Ảnh hưởng của Trung Quốc đã lan đến Quảng trường Thời đại ở New York

Lam Giang

Ảnh hưởng của Trung Quốc đã lan đến Quảng trường Thời đại ở New York
Hoa giấy muôn sắc màu tung bay trong không trung đánh dấu năm mới ở Quảng trường Thời đại, New York, Mỹ, hôm 1/1/2023. (Ảnh: Yuki Iwamura/AFP/Getty Images)

Sự xuất hiện của một quan chức chính phủ Trung Quốc tại lễ đón Giao thừa ở Quảng trường Thời đại (Times Square) ở New York (Mỹ) đã làm dấy lên lo ngại về mối quan hệ của chính quyền địa phương với các đặc vụ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

“Hong Kong Rocks!” là sự kiện do Công ty giải trí Liên minh Quảng trường Thời Đại và lễ đếm ngược (Times Square Alliance and Countdown Entertainment) tổ chức và được tổ chức tại Quảng trường Thời đại vào đêm Giao thừa năm nay. Sự kiện này đã mang lại niềm tự hào cho ông Hoàng Bình (Huang Ping), Tổng lãnh sự Trung Quốc tại New York.

Ông Hoàng Bình đã tạo dựng được danh tiếng là một người ủng hộ trung thành của ĐCSTQ, tổ chức điều hành Trung Quốc như một quốc gia độc đảng, và phủ nhận các vi phạm nhân quyền của chế độ này.

Hơn nữa, việc ông Hoàng Bình tham dự sự kiện “Hong Kong Rocks!” dường như đã được sắp xếp bởi một số nhóm có liên hệ với cả ĐCSTQ và chính quyền thành phố New York. Tại sự kiện này, ông gửi lời chúc mừng Năm mới tới những người tham dự và khuyến khích họ đến thăm Trung Quốc.

Cimagine International Group (CIMG) được xác định là đơn vị liên hệ báo chí của sự kiện trong thông cáo báo chí.

Chủ nghĩa xã hội mang đặc điểm của New York

Theo một bản tin được Văn phòng Kinh tế và Thương mại Hong Kong ở New York công bố ngay sau nửa đêm 1/1, “khoảng 100 du khách và chức sắc từ chính phủ, giới ngoại giao, doanh nghiệp và trí thức cũng như cộng đồng du lịch của New York” đã tham dự sự kiện này.

Thông cáo báo chí đã liệt kê Tập đoàn Quốc tế Cimagine (CIMG) là đơn vị liên hệ báo chí cho sự kiện này.

Theo trang web của tập đoàn, CIMG đã tài trợ cho các lễ hội khai mạc đêm giao thừa theo văn hóa Trung Quốc từ năm 2011. Tuy nhiên, công ty này mới được thành lập vào tháng 3/2022 và có trụ sở tại Manhattan, có liên kết với các thành viên chủ chốt trong mạng lưới tuyên truyền rộng lớn của ĐCSTQ.

CIMG liệt kê các “đối tác truyền thông” của mình bao gồm: các hãng thông tấn tuyên truyền của nhà nước Trung Quốc là China Daily, CCTVTân Hoa Xã, cũng như các hãng truyền thông ABC, CNNNBC của Mỹ.

Hiệp hội Hữu nghị Trung – Mỹ (SAFA), Quỹ Văn hóa và Nghệ thuật Trung – Mỹ (SACAF) và Trung tâm Phát triển Doanh nghiệp Mỹ gốc Hoa (CABDC) cũng được tập đoàn CIMG liệt kê là “đối tác chiến lược” của họ.

Đáng chú ý, Phó tổng biên tập ​​của tờ The Washington Post trước đó đã mô tả SAFA là một nhân tố then chốt trong công tác Mặt trận Thống nhất của ĐCSTQ.

Công tác Mặt trận Thống nhất đề cập đến chiến lược chính trị của ĐCSTQ nhằm tận dụng mạng lưới gồm các nhóm và cá nhân để thúc đẩy lợi ích của đảng thông qua tuyên truyền và các hoạt động gây ảnh hưởng khác.

Các tổ chức Mặt trận Thống nhất thường được điều hành bởi các đặc vụ của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất (UFWD) của ĐCSTQ, mặc dù họ cũng có thể bị tách rời khỏi ĐCSTQ bởi một loạt các tổ chức mặt trận nhằm che đậy ảnh hưởng của ĐCSTQ.

Tuy nhiên, thuật ngữ “đối tác chiến lược” có thể gây hiểu lầm, vì nhiều tổ chức được liệt kê như vậy trên các trang web của CIMG và SAFA dường như được điều hành bởi cùng một cá nhân.

Ông Peter Zhang, người được biết đến là Giám đốc điều hành của CIMG trong các hồ sơ ở New York, đồng thời cũng là chủ tịch của SAFA và chủ tịch của CABDC.

Tương tự, một số trang web liệt kê một người là Li Li được xác định là Chủ tịch của CIMG, Chủ tịch của SACAF, Phó Chủ tịch thường trực và Tổng thư ký của SAFA.

Hơn nữa, tiểu sử SAFA của cô Li cho biết, cô “đã làm việc cho Thành phố New York, Văn phòng Thị trưởng và Văn phòng Quản lý và Ngân sách trong bốn năm”.

Theo bài báo đầu tiên của đài Fox News, ban cố vấn của SAFA bao gồm một cựu lãnh đạo của hãng thông tấn China News Service (CNA) và một thành viên của Ủy ban Thường vụ lần thứ 11 của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, một tổ chức Mặt trận Thống nhất vận động các chính phủ ủng hộ các chính sách thân Trung Quốc dưới sự giám sát của ĐCSTQ.

Thúc đẩy chủ nghĩa cộng sản

Mặc dù vô số mối liên đới giữa các tổ chức này đã gây không ít lo ngại về việc các khía cạnh của bộ máy ảnh hưởng của ĐCSTQ đã ăn sâu vào môi trường chính trị của New York như thế nào, lịch sử phê bình chính trị lâu dài của chính ông Hoàng Bình đã làm sáng tỏ mục đích của ĐCSTQ.

Trong Diễn đàn Trung Quốc của Đại học Harvard (HCF) vào tháng 4/2022, ông Hoàng Bình đã ca ngợi ĐCSTQ và chủ nghĩa cộng sản nói chung, thậm chí còn mô tả “hành trình xây dựng một quốc gia xã hội chủ nghĩa đương đại tráng lệ” của ĐCSTQ bằng những từ ngữ hào hùng.

Trong cùng một bài phát biểu, ông Hoàng Bình tuyên bố rằng, “con đường chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc” được người dân Trung Quốc ủng hộ rộng rãi và Trung Quốc sẽ “kiên định theo đuổi con đường này”.

Tương tự như vậy, trong một cuộc phỏng vấn năm 2021 với podcast Sinica, ông Hoàng Bình khẳng định rằng, ĐCSTQ là “một Đảng vĩ đại” được thành lập dựa trên “những học thuyết căn bản hoặc cốt lõi của chủ nghĩa Mác”.

Trong cùng một cuộc phỏng vấn, ông Hoàng Bình cũng phủ nhận sự tồn tại của các hành vi vi phạm nhân quyền ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc. Đồng thời, ông gọi các báo cáo về nạn diệt chủng là “dối trá” và mô tả các trại tập trung, mà ĐCSTQ gọi là trung tâm cải tạo, là “khuôn viên, chứ không phải là trại”.

The Epoch Times đã liên hệ với Đại sứ Hoàng Bình, CIMG, Văn phòng Thị trưởng, Văn phòng Quản lý và Ngân sách New York, SACAF, SAFA và Công ty giải trí Liên minh Quảng trường Thời Đại và lễ đếm ngược để xin bình luận.

Theo The Epoch TimesLam

Giang biên dịch

Related posts