Tin VN tối Chủ Nhật: Nghi phạm sát hại người yêu cũ trên vỉa hè tại Hà Nội đã bị bắt

Nghi phạm sát hại người yêu cũ trên vỉa hè tại Hà Nội bị bắt

Hình ảnh gây án được trích xuất từ camera an ninh trước cửa nhà dân, đêm tối 12/1. (Ảnh chụp màn hình video)

Trước cửa nhà số 82 Vương Thừa Vũ (quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội), cô gái trẻ bị nam thanh niên vật ngã, rút dao đâm liên tiếp vào người. Nạn nhân gục chết ngay trên vỉa hè trước sự bất lực của người chứng kiến.

Tối muộn 14/1, Công an quận Thanh Xuân (TP. Hà Nội) xác nhận nghi phạm đâm cô gái tử vong trước cửa nhà số 82 Vương Thừa Vũ vừa bị bắt giữ sau khoảng 48 giờ gây án, theo báo Lao Động.

Vị này cho biết lúc 23h25 ngày 14/1, đơn vị đã lấy lời khai của nghi phạm, thông tin chi tiết sẽ cung cấp sau.

Theo Zing, nạn nhân được xác định là U.T.P. (sinh năm 2003, quê Lai Châu, làm việc cho cơ sở nail gần hiện trường). Nguyên nhân ban đầu được xác định là do mâu thuẫn tình cảm giữa chị P và nghi phạm – người yêu cũ.

Theo hình ảnh trích xuất từ camera an ninh trước cửa nhà số 82 Vương Thừa Vũ, khoảng 23h20 ngày 12.1, một đôi nam nữ cãi nhau trước số nhà 82 phố Vương Thừa Vũ. Lúc này, nam thanh niên mặc quần áo màu đen, đội mũ bảo hiểm, vật ngã cô gái rồi rút dao đâm liên tiếp vào người nạn nhân.

Mặc cho cô gái la hét, chống cự, kẻ thủ ác vẫn tiếp tục đâm nhiều nhát khiến nạn nhân chết gục tại chỗ.

Một nam thanh niên chạy đến can ngăn cũng bị người này dùng dao đe dọa, tấn công gây thương tích.

Nguyễn Sơn

200 giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục ở Quảng Nam nghỉ việc: Vì sao?

Nguyên nhân chính dẫn đến nhiều giáo viên nghỉ việc là do mức lương thấp, không đủ trang trải cuộc sống, một số do mắc bệnh hiểm nghèo, gia đình thay đổi nơi sinh sống… (Ảnh: quangnam.gov.vn)

Theo giới chức Quảng Nam, năm 2020, 2021, số giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục nghỉ việc lần lượt là 41 và 39 người thì đến năm 2022 là 120 người.

Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam Trần Anh Tuấn vừa có báo cáo về thực trạng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục nghỉ việc.

Theo báo cáo, từ năm 2020 đến năm 2022, tổng số giáo viên, cán bộ quản lý thuộc các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông nghỉ việc là 200 người. Trong đó, năm 2020 là 41 người; năm 2021 là 39 người; năm 2022 là 120 người.

Số người nghỉ việc ở cấp mầm non có 88 người, cấp tiểu học là 67 người, cấp THCS là 33 người và cấp THPT là 12 người. Hầu hết giáo viên, cán bộ quản lý nghỉ việc đang công tác tại các trường công lập.

Lý giải nguyên nhân, ông Tuấn cho hay do tỉnh rộng, nhiều huyện miền núi, nhiều giáo viên do điều kiện công tác xa nhà, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên nghỉ việc để tìm công việc thuận lợi hơn, đặc biệt là trong giai đoạn chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Một số trường hợp giáo viên, cán bộ quản lý nghỉ việc ở địa phương này do đã trúng tuyển vào viên chức ở địa phương khác.

Năm 2022, tỉnh Quảng Nam dự định tuyển khoảng 2.500 giáo viên. Theo ông Tuấn, một số vị trí như giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học tuyển dụng được còn rất ít so với nhu cầu do không có người dự tuyển đạt trình độ chuẩn theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019. Do đó, việc thiếu giáo viên giảng dạy đã phần nào gây nên áp lực công việc với thầy cô giáo.

Ngoài ra, nguyên nhân chính dẫn đến nhiều giáo viên nghỉ việc là do mức lương thấp, không đủ trang trải cuộc sống, một số do mắc bệnh hiểm nghèo, gia đình thay đổi nơi sinh sống…

Về giải pháp, ông Tuấn cho rằng cần quan tâm đến chính sách tiền lương đối với những người công tác trong lĩnh vực giáo dục.

Trong đó, cần chú ý đến chính sách đối với giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn. Đối với giáo viên mới vào nghề, giáo viên hợp đồng, cần có chính sách hỗ trợ để đảm bảo thu nhập không thấp hơn lương tối thiểu vùng; được hưởng phụ cấp ưu đãi, các khoản hỗ trợ học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng dạy học…

Tính đến cuối tháng 9/2022, Việt Nam có 16.000 giáo viên nghỉ việc, bình quân cứ 100 nhà giáo thì một người ra khỏi ngành.
5 năm (2021 – 2025), Quảng Nam dự kiến chi 2.300 tỷ đồng cho giáo dục

Sở GD&ĐT Quảng Nam vừa có báo cáo dự thảo đề án hỗ trợ phát triển giáo dục miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 – 2025.

Theo Sở GD&ĐT, việc phát triển giáo dục miền núi còn gặp nhiều khó khăn, như: nguồn lực đầu tư còn thấp, chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước; cơ sở vật chất của các trường chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định, trang thiết bị phục vụ dạy học chưa được đầu tư; thiết bị dạy học ở các trường học còn thiếu, các điều kiện tổ chức nội trú, bán trú cho học sinh chưa đảm bảo. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia vẫn còn thấp, chỉ đạt 48% (mặt bằng chung toàn tỉnh 66%). Đội ngũ giáo viên còn thiếu và không ổn định, chủ yếu ưu tiên bố trí giáo viên đứng lớp, năng lực chuyên môn còn hạn chế. Tình trạng học sinh cấp THCS, THPT bỏ học vẫn còn.

Các chính sách hỗ trợ hiện hành của Trung ương và tỉnh chưa đáp ứng nhu cầu cấp thiết thực tế, mức hỗ trợ cho học sinh, giáo viên, nhân viên còn thấp.

Đề án đề ra mục tiêu giai đoạn 2021-2025 sẽ tập trung phát triển mạng lưới trường, lớp, học sinh gắn với bố trí đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục. Đối với 6 huyện miền núi vùng cao, chuyển đổi một số trường TH, THCS thành trường phổ thông dân tộc bán trú khi hội đủ điều kiện; giảm số lượng lớp ghép ở bậc học mầm non và cấp tiểu học.

Dự kiến, đến năm 2025, có 100% nhóm, lớp mầm non được học 2 buổi/ngày; duy trì tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm trung bình 1,5% so với đầu năm học và tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm trung bình 1% so với đầu năm học.

Cũng dự kiến đến năm 2025 có 60% huyện miền núi đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2, có 40% huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3. Số học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng đạt 70% (trên số học sinh tốt nghiệp THPT).

Về kế hoạch trong giai đoạn 5 năm (2021 – 2025), đề án dự kiến tổng kinh phí thực hiện khoảng 2.300 tỷ đồng (chủ yếu đầu tư cho cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị).

Minh Long

Chứng khoán Tân Việt và Chứng khoán Kỹ thương bị phạt hàng tỷ đồng

Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt và Công ty cổ phần chứng khoán Kỹ thương bị xử phạt hành chính. (Ảnh: Peshkova/Shutterstock).

Vi phạm hàng loạt quy định, hai công ty là Chứng khoán Tân Việt và Chứng khoán Kỹ thương vừa bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định xử phạt hành chính với tổng số tiền phạt lên tới 1,15 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt bị phạt 745 triệu đồng

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết căn cứ kết quả kiểm tra việc cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu doanh nghiệp từ ngày 1/1/2021 đến ngày 5/9/2022, ủy ban này đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt (địa chỉ: Tầng 6, số 79 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội), cụ thể như sau:

– Phạt 300 triệu đồng vì không đảm bảo các thông tin trong hồ sơ chào bán hoặc phát hành trái phiếu riêng lẻ chính xác và có đầy đủ các nội dung theo quy định phải có trong hồ sơ.
– Phạt 100 triệu đồng vì thực hiện đăng ký, lưu ký trái phiếu chào bán, phát hành riêng lẻ không đúng thời hạn theo quy định.
– Phạt 125 triệu đồng vì không lưu giữ tài liệu về việc lựa chọn nhà đầu tư tham gia mua chứng khoán chào bán hoặc phát hành riêng lẻ.
– Phạt 70 triệu đồng vì báo cáo không đúng thời hạn theo quy định pháp luật. Công ty này đã báo cáo không đúng thời hạn Báo cáo định kỳ của tổ chức tư vấn quý IV/2021; Báo cáo định kỳ quý II/2021 của tổ chức đại lý phát hành; các báo cáo định kỳ quý của tổ chức đăng ký, lưu ký,…
– Phạt 150 triệu đồng vì vi phạm quy định về hạn chế đầu tư của công ty chứng khoán. Trong giai đoạn từ ngày 1/1/2022 đến ngày 30/8/2022 có nhiều thời điểm tổng giá trị đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp của Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt vượt quá 70% vốn chủ sở hữu, vi phạm quy định về hạn chế đầu tư của công ty chứng khoán.

Công ty cổ phần chứng khoán Kỹ thương bị phạt 405 triệu đồng

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần chứng khoán Kỹ thương (địa chỉ: Tầng 27, 28, 29 Tòa nhà C5 D’Capitale, số 119 Trần Duy Hưng, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội), cụ thể như sau:

– Phạt 250 triệu đồng vì không đảm bảo các thông tin trong hồ sơ chào bán hoặc phát hành trái phiếu riêng lẻ chính xác.
– Phạt 85 triệu vì thực hiện đăng ký, lưu ký trái phiếu chào bán, phát hành riêng lẻ không đúng thời hạn theo quy định.
– Phạt 70 triệu đồng vì báo cáo không đúng thời hạn theo quy định pháp luật. Công ty báo cáo không đúng thời hạn đối với Báo cáo định kỳ của tổ chức tư vấn quý I, II/2022; Báo cáo định kỳ của tổ chức đại lý phát hành/bảo lãnh phát hành quý I, II/2021

Khánh Vy

Related posts