Tin VN sáng Chủ Nhật: Việt Nam tiếp tục đề nghị Nhật Bản hỗ trợ xây đường sắt cao tốc Bắc-Nam

Nghệ An: Bắt cán bộ chiếm đoạt gần 1 tỷ đồng tiền làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Hội An

Đối tượng Nguyễn Quang Trường. (ảnh: CA).

Công an huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An ngày 13/1 cho biết, đã khởi tố Nguyễn Quang Trường (SN 1994, trú tại xóm Đồng Sòng, xã Đồng Hợp, huyện Quỳ Hợp) về tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Trường nguyên là cán bộ hợp đồng thuộc Văn phòng Đăng ký và Quản lý đất đai huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An.

Theo hồ sơ dược báo chí trong nước đưa tin, từ tháng 3/2021 đến tháng 10/2022, đối tượng Nguyễn Quang Trường đã nhận hồ sơ và tiền của khoảng 30 người dân tại xã Đồng Hợp, huyện Quỳ Hợp với hứa hẹn sẽ làm hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tuy nhiên, Trường đã dùng số tiền các nạn nhân chuyển cho mình để tiêu xài cá nhân. Số tiền chiếm đoạt của người dân lên tới gần 1 tỷ đồng.

Hiện Cơ quan CSĐT Công an huyện Quỳ Hợp đang tiếp tục mở rộng điều tra chuyên án nêu trên.

Nhận 3 triệu đồng hỗ trợ COVID phải trích lại 200.000 đồng cho xã

Huệ Liên

Chợ thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa (huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng).

Sau khi nhận tiền hỗ trợ do ảnh hưởng dịch Covid 3 triệu đồng, nhiều hộ kinh doanh ở tỉnh Sóc Trăng được cán bộ “vận động” trích lại 200.000 đồng cho xã.

Báo Giao Thông đưa tin, theo phản ánh của một số tiểu thương ở thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa, huyện Mỹ Tú (tỉnh Sóc Trăng), họ là những hộ kinh doanh phải ngừng hoạt động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Do đó, họ được hưởng chính sách theo Quyết định số 33/2021 của Thủ tướng Chính phủ với mức hỗ trợ mỗi hộ được 3 triệu đồng.

Tuy nhiên, hồi cuối năm 2022, thực tế họ không được nhận đủ 3 triệu đồng vì phải “hỗ trợ” lại cho địa phương 200.000 đồng.

Ông Tăng Văn Phước (ấp Nội Ô, thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa) xác nhận: “Tôi đến UBND thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa nhận đủ 3 triệu đồng. Sau đó được sự vận động, tôi hỗ trợ 200.000 đồng.

Chia sẻ về vấn đề trên, bà Lê Thị Hồng Cẩm, Chủ tịch UBND thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa cho biết: “Sau khi được phê duyệt mức nhận tiền hỗ trợ, chúng tôi đã tổ chức phát tiền cho bà con đầy đủ, mỗi hộ ký nhận đủ 3 triệu đồng.

Hoàn toàn không có chuyện bị trích lại 200.000 đồng như phản ánh. Nhưng sau khi bà con nhận tiền, cán bộ ấp có vận động bà con ủng hộ lại một phần cho các loại quỹ của địa phương để địa phương thực hiện một số công trình công cộng, xây nhà cho hộ nghèo và được bà con đồng ý.

Chia sẻ về vấn đề trên, một cán bộ đã nghỉ hưu ở Sóc Trăng cho rằng, việc vận động không sai. Nhưng vận động các hộ được nhận tiền hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 là chưa tế nhị.

Theo vị này, trong số những hộ được nhận tiền, có nhiều hộ làm những công việc có thu nhập thấp, thu nhập bình quân đầu người mỗi tháng chỉ được khoảng 500.000 đồng. Có người thu nhập thấp hơn, chỉ khoảng 100.000 đồng vì mua bán nhỏ như chỉ có mẹt rau, củ…

Việt Nam tiếp tục đề nghị Nhật Bản hỗ trợ xây đường sắt cao tốc Bắc-Nam

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Suzuki Shunichi. (Ảnh: Nhật Bắc/baochinhphu.vn)

Với dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, Bộ KH-ĐT và Bộ GTVT thống nhất nghiên cứu xây dựng đường sắt đôi khổ 1.435 mm để vận tải hành khách và hàng hóa, tốc độ khai thác tối đa 180 – 225 km/h, chi phí đầu tư khoảng 64,8 tỷ USD.

Ngày 13/1, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Suzuki Shunichi, đề nghị Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu, xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.

Ông Chính cũng đề nghị Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam cơ cấu lại vốn góp tại dự án Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn; tư vấn quản lý, vận hành, nhất là chuyển đổi số lĩnh vực liên quan tài chính như hải quan, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán…

Tại buổi gặp, ông Chính khẳng định “Việt Nam luôn coi Nhật Bản là đối tác chiến lược quan trọng hàng đầu, lâu dài, ủng hộ nước này đóng góp tích cực cho hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới”.

Nhật Bản tiếp tục là đối tác hợp tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là nước cung cấp viện trợ ODA song phương số 1, đối tác hợp tác lao động thứ 2, nhà đầu tư thứ 3, đối tác thương mại thứ 4 của Việt Nam. Nhiều công trình, dự án của Việt Nam có sự hỗ trợ của Nhật Bản, trong đó Bộ Tài chính Nhật Bản có vai trò đề xuất với Chính phủ Nhật Bản.

Về phía Nhật Bản, ông Suzuki Shunichi cho rằng các đề nghị của Việt Nam đều có ý nghĩa. Nhật Bản sẽ nghiên cứu, phối hợp để sớm đưa ra giải pháp khả thi.

Đây là lần thứ hai Thủ tướng Việt Nam đề nghị phía Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu, phát triển đường sắt tốc độ cao Bắc Nam. Giữa năm 2022, Thủ tướng từng nêu đề xuất này với ông Maeda Tadashi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC).

Chủ trương đầu tư đường sắt cao tốc từng được trình Quốc hội hồi tháng 6/2010 nhưng không được thông qua.

Hồi tháng 2/2019, Bộ GTVT trình Chính phủ báo cáo tiền khả thi dự án tốc độ cao Bắc – Nam có quy mô đầu tư là đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, chiều dài 1.545km, tốc độ khai thác tối đa khoảng 320km/h. Đoàn tàu sử dụng công nghệ động lực phân tán. Tổng mức đầu tư dự kiến toàn bộ dự án khoảng 58,71 tỷ USD (tương đương 1,3 triệu tỷ đồng).

Tuy nhiên, phương án trên đã gây nhiều tranh cãi.

Đến tháng 10/2022, Bộ GTVT tiếp tục báo cáo 2 phương án đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam.

Trong đó, phương án một là nâng cấp tuyến đường sắt hiện có thành đường đôi khổ 1.435 mm (hiện là khổ đơn 1.000 mm) để vận tải hành khách và hàng hóa, tốc độ khai thác tàu khách tối đa 180 km/h, tàu hàng tối đa 120 km/h. Chi phí đầu tư khoảng 42 tỷ USD.

Phương án hai là xây dựng đường sắt đôi khổ 1.435 mm để vận tải hành khách và hàng hóa, tốc độ khai thác tối đa 180 – 225 km/h, chi phí đầu tư khoảng 64,8 tỷ USD.

Với hai phương án này, Bộ GTVT chọn phương án thứ hai.

Đến tháng 11/2022, Bộ KH-ĐT có văn bản gửi Bộ GTVT, đồng ý với phương án thứ hai mà Bộ GTVT lựa chọn, tức là xây dựng đường sắt đôi khổ 1.435 mm để vận tải hành khách và hàng hóa, tốc độ khai thác tối đa 180 – 225 km/h.

Kim Long

10/31 Trung tâm Đăng kiểm ở Hà Nội nhận hối lộ hơn 20 tỷ đồng

Nhiều tài xế phải xếp hàng dài tại các Trung tâm Đăng kiểm. (Ảnh: vov.vn)

Theo công an Hà Nội, 10/31 Trung tâm Đăng kiểm nhận hối lộ để bỏ qua các lỗi phổ biến cho phương tiện đến đăng kiểm, với tổng số tiền hơn 20 tỷ đồng.

Tại buổi họp báo chiều ngày 14/1, ông Chu An Thanh, Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng và buôn lậu (PC03), Công an TP. Hà Nội, đã cung cấp thông tin về sai phạm tại các Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới tại Hà Nội.

Theo ông Thanh, PC03 đã rà soát và xác định tại Hà Nội có 31 Trung tâm Đăng kiểm, trong đó có 6 trung tâm do Cục Đăng kiểm Việt Nam (thuộc Bộ Giao thông Vận tải) quản lý; 2 trung tâm do Sở Giao thông Vận tải Hà Nội quản lý; 3 trung tâm do Tổng công ty Vận tải Hà Nội quản lý; còn lại là của tư nhân.

Cơ quan công an xác định có 10 trung tâm có sai phạm gồm: 2 Trung tâm do Cục Đăng kiểm quản lý (29-01V, 29-06V), 2 Trung tâm Sở Giao thông vận tải Hà Nội quản lý (33-01S, 33-02S); 1 Trung tâm do Tổng Công ty vận tải Hà Nội quản lý (29-03S) và 5 Trung tâm Đăng kiểm tư nhân, xã hội hóa (29-14D, 29-18D, 29-23D, 29-29D, 29-01S).

Ông Thanh cho hay các sai phạm phổ biến ở các Trung tâm Đăng kiểm trên là nhận hối lộ từ 100.000 – 1,5 triệu đồng để bỏ qua các lỗi phổ biến cho phương tiện đến đăng kiểm như: hệ thống phanh, tiêu chuẩn khí thải, đèn, trọng tải, phụ tùng đối với phương tiện vận tải không đạt tiêu chuẩn, lốp; đặc biệt là các phương tiện hoán cải trong công đoạn kiểm tra thủ công; nhập biển số xe, gắn cảm biến và tiến hành đo nồng độ khí thải của xe ô tô khác để cho xe ô tô thực tế đăng kiểm đảm bảo đủ tiêu chuẩn về khí thải và được thông qua kiểm định.

Bên cạnh đó, một số Trung tâm Đăng kiểm sử dụng phần mềm để can thiệp vào hệ thống chỉnh sửa vòng tua, thay đổi thông số kiểm định khí thải đối với các phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn về khí thải; sử dụng phần mềm chỉnh sửa ảnh trên máy tính để hạ chiều cao thành thùng xe tải.

“Bước đầu, lực lượng chức năng xác định các Trung tâm Đăng kiểm đều nhận nhiều tỷ đồng để bỏ qua lỗi vi phạm phương tiện, tổng số tiền của 10 trung tâm thu lời bất chính khoảng hơn 20 tỷ đồng”, ông Thanh nói.

Đến nay, cơ quan điều tra đã khởi tố 4 vụ án và 18 bị can để làm rõ tội “Nhận hối lộ”; khởi tố 5 vụ việc khác và tạm giữ 57 bị can. Trong 9 vụ án có nhiều người là giám đốc, phó giám đốc và nhân viên của Trung tâm Đăng kiểm.

Từ đầu tháng 1/2023 đến nay, các Trung tâm Đăng kiểm của Hà Nội luôn trong tình trạng quá tải.

Nhiều tài xế đến đăng kiểm phải xếp hàng dài trong nhiều tiếng đồng hồ; có người phải đợi tới 2-3 ngày, thậm chí là tới 5 ngày nhưng vẫn chưa xong. Một số lái xe cho hay trước đây cho tiền 200.000 đồng làm “nhanh như tên lửa” nhưng bây giờ để tiền cũng ai chẳng dám lấy, theo VOV. Nhiều nhân viên tại các Trung tâm Đăng kiểm cũng phải làm việc hết công suất.

Điều này đã khiến cho các chủ xe cơ giới bức xúc vì phải mất quá nhiều thời gian phải chờ đợi, chưa kể đến việc các phương tiện cơ giới xếp hàng dài tại các lề đường các khu vực xung quanh các Trung tâm Đăng kiểm đã ảnh hưởng đến giao thông tại các khu vực trên.

Nói với báo chí nhà nước hôm 13/1 về bê bối ngành đăng kiểm, ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng sự việc xảy ra như “cơn bão sóng thần” để lại hậu quả đau đớn, xoá đi bao nhiêu công sức của nhiều người xây dựng từ mấy chục năm qua.

Ông An cũng nói “chúng tôi nhận hết trách nhiệm về mình” nhưng lại cho rằng “tâm lý từ xa xưa truyền thống lâu nay, người dân đi đăng kiểm chỉ mong muốn được đăng kiểm nhanh, thậm chí có lỗi nhưng vẫn muốn được đăng kiểm rồi phát sinh việc ‘hối lộ’ làm phát sinh lòng tham với nhân viên đăng kiểm”.

Minh Long

Related posts