Truyền thông Anh: Dân số Trung Quốc sẽ trải qua những thay đổi lịch sử

Bình Minh

Các nhà nhân khẩu học dự đoán rằng lần đầu tiên dân số Trung Quốc sẽ giảm vào năm 2022, kể từ Nạn đói lớn năm 1961. (Ảnh minh họa: StreetVJ / Shutterstock).

Một số nhà nhân khẩu học dự đoán rằng vào năm 2022, lần đầu tiên dân số Trung Quốc sẽ giảm kể từ Nạn đói lớn năm 1961. Sự thay đổi đáng kể này sẽ tác động sâu sắc đến nền kinh tế toàn cầu và trật tự thế giới.

Truyền thông Anh đưa tin, chính sách kiểm soát dân số lâu dài do chính quyền Bắc Kinh thực hiện trong quá khứ – kế hoạch hóa gia đình, đã dẫn đến những thay đổi nhân khẩu học lịch sử ở Trung Quốc.

Những tổn thất do dịch COVID-19 kéo dài 3 năm để lại, đã đẩy nhanh quá trình thay đổi sinh sản của người dân Trung Quốc.

Dân số Trung Quốc sẽ trải qua những thay đổi lịch sử vào năm 2023

Reuters đưa tin, ngày 17/1 năm nay chính quyền Bắc Kinh sẽ công bố dữ liệu dân số chính thức của Trung Quốc cho năm 2022. Lúc này tác động của dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) đối với triển vọng nhân khẩu học ảm đạm của Trung Quốc sẽ được nhìn thấy.

Số trẻ sơ sinh ở Trung Quốc sẽ giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại vào năm 2022, từ 10,6 triệu trẻ năm 2021 xuống dưới 10 triệu, giảm 11,5% so với năm 2020.

Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông, Giáo sư xã hội học Vương Phong (Wang Feng) tại Đại học California, cho biết: “Với bước ngoặt lịch sử này, Trung Quốc đã bước vào quá trình giảm dân số lâu dài và không thể đảo ngược. Đây là (sự sụt giảm dân số) lần đầu tiên trong lịch sử của Trung Quốc và thậm chí cả thế giới.”

“Dân số Trung Quốc có thể giảm 45% trong vòng chưa đầy 80 năm. Đây sẽ là một Trung Quốc khiến thế giới cảm thấy lạ lẫm.”

Theo báo cáo, tổng dân số của Trung Quốc đã tăng thêm 480.000 người vào năm 2021, lên 1,4126 tỷ người.

Các chuyên gia dân số của Liên Hợp Quốc dự đoán rằng dân số Trung Quốc sẽ bắt đầu giảm vào năm 2023, và Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới.

Dân số Trung Quốc sẽ giảm 109 triệu người vào năm 2050, gấp hơn 3 lần so với dự báo trước đó vào năm 2019.

Mặc dù tỷ lệ sinh của 9 trong số 10 quốc gia đông dân nhất thế giới hiện đang giảm, nhưng tỷ suất sinh dân số của Trung Quốc vào năm 2022 là 1,18, là mức thấp nhất trong số 10 quốc gia, thấp hơn nhiều so với mức 2,1 mà “Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế” (OECD) coi là tỷ suất sinh dân số ổn định tiêu chuẩn.

Các nhà chức trách ở Bắc Kinh đã thực hiện chính sách kế hoạch hóa gia đình một con từ năm 1980 – 2015. Ngoại giới tin rằng dân số Trung Quốc có thể bắt đầu giảm vào năm 2025.

Năm 2022, Ủy ban Y tế Quốc gia của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thừa nhận rằng Trung Quốc đang trên đà suy giảm dân số.

Theo số liệu điều tra dân số mới nhất được công bố vào tháng 5/2021, chính sách một con khắc nghiệt đã dẫn đến sự mất cân bằng giới tính nghiêm trọng tại Trung Quốc – nước này hiện nam giới nhiều hơn nữ giới 34,9 triệu người – tức khoảng 105,1 nam/100 nữ.

Tỷ trọng dân số khi sinh là 111,3 nam/100 nữ, giảm 6,8 điểm phần trăm so với năm 2010. Đây là chỉ số nhân khẩu học được sử dụng phổ biến nhất về thành phần giới và thường nằm trong khoảng từ 103 đến 107 theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc.

Tác động của dịch COVID-19 đối với khả năng sinh sản của dân số Trung Quốc

Reuters đưa tin, chính sách phòng chống COVID-19 nghiêm ngặt của Bắc Kinh đã khiến Zhang Qi căng thẳng và bất an, đến mức cô từng cân nhắc việc không sinh con ở Trung Quốc.

Vị Giám đốc điều hành thương mại điện tử sống tại Thượng Hải này cho biết, số người nhiễm COVID ở Trung Quốc tăng đột biến sau khi chính quyền Bắc Kinh đột ngột dỡ bỏ chính sách zero-COVID vào tháng 12/2022.

Câu chuyện về những bà mẹ và trẻ sơ sinh không thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế, khi hệ thống chăm sóc sức khỏe của Trung Quốc bị quá tải bởi đợt bùng phát dịch, là giọt nước tràn ly cuối cùng dập tắt ý nghĩ sinh con của Zhang Qi.

“Tôi nghe nói rằng sinh con ở bệnh viện công rất đáng sợ, tôi thực sự không nghĩ đến việc sinh con”, cô nói.

Ngoài việc nới lỏng chính sách kế hoạch hóa gia đình, từ năm 2021, chính quyền Bắc Kinh đã đưa ra các biện pháp khuyến khích, như cắt giảm thuế, kéo dài thời gian nghỉ thai sản, tăng cường bảo hiểm y tế và trợ cấp nhà ở, nhằm khuyến khích người dân Trung Quốc sinh thêm con. Hiệu quả của các biện pháp này cho đến nay vẫn còn mờ nhạt.

Năm 2022, chính sách zero-COVID đã khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm xuống thành một trong những tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong gần nửa thế kỷ qua.

Về vấn đề này, cô Murphy làm việc tại một trường đại học ở Bắc Kinh, tin rằng do sự suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc, cô không đủ khả năng chi trả cho việc sinh con. “Đại dịch COVID-19 đã xác thực thêm quan điểm của tôi.”

Bình Minh

Related posts