Hai tháng trước Tết Nguyên đán, từ ngày 15/11/2022 đến ngày 12/1/2023, 80.672 trường hợp tài xế bị phát hiện vi phạm về nồng độ cồn, tổng số tiền nộp phạt lên đến gần 400 tỷ đồng.
Trong vòng 10 ngày (15/12 đến ngày 24/12/2022) tại Hà Nội phát hiện, xử lý 1.917 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền hơn 10 tỷ đồng. (Ảnh: csgt.vn)
Theo Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) Bộ Công an, từ ngày 15/11/2022 đến ngày 12/1/2023 là 2 tháng thực hiện cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Tổng số trường hợp vi phạm giao thông bị phát hiện, xử lý 509.759 trường hợp, phạt tiền gần 1.000 tỷ đồng.
Trong đó, 80.672 trường hợp bị xử lý do vi phạm về nồng độ cồn, tổng số tiền phạt là gần 400 tỷ đồng. Số lái xe vi phạm nồng đồ cồn khi lái xe bị phát hiện nhiều nhất đối với xe máy 75.997, kế đến là xe con 3.639 trường hợp, xe tải 291 trường hợp, xe khách 49 trường hợp, xe container 34 trường hợp…
Tổng cộng 18.012 trường hợp bị phạt do “cơi nới” thùng xe, chở hàng quá trọng tải, quá khổ, phạt tiền gần 100 tỷ đồng. 84.649 trường hợp vi phạm tốc độ bị buộc nộp phạt gần 150 tỷ đồng.
Trên tuyến đường sắt, CSGT xử lý 616 trường hợp, phạt tiền gần 500 triệu đồng. Tuyến đường thủy xử lý 10.649 trường hợp, phạt tiền gần 15 tỷ đồng.
Tổng cộng có tới 90.957 trường hợp bị tước giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn; tạm giữ 6.676 ô tô, 128.420 mô tô, 15 phương tiện thủy.
Tổng số vụ tai nạn giao thông ghi nhận trong 2 tháng trước Tết Nguyên đán là 1.854 vụ, làm chết 1.026 người, bị thương 1.323 người. So với thời gian liền kề, tình hình tai nạn giao thông giảm 121 vụ (-6,12%), giảm 41 người chết (-3,84%), giảm 86 người bị thương (-6,10%). Mặc dù vậy, con số thương vong vẫn ở mức cao khi bình quân mỗi ngày có 17 người chết, 23 người bị thương do tai nạn giao thông.
Phối hợp với các lực lượng khác, qua kiểm soát giao thông, CSGT đồng thời phát hiện 282 vụ phạm pháp hình sự, kinh tế, ma túy, bắt giữ 311 nghi phạm; 205 vụ/93 nghi phạm buôn lậu và gian lận thương mại; 30 vụ/21 nghi phạm vận chuyển, tàng trữ trái phép vũ khí, vật liệu nổ; 89 vụ/109 nghi phạm vận chuyển pháo nổ trái phép; 29 vụ/32 nghi phạm khai thác, vận chuyển cát, khoáng sản trái phép; 15 vụ/45 nghi phạm nhập cảnh trái phép.
Cục CSGT cho biết thời gian tới tiếp tục tập trung xử lý các hành vi vi phạm về nồng độ cồn, ma túy, tốc độ, xe quá khổ, quá tải, cơi nới thùng xe, ngăn chặn tình trạng tụ tập đua xe, chạy xe với tốc độ cao, lạng lách đánh võng.
Nguyễn Sơn
Khởi tố, bắt tạm giam 2 Phó Giám đốc Bệnh viện TP. Thủ Đức
Hai Phó Giám đốc Bệnh viện TP. Thủ Đức bị bắt để điều tra về sai phạm liên quan đến quá trình đấu thầu tại bệnh viện này.
Ngày 16/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an đã khởi tố bị can, khám xét và bắt tạm giam Nguyễn Lan Anh và Nguyễn Thị Ngọc (đều là Phó giám đốc Bệnh viện TP. Thủ Đức) để điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện TP. Thủ Đức.
Theo báo Tuổi Trẻ, cùng bị bắt với hai Phó giám đốc còn có Đặng Thị Hiên, Trưởng phòng Tài chính – Kế toán; Ngọc Bích, nguyên Trưởng phòng Vật tư – Thiết bị và một chuyên viên phòng vật tư thiết bị.
Trước đó, tháng 11/2021, C03 đã khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam, lệnh khám xét đối với ông Nguyễn Minh Quân (SN 1973), Giám đốc Bệnh viện TP. Thủ Đức và Nguyễn Văn Lợi (SN 1986), Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sản xuất Nguyễn Tâm về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Sau đó, C03 đã ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam với Bùi Trung Kiên và Lê Thanh An (cựu cán bộ Phòng 6, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), Bộ Công an) để điều tra về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn, chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại khoản 4, Điều 355 Bộ luật Hình sự năm 2015.
C03 cũng khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam với 4 người gồm: luật sư Bùi Thị Hồng Giang, Trần Văn Long (Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần truyền thông Du lịch Việt), Hà Duy Tuấn (Chủ tịch Hội đồng tư vấn Công ty cổ phần Đầu tư Long Thịnh), Nguyễn Ngọc Triệu (nguyên ủy viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nguyên trụ trì chùa Nôm) để điều tra về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn, chiếm đoạt tài sản”.
Theo cáo buộc, đầu năm 2021, biết mình bị C03 điều tra, ông Quân đã tìm cách để thoát tội. Được bị cáo Kiên hứa hẹn “chạy án”, ông Quân đã nhiều lần đưa cho Kiên tổng số tiền 2,2 triệu USD để lo việc.
Ngoài ra, bị cáo Kiên còn yêu cầu ông Quân đưa 1,5 triệu USD để giải quyết cho một giám đốc trúng nhiều gói thầu tại Bệnh viện Thủ Đức không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Sau khi nhận 3,7 triệu USD, bị cáo Kiên không có động thái gì mà chiếm đoạt số tiền này. Ông Quân nhiều lần đòi và được bị cáo Kiên trả lại 1,15 triệu USD.
Tiếp tục tìm “cửa” khác, ông Quân gặp bị cáo Trần Văn Long cùng luật sư Bùi Thị Hồng Giang để nhờ tư vấn pháp luật. Hai người này sau đó nhận của ông Quân hơn 1,6 triệu USD và đưa cho Lê Thanh An 1,5 triệu USD để tiếp tục nhờ “chạy án” cho ông Quân.
Bị cáo Lê Thanh An sau đó nhờ một người mang 970.000 USD đến gặp Nguyễn Ngọc Triệu, nhờ giúp “chạy án” cho ông Quân.
Bị cáo Triệu nhận lời giúp và tiếp tục đi nhờ một người khác để giúp ông Nguyễn Minh Quân, nhưng bất thành. Cơ quan điều tra xác định bị cáo Triệu nhận 400.000 USD.
Cáo trạng xác định từ tháng 3/2021 đến 7/2021, ông Nguyễn Minh Quân đã nhiều lần đưa tiền cho bị cáo Kiên, Giang và Long (tổng là 2,67 triệu USD, khoảng gần 60 tỷ đồng) để “chạy án”. Hành vi của ông Nguyễn Minh Quân đã phạm vào tội “Đưa hối lộ”. Tuy nhiên, ông Quân đã chủ động khai báo trước khi bị phát hiện, do vậy được miễn trách nhiệm hình sự.
Tháng 9/2022, TAND TP. Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Bùi Trung Kiên 9 năm tù; bị cáo Lê Thanh An 6 năm tù; Nguyễn Ngọc Triệu 5 năm tù; Trần Văn Long 3 năm tù; Bùi Thị Hồng Giang 9 năm tù; Hà Duy Tuấn 9 năm tù.
Phạm Toàn