Tây An: Bệnh viện kín người, người già chết trên xe lăn khi đợi khám bệnh
Gần đây, khoa hô hấp của các bệnh viện lớn ở Tây An, thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây, không còn giường trống, khoa cấp cứu đối mặt với tình trạng tê liệt, người bệnh tự mang theo túi oxy, có người lớn tuổi qua đời khi ngồi trên xe lăn xếp hàng chờ khám bệnh.
Ngày 5/1, cư dân mạng tên “Baixing shuo” đã tung ra một đoạn video có nội dung: “Khoa cấp cứu ở Tây An đang đối mặt với tình trạng tê liệt! Bệnh nhân mang theo túi oxy của mình để khám chữa bệnh, giường bệnh che kín cửa nhà vệ sinh, người già qua đời khi đang ngồi trên xe lăn xếp hàng, nhiều người già đang nguy kịch, cảnh tượng thật khiến người ta không cầm được nước mắt”.
Người quay video cho biết, đoạn video này được quay cách đây vài ngày và tình hình hiện tại “nghiêm trọng hơn nhiều lần so với những gì trong video”. Từ cảnh quay video có thể thấy nhiều bệnh nhân đang chờ cấp cứu tại phòng cấp cứu của một bệnh viện, các lối đi cơ bản chật kín người, bệnh nhân nằm la liệt trên mặt đất, khắp nơi đều có bệnh nhân, “đa số là người cao tuổi”.
Người quay video cho biết virus Omicron lần này chủ yếu tấn công người già, “người 75 tuổi trở lên, cộng thêm bệnh nền, nên cơ bản không thoát được”. Anh cho biết từng thấy 2 người lớn tuổi tử vong do cấp cứu không thành, áp lực của nhân viên y tế trong bệnh viện “khó có thể tưởng tượng được”. Ở đây, “mỗi ngày người vào đây đều bị dương tính, toàn bộ đều là nhiễm virus, khử trùng cũng không nổi”.
Anh còn cho biết việc xếp hàng vào phòng cấp cứu “sẽ mất 3, 4 tiếng đồng hồ” và “nhiều cụ già ngồi trên xe lăn, ngồi xếp hàng rồi tự dưng qua đời”.
“Có thể khi cấp cứu 120 đưa đến, đến nơi thì đã không còn sống nữa! Không đủ thiết bị, bác sĩ và y tá không thể làm gì, không có đủ cổng cắm ống oxy và không có đủ giường.”
Trong video khác, một người đàn ông cho biết khi cấp cứu 120 đưa bệnh nhân vào bệnh viện thì không còn giường, “người lớn tuổi đưa đến bệnh viện đều tự mang túi khí oxy”, chỉ có thể ở sảnh bệnh viện để chống đỡ với bệnh tật. “Khoa hô hấp của các bệnh viện lớn ở Tây An giờ không còn giường”, khoa cấp cứu đều là giường do bệnh nhân tự mua, “quá đông bệnh nhân”.
Vào ngày 31/12, tài khoản “Twitter Video China (TVC)” đã đăng một video nói rằng không quá lời khi gọi các bệnh viện ở Tây An gần đây là địa ngục trần gian. Nguồn lực y tế tê liệt, người nhà bệnh nhân quỳ xuống cầu xin chữa bệnh, các bệnh viện đều chật kín. Với dân số 15 triệu người, Tây An chỉ có 300.000 giường bệnh, tương đương với cứ 50 người mới cấp cứu được một người, “nhà tang lễ hỏa táng thì phải đợi 5 – 7 ngày”.
Mới đây trang Bannedbook.com đưa tin, hoạt động của các nhà tang lễ ở Tây An, tỉnh Thiểm Tây gần đây đã xảy ra tình trạng “sụp đổ”, những bức ảnh lan truyền trên mạng cho thấy sảnh của các nhà tang lễ Tây An chật kín người trong bộ đồ vải gai và để tang. Họ đổ xô đến quầy yêu cầu làm thủ tục. Quảng trường bên ngoài nhà tang lễ cũng tập trung gần nghìn người nhà chờ đưa tang.
Theo một người nắm được tình hình ở Tây An, tình trạng liên quan đã xảy ra trong vài ngày liên tiếp. Mỗi ngày có hơn 300 thi thể được đưa đến, trước kia nhà tang lễ hoạt động nửa ngày là nghỉ, hiện giờ hoạt động cả ngày mà vẫn không xử lý kịp.
Một cư dân mạng ở Tây An cho biết, gần đây có một người già chết vì virus corona mới, nhưng xe tang của địa phương không đủ nên phải thuê xe cấp cứu đưa thi thể vào nhà tang lễ, khi đến sảnh, một biển người đang ở đó, và được thông báo rằng tủ đông lạnh của nhà xác đã đầy, phía trước vẫn còn hơn 50 thi thể đang chờ hỏa táng.
TragedyInChina:西安,最近的医院称为人间炼狱一点也不为过,医疗资源瘫痪,患者家属跪下求医,各个医院都是爆满,西安1500万人口,只有30万的病床,相当于50个人抢救一个的,殡仪馆烧人都得等5至7天 … pic.twitter.com/nz0DurYZ6u
— 推特影音中国(TVC) (@TwtVideoOfChina) December 31, 2022
Lý Mộc Tử, Vision Times
Quan chức Nhật báo hiệu Tokyo sẽ cùng Mỹ cấm chip đối với Trung Quốc
Nhật Bản sẽ “tăng cường” sự phối hợp với Hoa Kỳ để hạn chế xuất khẩu công nghệ cao sang Trung Quốc, một quan chức thương mại cấp cao của Nhật Bản cho biết hôm thứ Năm (5/1) trong bối cảnh Hoa Kỳ nỗ lực tạo ra một mặt trận thống nhất với các đồng minh trong cuộc chiến chip với Bắc Kinh.
Ông Yasutoshi Nishimura, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, cũng cho biết Tokyo muốn hợp tác chặt chẽ hơn với Washington để cùng phát triển các công nghệ lưỡng dụng, viện dẫn những thách thức quân sự gia tăng từ Bắc Kinh liên quan đến căng thẳng trên eo biển Đài Loan sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến thăm đảo vào tháng 8.
“Để giải quyết việc lạm dụng các công nghệ quan trọng và mới nổi của các tác nhân độc hại và việc chuyển giao công nghệ không phù hợp, chúng ta cũng cần phải tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kiểm soát xuất khẩu,” ông Nishimura cho biết trong bài phát biểu tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế ở Washington.
“Chúng tôi sẽ thực hiện kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt trên cơ sở hợp tác quốc tế đồng thời tham gia chặt chẽ vào việc trao đổi quan điểm với Hoa Kỳ và các quốc gia có liên quan khác,” ông nói thêm.
Nhận xét của ông đưa ra tín hiệu mới nhất rằng Nhật Bản có khả năng tham gia lệnh cấm chip của Mỹ đối với Trung Quốc trong bối cảnh cuộc chiến chất bán dẫn khốc liệt giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã thực hiện các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của mình vào tháng 10 để ngăn chặn khả năng Bắc Kinh có được công nghệ và thiết bị chip cao cấp của Hoa Kỳ, đồng thời ngăn chặn công dân Hoa Kỳ làm việc cho một số công ty.
Tuy nhiên, thành công của kế hoạch này của Washington còn cần phụ thuộc vào lập trường thống nhất từ các đồng minh chủ chốt của mình, bao gồm các nhà sản xuất công cụ chip tiên tiến Nhật Bản và Hà Lan.
Nhật Bản và Hà Lan đã đồng ý về nguyên tắc cùng với Hoa Kỳ thắt chặt kiểm soát việc xuất khẩu máy móc sản xuất chip tiên tiến sang Trung Quốc, Bloomberg đưa tin vào tháng 12, trích dẫn những người quen thuộc với vấn đề này.
Sau khi chứng kiến hết cú sốc toàn cầu này đến cú sốc toàn cầu khác sau đại dịch COVID-19 và cuộc xâm lược Ukraine của Nga, Nhật Bản đã học được rằng “chúng ta không được quá phụ thuộc vào các quốc gia khác, đặc biệt là chỉ một quốc gia cụ thể, đối với hàng hóa và công nghệ thiết yếu đối với các ngành công nghiệp và cuộc sống hàng ngày của chúng ta”, ông Nishimura nói. “Xây dựng an ninh kinh tế của chúng ta là một vấn đề hết sức cấp bách.”
Ông cho biết Nhật Bản và Mỹ nên hợp tác để thúc đẩy đổi mới toàn cầu đối với chất bán dẫn, công nghệ sinh học và các công nghệ mới nổi quan trọng khác.
“Để làm được điều này, chúng ta phải đầu tư táo bạo ở quy mô chưa từng thấy trước đây,” ông nói.
Ông ca ngợi dự án chung giữa IBM và nhà sản xuất chip Rapidus do chính phủ Nhật Bản hậu thuẫn để chế tạo chip 2 nanomet là “biểu tượng của sự hợp tác bán dẫn Nhật – Mỹ” khi nói về cuộc gặp của ông với Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo vào sáng thứ Năm.
Ông cũng kêu gọi mở rộng hợp tác công nghệ cao song phương trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ lượng tử và trí tuệ nhân tạo.
Bộ trưởng Nhật Bản cũng sẽ hội đàm với Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai vào thứ Sáu, trong đó thúc đẩy sự phối hợp quốc tế trong việc chống lại lao động cưỡng bức [tại Trung Quốc]ư.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida dự kiến sẽ gặp ông Biden tại Nhà Trắng vào ngày 13/1.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin sẽ đồng chủ trì cuộc họp của Ủy ban Tư vấn An ninh Hoa Kỳ – Nhật Bản năm 2023 với Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi và Bộ trưởng Quốc phòng Yasukazu Hamada vào thứ Tư tại Washington.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ned Price cho biết hôm thứ Năm: “Tôi mong rằng sẽ có cuộc thảo luận về những thách thức mà Trung Quốc đưa ra”.
Nội các Nhật Bản đã sửa đổi các tài liệu chiến lược an ninh quốc gia vào tháng 12 và nâng cấp Trung Quốc thành “thách thức chiến lược lớn nhất và chưa từng có”.
Ông Nishimura cho biết các tài liệu mới được soạn thảo cho thấy Nhật Bản “hoàn toàn không thể dung thứ cho những nỗ lực đơn phương nhằm duy trì hiện trạng bằng vũ lực” ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.
“Giờ đây, khi các quốc gia độc tài đang củng cố niềm tin vào sức mạnh quân sự của mình, điều cần thiết là chúng ta phải xây dựng vững chắc khả năng răn đe của mình,” ông nói, đồng thời lưu ý rằng Nhật Bản sẽ đầu tư nhiều hơn vào các công nghệ liên quan đến chiến tranh hỗn hợp.
Ngân Hà (theo SCMP)
Lũ lụt trong hạn hán tại California làm hơn 100.000 người dân lâm cảnh mất điện
Bang California đang hứng chịu thêm cơn bão lớn khi bước vào năm hạn hán thứ 4, tình trạng gió mạnh và mưa lớn vào ngày 4/1 đã gây lũ lụt và khiến hơn 100.000 người bị lâm cảnh mất điện.
Lũ lụt ở California. (Ảnh chụp màn hình video)
Theo hãng tin AP, giới chức bang California đã ra lệnh sơ tán cư dân tại các khu vực ven biển có mức nguy cao sóng to gió lớn, vì một cơn bão lớn đã đổ bộ vào hôm thứ Tư (4/1) gây nguy cơ lũ lụt trên diện rộng và khiến hơn 100.000 người mất điện.
Dự kiến cơn bão gây ra những trận mưa lớn tới 6 inch (152,4 mm) tại các vùng của Khu vực Vịnh San Francisco, cho đến tối thứ Năm (5/1) phần lớn khu vực này vẫn đang trong cảnh báo lũ lụt. Dự báo thời tiết cho biết cơn bão dự kiến ở Nam California sẽ đạt đỉnh vào đêm thứ Tư gây lượng mưa lớn nhất ở các quận Santa Barbara và Ventura cho đến sáng sớm thứ Năm.
Nhưng cơn bão chưa thể đủ để có thể chấm dứt hạn hán đang diễn ra ở California, hiện đã là năm thứ 4. Cơ Quan Theo Dõi Hạn Hán của Mỹ cho hay phần lớn California đang ở trong tình trạng hạn hán nghiêm trọng đến cực đoan. Nhà chức trách cho biết do mực nước thấp tại các hồ chứa chính của California nên còn nhiều không gian để chứa nước mưa từ cơn bão.
Nhưng do mặt đất đột ngột bão hòa nước cộng thêm tình trạng gió thổi mạnh có thể gây nguy cơ nhiều cây bị đổ, những cây cối này đã chịu cảnh vài năm khan hiếm nước. Giám đốc Karla Nemeth của Sở Tài nguyên Nước California cho biết điều này có thể gây mất điện trên diện rộng hoặc gây họa lũ lụt.
“Chúng tôi đang ở giữa tình trạng khẩn cấp lũ lụt và hạn hán”, bà nói trong một cuộc họp báo khẩn.
Bà Nancy Ward – người phụ trách mới của Văn phòng Dịch vụ Khẩn cấp của Thống đốc California, cho biết: “Chúng tôi cho rằng trong 5 năm qua, đây có thể là một trong những cơn bão có sức ảnh hưởng và thách thức nhất đổ bộ vào California”.
Thị trưởng London Breed của San Francisco nói trong một cuộc họp báo rằng thành phố đang “chuẩn bị cho chiến tranh”. Các đội đã dọn sạch các cống thoát nước mưa bị tắc, cố gắng di chuyển những người vô gia cư đến nơi trú ẩn và phân phát đồ dùng khẩn cấp và áo mưa cho những người từ chối đi. Thành phố San Francisco cũng phát rất nhiều bao cát cho người dân.
Gió mạnh từ 85 dặm/giờ (136 km/giờ) trở lên đã buộc Sân bay Quốc tế San Francisco phải hủy hơn 70 chuyến bay, gió còn làm đổ không ít cây cối và đường dây điện. Lính cứu hỏa đã giải cứu một gia đình khỏi chiếc xe của họ bị cây đè. Cơ quan cứu hỏa báo cáo rằng “những mảnh kính lớn” rơi xuống từ tòa nhà Fox Plaza gần Trung tâm hành chính, nhưng không có ai bị thương. Cơ quan này cho biết trên Twitter rằng thiệt hại đối với tòa nhà chọc trời “rất có khả năng” liên quan đến gió lớn.
Cơn bão đã khiến hơn 100.000 người ở Khu vực Vịnh San Francisco và Bờ biển Trung tâm lâm cảnh bị mất điện.
Đây cũng là một trong ba cơn bão “sông khí quyển” (atmospheric river) đổ bộ vào California cuối tuần qua. Trước đó vài ngày đã xảy ra gió bão mạnh tàn phá khiến Thống đốc Gavin Newsom phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp để nhanh chóng ứng phó và giúp dọn dẹp sau đổ nát.
Tại Nam California, người dân sống ở các khu vực thuộc quận Santa Barbara bị tàn phá bởi ba trận cháy rừng mới đây đã được lệnh sơ tán, lý do dự báo cho thấy mưa lớn qua đêm có thể gây lũ lụt trên diện rộng và gây ra lở đất.
Các quan chức của quận không có số liệu chính xác về số lượng người đã được lệnh sơ tán, nhưng phát ngôn viên Susan Klein-Rothschild của trung tâm hoạt động khẩn cấp của quận này cho biết đại diện của Cảnh sát trưởng đã đến từng nhà với ít nhất 480 người.
Lệnh sơ tán dọc theo Sông San Lorenzo và dọc theo Sông Pajaro chảy xiết ven Công viên Paradise ở quận Santa Cruz cũng đã ban hành.
Các nhà chức trách ở quận Sonoma đã đưa ra cảnh báo sơ tán cho một loạt thị trấn dọc theo sông Russian, nơi dự kiến vào thứ Năm sẽ đạt đến cấp độ lũ lụt.
Trong số các thị trấn được lệnh sơ tán có thị trấn nhỏ Montecito, nơi 23 người đã thiệt mạng cách đây 5 năm trong một vụ lở đất cuốn những tảng đá khổng lồ, bùn và mảnh vụn từ một ngọn núi và quét qua thị trấn kéo tới bờ biển, vụ lở đất đó đã tàn phá 100 ngôi nhà và làm 23 người thiệt mạng. Có nhiều người nổi tiếng thuộc cánh tả sống ở đây, chẳng hạn như người dẫn chương trình truyền hình Oprah Winfrey, vợ chồng Hoàng tử Anh Harry và Meghan.
Kevin Taylor – Trưởng phòng cứu hỏa thị trấn Montecito nói: “Chúng tôi lưu ý ở đây là rất nhiều nước chảy ra từ đỉnh núi, chảy vào các con lạch và suối, khi nước chảy xuống sẽ tăng sức mạnh gây nguy hiểm”.
Ở những nơi khác tại California, ví như đoạn đường 45 dặm (72 km) của Quốc lộ Duyên hải 1 xuyên qua Big Sur, vào tối thứ Tư nhà chức trách cũng đã phải cho phong tỏa do dự kiến lũ lụt và đá lở. Xa hơn về phía bắc, một đoạn dài 25 dặm (40 km) của Quốc lộ 101 cũng bị đóng do nhiều cây đổ.
Mọi người đang được khuyến khích tránh ra đường trừ khi thực sự cần thiết, đặc biệt là khi có tuyết rơi dày đặc ở vùng núi.
Cơn bão cũng gây thiệt hại ở những nơi khác tại Mỹ. Ở vùng Trung Tây, điều kiện băng giá và tuyết rơi trong tuần này cũng đã khiến các trường học ở Minnesota và phía tây Wisconsin phải đóng cửa, tình cảnh cũng đã làm một máy bay phản lực khi hạ cánh trong cơn bão tuyết ở Minneapolis đã trượt khỏi đường băng do bị băng giá. Delta Air Lines cho biết không có hành khách nào bị thương.
Ở Montgomery bang Alabama miền nam nước Mỹ, vào sáng sớm thứ Tư (4/1) đã có cơn lốc xoáy tại làm hư hại nhà cửa, quật ngã cây cối và lật xe.
Tại Illinois, nhà chức trách văn phòng Chicago của Cục Khí tượng Quốc gia Mỹ đã lên kế hoạch khảo sát thiệt hại do ít nhất 6 cơn lốc xoáy tấn công vào thứ Tư, được xem là lần có số lượng lốc xoáy nhiều hiếm thấy trong tháng 1 được ghi nhận ở Illinois kể từ năm 1989.
Trình Văn, Vision Times
Twitter bị tấn công, 200 triệu địa chỉ thư điện tử người dùng bị rò rỉ
Cụ thể, trên trang LinkedIn, ông Alon Gal, người đồng sáng lập của công ty Hudson Rock, cho hay: “Vụ vi phạm thật không may dẫn đến hàng loạt vụ tấn công mạng. Đây có lẽ là một trong những vụ rò rỉ lớn nhất mà tôi từng chứng kiến”.
Hiện Twitter chưa đưa ra bình luận về thông tin nêu trên, vốn được ông Gal đề cập lần đầu trên mạng xã hội hôm 24/12. Cũng chưa rõ Twitter có hành động nào liên quan đến vụ việc hay chưa, như điều tra hay khắc phục sự cố.
Trong khi đó, ông Troy Hunt, người sáng lập trang Have I Been Pwned, cho biết đã thấy dữ liệu bị rò rỉ và nói rằng “dường như vấn đề khá lớn như được miêu tả”.
Hiện chưa có dấu hiệu để nhận diện hay xác định các tin tặc hoặc những tổ chức tin tặc đứng sau vụ tấn công mạng nêu trên. Một số ý kiến cho rằng vụ việc có thể xảy ra vào đầu năm 2021, thời điểm trước khi ông Elon Musk nắm quyền kiểm soát Twitter.
Trước đó, trong một lần xuất hiện trên podcast “All-in” hôm 24/12, ông Elon Musk khẳng định tất cả các thuyết âm mưu về Twitter đang trở thành sự thật.
Ông Musk đưa ra nhận định trên sau khi “Hồ sơ Twitter” được phát hành lần đầu tiên bởi nhà báo Matt Taibbi vào ngày 2/12. Chủ đề chung về hồ sơ bao gồm các báo cáo tiết lộ nỗ lực thông đồng giữa chính phủ Hoa Kỳ và nền tảng truyền thông xã hội nhằm kiểm soát nội dung trao đổi của người dùng và ngăn chặn phát ngôn.
Cho đến nay, 8 tập của “Hồ sơ Twitter” đã được công bố. Tập gần nhất do nhà báo Lee Fang đăng tải đã tiết lộ “cách Twitter âm thầm hỗ trợ chiến dịch tâm lý trực tuyến vụng trộm của Lầu Năm Góc.”
Phan Anh
Các công ty Mỹ lên kế hoạch giảm sử dụng chip của Trung Quốc
Tập đoàn Dell Technologies Inc của Mỹ đang lên kế hoạch đến ngừng sử dụng chip do Trung Quốc sản xuất vào năm 2024 trong bối cảnh lo ngại về căng thẳng Mỹ – Trung Quốc, theo tờ Nikkei đưa tin hôm 5/1. Hãng HP Inc, một trong những đối thủ của Dell, cũng đang có động thái tương tự.
Tờ trên dẫn các nguồn thạo tin cho biết vào cuối năm 2022, Dell đã thông báo với các nhà cung cấp rằng mục tiêu của tập đoàn là giảm lượng sử dụng chip do Trung Quốc sản xuất, bao gồm cả những sản phẩm được sản xuất tại các cơ sở thuộc sở hữu của các nhà sản xuất chip không phải của Trung Quốc. Bên cạnh đó, Dell cũng yêu cầu các nhà cung cấp những linh kiện khác như mô-đun điện tử và bảng mạch in cùng các công ty lắp ráp sản phẩm hỗ trợ cho công tác chuẩn bị sản xuất ở những nước khác ngoài Trung Quốc,
Động thái này diễn ra sau khi Mỹ tháng 12/2022 đã bổ sung vào danh sách đen thương mại nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu Yangtze Memory Technologies (YMTC) và 21 doanh nghiệp của Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực chip trí tuệ nhân tạo (chip AI).
Trong khi đó, hãng HP Inc, một trong những đối thủ của Dell, cũng đã bắt đầu khảo sát các nhà cung cấp của mình để đánh giá tính khả thi của việc di chuyển sản xuất và lắp ráp ra khỏi Trung Quốc.
Tháng 10/2022, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã công bố một loạt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip và thiết bị bán dẫn nhằm hạn chế khả năng mua và sản xuất chip cao cấp của Trung Quốc. Theo quy định mới, các công ty Mỹ phải ngừng cung cấp cho các nhà sản xuất chip Trung Quốc thiết bị có thể sản xuất chip tương đối tiên tiến (trừ khi có giấy phép).
Phan Anh
Từ ngày 1/1 – 4/1, hơn 42 người nổi tiếng của Trung Quốc qua đời trong đại dịch COVID
Đầu năm mới, dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) bao phủ toàn bộ Trung Quốc Đại Lục. Chỉ trong 4 ngày từ 1 đến 4/1, hơn 42 người nổi tiếng Trung Quốc đã qua đời.
Ngày 3/1, Văn phòng cán bộ của Đại học Y khoa trực thuộc Đại học Giao thông Thượng Hải đã thông báo cáo phó rằng ông Tiêu Tịnh Anh – đảng viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), kiêm cựu Trưởng khoa Khoa Sau đại học của Đại học Y khoa số 2 Thượng Hải, đã qua đời vì bệnh tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Vĩnh Từ hồi 6:10 ngày 3/1/2023.
Nửa đêm cùng ngày, Đại học Y học Cổ truyền Trung Quốc Thượng Hải cũng công bố cáo phó của Giáo sư Lục Đức Minh, một trong những nhà sáng lập ngành Phẫu thuật Y học Trung Quốc (TCM). Ông là hậu duệ đời thứ tư của khoa phẫu thuật họ Cố phái Thượng Hải, đồng thời là một chuyên gia phẫu thuật TCM nổi tiếng. Ông qua đời tại Bệnh viện Long Hoa lúc 3:06 ngày 3/1, trong cáo phó không đề cập nguyên nhân tử vong cụ thể.
Ngày 28/12/2017, ông Lục Đức Minh đã được đưa vào danh sách đề xuất những người thừa kế đại diện đợt thứ 5 của các dự án di sản đại diện của văn hóa phi vật thể quốc gia.
Năm 1956, ông Lục Đức Minh gia nhập ĐCSTQ. Năm 1966, ông tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của ĐCSTQ, đến huyện Phụng Hiền – một vùng ngoại ô của thành phố, làm bác sĩ nông thôn hơn 10 năm. Ông từng là Hiệu trưởng của Đại học Y học Cổ truyền Trung Quốc Thượng Hải và Hiệu trưởng Viện nghiên cứu Y học Cổ truyền Trung Quốc Thượng Hải. Ông cũng tham gia thực hành lâm sàng, giảng dạy và nghiên cứu khoa học về phẫu thuật TCM hơn 60 năm.
Một ngày trước đó, Bệnh viện Nha khoa trực thuộc Đại học Y Trùng Khánh cũng thông báo cáo phó về ông Lưu Phương Bách, một trong những nhà sáng lập Nha khoa Trùng Khánh, kiêm chuyên gia nổi tiếng về phẫu thuật răng hàm mặt ở Trung Quốc. Ông qua đời vì bạo bệnh vào ngày 2/1/2023, hưởng thọ 93 tuổi.
Ngoài ra, vào lúc 11:41 đêm ngày 1/1/2023, ông Lưu Tú Kiệt, nhà sáng lập ngành tim mạch hạt nhân ở Trung Quốc, kiêm nhà sáng lập Khoa Y học Hạt nhân của Bệnh viện Phụ Ngoại, thuộc Học viện Khoa học Y học Trung Quốc, kiêm Giám đốc Khoa Y học Hạt nhân và Giám đốc Văn phòng Nghiên cứu Tim mạch Hạt nhân, qua đời tại Bắc Kinh vì bệnh.
Vào 1:47 sáng cùng ngày, ông Hàn Nhuệ, một dược sĩ Trung Quốc, thành viên của Học viện Khoa học Y học Trung Quốc, Giáo sư hạng nhất của Đại học Y Hiệp Hòa Bắc Kinh, nguyên Phó giám đốc Viện Dược liệu, Học viện Khoa học Y tế Trung Quốc và Đại học Y Hiệp Hòa Bắc Kinh, đã qua đời tại Bắc Kinh do điều trị không hiệu quả. Ông Hàn Nhuệ là một đảng viên xuất sắc của ĐCSTQ.
Trên thực tế, chỉ trong 20 ngày kể từ ngày 17/12/2022, liên tục có thông tin về những người nổi tiếng trong cộng đồng y tế qua đời, bao gồm:
Ông Trần Chấn Quang: Một trong những người sáng lập ngành vi phẫu;
Ông Lưu Thanh Bang: Cựu cố vấn của Sở Y tế quận Tuyên Thành, tỉnh An Huy;
Ông Triệu Cương: Phó giám đốc điều hành khoa phẫu thuật đường ruột thuộc Bệnh viện Nhân Tế Thượng Hải;
Ông Thi Tiểu Mặc: Con trai ông Thi Kim Mặc – một trong 4 bác sĩ nổi tiếng ở Bắc Kinh, là người kế tục học thuật của gia tộc họ Thi;
Ông Nam Đăng Côn: Nhà giáo dục về y học phục hồi chức năng Trung Quốc;
Ông Vương Bang Khang: Nhà giáo dục nổi tiếng về nha khoa và những người khác.
Ngoài ra, trong trận dịch COVID nghiêm trọng này, ngày 2/1/2023, kênh truyền thông Đại Lục “Đại Nhãn Thị Dã” (Tầm nhìn lớn) cũng tiết lộ, chỉ riêng tại Bệnh viện Hòa bình Quốc tế Bethune ở thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc, 15 bác sĩ và nhân viên đồng loạt qua đời.
Tin tức trên đã làm dấy lên mối quan tâm của xã hội, nhưng hiện vẫn chưa được ĐCSTQ chính thức xác nhận.
Theo một bác sĩ tại bệnh viện hạng ba thuộc tỉnh Hà Bắc, tiết lộ với truyền thông nước ngoài rằng hiện tất cả các khoa đều được yêu cầu điều trị cho bệnh nhân bị nhiễm bệnh. Đợt dịch lần này “giống như Vũ Hán năm đó, thậm chí còn tồi tệ hơn”, kết quả là nhiều bác sĩ cũng bị lây nhiễm bệnh, một số khoa gần như bị xóa sổ.
Từ ngày 1 – 4/1/2023, những người nổi tiếng Trung Quốc qua đời được biết đến bao gồm:
Ông Vũ Thắng: Chuyên gia về vật liệu và công nghệ hạt nhân ở Trung Quốc;
Ông Từ Mễ: Chuyên gia chính của lò phản ứng neutron nhanh tại Tập đoàn Công nghiệp Hạt nhân Trung Quốc;
Ông Trương Kế Hinh: Họa sĩ Trung Quốc;
Ông Phan Hồng Hải: Chủ tịch danh dự của Học viện Hội họa Chiết Giang;
Giáo sư Giang Tịnh: Học viện Khoa học Khí quyển thuộc Đại học Nam Kinh;
Ông Hùng Nguyên Vĩ: Đạo diễn phim;
Ông Chu Lệnh Chiêu (Zhou Lingzhao): Họa sĩ Trung Quốc;
Giáo sư Lưu Đức Thuận: Viện Năng lượng, Môi trường và Kinh tế thuộc Đại học Thanh Hoa;
Ông Triệu Kỳ Quốc (Zhao Qiguo): Nhà khoa học thổ nhưỡng Trung Quốc;
Bà Lý Vận Thu: Nghệ sĩ Kinh kịch;
Ông Lưu Văn Tuyển: Họa sĩ Trung Quốc;
Ông Bành Khởi An: Cựu Phó thị trưởng thành phố Sán Đầu, tỉnh Quảng Đông;
Ông Lý Thanh: Người thừa kế tiêu biểu của nghệ thuật Hài kịch Trung Quốc;
Ông Hồ Phúc Minh (Hu Fuming): Cựu Phó chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị tỉnh Giang Tô;
Ông Mã Đình Lộc: Người sống sót sau vụ thảm sát Nam Kinh;
Ông Bảo Bân: Cựu hiệu trưởng Đại học Nghệ thuật Nam Kinh;
Ông Hà Đức Lợi: Diễn viên hài kịch;
Ông Vương Trí Lượng (Wang Zhiliang): Dịch giả Trung Quốc;
Ông La Niệm Nhất: Nhà soạn nhạc Trung Quốc;
Ông Trung Hàm: Họa sĩ sơn dầu Trung Quốc;
Ông Đỗ Hùng Văn: Diễn viên Trung Quốc;
Ông Lỗ Phong: Nhà văn Trung Quốc;
Ông Lưu Phương Bách: Chuyên gia phẫu thuật miệng và hàm mặt Trung Quốc;
Ông Đặng Tử Kính: Họa sĩ hạng nhất tại Trung Quốc;
Ông Vương Cảnh Văn: Cựu Bí thư đảng ủy Tòa án cấp trung Tế Nam, Trung Quốc;
Ông Chu Tổ Thọ: Quan chức ngoại giao của ĐCSTQ;
Ông Vi Liêm (Wei Lian): Đạo diễn phim;
Ông Cung Cẩm Đường: Diễn viên của Nhà hát kịch Quảng Châu;
Ông Dịch Sinh: Chuyên gia trong lĩnh vực tên lửa hàng không Trung Quốc;
Ông Tần Lễ: Người tiên phong trong ngành điện lực của Trung Quốc;
Ông Cao Hy Vũ: Chuyên gia về bảo vệ thực vật;
Bà Gian Ái Mai: Nghệ sĩ biểu diễn Kinh kịch Hà Nam;
Ông Vu Nhĩ Minh: Một trong những người sáng lập ngành chống thấm tòa nhà;
Ông Chu Tổ Thọ: Nhà ngoại giao Trung Quốc;
Ông Trung Hàm: Giáo sư tại Học viện Mỹ thuật Trung ương;
Ông Phạm Duy Đường: Cựu Thứ trưởng Bộ Công nghiệp Than;
Ông Hầu Nhất Dân (Yimin Hou): Giáo sư tại Học viện Mỹ thuật Trung ương.
Lê Tử Hi, Vision Times
Doanh nghiệp Trung Quốc chật vật thích nghi hậu Covid
Theo bài đăng trên Tạp chí Phố Wall ngày 3/1, sau 3 năm kinh tế gián đoạn do chính sách zero-Covid gây ra, nhiều công ty Trung Quốc đã đón nhận một tin đáng hoan nghênh vào tháng 12, các biện pháp phong tỏa để phòng chống đại dịch đã được dỡ bỏ.
Tuy nhiên, trước khi có thể tận dụng cơ hội mở của này, nhiều doanh nghiệp của Trung Quốc tạm thời đang phải đấu tranh để thích nghi với cuộc sống mới.
Các doanh nghiệp tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cho biết họ phải đợi chuỗi cung ứng hoạt động trở lại sau khi chính sách thay đổi đột ngột kiến môi trường xáo trộn, và khi làn sóng lây nhiễm COVID mới đang tác động tới những người lao động.
Hồng Bân Bân là giám đốc của công ty xuất đồ chơi Shenzhen Jiaoyang Industrial có trụ sở tại Thâm Quyến. Anh cho biết đợt bùng phát dịch Covid vào đầu tháng 12/2022 khiến mọi người bị ốm gần như cùng một lúc, với 90% nhân viên của công ty không thể làm việc trong khoảng 2 tuần.
Do thiếu lao động, công ty của anh phải hoãn giao một lô đồ chơi cho một khách hàng Hàn Quốc. Lịch giao hàng ban đầu là 25/12/2022, nhưng giờ phải lùi sang tháng 1/2023.
Bản thân anh Hồng Bân Bân cũng đã bị nhiễm Covid vào cuối tháng 12. Anh phàn nàn rằng, điều khiến anh cảm thấy bất lực và thất vọng là chính phủ Trung Quốc không đưa ra những cảnh báo liên quan hay những hướng dẫn tiếp theo sau khi dỡ bỏ các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Giờ đây, anh lại lo lắng rằng, khách hàng có thể trì hoãn việc đặt hàng do lo ngại một làn sóng tái nhiễm có thể xảy ra ở Thâm Quyến.
Kể từ khi Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp chống dịch vào ngày 7/12, virus corona đã lây lan nhanh chóng trên khắp cả nước. Các doanh nghiệp cho biết, họ chưa chuẩn bị cho việc xét nghiệm Covid trên diện rộng và tình trạng thiếu lao động do công nhân bị lây nhiễm.
Ngày cuối cùng của năm 2022, chính phủ Trung Quốc công bố hoạt động của lĩnh vực sản xuất và dịch vụ trong tháng 12 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020, khi dịch Covid xuất hiện lần đầu.
Với sự đảo ngược của chính sách zero-Covid, dịch bệnh đã lây lan giữa những người lao động, người tiêu dùng và các công ty cung ứng trước Tết Nguyên đán.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng dịch bệnh có thể lan rộng khắp chuỗi cung ứng và ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu.
Chuyên gia nghiên cứu Stephen Roach, cựu chủ tịch khu vực châu Á của ngân hàng Morgan Stanley, cho rằng thế giới liên thông bởi các chuỗi cung ứng trong đó lấy Trung Quốc làm trung tâm, cho nên bất kỳ mắt xích nào trong chuỗi cung ứng đó hoạt động không trơn tru sẽ gây xáo trộn cho ngành sản xuất toàn cầu và nền kinh tế của thế giới.
Tuy nhiên, khả năng số ca nhiễm tăng đột biến vào tháng 1/2023 lại khiến nhiều người trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ lạc quan rằng tình hình có thể trở lại bình thường ngay vào đầu tháng 2. Hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc sẽ tạm ngừng để nghỉ Tết Nguyên đán trong tháng 1.
Nghe thì có vẻ lạ, nhưng khả năng là tình hình sẽ tốt lên, chứ không phải xấu đi. Đây là ý kiến của Andreas Nagel, giám đốc thương mại của hãng sản xuất thiết bị điều chỉnh nhiệt độ và độ ẩm Stulz có trụ sở ở Thượng Hải.
Vị giám đốc này nói: “Có khả năng thực sự là chúng ta sẽ trở lại bình thường sau Tết Nguyên đán.”
Các chủ doanh nghiệp trên khắp Trung Quốc cho biết, virus đã lây lan nhanh ở miền bắc vào đầu tháng 12 trước khi lan sang Thượng Hải và miền nam Trung Quốc. Các bệnh viện tràn ngập bệnh nhân, chủ yếu là người lớn tuổi, còn những người trong độ tuổi lao động phần lớn hồi phục trong vòng 1-2 tuần sau khi bị nhiễm bệnh.
Trung Quốc quyết định dỡ bỏ các biện pháp chống dịch sau khi sức cầu từ nước ngoài đối với hàng hóa Trung Quốc giảm sút. Xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 11/2022 giảm với tốc độ nhanh nhất trong vòng hơn 2 năm.
Philip Richardson, giám đốc hãng sản xuất thiết bị âm thanh Trueanalog Strictly OEM có trụ sở tại Panyu, cho biết công ty của ông phải đối mặt với bất lợi kép do đại dịch Covid và sự suy thoái trong chu kỳ kinh doanh gây ra.
Richardson đã làm ăn ở Trung Quốc hơn 20 năm. Ông cho biết tình trạng nút thắt cổ chai trong chuỗi cung ứng của Trung Quốc cuối cùng được mở ra.
Tại thành phố Trịnh Châu, hãng Foxconn Technology Group miêu tả rằng dịch Covid lây nhiễm trong các nhà máy tương đối nhanh, người lao động của hãng đang phục hồi và sản xuất để đuổi kịp nhu cầu cung ứng theo hợp đồng cho hãng Apple.
Nhiều nhà máy vẫn bị ảnh hưởng bởi làn sóng lây nhiễm Covid, khiến kế hoạch đóng cửa nghỉ Tết phải kéo dài.
Một công nhân điều hành xe nâng ở Thượng Hải cho biết một nửa tổ làm việc của anh đang nghỉ ốm vì virus, và anh sẽ về quê ở tỉnh Giang Tô để nghỉ Tết Nguyên đán sớm hơn bình thường.
Công ty Nội thất ô tô Yanfeng, chuyên cung cấp phụ tùng cho các nhà sản xuất ô tô, trong đó có hãng Tesla, có kế hoạch cho phép công nhân nghỉ Tết sớm hơn thường lệ.
Tình trạng thiếu lao động cũng đang ảnh hưởng đến lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc.
Hãng Disneyland ở Thượng Hải cho biết một số buổi biểu diễn, các điểm tham quan và nhà hàng tại các công viên của hãng tạm thời phải đóng cửa hoặc giảm số lượng khách do nhân sự thiếu hụt.
Đại dịch COVID-19 cũng khiến nhiều doanh nghiệp mất khách hàng.
Một cơ sở bán cơm cuộn ở một quận đông dân của Thâm Quyến cho biết đơn đặt hàng trong tuần cuối cùng của tháng 12/2022 rất ít và khác thường, do các ca nhiễm Covid mới trong thành phố tiếp tục gia tăng. Doanh nghiệp này cho biết hầu hết khách hàng dùng bữa tại chỗ đều bị nhiễm Covid và có rất ít đơn đặt hàng trực tuyến vì khách hàng sợ đồ ăn mang đi cũng bị nhiễm virus.
Những lo ngại như vậy đang lan rộng ở Trung Quốc, và các nhà chức trách phải lên tiếng yêu cầu khử khuẩn các loại hàng hóa như thực phẩm đông lạnh.
Mạng lưới logistic của Trung Quốc cũng tạm thời bị tê liệt do đợt bùng phát Covid mới. Hãng thương mại điện tử khổng lồ JD.com đã phải điều 1.000 công ty chuyển phát nhanh đến Bắc Kinh và Thượng Hải để giải quyết lượng hàng tồn đọng.
Các cơ quan có thẩm quyền treo thưởng khoảng 8,6 đôla mỗi ngày để thu hút những người giao hàng đi làm.
Một chủ quán cà phê ở Thâm Quyến cho biết việc giao đồ ăn và rang hạt cà phê cho khách hàng trở nên vô cùng khó khăn kể từ giới chức dỡ bỏ chính sách zero-Covid, vì tất cả các nhân viên của quán đều bị nhiễm virus.
Theo báo cáo China Beige Book, trong 3 tháng cuối năm 2022, các doanh nghiệp Trung Quốc đã vay tiền từ các tổ chức phi ngân hàng nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ năm 2012.
Đây là một dấu hiệu cho thấy khó khăn có thể xảy ra đối với doanh nghiệp Trung Quốc, bởi vì khi các công ty vay tín dụng, câu hỏi luôn được đặt ra là: Đó là vì lạc quan hay vì căng thẳng? Cho đến nay, bằng chứng nghiêng về việc các doanh nghiệp đang gặp căng thẳng.
Bá Long
Ukraina lần đầu tiên phá hủy xe tăng xuất khẩu T-90S của Nga
Theo truyền thông quốc gia Ukraina cho biết, các máy bay chiến đấu của nước này lần đầu tiên phá hủy xe tăng xuất khẩu T-90S của Nga, kênh UNN đưa tin khi trích dẫn tuyên bố của Cục Truyền thông Chiến lược của Lực lượng Vũ trang Ukraine trên Telegram.
Thông báo trên Telegram, Cục Truyền thông Vũ trang Ukraina viết: “Xe tăng T-90S xuất khẩu của Nga đã bị tiêu diệt lần đầu tiên. Đèn rọi Shtora không có trên xe tăng này, thay vào đó, các thiết bị bảo vệ bổ sung đã được lắp đặt”.
Thông tin về việc chiếc xe tăng bị phá hủy trước đó đã được nhà điều tra OSINT Yakub Yanovsky công bố trên trang Twitter của mình. OSINT là viết tắt của Trí thông minh nguồn mở, bao gồm việc thu thập và phân tích dữ liệu được thu thập từ các nguồn mở để tạo ra thông tin tình báo có thể dẫn tới hành động. Ông Yanovsky lưu ý rằng với thông tin về quy mô và lượng dự trữ của hạm đội xe tăng Nga, “nhu cầu dùng tới cả xe tăng dùng để xuất khẩu nói lên nhiều điều về tổn thất của Nga và các vấn đề với việc sửa chữa/kích hoạt lại số xe tăng còn lại.”
Liên Thành
Sa thải trong ngành công nghệ Mỹ tăng 649% năm 2022 và sẽ còn tiếp tục
Năm ngoái, tỷ lệ giảm việc làm trong ngành công nghệ Mỹ đã tăng 649%, làn sóng sa thải nhân công này có thể tiếp tục trong năm 2023 khi các công ty gấp rút cắt giảm chi phí.
Trước đó một ngày, công ty Amazon – một trong những công ty tư nhân lớn nhất nước Mỹ, cho biết họ có kế hoạch giảm hơn 18.000 nhân công do triển vọng kinh tế toàn cầu tiếp tục xấu đi.
Con số này cao hơn đáng kể so với kế hoạch trước đó. Mùa thu năm ngoái, nhiều phương tiện truyền thông đã đưa tin rằng Amazon có kế hoạch giảm khoảng 10.000 nhân công. Hồi tháng 11 năm ngoái, CEO Andy Jassy của Amazon cho biết rằng ‘gã khổng lồ’ thương mại điện tử này sẽ tiếp tục làn sóng cắt giảm nhân công cho đến đầu năm 2023.
Theo dữ liệu do tổ chức nhân sự nổi tiếng Challenger, Grey & Christmas, Inc. công bố hôm thứ Năm (5/1), ngành công nghệ năm 2022 dẫn đầu về lượng giảm nhân sự, theo đó toàn ngành công bố cắt giảm tổng cộng hơn 97.000 việc làm. Báo cáo cho biết đó là mức tăng 649% so với gần 13.000 việc làm công nghệ bị cắt giảm vào năm 2021.
Khả năng cắt giảm nhân sự sẽ tăng thêm
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 toàn cầu khiến ngành dịch vụ và thông tin liên lạc gần như hoàn toàn chuyển qua hình thức làm trực tuyến, Amazon và các công ty công nghệ khác đã tăng cường đáng kể nỗ lực tuyển dụng của họ. Nhưng một năm qua các công ty công nghệ này đã tuyên bố giảm nhân sự khi mọi người ngày càng quay trở lại thói quen trước đại dịch.
Giám đốc đầu tư Russ Mould tại AJ Bell cho biết có thể “có nhiều đợt giảm nhân sự hơn do quy mô đầu tư mà chúng ta đang thấy trong năm 2020-2021”, theo Reuters đưa tin.
Theo báo cáo của Challenger, về tổng thể kế hoạch vào năm ngoái các nhà tuyển dụng trong các ngành công nghiệp đã cắt giảm gần 364.000 việc làm, tăng 13% so với năm trước.
Andrew Challenger, phó chủ tịch cấp cao của Challenger cho biết trong một tuyên bố kèm theo báo cáo: “Nền kinh tế nói chung vẫn đang tạo ra việc làm, mặc dù các nhà tuyển dụng dường như đang tích cực lên kế hoạch cho một cuộc suy thoái. Việc tuyển dụng đã chậm lại khi các công ty thực hiện cách tiếp cận thận trọng vào năm 2023”.
Các công ty công nghệ lớn đồng loạt giảm tải nhân sự
Báo cáo của Challenger chỉ ra lý do hàng đầu trong năm ngoái khiến các nhà tuyển dụng cắt giảm việc làm là cắt giảm chi phí, yếu tố này dẫn đến hơn 82.000 việc làm bị cắt giảm.
Một số CEO công nghệ thừa nhận họ đang tuyển dụng quá nhiều trong cuộc khủng hoảng COVID-19. Việc cắt giảm việc làm diễn ra khi chi phí đi vay tăng mạnh trong khi nhu cầu giảm.
Công ty mẹ của Facebook là Meta vào năm ngoái cũng đã cắt giảm 11.000 việc làm.
‘Gã khổng lồ’ công nghệ Microsoft và công ty mẹ của Google là Alphabet đã ám chỉ việc cắt giảm chi phí, bao gồm cả việc giảm nhân sự.
Hôm thứ Tư (4/1), ông chủ Marc Benioff của Salesforce Inc. đã công bố kế hoạch cắt giảm 10% việc làm, cho biết do công ty phần mềm doanh nghiệp đã thuê “quá nhiều người”.
Đối với Amazon, do tăng trưởng trong bộ phận tạo ra phần lớn lợi nhuận là điện toán đám mây đã chậm lại khiến công ty phải cắt giảm chi tiêu. Trong bối cảnh giá cả tăng cao và ngân sách tiêu dùng eo hẹp, bộ phận bán lẻ trực tuyến của công ty đã chìm vào khó khăn.
Theo báo cáo của Challenger, vào năm ngoái ngành công nghệ tài chính (fintech) đã bị ảnh hưởng nặng nề. Vụ bê bối FTX gần đây cũng đã làm rung chuyển ngành fintech khi tiền điện tử phải đối mặt với suy thoái. Vào năm 2022, hơn 10.000 việc làm đã bị cắt giảm trong ngành fintech, tăng 1.670% so với 529 công bố vào năm 2021.
Cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng gợi lại bong bóng dot-com đầu những năm 2000 và cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, khi đó hàng chục ngàn người mất việc làm. Giám đốc đầu tư Russ Mould tại AJ Bell cho biết vẫn còn phải xem “liệu chúng ta có lặp lại những sai lầm tương tự hay không”.
Theo Lý Ngôn, Epoch Times