Huệ Liên
Tần Cương tuyên bố ‘lấy lòng’ châu Phi, bị chủ tịch Liên minh Châu Phi đáp trả làm ê mặt.
Trong chuyến thăm châu Phi ngày 11 tháng 1, tân Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương tuyên bố sẽ tăng cường tính đại diện và quyền phát ngôn của các nước châu Phi tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác, rõ ràng là đang lôi kéo lấy lòng Châu Phi. Không ngờ, ông Faki, Chủ tịch Ủy ban Liên minh Châu Phi, đã trực tiếp trả lời tại hiện trường, nói rằng điều quan trọng đối với Châu Phi là ĐCSTQ cho phép Châu Phi có một ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Theo báo cáo tổng hợp của các phương tiện truyền thông, sau khi nhậm chức vào cuối tháng trước, Tần Cương, tân Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã đến Addis Ababa, thủ đô của Ethiopia, nơi đặt trụ sở của Liên minh châu Phi vào tuần này, đây cũng là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến đi năm nước châu Phi của ông.
Theo AP, ông Tần Cương đã tham dự lễ khánh thành trụ sở của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi do ĐCSTQ tài trợ vào ngày 11/1 ông đã tuyên bố rằng “Các nước đang phát triển cần phải được tăng cường, đặc biệt, tính đại diện và quyền phát ngôn của các nước châu Phi tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác”. Ông còn nói thêm rằng châu Phi không phải là đấu trường cho sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, “Nếu có cạnh tranh, hãy so sánh xem ai là người vì hòa bình và phát triển của Châu Phi, ai đã làm nhiều hơn cho Châu Phi để có được tính đại diện và quyền phát ngôn lớn hơn trong chương trình nghị sự quản trị quốc tế”.
Không ngờ, bài phát biểu của ông Tần đã bị phản bác bởi tuyên bố của Chủ tịch Ủy ban Liên minh Châu Phi, Moussa Faki Mahamat, người cũng có mặt tại sự kiện. Ông Faki nói rằng nhiều mục trong chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc liên quan đến các nước châu Phi, nhưng Hội đồng Bảo an không trao quyền đại diện thường trực cho châu Phi, việc lục địa châu Phi bị loại khỏi sự quản trị quốc tế không chỉ là bất công mà còn không thể chấp nhận được và cần được giải quyết khẩn cấp.
Tuy nhiên, trên thực tế, trong số 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Mỹ, Pháp, Anh và Nga đều ủng hộ việc mở rộng tư cách thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, bao gồm cả một ghế cho châu Phi. Chỉ có ĐCSTQ tuyên bố rằng Hội đồng Bảo an cần phải được cải cách, nhưng từ chối công khai ủng hộ bất kỳ quốc gia nào trở thành thành viên thường trực mới, cũng như không sẵn sàng tham gia tích cực vào các cuộc thảo luận thực chất về việc mở rộng Hội đồng Bảo an.
Theo VOA, trước đây, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đã chỉ trích chế độ ĐCSTQ mà không nói rõ tên rằng: “Những quốc gia đã giành được chiến thắng hơn 70 năm trước đã từ chối xem xét các kế hoạch cải cách cần thiết và từ chối thay đổi mối quan hệ quyền lực của các tổ chức quốc tế.”
Ngược lại, theo Washington Post, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cho biết vào tháng 9 năm ngoái rằng Hoa Kỳ ủng hộ việc phân bổ các ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an cho Châu Phi và Châu Mỹ Latinh, cũng như một ghế thường trực cho Liên minh Châu Phi trong G20. Ông Biden cũng có kế hoạch đến thăm châu Phi cận Sahara. Đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của một tổng thống Mỹ tới khu vực này kể từ năm 2015.