Giá thực phẩm thế giới đạt mức cao kỷ lục trong năm 2022
PARIS — Năm ngoái (2022), giá cả của hầu hết các mặt hàng thực phẩm tăng vọt. Nguyên nhân là do tình trạng gián đoạn mà cuộc xung đột ở Ukraine gây ra làm dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu hụt, đã đẩy chỉ số giá trung bình của cơ quan lương thực Liên Hiệp Quốc lên mức cao nhất trong lịch sử.
Hôm thứ Sáu (06/01), Tổ chức Lương Nông (FAO) cho biết chỉ số giá thực phẩm của cơ quan này, một chỉ số theo dõi giá cả quốc tế của các mặt hàng thực phẩm được giao dịch nhiều nhất trên toàn cầu, đã đạt trung bình 143.7 điểm trong năm 2022, tăng 14.3% so với năm 2021, và là mức cao nhất kể từ khi bắt đầu ghi nhận hồi năm 1990.
Năm 2021, chỉ số này đã tăng 28% so với năm trước đó trong bối cảnh nền kinh tế thế giới phục hồi sau tác động của đại dịch.
Tháng Hai năm ngoái, giá thực phẩm đã tăng sau khi Nga xâm lược Ukraine do lo ngại về sự gián đoạn thương mại ở Hắc Hải. Kể từ đó, mức tăng giá thực phẩm đã giảm xuống, một phần là nhờ một kênh xuất cảng ngũ cốc từ Ukraine do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn cũng như triển vọng cải thiện nguồn cung cấp ở các nước sản xuất.
Trong tháng Mười Hai, chỉ số chuẩn này đã giảm tháng thứ chín liên tiếp xuống còn 132.4 điểm, so với 135.00 điểm đã điều chỉnh của tháng Mười Một. Trước đó, chỉ số tháng Mười Một đã được đưa ra là 135.7 điểm.
Nhà kinh tế trưởng của FAO là ông Maximo Torero cho biết: “Giá cả hàng hóa thực phẩm dễ chịu hơn là điều đáng hoan nghênh sau hai năm hết sức biến động.”
FAO cho biết, chỉ số này sụt giảm trong tháng Mười Hai là do giá dầu thực vật quốc tế giảm xuống, cùng với giá ngũ cốc và thịt giảm, tuy nhiên chỉ giảm nhẹ bởi vì giá đường và sữa tăng nhẹ.
Tuy vậy, trong cả năm 2022, bốn trong số năm chỉ số phụ về thực phẩm của FAO — ngũ cốc, thịt, sữa, và dầu thực vật — đã đạt các mức cao kỷ lục, ngoài ra chỉ số phụ thứ năm là giá đường đã ở mức cao nhất trong 10 năm.
FAO cho biết, Chỉ số Giá Ngũ cốc của FAO đã tăng 17.9% trong năm 2022 do các yếu tố bao gồm các thị trường đã gián đoạn đáng kể, các chi phí về năng lượng và đầu vào cao hơn, thời tiết bất lợi, và nhu cầu lương thực toàn cầu tiếp tục tăng mạnh.
Thanh Tâm biên dịch
Mỹ trừng phạt các nhà sản xuất máy bay không người lái và tên lửa của Iran
Mỹ đã cáo buộc các nhà sản xuất vũ khí của Iran đồng lõa trong cuộc chiến của Nga ở Ukraine, vi phạm luật pháp quốc tế.
Hoa Kỳ nói họ đang trừng phạt các ngành công nghiệp sản xuất tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái (UAV) của Iran, cho rằng chúng đã được sử dụng để tạo điều kiện cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Trong một thông cáo báo chí hôm thứ Sáu (6/1), Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết các biện pháp trừng phạt sẽ nhắm vào bảy người ở các vị trí lãnh đạo tại Qods Aviation Industries – một nhà sản xuất UAV của Iran – và Tổ chức Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Iran (AIO), cơ quan quản lý chương trình tên lửa đạn đạo của nước này.
“Iran hiện đã trở thành bên ủng hộ quân sự hàng đầu của Nga,” ông Blinken nói trong tuyên bố. “Iran phải ngừng hỗ trợ cho cuộc chiến tranh xâm lược vô cớ của Nga ở Ukraine và chúng tôi sẽ tiếp tục sử dụng mọi công cụ có sẵn để phá vỡ và trì hoãn các hoạt động chuyển giao này cũng như trừng phạt các bên tham gia vào hoạt động này.”
Quan hệ giữa Mỹ và Iran vốn đã căng thẳng nay càng trở nên căng thẳng hơn khi Iran tăng cường quan hệ quân sự với Nga. Hoa Kỳ đã tuyên bố rằng máy bay không người lái của Iran đang được sử dụng để tàn phá Ukraine, giết chết nhiều dân thường.
Hoa Kỳ trước đây đã trừng phạt các thực thể Iran liên quan đến “việc sản xuất và chuyển giao UAV dòng Shahed và Mohajer của Iran” – hai mẫu máy bay không người lái.
Iran trước đây đã phủ nhận việc cung cấp máy bay không người lái cho Nga để sử dụng trong cuộc chiến ở Ukraine, nhưng vào tháng 11, nước này xác nhận rằng họ đã cung cấp “một số lượng hạn chế” thiết bị nổ trên không cho Moscow, nhưng chúng được chuyển đến Nga trước cuộc xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm 2022.
Vào tháng 12, người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby nói rằng Iran và Nga đang hướng tới một “quan hệ đối tác quốc phòng toàn diện”, bao gồm việc Nga bán các hệ thống phòng không và chuyển giao máy bay chiến đấu trong tương lai. Ông Kirby cũng nói rằng Iran đang xem xét thiết lập một cơ sở sản xuất máy bay không người lái bên trong Nga.
Mỹ đã cáo buộc Iran vi phạm luật pháp quốc tế khi không được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chấp thuận cho việc bán máy bay không người lái. “Sự hỗ trợ quân sự của chế độ Iran đối với Nga không chỉ thúc đẩy cuộc xung đột ở Ukraine mà còn dẫn đến việc vi phạm nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc,” ông Blinken cho biết trong thông cáo hôm thứ Sáu.
Chính phủ Iran đã có lập trường thách thức đối với việc bán máy bay không người lái và vấn đề bán vũ khí nói chung, đồng thời ca ngợi chất lượng của các sản phẩm quân sự của họ. Tehran cũng khẳng định rằng việc phương Tây chỉ trích bắt nguồn từ những lo ngại rằng Iran có thể trở thành đối thủ cạnh tranh trong việc bán vũ khí toàn cầu.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Mỹ hiện đang thống trị thị trường vũ khí toàn cầu, với 40 công ty có trụ sở tại Mỹ tiến hành thương vụ bán vũ khí trị giá gần 300 tỷ USD vào năm 2021.
Nhật Minh
Ông Kevin McCarthy trở thành Chủ tịch Hạ viện Mỹ sau 15 vòng bỏ phiếu
Sau vòng bỏ phiếu lịch sử và kịch tính thứ 15, rạng sáng 7/1 theo giờ Washington DC, lãnh đạo đảng Cộng Hòa tại Hạ viện Mỹ, ông Kevin McCarthy đã được bầu làm Chủ tịch Hạ viện, qua đó kết thúc 4 ngày đấu đá nội bộ gay gắt giữa các thành viên đảng Cộng hòa và đặt ra câu hỏi liệu ông có thể đoàn kết nội bộ đảng của mình hay không, vốn đang trong tình trạng chia rẽ nghiêm trọng và chỉ nắm thế đa số mong manh.
Chiến thắng của ông McCarthy, 57 tuổi, đòi hỏi ông và các đồng minh phải đưa ra nhượng bộ phi thường đối với một khối nhỏ những người cực hữu, trong đó nhiều người đã phản đối ông làm Chủ tịch Hạ viện từ nhiều tháng qua.
Trước đó, ông McCarthy đã thất bại trong các lần bỏ phiếu do những nghị sĩ theo đường lối cứng rắn của đảng Cộng hòa, đại diện chưa đầy 1/10 số Hạ nghị sĩ của đảng này, đã phản kháng chống lại ông, qua đó đẩy phe đa số mới tại Hạ viện Mỹ vào tình trạng hỗn loạn. Tuy nhiên, trong các vòng bỏ phiếu gần đây, ông McCarthy đã giành thêm được nhiều phiếu ủng hộ từ các nghị sĩ này sau khi đưa ra nhiều nhượng bộ. Thậm chí, ông McCarthy còn nhất trí khôi phục quy định từ lâu của Hạ viện Mỹ cho phép bất kỳ nghị sĩ nào trong viện Quốc hội này được kêu gọi bỏ phiếu về việc phế truất ông.
Tuy nhiên, dù được bầu trở thành Chủ tịch Hạ viện Mỹ nhưng giới chuyên gia cho rằng ông McCarthy có thể đối mặt với nhiều khó khăn khi lãnh đạo một đa số hẹp và bị chia rẽ sâu sắc. Có ý kiến cho rằng quyền lực của ông bị suy giảm sau khi ông nhượng bộ chia sẻ một số quyền hạn và thường xuyên bị đe dọa bởi những nghị sĩ theo đường lối cứng rắn này.
Ngay sau khi được bầu làm Chủ tịch Hạ viện, công việc đầu tiên của ông McCarthy là tuyên thệ trước 433 thành viên khác của Hạ viện, những người đã bị mắc kẹt trong tình trạng lấp lửng khi Quốc hội Mỹ khóa 118 khai mạc hôm 3/1 vừa qua.
Sau khi tất cả các thành viên mới tuyên thệ nhậm chức, Hạ viện sẽ chuyển sang phê duyệt gói quy tắc mới mà ông McCarthy đã đàm phán với các thành viên cực kỳ bảo thủ của đảng Cộng hòa, cũng như bầu các vị trí lãnh đạo các ủy ban quan trọng của Hạ viện như Ủy ban Đối ngoại, Ủy ban Quân lực, Ủy ban Phân bổ Ngân sách…
Jack Ma không còn quyền kiểm soát Ant Group
Ant Group cho biết nhà sáng lập Jack Ma sẽ không còn kiểm soát công ty này nữa, sau khi các cổ đông chấp thuận sửa đổi quyền biểu quyết.
Theo các sửa đổi được công bố sáng nay, Jack Ma cùng 9 cổ đông lớn khác của công ty sẽ phải biểu quyết độc lập và không được hành động theo nhóm. Jack Ma trước đó sở hữu hơn 50% quyền bỏ phiếu tại Ant. Tuy nhiên, các thay đổi mới nhất sẽ khiến tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 6,2%. Các thay đổi trên không ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của cổ đông.
Jack Ma chỉ sở hữu 10% cổ phần trong Ant – công ty con thuộc gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba. Tuy nhiên, ông kiểm soát công ty này thông qua nhiều thực thể liên quan, theo bản cáo bạch của Ant năm 2020. Hangzhou Yunbo, một công ty đầu tư của Ma, kiểm soát 2 thực thể sở hữu tổng cộng 50.5% cổ phần Ant.
Ant cũng cho biết sẽ thêm 20% nhân sự trong hội đồng quản trị. Hiện tại, hội đồng này có 8 người. “Sẽ không còn tình huống mà một cổ đông trực tiếp, hay gián tiếp có quyền kiểm soát Ant Group nữa“, thông báo của công ty này cho biết.
Động thái này đánh dấu bước ngoặt tiếp theo với đại gia fintech này, sau khi bị giới chức chặn IPO 37 tỷ USD cuối năm 2020, khiến họ phải cải tổ cấu trúc.
Việc thay đổi quyền kiểm soát cũng sẽ khiến Ant phải chờ lâu hơn nữa nếu muốn IPO. Theo quy định của Trung Quốc, các công ty không thể niêm yết trên thị trường cổ phiếu hạng A nước này nếu có thay đổi về người kiểm soát trong 3 năm qua. Thời gian này với sàn STAR Thượng Hải là 2 năm và với sàn Hong Kong là một năm.
Hòa Lan, Bồ Đào Nha yêu cầu xét nghiệm COVID-19 với du khách Trung Quốc
Cùng với nhiều quốc gia khác, ngày 6/1, Chính phủ Hà Lan và Bồ Đào Nha đã chính thức yêu cầu hành khách đi máy bay đến từ Trung Quốc phải có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 khi nhập cảnh 2 nước này.
Tính đến nay, hàng chục quốc gia đã ban hành các quy định du lịch bổ sung mới đối với du khách đến từ quốc gia đông dân nhất thế giới, vốn đang phải vật lộn với sự gia tăng các ca nhiễm COVID-19 sau quyết định nới lỏng các chính sách hạn chế nghiêm ngặt.
Bộ Y tế cho biết, biện pháp mới của Hà Lan phù hợp với khuyến nghị của Liên minh Châu Âu.
Bộ trưởng Y tế Ernst Kuipers bày tỏ: “Tôi nghĩ điều quan trọng đối với chúng tôi là đưa ra yêu cầu hạn chế đi lại như một phần trong các biện pháp chống COVID của châu Âu.”
Sân bay Amsterdam-Schiphol Hà Lan là một trong những sân bay lớn nhất châu Âu và là trung tâm cho nhiều kết nối chuyến bay xuyên lục địa.
Cuối ngày 6/1, Bộ Y tế Bồ Đào Nha cũng nối gót Hà Lan, thông báo rằng hành khách trên chuyến bay từ Trung Quốc sẽ phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 trước khi lên máy bay. Quy định mới này sẽ có hiệu lực từ ngày 7/1.
Trong thông báo của mình, cả hai chính phủ lưu ý, hành khách nên đeo khẩu trang trên các chuyến bay như vậy.
Trước đó, ngày 4/1, các chuyên gia EU “cực lực khuyến khích” 27 quốc gia thành viên của khối yêu cầu xét nghiệm COVID-19 đối với hành khách trên các chuyến bay từ Trung Quốc và tiến hành xét nghiệm ngẫu nhiên đối với những người nhập cảnh.
Một số quốc gia EU khác – bao gồm Đức, Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha – đã công bố các yêu cầu xét nghiệm COVID-19 đối du khách từ Trung Quốc.
Ngoài ra, còn có Hoa Kỳ và Nhật Bản cũng nằm trong số các quốc gia ngoài châu Âu đã đưa ra các biện pháp tương tự.
Minh Ngọc (Theo AFP)