Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang lên chức Phó thủ tướng
Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn, bổ nhiêm Bộ trưởng Bội Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà và Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang vào vị trí Phó Thủ tướng thay ông Vũ Đức Đam và Phạm Bình Minh trong nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Trong cuộc họp Quốc hội bất thường đầu năm 2023, sau khi Quốc hội Việt Nam phê chuẩn miễn nhiệm Phó Thủ tướng với ông Phạm Bình Minh và ông Vũ Đức Đam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trình Quốc hội phê chuẩn nhân sự thay thế.
Chiều ngày 5/1/2023, Quốc hội đã phê chuẩn và bổ nhiệm nhân sự thay thế vị trí Phó Thủ tướng theo đề xuất của Thủ tướng Chính phủ với ông Trần Hồng Hà và Trần Lưu Quang.
Ông Trần Hồng Hà, 59 tuổi, quê Hà Tĩnh, xuất thân từ kỹ sư công nghệ khai thác mỏ, và tiến sĩ tổ chức, quản lý, khai thác khoáng sản. Ông là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng khóa 11; Ủy viên Trung ương Đảng hai khóa 12, 13; Đại biểu Quốc hội khóa 14.
Hiện tại, ông Trần Hồng Hà là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ông có bằng tiến sĩ chuyên ngành khai thác Mỏ từ Trường Đại học Mỏ Moscow, Liên Xô năm 1989.
Trần Hồng Hà là con trai Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân Trần Văn Huỳnh. Trần Văn Huỳnh sinh năm 1934, quê ở xã Kim Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ông Trần Văn Huỳnh được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ – Địa chất năm 1976. Từ năm 1990 – 1995, Trần Văn Huỳnh làm Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga.
Khi làm tư lệnh ngành Tài nguyên Môi trường, sự kiện khiến ông được ghi nhớ nhiều nhất là xử lý khủng hoảng sự cố Formosa năm 2016. Sau sự cố hai tháng, ông cùng các cán bộ của mình xuống tắm biển và ăn hải sản ở vùng biển Formosa xả thải với mong muốn phát đi thông điệp rằng môi trường biển an toàn, theo Vnexpress. Sự kiện vấp phải nhiều bình luận trái chiều.
Nhân sự thứ hai cho chức Phó Thủ tướng ít người biết hơn, đó là Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang.
Ông Trần Lưu Quang 55 tuổi, quê ở thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, xuất thân từ thạc sĩ quản lý công, kỹ sư cơ khí. Ông là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng Khóa 11; Ủy viên Trung ương Đảng hai khóa 12, 13; Đại biểu Quốc hội hai khóa 14, 15. Tháng 12/2003, ông làm Phó ban Ban Quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu Mộc Bài, sau đó giữ cương vị Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tây Ninh.
Từ tháng 8/2008, ông giữ chức Chủ tịch UBND huyện, Bí thư huyện ủy Trảng Bàng, sau đó làm Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Tây Ninh. Ông làm Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh từ tháng 7/2015.
Tháng 2/2019, ông Quang giữ chức Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP. HCM, và được Bộ Chính trị điều động làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng từ tháng 5/2021.
Quang Nhật
Vụ ‘chuyến bay giải cứu’: Cựu đại sứ Việt Nam tại Malaysia bị bắt
Ông Trần Việt Thái bị bắt với cáo buộc “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Bộ Công an cho biết ngày 5/1, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra các quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối với Trần Việt Thái (SN 1974), cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia.
Cơ quan An ninh điều tra cũng quyết định khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Hoàng Linh (SN 1986), cựu cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia.
Cả hai bị can trên cùng bị khởi tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự.
Đây là diễn biến mới nhất trong quá trình mở rộng điều tra vụ án “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Môi giới hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Bộ Ngoại giao, Hà Nội và các tỉnh, thành phố, liên quan đến sai phạm tại vụ án chuyến bay giải cứu.
Trước đó, ngày 27/1/2022, Bộ Công an khởi tố bà Nguyễn Thị Hương Lan (Cục trưởng Cục Lãnh sự) và 3 thuộc cấp về tội Nhận hối lộ.
Qua hơn một năm điều tra, đến nay, nhà chức trách đã khởi tố, bắt tạm giam gần 40 bị can thuộc Bộ Ngoại giao, Vụ Quan hệ quốc tế, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Y tế, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, các công ty du lịch… về 5 tội danh.
Tại buổi họp báo của Bộ Công an chiều 30/6/2022, đại diện Cơ quan An ninh điều tra cho hay kết quả điều tra bước đầu chứng minh các bị can đã nhận hàng chục tỷ đồng và hàng trăm nghìn USD.
Tại buổi họp báo Chính phủ tối 3/1/2023, ông Tô Ân Xô (Chánh văn phòng kiêm Người phát ngôn Bộ Công an) cho biết tổng số tiền đã kê biên, phong tỏa và các bị can nộp khắc phục hậu quả là 80 tỷ đồng. Cơ quan chức năng dự kiến kết thúc việc điều tra vụ án này trong quý I/2023.
Phạm Toàn
3 cựu cán bộ Văn phòng Đoàn ĐBQH-HĐND Gia Lai lĩnh hơn 21 năm tù
Theo cáo trạng, 3 cựu cán bộ Văn phòng Đoàn ĐBQH-HĐND Gia Lai đã gây thất thoát gần 2,4 tỷ đồng.
Ngày 5/1, sau nhiều ngày nghị án, TAND tỉnh Gia Lai đã chính thức tuyên án đối với 3 bị cáo trong vụ án “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Văn phòng Đoàn ĐBQH – HĐND tỉnh Gia Lai. Phiên tòa sơ thẩm được mở từ ngày 23/12/2022.
HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thế Quang (SN 1956, cựu Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH – HĐND tỉnh Gia Lai) 10 năm tù giam; bị cáo Nguyễn Thị Lựu (SN 1967, cựu Phó chánh Văn phòng) 6 năm 6 tháng tù giam và Nguyễn Tôn Nữ Huyền Vi (SN 1990, Kế toán văn phòng) 5 năm tù giam, cùng về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
HĐXX cũng đề nghị cơ quan điều tra làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể Sở Tài chính do không phát hiện xử lý sai phạm, thẩm định dự toán không thống nhất qua các năm.
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Gia Lai, từ năm 2013 – 2016, với động cơ lấy ngân sách nhà nước để chi vào mục đích chung của đơn vị, 3 bị cáo trên đã lập dự toán kinh phí của cơ quan trùng dự toán kinh phí 7 biên chế của Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai (đã được Văn phòng Quốc hội cấp dự toán riêng) và được cấp tổng cộng gần 2,4 tỷ đồng. Số tiền này đã chi hết.
Về khắc phục hậu quả, bị cáo Nguyễn Thế Quang nộp hơn 1,1 tỷ đồng, bị cáo Nguyễn Thị Lựu nộp hơn 1,1 tỷ đồng và bị cáo Nguyễn Tôn Nữ Huyền Vi nộp 65 triệu đồng.
Đáng chú ý, trong vụ án này còn liên quan đến các cá nhân tại Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước tỉnh Gia Lai và những người đứng đầu HĐND tỉnh Gia Lai từ năm 2013- 2016.
Tuy nhiên, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Gia Lai không đề nghị xử lý trách nhiệm các cá nhân của những người này do “không thể biết hoặc đã áp dụng các biện pháp cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tham nhũng”.
Minh Long
Vụ khách Singapore ‘tố’ bị đòi tiền tip: Cục quản lý XNC đình chỉ nhân viên
Nhân viên xuất nhập cảnh bị du khách “tố” đòi tiền tip hiện đã bị Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ công an) đình chỉ công tác và phải làm bản tường trình sự việc.
Mặt sau của vé máy bay ghi chữ “tip” và hình ảnh nhân viên an ninh tại sân bay Nội Bài bị du khách Singapore chụp lại và đăng trên trang cá nhân. (Ảnh: Kugan Pillai/Facebook).
Theo Cục Quản lý xuất nhập cảnh, sau khi nhận được báo cáo của Công an cửa khẩu Nội Bài, đơn vị này đã chỉ đạo lực lượng chức năng xác minh vụ việc.
Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã có trao đổi với các bên liên quan cũng như du khách phản ánh sự việc, bước đầu đình chỉ công tác đối với nhân viên xuất nhập cảnh nói trên để điều tra.
Liên quan đến nội dung tường trình của cán bộ vừa bị đình chỉ, đại diện Cục Quản lý xuất nhập cảnh cho hay sự việc đang trong giai đoạn xác minh nên chưa cung cấp thêm thông tin.
Trước đó, ngày 2/1, tài khoản Facebook có tên Kugan Pillai đã đăng tải bài viết lên trang cá nhân, kể lại trải nghiệm bị nhân viên xuất nhập cảnh đòi tiền tip. Bài đăng được viết bằng tiếng Anh, dịch nghĩa như sau: “Tôi đang ở sân bay Hà Nội (Nội Bài) khởi hành đi Singapore hôm nay thì nhân viên xuất nhập cảnh đã viết chữ ‘tip’ lên vé máy bay của tôi. Anh ấy cầm hộ chiếu của tôi và yêu cầu điều đó. Tôi hỏi anh ấy để làm gì nhưng anh ấy cứ chỉ vào những gì mình viết.
Tôi không biết phải làm gì hoặc nhờ ai giúp đỡ và tôi cũng đang vội với chuyến bay của mình. Cuối cùng, tôi đã nhượng bộ anh ta bằng cách đưa 500.000 đồng. Tôi đã thông báo cho MFA (Bộ Ngoại giao của Singapore) về điều này. Tôi biết điều này có thể là bình thường ở các quốc gia khác nhưng tôi cảm thấy rằng mình bị bắt chẹt, nếu không đưa tiền, tôi sẽ không lấy lại được cuốn hộ chiếu đã được đóng dấu của mình”.
Cuối bài đăng, tài khoản này gắn thẻ các trang Facebook có tick xanh của Bộ Ngoại giao Singapore, Đại sứ quán Singapore tại Hà Nội và Tổng lãnh sự quán Singapore tại TP.HCM. Bài viết này được đăng 3 ngày trước và đến nay đã có 10.000 lượt chia sẻ, hơn 18.000 like.
Khánh Vy
Bình Dương: Bắt giữ nhóm nghi phạm mua bán người, ép bán dâm
Tin lời rao trên mạng làm “việc nhẹ, lương cao”, cô gái 16 tuổi ở TP.HCM sập bẫy nhóm mua bán người tại Bình Dương, bị bán với giá 12 triệu đồng, bị ép bán dâm, giam lỏng.
Một nhóm người tuổi từ 18-33 lừa bán cô gái 16 tuổi, khiến nạn nhân bị ép phải bán dâm. (Ảnh minh họa: 271 Eak Moto/Shutterstock)
Ngày 4/1, Công an TP. Thuận An (tỉnh Bình Dương) cho biết, đơn vị đang tạm giữ nhóm nghi phạm gồm 6 người để điều tra về hành vi Mua bán người và Giữ người trái pháp luật.
Trong đó, 4 nghi phạm bị điều tra về hành vi Mua bán người, gồm: Nguyễn Hoàng Dương (SN 2005, quê An Giang), Châu Thanh Kiệt (SN 2004, quê An Giang), Phan Vĩ Thái (SN 2005, quê Tiền Giang) và Trịnh Quang Nam (SN 1990, quê Bình Dương).
Hai nghi phạm còn lại là vợ chồng, bị điều tra về cả hành vi Mua bán người và Giữ người trái pháp luật, gồm: Võ Thị Diệu Em (SN 1997) và Mai Tuấn Vỹ (SN 1996, cùng quê An Giang).
Theo điều tra của cơ quan công an, để có tiền tiêu xài, ngày 22/12, Dương và một người tên Phong nói với Nguyễn Thị Thanh Thảo (SN 2003, quê An Giang) vào trang mạng xã hội, đăng tin tuyển nhân viên làm việc tại quán karaoke với mức lương cao để dụ dỗ các cô gái trẻ. Đọc được tin tuyển nhân viên, P.T.P.T. (SN 2006, ngụ TP. HCM) liên lạc, trao đổi với nhóm về công việc và đồng ý đi làm.
Tối cùng ngày, nhóm Thảo, Dương, Thái, Kiệt và Nam chạy ô tô đến đón em T. đưa đến một nhà nghỉ tại phường An Phú, TP. Thuận An. Sau đó, Phong và Thái lên mạng xã hội tìm các quán karaoke có nhu cầu tuyển nhân viên để bán người và làm giấy tờ giả cho em T.
Nhận được phản hồi, nhóm này chở T. đến khu phố Đông, phường Vĩnh Phú, TP. Thuận An bán cho vợ chồng Diệu Em và Tuấn Vỹ với giá 12 triệu đồng. Ngày 23 và 24/12, vợ chồng Vỹ đưa T. đến quán cà phê của mình tại huyện Hóc Môn (TP.HCM), ép bán dâm. Sau đó, em T. bị hai người này đưa về nhà ở phường Vĩnh Phú, TP. Thuận An (tỉnh Bình Dương), khóa cửa nhốt, không cho ra ngoài.
Thấy bị lừa, T. không đồng ý làm, xin về, bị Diệu Em bắt chuộc 12 triệu đồng mới thả người. Gia đình em T. đã trình báo sự việc đến Công an phường Vĩnh Phú.
Nhận tin báo, lực lượng công an đưa được em T. ra ngoài đồng thời mời các nghi phạm lên lấy lời khai.
Hiện ngoài 6 nghi phạm đang bị tạm giữ kể trên, còn một nhóm người liên quan đến đường dây này, hiện được cơ quan điều tra cho tại ngoại để tiếp tục điều tra.
Thạch Lam