Khảo sát: Triển vọng việc làm và niềm tin thu nhập của Trung Quốc ở mức thấp kỷ lục

Tác giả Hannah Ng

Khảo sát: Triển vọng việc làm và niềm tin thu nhập của Trung Quốc ở mức thấp kỷ lục
Một nhân viên y tế chờ người dân lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm COVID-19 tại Thượng Hải hôm 19/12/2022. (Ảnh: Hector Retamal/AFP qua Getty Images)

Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy, khi suy thoái kinh tế ngày càng nghiêm trọng hơn trong năm nay, niềm tin của người dân Trung Quốc vào thị trường lao động, cùng tiền lương và ý định mua nhà của họ đều giảm mạnh xuống mức thấp kỷ lục.

Theo Bloomberg, chỉ số niềm tin việc làm của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, đại diện cho triển vọng việc làm của người dân nước này, đã giảm xuống 33.1 trong quý 4/2022, giảm từ mức 35.4 của quý trước.

Đây là con số thấp nhất kể từ khi dữ liệu bắt đầu được thu thập vào năm 2010. Số liệu dưới 50 biểu thị sự thu hẹp trong ngành.

Trong khi đó, Chỉ số Niềm tin Thu nhập — biểu thị triển vọng thu nhập trong ba tháng tới, đã giảm xuống 44.4 so với mức 47 trong quý 3.

Đây là con số thấp nhất kể từ năm 2001, theo khảo sát hàng quý với 20,000 người gửi tiền trên toàn quốc, được công bố hôm 27/12.

Kết quả khảo sát này là một trong những chỉ số đầu tiên về tâm lý kinh doanh tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau khi Trung Quốc bất ngờ nới lỏng các biện pháp ngăn chặn đại dịch nghiêm ngặt hôm 07/12, gây ra một làn sóng lây nhiễm COVID-19 vẫn đang trên đà gia tăng.

Niềm tin kinh doanh thấp kỷ lục

Tâm lý ảm đạm của người dân Trung Quốc xuất hiện khi khu vực tư nhân của nước này — nguồn tạo việc làm lớn nhất — liên tục bị cản trở vì hoạt động kinh doanh gián đoạn do các chính sách COVID-19 và những khó khăn về tài chính.

Các biện pháp hạn chế COVID nghiêm ngặt của Trung Quốc đã làm gián đoạn hoạt động kinh doanh và khiến hàng triệu người phải ở nhà trong nhiều tuần và đôi khi là hàng tháng.

Chỉ số niềm tin kinh doanh của Trung Quốc đã giảm xuống 48.1 trong tháng Mười Hai từ mức 51.8 trong tháng Mười Một, theo khảo sát của World Economics đối với các nhà quản lý bán hàng tại hơn 2,300 công ty, được thực hiện từ ngày 01 đến ngày 16/12.

Con số này là thấp nhất kể từ khi dữ liệu bắt đầu được ghi nhận vào năm 2013.

Nghiên cứu cho thấy chỉ số quản lý bán hàng của các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ đều giảm xuống dưới 50 trong tháng Mười Hai, cho thấy hoạt động công ty đã giảm đáng kể.

Nghiên cứu cho biết: “Tỷ lệ các công ty tuyên bố hiện đang bị COVID ảnh hưởng tiêu cực đã tăng lên một mức cao trong cuộc khảo sát, với hơn một nửa số người được hỏi hiện cho rằng hoạt động của họ đang bị tổn hại theo cách này hay cách khác.”

Bà Vương Đan (Dan Wang), nhà kinh tế trưởng tại Hang Seng Bank China, cho biết: “Nhiều doanh nghiệp nhỏ đã cạn kiệt khả năng thanh khoản, đặc biệt là các nhà hàng, phòng tập thể dục, khách sạn, và các dịch vụ thành phố khác.”

Niềm tin thị trường nhà ở giảm

Dữ liệu khảo sát cho thấy niềm tin của thị trường nhà ở cũng tiếp tục có xu hướng giảm trong quý cuối của năm 2022, bất chấp các biện pháp kích thích kinh tế của Bắc Kinh.

Chỉ 14% số người được hỏi trong cuộc khảo sát của ngân hàng trung ương dự đoán giá bất động sản sẽ tăng trong quý tiếp theo. Điều này thể hiện một mức thấp mới trong dữ liệu, được ghi nhận từ năm 2010.

Chỉ 16% số người được hỏi cho biết họ dự định mua bất động sản trong ba tháng tới, so với 17.1% trong quý trước. Theo nghiên cứu, gần 62% số người được hỏi, tăng từ mức 58%, cho biết họ đang tiết kiệm tiền nhiều hơn.

Khủng hoảng bất động sản đang diễn ra

Kỳ vọng thấp đối với thị trường bất động sản vẫn tiếp diễn bất chấp các biện pháp kích thích gần đây do Bắc Kinh đưa ra để thúc đẩy lĩnh vực này.

Trong lĩnh vực bất động sản, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đưa ra một loạt biện pháp nới lỏng chính sách để hỗ trợ các nhà phát triển.

Trong tháng Mười Một, sáu ngân hàng quốc doanh lớn nhất Trung Quốc đã cung cấp hơn 925 tỷ nhân dân tệ (130 tỷ USD) hỗ trợ tín dụng cho các nhà phát triển bất động sản. Hành động này là một nỗ lực nhằm ngăn chặn sự lây lan của các rắc rối tài chính, trong bối cảnh khủng hoảng thanh khoản tiếp tục diễn ra trong lĩnh vực bất động sản của đất nước. Công ty Vạn Khoa (China Vanke Co.), Midea Real Estate Holding, Công ty Bích Quế Viên (Country Garden Holdings), và Công ty Đất đai và Đầu tư ở Hải ngoại của Trung Quốc (China Overseas Land and Investment) là một vài trong số các nhà phát triển được hưởng lợi.

Hôm 24/11, ngân hàng trung ương Trung Quốc và cơ quan quản lý ngân hàng của nước này đã công bố một tài liệu chính sách chung, phác thảo các cách thức mà các tổ chức tài chính của nước này nên kỳ vọng vào các giao dịch bất động sản, bao gồm tỷ lệ trả trước và ranh giới lãi suất để hỗ trợ lĩnh vực bất động sản.

Tuy nhiên, những biện pháp hỗ trợ này khó có thể thay đổi quỹ đạo tiêu cực của thị trường bất động sản Trung Quốc.

Năm 2021, Trung Quốc chứng kiến ​​sự vỡ nợ của một số tên tuổi bất động sản lớn bao gồm Tập đoàn Hằng Đại (China Evergrande Group), Sunac China Holdings, và China Resources Land.

Các nhà phát triển Trung Quốc đã bỏ dở thi công hàng triệu đơn vị nhà ở bán trước do vấn đề thanh khoản. Do đó, nhiều ngân hàng Trung Quốc đang phải đối mặt với việc tạm dừng thanh toán thế chấp hoặc “đình công thế chấp” — xảy ra khi người mua nhà từ chối trả tiền thế chấp trừ khi các nhà phát triển tiếp tục xây dựng.

S&P Global ước tính rằng tiền thế chấp trị giá 2.4 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 355 tỷ USD) có thể có nguy cơ không được thanh toán. Con số đó chiếm khoảng 6.5% của tổng số khoản thế chấp chưa thanh toán.

Theo Bloomberg, cơ quan xếp hạng này cũng dự đoán rằng doanh số bán nhà ở Trung Quốc có thể giảm tới 33% trong năm nay trong bối cảnh đình công thế chấp, thu hẹp hơn nữa tính thanh khoản của các nhà phát triển đang gặp khó khăn và dẫn đến nhiều vụ vỡ nợ hơn.


Cô Hannah Ng là một phóng viên đưa tin về Hoa Kỳ và Trung Quốc. Cô có bằng thạc sĩ về kinh tế học quốc tế và phát triển tại Đại học Khoa học Ứng dụng Kinh tế và Kỹ thuật Berlin.

Vân Du biên dịch

Related posts