Tác giả Tom Ozimek
Đại đa số các nhà kinh tế thuộc 23 tổ chức tài chính lớn được Wall Street Journal khảo sát dự đoán rằng Hoa Kỳ sẽ rơi vào vòng kìm kẹp của một cuộc suy thoái vào năm 2023 và hàng triệu người Mỹ sẽ mất việc làm.
Theo báo cáo này, hơn ⅔ trong số gần hai chục tổ chức — bao gồm các công ty thương mại và ngân hàng đầu tư có hoạt động kinh doanh trực tiếp với Cục Dự trữ Liên bang — dự đoán nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ suy giảm vào năm 2023.
Hai trong số 23 tổ chức này cho rằng cuộc suy thoái sẽ xảy ra muộn hơn — vào năm 2024 — trong khi năm tổ chức sau đây tin rằng Hoa Kỳ sẽ xoay sở để tránh hẳn được một cuộc suy thoái: Credit Suisse, Goldman Sachs, HSBC, JPMorgan Chase, và Morgan Stanley.
Những tổ chức dự đoán một cuộc suy thoái sắp tới cho rằng chi tiêu của người tiêu dùng sẽ yếu đi khi người Mỹ cạn kiệt tiền tiết kiệm và Fed tích cực đẩy chi phí đi vay lên cao, và khi các tiêu chuẩn cho vay của các ngân hàng trở nên chặt chẽ hơn.
Tỷ lệ lạm phát tăng vọt của Hoa Kỳ trong tháng 06/2022 đạt mức cao nhất gần đây với 9% tính theo kỳ hạn thường niên, như đã được đo lường bằng Chỉ số Giá Tiêu dùng (CPI), đã buộc Fed phải tăng lãi suất với tốc độ nhanh nhất kể từ những năm 1980 trong một nỗ lực tuyệt vọng để giảm bớt sức ép giá cả.
Việc tăng lãi suất mạnh mẽ cho đến nay chỉ có một tác động hạn chế, với dữ liệu CPI tháng Mười Một cho thấy lạm phát ở mức 7.1%.
Một thước đo lạm phát khác sử dụng phương pháp tương tự mà chính phủ Hoa Kỳ đã áp dụng để đo lường CPI trong những năm 1980 đưa ra con số lạm phát của tháng Mười Một ở mức cao hơn nhiều với 15.23%.
Mặc dù lạm phát đã giảm bớt phần nào so với mức cao nhất hồi tháng Sáu, nhưng vẫn còn xa mới đủ để Fed phanh lại lãi suất, vốn đã tăng nhanh từ mức gần bằng 0 khi bắt đầu đại dịch COVID lên phạm vi hiện tại trong khoảng từ 4.24–4.5%.
Thất vọng vì lạm phát vẫn ở mức cao bất chấp các đợt tăng lãi suất, các quan chức Fed đã cam kết tiếp tục tăng lãi suất và giữ ở mức cao cho đến khi lạm phát giảm xuống quanh mức mục tiêu 2% của cơ quan này, khi đo bằng chỉ số giá Chi tiêu Tiêu dùng Cá nhân (PCE) cốt lõi.
PCE cốt lõi, loại trừ các loại thực phẩm và năng lượng dễ biến động, đã đạt 4.7% trong tháng Mười Một, cao hơn gấp đôi mục tiêu của Fed.
Trong bản tóm tắt gần đây nhất về các dự báo kinh tế, các quan chức Fed cho biết họ dự kiến lãi suất cuối kỳ của quỹ Fed — có nghĩa là mức cao nhất trước khi chạm trần và sau đó giảm xuống — là 5.1%.
Theo Fed, lãi suất cao sẽ đẩy tỷ lệ thất nghiệp tăng từ mức 3.7% của hiện tại lên 4.6% vào năm 2023 và duy trì ở mức đó vào năm 2024.
Hầu hết các nhà kinh tế được Wall Street Journal khảo sát đều cho rằng tỷ lệ thất nghiệp sẽ còn tệ hơn và đạt đỉnh ở mức trên 5%.
Tỷ lệ thất nghiệp cao như vậy có nghĩa là hàng triệu người Mỹ sẽ mất việc làm.
Trong khi đó, một đánh giá về báo cáo triển vọng thị trường năm 2023 từ 10 ngân hàng đầu tư lớn của SMB Law Group cho thấy đa phần các ngân hàng đang nghiêng về tâm lý bi quan, với một trong số các ngân hàng (Ngân hàng Barclays) dự đoán rằng năm nay “sẽ là một năm dài vất vả.”
Goldman Sachs, được SMB đánh giá là “có xu hướng lạc quan” với điểm tâm lý là 6, dự đoán rằng Hoa Kỳ sẽ “suýt soát tránh khỏi suy thoái.”
JPMorgan, được coi là “lạc quan vừa phải” với 7 điểm trên thang đo tâm lý của SMB, đang gọi năm 2023 là một “năm tồi tệ đối với nền kinh tế” nhưng là một “năm tốt hơn cho thị trường”, với rủi ro “thấp” về “suy thoái sâu, do nhà đất gây ra theo kiểu từng trải qua trong năm 2008,” khi cuộc khủng hoảng thế chấp dưới chuẩn dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính rộng lớn hơn.
‘Điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến’
Trước năm 2020, lạm phát được coi là gần như đã được kiểm soát. Nhưng sau khi COVID-19 tấn công, khi chính phủ và Cục Dự trữ Liên bang bơm vào các doanh nghiệp và gia đình bị phong tỏa hàng ngàn tỷ dollar kích thích và hỗ trợ, kỷ nguyên lạm phát thấp đã dừng lại.
Mặc dù số tiền này giúp các doanh nghiệp giữ mức lương cho nhân viên và thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng, nhưng nó cũng dẫn đến lạm phát tăng vọt trong nhu cầu khi các chuỗi cung ứng không thể theo kịp do bị tê liệt bởi các hạn chế đại dịch.
Các nhà máy ngừng hoạt động không thể tăng sản lượng đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu tăng vọt, một động lực lạm phát trở nên tồi tệ hơn do tình trạng thiếu lao động khi nhiều người sắp về hưu vĩnh viễn rời bỏ lực lượng lao động trong bối cảnh đại dịch và khi các gói kích thích hào phóng ngăn cản những người khác tìm kiếm việc làm.
Lạm phát ở Hoa Kỳ, được đo bằng Chỉ số Giá Tiêu dùng (CPI), đã tăng vọt từ mức thấp nhất trong thời kỳ đại dịch là 0.24% hồi tháng 05/2020 lên mức cao nhất gần đây là 9% hồi tháng 06/2022.
Trước tình trạng lạm phát tăng vọt, các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đã tăng lãi suất nhằm hạ nhiệt nhu cầu và giảm áp lực giá cả, làm tăng nguy cơ suy thoái kinh tế.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết trong triển vọng kinh tế toàn cầu sáu tháng một lần mới nhất, được công bố hồi tháng Mười, rằng họ dự kiến lạm phát sẽ đạt đỉnh vào cuối năm 2022 nhưng cảnh báo rằng lạm phát sẽ “duy trì ở mức cao lâu hơn dự kiến trước đây.”
Cơ quan quốc tế này dự kiến lạm phát của Hoa Kỳ sẽ giảm từ 8.1% vào năm 2022 xuống còn 3.5% vào năm 2023, nhưng ở nhiều quốc gia khác, tỷ lệ này dự kiến sẽ cao hơn. Chẳng hạn, lạm phát ở các nền kinh tế phát triển ở Âu Châu vào năm 2023 được dự đoán là 6.2%, trong khi các nền kinh tế mới nổi ở Âu Châu dự kiến sẽ chứng kiến lạm phát ở mức khổng lồ 19.4%.
IMF cho biết trong báo cáo của mình rằng, mặc dù dự báo lạm phát nói chung sẽ thấp hơn vào năm 2023, nhưng tổ chức này dự kiến sẽ có nhiều tổn thất kinh tế hơn.
IMF cho biết trong báo cáo, “Hơn một phần ba nền kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm trong năm nay hoặc năm tới, trong khi ba nền kinh tế lớn nhất — Hoa Kỳ, Liên minh Âu Châu, và Trung Quốc — sẽ tiếp tục đình trệ.”
“Tóm lại, điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến và đối với nhiều người, năm 2023 sẽ giống như một cuộc suy thoái.”
Nhật Thăng biên dịch