Văn Sơn
CNN đưa tin, cuộc chiến tranh của Ukraine chống quân xâm lược Nga đã thách thức mọi giả thuyết, hầu hết đều đã được chứng minh là sai. Điều đáng nói là hiện tại châu Âu đang cân nhắc đến việc xem còn có thể sử dụng yếu tố nào nhằm đảm bảo để có một nhận định đúng.
Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã làm cả thế giới chấn động. Có ý kiến cho rằng Moscow đủ tính tảo để không phạm những sai lầm lớn và liều lĩnh như vậy. Những ý kiến khác thì cho rằng quân đội Nga sẽ nhanh chóng quét qua một vùng đất với 40 triệu dân và chuyển sang các hoạt động dọn dẹp sau chiến đấu chỉ trong vòng 10 ngày. Và cũng có nhiều ý kiến cho rằng quân đội của điện Kremlin đã được tôi luyện từ những năm 90, đã san bằng Grozny ở Chechnya, thì họ hẳn đã có năng lực kỹ thuật và tình báo rất tốt để tác chiến hơn là việc bán phá một cách ngẫu nhiên vào các khu vực dân sự bằng các khẩu pháo lỗi thời.
Cuối cùng, có người cho rằng sử dụng vũ khí hạt nhân thực sự là một nghịch lý trong thời hiện đại này, khi mà con người trên toàn hành tinh đã biết đến hậu quả thảm khốc mà nói đem lại. Như vậy một quốc gia không thể tuỳ tiện đe dọa một quốc gia khác bằng vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên năm 2022 khép lại khi mà châu Âu vẫn phải đối mặt với hàng loạt các ẩn số rất khó giải mã. Tóm lại, một quân đội đã từng được coi là đứng hàng thứ ba trên thế giới đã xâm chiếm một nước láng giềng nhỏ bé.
Nga đã chi hàng tỷ đô la nhằm hiện đại hoá bộ máy quân đội nhưng những gì nhận được là một sự giả tạo. Đơn cử là đoàn xe hậu cần, một chuỗi cung ứng cho trận chiến, đã không thể hoạt động khi đi quá biên giới vài chục km. Và những nhận định rằng người Ukraine đang khao khát thoát khỏi “Chủ nghĩa Quốc xã” của chính họ. Nhìn chung, đó đều là những sản phẩm xuyên tạc của một nhóm người nhằm lấy lòng tổng thống Vladimir Putin.
Nga cũng phải đối mặt với một phương Tây đoàn kết và kiên cường hơn bao giờ hết, họ đã sẵn sàng gửi một số vũ khí, đạn dược đến biên giới phía đông. Các quan chức phương Tây cũng có thể ngạc nhiên khi các lằn ranh đỏ của Nga dường như thay đổi liên tục, khi Moscow nhận ra các lựa chọn phi hạt nhân của họ bị hạn chế đến mức nào. Các lựa chọn đều rất ít khả thi. Vì vậy, châu Âu hiện đang chuẩn bị cho điều gì?
Điều quan trọng và bất ngờ nhất là phương Tây đã thống nhất hơn bao giờ hết. Mặc dù bị chia rẽ vì vấn đề ở Iraq, rạn nứt vì Syria và một phần do không sẵn sàng chi 2% GDP cho an ninh mà Hoa Kỳ từ lâu đã yêu cầu các thành viên NATO; song giờ thì cả Châu Âu và Hoa Kỳ đều có cùng giọng điệu về kịch bản cho một Ukraine. Mặc dù, đôi khi, Washington có vẻ thận trọng hơn, và đã có những kẻ độc đoán ngoại lai như Hungary, nhưng sự thay đổi là hướng tới sự thống nhất, và đó là điều tốt đẹp.
Vẫn còn quá sớm để đi đến kết luận rằng Nga đã thua cuộc, vì còn nhiều biến số có thể dẫn đến sự có lợi cho nước này, thậm chí là đảo ngược tình thế. NATO có thể sẽ không tiếp tục duy trì hoặc có những quan ngại khác đối với các chuyến hàng vũ khí viện trợ cho Ukraine và khối này có thể sẽ tìm kiếm lợi ích kinh tế thay vì an ninh lâu dài, khiến cho nền độc lập trở nên xa vời hơn với Ukraine. Tuy nhiên, tại thời điểm này, thì điều đó là không thực tế.
Nga đang đào chiến hào ở phía đông của sông Dnipro miền nam Ukraine, có lợi thế là tiền tuyến Donetsk và Luhansk ở phía đông. Tuy nhiên, những thách thức mà Nga phải đối mặt vẫn vô cùng to lớn: những người lính được đào tạo kém, bị bắt buộc phải nhập ngũ chiếm 77.000 binh sĩ tiền tuyến – và đó là theo đánh giá hào nhoáng của Putin. Nước này vẫn đang vật lộn với đạn dược và thường xuyên chứng kiến những lời chỉ trích nội bộ, công khai đối với các vấn đề hậu cần trong thời tiết mùa đông.
Trái lại, Ukraine đang ở trên chính lãnh thổ quê hương, với tinh thần vẫn còn cao và vũ khí phương Tây vẫn đang tiếp tục được viện trợ. Kể từ tháng Chín, khi Moscow không còn duy trì được lực lượng xung quanh thành phố Kharkiv, các tuyến tiếp tế của Nga đều bị lực lượng của Ukraine cắt đứt. Hoàn cảnh hiện giờ không mấy thuận lợi cho quân Nga.
Trong một viễn cảnh rộng lớn hơn, thì có thể nói Nga đã phần nào thất bại. Họ thực tế đã không thể nhanh chóng giành chiến thắng trước một đối thủ yếu kém hơn. Các cơ quan ngôn luận trên truyền hình nhà nước nói về sự cần thiết phải “tháo găng tay” sau Kharkiv, như thể họ sẽ không để lộ một nắm đấm đã kiệt sức. Giờ bị coi là một con hổ giấy, quân đội Nga sẽ phải nỗ lực rất nhiều trong những thập kỷ tới để giành lại vị thế ngang hàng với NATO. Nhưng hiện giờ, có lẽ là thất bại lớn hơn đối với Điện Kremlin là: nhiều năm nỗ lực xây dựng danh tiếng của Moscow như một đối thủ bất khả chiến bại đã tan thành mây khói.
Vấn đề liệu Nga có thể sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân có còn đáng lưu tâm? chủ yếu chỉ là do Putin thích viện dẫn nó. Nhưng ngay cả việc hăm doạ như vậy cũng không còn hiệu quả. Thứ nhất, NATO đã gửi đi những tín hiệu rõ ràng về sự tàn phá khốc liệt khi sử dụng vũ khí hạt nhân. Thứ hai, các đồng minh của Nga là Ấn Độ và Trung Quốc, đã nhanh chóng đánh giá tình hình và công khai chỉ trích luận điệu hạt nhân của Moscow.
Và cuối cùng, Moscow phải đối mặt với một vấn đề lớn: nếu chuỗi hậu cần tiếp nhiên liệu diesel cho xe tăng cách biên giới 40 dặm của họ không hoạt động, thì làm sao họ có thể chắc chắn rằng Nút phóng tên lửa hạt nhân sẽ hoạt động, ngay cả khi Putin đạt tới mức độ điên cuồng để nhấn nút? Không có mối nguy hiểm nào lớn hơn đối với một cường quốc hạt nhân là để lộ các tên lửa chiến lược và khả năng đánh trả không thể hoạt động.
Mặc dù Nga không còn có thể viện cớ vào vũ khí hạt nhân như trước nữa, song châu Âu không kỳ vọng vào một kỷ nguyên mới với một nền an ninh tốt hơn. Khối này đang có những động thái dự tính chi tiêu quốc phòng lớn hơn, ngay cả khi mà Nga không còn là một mối đe doạ như trước đây.
Châu Âu cũng nhận ra rằng nền an ninh của chính họ không thể chỉ phụ thuộc vào Hoa Kỳ.
Trong khi đó, hàng ngàn người Ukraine vô tội đã chết chỉ vì một giấc mơ không tưởng và lòng tự cao tự đại của Putin. Nói tóm lại, chủ nghĩa độc tài đã nuôi dưỡng một hệ thống hủ bại, và hậu quả là những cuộc chiến tranh có chủ đích.
Tuy nhiên, cuộc chiến này khiến châu Âu tỉnh ngộ, rằng việc phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của các nhà độc tài sẽ không thể mang lại sự ổn định lâu dài cho các nước thành viên. Ngay lập tức họ cần phải thoát khỏi cái thòng lọng này, cụ thể là khí đốt và hydrocarbon.
Giờ thì phương Tây cần phải đối phó với kịch bản nào, khi mà giờ đây một nước Nga đã gần như hoàn toàn mất đi vị thế trên trường quốc tế, với một nền kinh tế ngày càng yếu đi bởi các lệnh trừng phạt. Một nước Nga yếu có đáng sợ hay chỉ đơn giản là yếu? Đây là ẩn số mà phương Tây phải giả mã. Nhưng nó không còn là một vấn đề đáng sợ nữa.
Trong hơn 70 năm, Nga và phương Tây luôn ở trong thế đối nghịch, và nền hoà bình này được duy trì trên cơ sở của sự lo sợ và dè chừng lẫn nhau. Nhưng nỗi sợ hãi về Moscow đã có vẻ giảm dần. Tình hình hiện tại cũng khiến người ta nghĩ đến một viễn cảnh bớt ảm đạm hơn: rằng Nga – giống như nhiều chế độ chuyên chế trước đó – có thể đang lụi tàn, suy yếu bởi chính các yếu tố nội tại.
Thách thức đối với châu Âu hiện giờ là đối phó với nước Nga, việc đánh giá quá cao hay quá thấp đều có thể sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường.