Linh kiện quân sự Đài Loan được nhà sản xuất Thụy Sĩ gửi đến Trung Quốc để sửa chữa

Linh kiện quân sự Đài Loan được nhà sản xuất Thụy Sĩ gửi đến Trung Quốc để sửa chữa
Tàu hút cát của Trung Quốc nhìn từ đài quan sát ở Kim Môn, Đài Loan, hôm 24/9/2022. (Ảnh: Annabelle Chih/Getty Images)

Các linh kiện của hệ thống tên lửa Đài Loan đã được gửi đến Trung Quốc để sửa chữa vào tuần trước, làm dấy lên lo ngại về các lỗ hổng tiềm ẩn trong chuỗi cung ứng quốc phòng của hòn đảo này.

Một thành phần quang học được sử dụng trong hệ thống tên lửa siêu thanh Hùng Phong III (Hsiung Feng III) tiên tiến của Đài Loan đã được nhà sản xuất châu Âu gửi đến Trung Quốc để sửa chữa. Sau đó linh kiện này được gửi trở lại Đài Loan để lắp đặt vào các tên lửa này.

Viện Khoa học và Công nghệ Trung Sơn (NCSIST), nơi phát triển tên lửa, tuyên bố rằng, bộ phận này đã được chuyển đến Leica có trụ sở tại Thụy Sĩ, công ty ban đầu cung cấp linh kiện này, nhưng Leica sau đó đã gửi bộ phận này đến trung tâm bảo trì của công ty ở Thụy Sĩ ở Trung Quốc, theo đài BBC.

NCSIST đã tháo thẻ nhớ khỏi thành phần này trước khi gửi đến châu Âu, đồng thời tiến hành kiểm tra bảo mật thông tin trên thiết bị sau khi trả lại. Tuy nhiên, các quan chức nêu lên mối lo ngại về việc quản lý hợp đồng của quân đội sau vụ việc.

“Đài Loan phải nghiêm ngặt và cẩn thận hơn trong việc quản lý hợp đồng của mình”, ông Su Tzu-yun của NCSIST cho biết, theo đài BBC. “Tất nhiên, chúng tôi không muốn những thiết bị như vậy được gửi đến Trung Quốc để sửa chữa”.

Thành phần này là máy kinh vĩ, một loại dụng cụ chính xác được sử dụng để đo góc và mặt phẳng giữa hai điểm và hỗ trợ phóng tên lửa. Do đó, nếu các thẻ nhớ được để lại trong thành phần này, các công nhân Trung Quốc có thể đã có quyền truy cập vào thông tin về vị trí của tên lửa Đài Loan.

NCSIST tuyên bố rằng, họ đang tiến hành các bước để đảm bảo rằng, các thiết bị nhạy cảm sẽ không được gửi đến Trung Quốc đại lục để bảo trì trong tương lai.

Đây không phải là lần đầu tiên các vấn đề liên quan đến hệ thống tên lửa của Đài Loan gây lo ngại. Theo đài BBC, ba công nhân tại hai nhà cung cấp tên lửa của Đài Loan đã bị kết án tù lên tới 10 năm vì tìm nguồn cung ứng sản phẩm từ Trung Quốc mà họ cho là có xuất xứ từ Mỹ.

Gián điệp Trung Quốc tìm cách làm suy yếu và hủy diệt Đài Loan

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cáo buộc rằng, Đài Loan là một lãnh thổ ly khai và phải được thống nhất với đại lục bằng vũ lực nếu cần thiết. Lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ đã đe dọa phát động chiến tranh về vấn đề này và dẫn đầu một chiến dịch cưỡng chế, xâm nhập và đe dọa nhằm gây bất ổn cho chính quyền của hòn đảo.

Tuy nhiên, Đài Loan chưa bao giờ bị ĐCSTQ kiểm soát và là một nền dân chủ tự trị với nền kinh tế thị trường phát triển mạnh.

Bên cạnh đó, có những tác động an ninh quốc gia liên quan đến một thiết bị có thể lưu trữ dữ liệu quân sự nhạy cảm được gửi đến Trung Quốc để sửa chữa. Sự cố về thành phần tên lửa xảy ra trong bối cảnh lo ngại gia tăng về hoạt động gián điệp của ĐCSTQ trên khắp thế giới và cam kết rõ ràng của chế độ này trong việc chinh phục Đài Loan, cũng như chấm dứt nền độc lập trên thực tế của hòn đảo.

Hoạt động gián điệp của ĐCSTQ ở Đài Loan không có gì mới mẻ, và gần đây nhất là vào năm 2019, Cục An ninh Quốc gia Đài Loan ước tính rằng, ĐCSTQ đã cài đặt 5.000 gián điệp ở Đài Loan, trong đó có nhiều người đã thâm nhập vào quân đội.

Chỉ trong tuần này, các quan chức Đài Loan thông báo rằng, họ đã bắt giữ ba sĩ quan lực lượng không quân đang tại ngũ vì bị cáo buộc làm gián điệp cho ĐCSTQ.

Vào tháng 11/2022, Đài Loan đã bắt giữ một đại tá quân đội đã nhận hối lộ từ các đặc vụ của ĐCSTQ để đổi lấy việc ký cam kết đầu hàng Trung Quốc trong trường hợp xảy ra chiến tranh.

Vào tháng 6/2022, chính quyền Đài Loan đã bắt giữ hai sĩ quan cấp cao vì một kế hoạch tương tự nhằm mang lại lợi ích cho Quân ủy Trung ương của chế độ Trung Quốc.

Trước đó, có thông tin cho rằng giới lãnh đạo Đài Loan đã phát hiện và triệt phá một đường dây gián điệp đã thâm nhập vào các cấp cao nhất của bộ máy quốc phòng và an ninh, bao gồm cả chi tiết an ninh của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn.

Bà Thái tuyên bố rằng, Đài Loan sẽ bảo vệ quyền tự do và lối sống dân chủ của mình khỏi sự xâm lược của cộng sản nhưng khẳng định chính quyền hòn đảo cam kết tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho căng thẳng xuyên eo biển.

“Chiến tranh không bao giờ là một lựa chọn để giải quyết vấn đề”, bà Thái nói trong bài phát biểu ngày 1/1. “Chỉ bằng cách cùng nhau thúc đẩy sự phát triển ổn định trong khu vực thông qua đối thoại và hợp tác, chúng ta mới có thể mang lại an ninh và hạnh phúc cho nhiều người hơn”.

“Trách nhiệm chung của hai bên trên eo biển Đài Loan là duy trì sự ổn định trong khu vực”.

Theo The Epoch Times

Lam Giang biên dịch

Related posts