Mỹ: Lần đầu tiên sau 100 năm Hạ viện không bầu được Chủ tịch sau vòng bỏ phiếu đầu tiên
Hạ viện Mỹ đã không bầu ra được một Chủ tịch Hạ viện cho Quốc hội khóa 118 sau vòng bỏ phiếu đầu tiên. Lần gần nhất cần đến hơn 1 vòng bỏ phiếu để bầu ra Chủ tịch Hạ viện là từ năm 1923.
Trong ngày khai mạc Quốc hội khóa 118, Dân biểu Kevin McCarthy (Cộng hòa – tiểu bang California) — ứng cử viên của đảng Cộng hòa cho vị trí Chủ tịch Quốc hội khóa 118 — đã giành được 202 phiếu bầu sau vòng bỏ phiếu đầu tiên. Dân biểu Hakeem Jeffries (Dân chủ – tiểu bang New York) — ứng cử viên của đảng Dân chủ — đạt 211 phiếu.
Đảng Cộng hòa chiếm đa số tại Quốc hội khóa 118 với 222/435 ghế, trong khi đảng Dân chủ chiếm 213 ghế.
Quốc hội khóa 118 đã khai mạc vào 12:00 trưa 3/1/2023 theo giờ địa phương với 434 dân biểu có mặt (1 dân biểu thuộc đảng Dân chủ là Donald McEachin đã qua đời vào cuối tháng 11).
Để trở thành Chủ tịch Hạ viện, người được đề cử phải trải qua một cuộc bỏ phiếu bởi toàn bộ thành viên Hạ viện, bao gồm cả các dân biểu từ đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ.
Theo quy định hiện tại, để trở thành Chủ tịch Hạ viện, ứng cử viên phải đạt được đa số phiếu bầu từ những người bỏ phiếu cho một ứng cử viên cụ thể. Hạ viện sẽ tiếp tục bỏ phiếu lại cho đến khi một Chủ tịch được bầu ra.
Lần cuối cùng một cuộc bầu cử Chủ tịch Hạ viện phải trải qua hơn 1 vòng bỏ phiếu là vào năm 1923, khi Dân biểu Frederick Gillett (Cộng hòa – Bang Massachusetts) tái đắc cử sau vòng bỏ phiếu thứ 9. Trong số 14 cuộc bầu cử Chủ tịch Hạ viện cần đến nhiều vòng bỏ phiếu, 13 cuộc đã diễn ra vào thế kỷ 18 và 19, trước Nội chiến Mỹ.
Cao Dương
Nhật Bản điều máy bay giám sát hoạt động của tàu sân bay Trung Quốc
Nhật Bản cho biết trong hai tuần qua họ phải liên tiếp điều tàu chiến và máy bay các loại để giám sát tàu sân bay Liêu Ninh và năm tàu chiến của Trung Quốc tiến hành các cuộc diễn tập hải quân và không quân ở Thái Bình Dương, Reuters đưa tin.
Nhật Bản đã triển khai hoạt động giám sát này sau khi phát hiện một nhóm hải quân Trung Quốc, trong đó có các tàu khu trục tên lửa, đi qua hải phận giữa đảo chính Okinawa và đảo Miyakojima tiến vào Tây Thái Bình Dương từ Biển Hoa Đông hôm 16/12, theo tin tức từ thông cáo báo chí của Bộ Quốc phòng Nhật Bản.
Bộ này còn lưu ý, trước khi quay trở lại theo đường cũ hôm 1/1, nhóm hải quân Trung Quốc đã thực hiện hơn 300 lần cất cánh và hạ cánh của máy bay cánh cố định và máy bay trực thăng. Dù vậy, Bộ Quốc phòng không báo cáo bất kỳ sự xâm phạm nào vào hải phận hoặc không phận của Nhật Bản.
Tuy trước đây Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động tương tự, như cuộc tập trận vào tháng 5, nhưng đây là cuộc tập trận quân sự quy mô lớn mới nhất gần các đảo của Nhật Bản. Động thái này diễn ra vào thời điểm Nhật Bản tuyên bố sẽ tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng trong 5 năm tới nhằm ngăn chặn nếu xảy ra tình huống Trung Quốc sử dụng quân đội để thúc đẩy các yêu sách lãnh thổ trong khu vực, trong đó có cả việc chống đảo quốc láng giềng Đài Loan.
Nhật Bản cũng cho hay, họ đã phát hiện các chuyến bay của một máy bay không người lái WZ-7 của Trung Quốc gần Miyakojima hôm 1/1 và một lần nữa vào ngày 2/1. Đây lần đầu tiên họ phát hiện ra máy bay không người lái tầm cao trong khu vực này.
Thiên Đức (Theo Reuters)
70% dân số Thượng Hải có thể đã nhiễm COVID-19
Một bác sĩ cao cấp tại một trong những bệnh viện hàng đầu của Thượng Hải cho biết 70% dân số của siêu đô thị này có thể đã bị nhiễm COVID-19 trong thời điểm số ca nhiễm tăng đột biến ở Trung Quốc, truyền thông nhà nước đưa tin hôm thứ Ba (3/1).
Số ca nhiễm tăng mạnh sau khi các biện pháp hạn chế cứng rắn đột ngột được nới lỏng vào tháng trước, đã nhanh chóng khiến các bệnh viện và lò hỏa táng quá tải.
Chen Erzhen, phó chủ tịch tại Bệnh viện Ruijin và là thành viên của ban cố vấn chuyên gia về COVID-19 của Thượng Hải, ước tính rằng phần lớn trong số 25 triệu dân của thành phố có thể đã bị nhiễm bệnh.
“Bây giờ, sự lây lan của dịch bệnh ở Thượng Hải là rất rộng và nó có thể đã chạm tới 70% dân số, gấp 20 đến 30 lần (vào tháng 4 và tháng 5)”, ông nói với Dajiangdong Studio, một cơ quan ngôn luận của tờ Nhân dân Nhật báo.
Thượng Hải đã trải qua hai tháng phong tỏa mệt mỏi kể từ tháng 4, trong đó hơn 600.000 cư dân bị nhiễm bệnh và nhiều người bị đưa đến các trung tâm cách ly hàng loạt.
Nhưng giờ đây, biến thể Omicron đang lan tràn khắp thành phố và các chuyên gia dự đoán số ca lây nhiễm tại đây sẽ lên đến đỉnh điểm vào đầu năm 2023.
Tại các thành phố lớn khác, bao gồm Bắc Kinh, Thiên Tân, Trùng Khánh và Quảng Châu, các quan chức y tế Trung Quốc cho rằng làn sóng dịch đã lên đến đỉnh điểm.
Tại tỉnh Chiết Giang, các cơ quan kiểm soát dịch bệnh cho biết hôm thứ Ba rằng đã có một triệu ca nhiễm mới trong những ngày gần đây và tỉnh này đang bước vào giai đoạn cao điểm của COVID-19.
Ông Chen nói thêm rằng bệnh viện của ông ở Thượng Hải tiếp nhận 1.600 ca nhập viện cấp cứu mỗi ngày – gấp đôi con số trước khi các hạn chế được dỡ bỏ – với 80% trong số đó là bệnh nhân COVID-19.
“Hơn 100 xe cứu thương đến bệnh viện mỗi ngày,” ông nói, đồng thời cho biết thêm rằng khoảng một nửa số ca nhập viện khẩn cấp là những người trên 65 tuổi dễ bị tổn thương.
Tại bệnh viện Tongren ở trung tâm thành phố Thượng Hải, các bệnh nhân được chăm sóc y tế khẩn cấp ngay bên ngoài lối vào của cơ sở vốn đã quá tải, theo AFP. Tại các hành lang bệnh viện, hàng loạt bệnh nhân lớn tuổi nằm chen chúc trên những chiếc giường, một số được truyền tĩnh mạch, một số thở oxy.
Trung Quốc đang phải đối mặt với làn sóng virus tấn công vùng nông thôn nước này, khi hàng chục triệu người chuẩn bị trở về quê hương của họ cho kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài một tuần bắt đầu từ ngày 21 tháng 1.
Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình nhà nước CCTV hôm thứ Hai, quan chức của Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) Jiao Yahui thừa nhận rằng việc đối phó với đỉnh dịch dự kiến ở khu vực nông thôn sẽ là một “thách thức to lớn”.
Trong khi đó, hơn chục quốc gia đã áp đặt lệnh xét nghiệm COVID-19 đối với hành khách đến từ Trung Quốc sau khi Bắc Kinh tuyên bố sẽ mở cửa biên giới trở lại từ ngày 8/1.
Các quốc gia cũng viện dẫn sự thiếu minh bạch của Bắc Kinh về dữ liệu lây nhiễm và nguy cơ xuất hiện các biến thể mới là lý do để hạn chế khách du lịch.
Lê Vy (theo AFP)
Seoul khẳng định đang đàm phán với Mỹ về các cuộc tập trận hạt nhân chung
Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc hôm thứ Ba (3/1) cho biết Seoul và Washington đang thảo luận về kế hoạch triển khai các cuộc tập trận chung liên quan đến vũ khí hạt nhân của Mỹ nhằm chống lại các mối đe dọa ngày càng tăng từ Triều Tiên, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết sẽ không có cuộc tập trận chung nào như vậy.
Tuyên bố từ phía Hàn Quốc được đưa ra sau khi ông Biden nói rằng Hoa Kỳ không thảo luận về các cuộc tập trận hạt nhân chung với Hàn Quốc. Tuyên bố của ông Biden dường như mâu thuẫn với những bình luận của Tổng thống Seoul Yoon Suk-yeol hồi đầu tuần.
Sau đó, văn phòng của ông Yoon cho biết hai đồng minh an ninh đang “đàm phán về chia sẻ thông tin, lập kế hoạch chung và các kế hoạch thực hiện chung liên quan đến hoạt động của các vũ khí hạt nhân của Mỹ nhằm đáp trả vũ khí hạt nhân của Triều Tiên”.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Chosun Ilbo đăng hôm thứ Hai, ông Yoon cho biết “chiếc ô hạt nhân” và “sự răn đe mở rộng” hiện có của Hoa Kỳ không còn đủ để trấn an người dân Hàn Quốc.
“Vũ khí hạt nhân thuộc về Mỹ, nhưng việc lập kế hoạch, chia sẻ thông tin, tập trận và huấn luyện phải do Hàn Quốc và Mỹ cùng thực hiện”, ông Yoon nói và cho biết thêm rằng Mỹ “khá tích cực” về ý tưởng này.
Vài giờ sau khi cuộc phỏng vấn đó được công bố, ông Biden đã trả lời một cách dứt khoát “không” trước câu hỏi liệu hai bên có đang xem xét các cuộc tập trận hạt nhân chung hay không.
Văn phòng của Yoon cho biết Tổng thống Mỹ “không còn lựa chọn nào khác ngoài việc trả lời ‘Không’ khi được hỏi trực tiếp … mà không có bất kỳ bối cảnh nào”.
Kim Eun-hye, phát ngôn viên của văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết: “Tập trận hạt nhân chung là một thuật ngữ chỉ được sử dụng bởi các cường quốc hạt nhân.”
Tuyên bố của Hàn Quốc được đưa ra sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un kêu gọi gia tăng “theo cấp số nhân” kho vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới của nước ông để chống lại điều mà nước này gọi là “sự thù địch của Mỹ và Hàn Quốc.”
Vào năm 2022, Triều Tiên đã tiến hành các cuộc thử nghiệm vũ khí gần như mỗi tháng bất chấp lệnh trừng phạt, bao gồm cả việc bắn ICBM tiên tiến nhất từ trước đến nay.
Dưới thời Tổng thống Yoon, Hàn Quốc đã tăng cường các cuộc tập trận quân sự chung với Hoa Kỳ, vốn đã bị thu hẹp quy mô trong đại dịch hoặc tạm dừng dưới thời người tiền nhiệm của ông.
Ngân Hà