch TimesThanh Hải biên dịch

Related posts