Năm 2022 – Năm mà giấc mộng đế vương của ông Putin đã trở thành cơn ác mộng hủy diệt

Tác giả Austin Bay

Năm 2022 — Năm mà giấc mộng đế vương của ông Putin đã trở thành cơn ác mộng hủy diệt
Một quân nhân Ukraine đứng trên một chiếc xe tăng Nga bị phá hủy ở thành phố Trostyanets thuộc phía đông bắc Ukraine sau khi Ukraine tuyên bố rằng họ đã tái chiếm thành phố này, một trong những nơi đầu tiên nằm dưới sự kiểm soát của Moscow, hôm 29/03/2022. (Ảnh: Fadel Senna/AFP qua Getty Images)

Chúng ta biết tại sao ông Vladimir Putin muốn có Ukraine. Ngày xửa ngày xưa (gần đây nhất là vào cuối tháng Hai năm 2022), ông Vlad đã mơ một giấc mơ huy hoàng rằng vinh quang của đế quốc Nga sẽ được phục hồi.

Trong mộng tưởng vĩ đại của ông Vlad, kiến trúc sư, người chỉ huy, và công cụ sửa chữa cuộc đổ vỡ thời Liên Xô của Đế quốc Nga sẽ là… chính ông ta.

Theo ảo giác lớn lao, ái kỷ này, đế chế trong mơ của ông Vlad đã thực sự có những tính toán tư lợi và các thông số phần nào mang theo thông tin. Tôi chắc rằng ông đã đọc về các lý thuyết gia vĩ đại trong lịch sử, hoặc, vì ông từng là một nhân viên tình báo, nên chí ít cũng có một phụ tá cung cấp cho ông các gạch đầu dòng.

Có phải câu văn vừa rồi là một phát súng vào các sĩ quan tình báo có cái tôi to lớn? Quý vị cá rằng đúng là như thế. Hãy xét đến đủ mọi loại sĩ quan tình báo Hoa Kỳ mà đã gọi chiếc máy điện toán xách tay của ông Hunter Biden là thông tin giả. Sự lén lút thường đồng nghĩa với ám muội và điều này còn nhiều hơn gấp ba trong những cái gọi là các cộng đồng tình báo.

Dù sao đi nữa, điểm cốt lõi trong lý thuyết đã làm chỗ dựa cho mộng tưởng của ông Vlad là: Khôi phục lại dải quốc thổ đã mất, gia tăng dân số (ưu tiên cho người dân tộc Slav), mở rộng cơ sở tài nguyên về nông nghiệp và công nghiệp và, à, còn cả vũ khí hạt nhân nữa, và rồi — hãy ngước nhìn đi — vị thế siêu cường đã được khôi phục!

Đọc lên nghe gần giống một câu thần chú, phải không nào? X cộng với Y cộng với Z cộng với hạt nhân bằng SỨC MẠNH TO LỚN. Chà, tất cả những người theo chủ nghĩa Marx đều quá dễ dàng thuận theo những phương trình giả tạo và sự điên rồ không tưởng.

Tôi không phải là người mới trong việc nhận ra và phân tích mục tiêu của ông Vlad. Trong những ngày lễ Giáng Sinh, tôi đã nghe một người bạn hữu hảo nói với tôi rằng gần đây tờ New York Times đã giải thích cho anh ấy về giấc mơ Đại Nga của ông Putin. Tôi ngáp dài và bảo anh ấy hãy đọc chương Nga-Ukraine trong quyển sách “Cocktails From Hell” (tạm dịch: “Những Ly Cốc Tai Từ Địa Ngục”) mà Bombardier Books xuất bản năm 2018.

Điều cốt yếu ở đây là: ông Vlad muốn tạo ra khối RUBK. RUBK bao gồm Nga (Russia), Ukraine, Belarus, và Kazakhstan. Với nhân khẩu học và tài nguyên thiên nhiên của mình, RUBK có sức mạnh địa chiến lược để bảo đảm vị thế Cường Quốc toàn cầu.

Thuật ngữ RUBK xuất hiện trong một bài báo chuyên mục mà tôi đã viết cho Creators Syndicate hồi năm 2004. Đây là một trích đoạn từ bài báo chuyên mục đó: “Địa vị siêu cường đòi hỏi phải có tài chính, và một lượng dân số lớn (có thể tranh cãi về độ lớn, nhưng 200 triệu là một con số hợp lý). Các lợi ích kinh tế chung liên kết giữa Nga, Ukraine, Belarus, và Kazakhstan là một tiềm năng tích cực thời hậu Chiến Tranh Lạnh. Nga cần năng suất nông nghiệp to lớn của Ukraine.”

Bài viết chuyên mục đó đã lập luận rằng RUBK — phát âm là “rubik”, giống như trong trò chơi xếp hình Khối Rubik — là một hình thái Cường Quốc hợp lý.

Nạn đói năm 2022 mà cuộc chiến Ukraine đã gây ra ở vùng Phi Châu Hạ Sahara minh họa luận điểm về năng suất nông nghiệp — của cả Ukraine và Nga.

[Cuộc cách mạng Cam] năm 2004 lần trước đã mang đến suy nghĩ rằng: “Một Ukraine dân chủ có thể làm cho Nga những gì mà Ba Lan đã làm cho Ukraine — cung cấp một ví dụ kiểu ngay-kế-bên, quý-vị-cũng-có-thể-làm-được-mà về những lợi ích của việc tuân thủ pháp quyền và tự do hóa kinh tế. Rốt cuộc, một tổ chức khác — EU — mang lại ổn định và thịnh vượng hơn so với tất cả những gì một khối RUBK lạc hậu, độc tài, và tham nhũng có thể mang lại.”

Nhưng nếu người bạn hữu hảo kể trên nói đúng, thì tờ New York Times dường như đang bắt kịp những suy ngẫm dai dẳng có từ 18 năm trước.

Quay trở lại năm 2022. Vào giữa tháng Hai, Điện Kremlin đang tiến hành một cuộc chiến hỗn hợp bẩn thỉu, tồi tệ ở miền đông Ukraine, một cuộc chiến được bố trí để làm suy yếu ý chí của người dân Ukraine và phá hủy nền kinh tế của nước này. Nga đã tiến hành cuộc chiến đó từ năm 2014, sau khi chiếm Crimea.

Vậy tại sao ông Vlad lại chọn thời điểm cuối tháng Hai năm 2022 để biến cuộc chiến chậm chạp này thành chiến tranh quy mô lớn?

Tôi đoán nhé: Vlad Bạo Chúa vẫn còn đang bị ảo giác, và bầy tôi Đúng-Thưa-Ngài của ông ta đã nói với ông ta rằng một cuộc chiến chống lại Ukraine sẽ kéo dài nhiều nhất ba tuần là cùng.

Kiểu người “Đúng Thưa Ngài” này là một sai lầm trong mọi tổ chức, nhưng đặc biệt là ở các chế độ độc tài nơi thông tin bị bóp méo nhiều hơn so với thông tin mà đội kiểm duyệt Twitter trước thời ông Elon Musk từng làm. Hãy hiểu rằng nhiều bầy tôi Đúng-Thưa-Ngài của ông Vlad là những người được cho là các sĩ quan tình báo.

Nói là vậy, nhưng tôi cho rằng những người bên trong Điện Kremlin xem chính phủ Tổng thống Biden là yếu kém một cách nực cười. Có bằng chứng cho kết luận đó. Thất bại ở Afghanistan của ông Biden là một trong những hoạt động chính trị-quân sự vô năng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ và chắc chắn là thảm họa quốc tế tồi tệ nhất năm 2021. Ngoài ra, ban đầu Tổng thống Joe Biden đã ủng hộ đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream 2 và ông đã cắt giảm sản lượng dầu mỏ của Hoa Kỳ.

Sự thật dành cho các quan chức tình báo của ông Biden là: Doanh thu từ dầu khí đã mang lại cho Điện Kremlin tiền bạc để tiến hành chiến tranh và tái thiết đế chế Nga.

Cuộc chiến được cho là chỉ kéo dài nhiều nhất ba tuần này đang bước vào tháng thứ mười một. Ukraine đã chứng tỏ là một “quốc gia vũ trang” cổ điển có ý chí kháng cự. Các ví dụ khác về các quốc gia có ý chí chiến đấu là: Phần Lan, Israel, Nam Hàn, và có thể là Singapore. Nếu Đài Loan nâng cao cấp độ của mình, thì tôi sẽ thêm quốc gia này vào danh sách nói trên.

Khi năm 2022 chuyển mình thành năm 2023: quân đội Nga mất tinh thần, các nhà lãnh đạo Nga đã cạn kiệt ý tưởng và bất chấp những nhan đề “có cảm giác ôn hòa,” người Ukraine không có xu hướng tin vào các thỏa thuận hòa bình của Nga.

Quan điểm trong bài viết là của tác giả và không nhất định phản ánh quan điểm của The Epoch Times.

Austin Bay là Đại tá Lục quân Trừ bị Hoa Kỳ (đã về hưu), phóng viên trang chuyên đề tổng hợp, giảng viên chiến lược và lý luận chiến lược Phân hiệu Austin Đại học Texas. Cuốn sách mới nhất của ông là “Cocktails from Hell: Five Wars Shaping the 21st Century” (“Cocktail từ Địa Ngục: Năm Cuộc Chiến Định Hình Thế Kỷ 21”).

Thanh Nhã biên dịch

Related posts