Việt Nam: Ông Trọng củng cố quyền lực qua việc miễn nhiệm hai phó thủ tướng

Nikkei Asia

Tác giả: Tomoya Onishi

Trúc Lam chuyển ngữ

6-1-2023

TBT Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hà Nội ngày 23-5-2021. Cũng như Tập Cận Bình ở Trung Quốc, ông Trọng sử dụng chiến dịch chống tham nhũng để siết chặt quyền lực của mình. Nguồn: © AP

Cuộc gặp Tập Cận Bình có thể giúp đẩy nhanh nỗ lực chống tham nhũng của Tổng Bí thư Trọng.

Hà Nội – Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng dường như củng cố thêm quyền lực của mình sau khi Quốc hội thông qua v miễn nhiệm hai phó thủ tướng trong một phiên họp bất thường hôm thứ Năm.

Quyết định này được đưa ra sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam tước bỏ các chức vụ ở Ủy ban Trung ương của hai nhân vật này hồi tuần trước.

Phạm Bình Minh là phó thủ tướng thường trực, phụ trách ngoại giao, và Vũ Đức Đam là phó thủ tướng phụ trách y tế công cộng. Hai người này đã bị thay thế sau khi bị buộc tội để cho tham nhũng hoành hành dưới sự giám sát của họ.

Hành vi phạm tội của ông Minh được cho là thiếu giám sát khi dịch COVID-19 lúc đầu hoành hành khắp thế giới và các chuyến bay được sắp xếp để đưa các công dân Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài về nước. Khoảng 40 người, gồm một thứ trưởng ngoại giao, cựu đại sứ tại Nhật Bản và giám đốc điều hành công ty du lịch, đã bị bắt vì cáo buộc nhận hối lộ từ những hành khách được ưu tiên lên máy bay.

Ông Đam bị chỉ trích vì giám sát cách chính phủ tiến hành đấu thầu dụng cụ xét nghiệm coronavirus. Tiến trình này đã được tiết lộ là bị phá hỏng do gian lận, nhường chỗ cho một vụ bê bối dẫn đến việc tước quyền và bắt giữ một cựu bộ trưởng y tế và một cựu Chủ tịch Hà Nội.

Cả ông Minh và ông Đam đều chưa bị bắt, và không có lời giải thích chính thức nào được đưa ra cho việc sa thải họ. Một nguồn tin ngoại giao đã tỏ ra ngạc nhiên khi [người này] nói chuyện với Nikkei Asia: “Hình ảnh của họ trong sạch trong đảng”, nguồn tin cho biết, “và họ được lòng dân”.

Việc cách chức đánh dấu sự leo thang của chiến dịch chống tham nhũng kéo dài nhiều năm, được thực hiện bởi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, là người đang ở nhiệm kỳ thứ ba với tư cách là lãnh đạo đảng. Đây là lần đầu tiên ông Trọng truy lùng các quan chức chính phủ ở cấp cao nhất.

Các chuyên gia cho rằng, sự leo thang cho thấy ông Trọng đang củng cố thêm quyền lực của mình, mặc dù ông đã “gần như hội tụ quyền lực thật sự của đảng, nhà nước, lực lượng vũ trang, hệ thống tư pháp và giám sát“, Đặng Tâm Chánh, một nhà phân tích chính trị ở TP Hồ Chí Minh, cho biết.

Truyền thông nhà nước Việt Nam gọi hành động năng nổ, với cái gọi là Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng của lãnh đạo là “đốt lò”. Ông Chánh gọi đó là “lò ông Trọng”.

Trong khi tiếp tục nỗ lực chống tham nhũng, ông Trọng cũng đang tìm kiếm người kế vị.

Carlyle Thayer, giáo sư danh dự về chính trị tại Đại học New South Wales, Canberra, thuộc Học viện Lực lượng Quốc phòng Úc, nói rằng, ông Trọng “đã không đưa được người thân cận của mình là Trần Quốc Vượng làm lãnh đạo đảng tiếp theo” tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của đảng hồi năm 2021, khi ông tiếp tục nhiệm kỳ thứ ba chưa có tiền lệ.

Ông Trọng sẽ lặng lẽ vận động các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các quan chức cấp cao khác của đảng về người kế nhiệm ông”, ông Thayer nói với Nikkei. “Trong khi chờ đợi, Trọng sẽ tiếp tục chiến dịch ‘đốt lò’ của mình vì ông ta biết rằng tham nhũng trong đảng là mối đe dọa lớn đối với tính chính danh của đảng để cai trị Việt Nam“.

Từ lâu, đã có đồn đoán rằng ông Trọng, hiện 78 tuổi, sẽ bị thay thế vào giữa nhiệm kỳ thứ ba, kéo dài đến năm 2026, nếu các đảng viên khác có đủ quyền hành xuất hiện.

Nhưng kể từ đó, các chuyên gia cho rằng, quyền hành của ông Trọng không thể lay chuyển được.

Alex Vuving, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á-Thái Bình Dương, Daniel K. Inouye ở Honolulu, cho biết: “Khả năng lớn là ông Trọng sẽ tiếp tục nắm quyền cho đến khi tình trạng sức khỏe của ông không cho phép. Mặc dù ông ấy có thể đã tạo ra rất nhiều kẻ thù, nhưng dường như không có nhà lãnh đạo nào khác có thể có được sự ủng hộ của đa số các ủy viên Trung ương. Với tình hình này, ông Trọng vẫn là sự lựa chọn mặc định“.

Những người trong nội bộ đảng nói với Nikkei rằng, có thể có những động cơ thầm kín đằng sau nỗ lực chống tham nhũng của ông Trọng.

Ông Minh, một trong hai phó thủ tướng bị miễn nhiệm, được cho là có tham vọng làm thủ tướng hoặc chủ tịch nước, nhưng ông Trọng không thể chấp nhận việc ông Minh “ưu ái kiểu phương Tây và sự ủng hộ của các nhóm kiểu phương Tây“, một người trong cuộc nói với Nikkei.

Ông Trọng cũng bị [nhà lãnh đạo Trung Quốc] Tập Cận Bình gây sức ép, nhằm hạn chế ảnh hưởng của phe ủng hộ phương Tây, và tên của Phạm Bình Minh đã được đề cập trực tiếp”, nguồn tin cho biết thêm. Cụm từ “ưu ái phương Tây” được cho là một phần của các cuộc thảo luận khi ông Trọng đi thăm Bắc Kinh hồi mùa thu năm ngoái và gặp Tập, là người đã sử dụng nỗ lực chống tham nhũng của mình để củng cố quyền lực ở Trung Quốc.

Khi ông Trọng từ Trung Quốc trở về, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ra máy bay đón Tổng bí thư, theo ông Chánh, nhà phân tích ở TP Hồ Chí Minh. Đó là “một nghi lễ gần như đã biến mất kể từ khi Việt Nam bước vào thời kỳ đổi mới kinh tế [năm 1986],” nhà phân tích này nói thêm.

Bất chấp việc hai phó thủ tướng bị cách chức, nhiều người tin rằng ông Chính có thể tồn tại vượt qua nỗ lực chống tham nhũng của ông Trọng. “Việc cách chức hai phó thủ tướng sẽ tạm thời gây khó khăn cho Thủ tướng Phạm Minh Chính”, Hà Hoàng Hợp, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện ISEAS-Yusof Ishak của Singapore, nói với Nikkei, “nhưng ông ấy sống sót và tiếp tục các nhiệm vụ của mình thời hậu COVID“.

Cũng có khả năng ông Chính sẽ chịu thêm áp lực. Ông Chánh tin rằng, thủ tướng “không thể chậm trễ trong việc cải cách” hệ thống hành chính và chế độ công vụ của Việt Nam đồng thời cải thiện tiền lương của người dân – tất cả đều là nhiệm vụ mà ông Minh chịu trách nhiệm, nhưng ông ấy đã bị cách chức.

Related posts