Kevin Stocklin
Hội nghị thượng đỉnh Davos thúc đẩy chính sách ESG trong bối cảnh thiếu hụt, lạm phát, và bất đồng gia tăng
Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Klaus Schwab tuyên bố khai mạc cuộc họp thường niên lần thứ 53 của các nhà lãnh đạo chính trị, giám đốc điều hành công ty, và các nhà hoạt động ở Davos, Thụy Sĩ, tuyên bố rằng hội nghị thượng đỉnh này sẽ tập trung vào sự tiếp tục cống hiến của các thành viên cho nghị trình về cải thiện môi trường và xã hội-công lý ở giữa bối cảnh mà ông đã mô tả là “nhiều cuộc khủng hoảng chưa từng có.”
Ông Klaus nói, “Chủ đề cuộc họp của chúng ta ở Davos là hợp tác trong một thế giới bị chia rẽ.” Trong cái mà WEF gọi là “Năm của đa khủng hoảng,” ông Klaus đã tuyên bố rằng “các cuộc khủng hoảng kinh tế, môi trường, xã hội, và địa chính trị đang hội tụ và kết hợp lại với nhau, tạo ra một tương lai hết sức dễ biến động và không chắc chắn.”
Ông cảnh báo, “Tất cả chúng ta đều mắc kẹt trong một tư duy khủng hoảng,” nhưng trấn an những người tham dự rằng “cuộc họp thường niên tại Davos sẽ cố gắng bảo đảm rằng các nhà lãnh đạo không bị mắc kẹt trong tư duy khủng hoảng này mà phát triển một quan điểm dài hạn, mang tính xây dựng để định hình tương lai theo cách bền vững hơn, toàn diện hơn, và kiên cường hơn.”
Hội nghị thượng đỉnh WEF lần này có sự tham gia kỷ lục của nhiều quan chức chính phủ và doanh nghiệp quyền lực nhất. Sẽ có 379 công chức tham dự, trong đó có 30 nguyên thủ quốc gia, 56 bộ trưởng tài chính, 19 thống đốc ngân hàng trung ương, 39 người đứng đầu các tổ chức toàn cầu, trong đó có Liên Hiệp Quốc, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, và Tổ chức Thương mại Thế giới. Cũng sẽ có 1,500 giám đốc điều hành từ 700 công ty, trong đó có 600 CEO từ các tập đoàn lớn nhất thế giới.
Ông Borge Brende, một trong số các giám đốc điều hành của WEF, cho biết: “Chúng ta có những nhân vật chủ chốt trên toàn cầu để tạo ra sự hợp tác ngay cả trong thế giới bị chia rẽ này.” Ông cũng lưu ý rằng WEF đang dự kiến có “một phái đoàn cao cấp của Trung Quốc.”
Nghị trình năm nay bao gồm hoạt động đẩy mạnh chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, hệ thống hóa các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội, và quản trị (ESG) để làm cho việc tuân thủ trở nên dễ đo lường hơn, “việc làm ‘xanh’ và mang tính xã hội để xây dựng nền kinh tế toàn diện và bền vững” và “sự công bằng đa dạng và bao gồm những ngọn hải đăng về [DEI] (Đa dạng, Bình đẳng, Hòa nhập),” và một báo cáo rủi ro toàn cầu.
Bà Saadia Zahidi, giám đốc điều hành của WEF đặt câu hỏi: “Làm thế nào để chúng ta xây dựng sự tăng trưởng toàn diện, bền vững, và có khả năng phục hồi?” Một nhóm các nhà lãnh đạo từ khu vực công và tư nhân sẽ cùng nhau giải quyết chính xác câu hỏi đó, thiết kế một khuôn khổ, và bắt đầu điều chỉnh xung quanh nghị trình mới đó.”
Bà Zahidi cho biết những người tham dự cũng sẽ thiết lập chính sách liên quan đến “Nghị trình về nguồn nhân lực. Nếu không có sự đầu tư thích đáng vào kỹ năng và giáo dục, thì không cơ hội nào trong số những cơ hội này có thể thực sự phát huy tác dụng, chúng ta cũng sẽ không có được khả năng phục hồi xã hội cần thiết để chuẩn bị cho những biến cố không thể tránh khỏi trong tương lai. Vì vậy, chúng ta sẽ có một cuộc họp của những nhà vô địch về cách mạng trang bị lại kỹ năng.”
Liên quan đến “đa khủng hoảng”, WEF đã tập hợp một ma trận rộng lớn các mối đe dọa mà thế giới phải đối mặt. Năm rủi ro ngắn hạn hàng đầu là “khủng hoảng chi phí sinh hoạt, thiên tai và thời tiết khắc nghiệt, đối đầu địa kinh tế, thất bại trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu, xói mòn sự gắn kết xã hội và phân cực xã hội”. Báo cáo lưu ý rằng, nhìn xa hơn về tương lai, “bốn rủi ro nghiêm trọng nhất trong 10 năm tới đều liên quan đến môi trường.”
Về DEI, báo cáo cho biết rằng mặc dù 7.5 tỷ USD đã được chi cho các chương trình cải tạo DEI, con số này sẽ tăng lên 15.4 tỷ USD vào năm 2026, “đại dịch đã gây ra tổn thất về bình đẳng giới cho nhiều thế hệ, làm tăng thời gian dự kiến để đạt được sự bình đẳng toàn cầu từ 100 lên 132 năm.”
Tham vọng toàn cầu vấp phải sự phản đối
Trong khi các hội nghị thượng đỉnh trước đây của WEF vấp phải rất ít sự phản đối từ bên ngoài, thì hội nghị thượng đỉnh năm nay có thể sẽ diễn ra trong điều mà ông Schwab gọi là một thế giới “chia rẽ” hơn. Sự chia rẽ không chỉ bao gồm chiến tranh Nga-Ukraine và căng thẳng gia tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc mà còn cả sự bất đồng chính kiến trong các quốc gia đã cam kết trung thành với nghị trình của WEF.
Điều từng là một sự đồng thuận ngầm, thống nhất trong việc ủng hộ nghị trình ESG của WEF gần đây đã được đưa ra ánh sáng và bị thách thức, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, nơi các tiểu bang theo phái bảo tồn truyền thống đã đẩy lùi với luật chống ESG, tẩy chay, điều tra chống độc quyền, và các vụ kiện.
Thống đốc Florida Ron DeSantis cho biết: “Tất cả những người ưu tú này tham gia vào Diễn đàn Kinh tế Thế giới và về căn bản, tầm nhìn của họ là họ điều hành mọi thứ còn những người khác chỉ là nông nô. Nghị trình về năng lượng và công bằng xã hội của WEF “đang thực sự làm suy yếu xã hội phương Tây và các giá trị của phương Tây. Nhưng đằng sau rất nhiều trong nghị trình ấy là ĐCSTQ [Đảng Cộng sản Trung Quốc].”
Âu Châu cũng đã trải qua một số biến động. Ở Ý, đảng bảo thủ Anh em của Ý lên nắm quyền vào mùa thu năm ngoái dưới sự lãnh đạo của bà Georgia Meloni, người có bài diễn văn nhậm chức thủ tướng đã bị YouTube kiểm duyệt, được cho là “có lỗi” kỹ thuật. Và ở Thụy Điển, một liên minh bảo thủ do đảng Ôn hòa lãnh đạo đã giành được đa số trong quốc hội.
Phần lớn sự phản đối tham vọng toàn cầu của WEF bắt nguồn từ thực tế là mọi người hiện đang bắt đầu cảm thấy tác động của nghị trình ESG. Nỗ lực phối hợp của họ chống lại nhiên liệu hóa thạch đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt và tăng giá, đã lan sang các ngành khác như nông nghiệp, sản xuất và vận tải, và cuối cùng, dẫn đến lạm phát kỷ lục tại các cửa hàng thực phẩm và trạm bơm xăng.
Lạm phát tiếp tục được thúc đẩy bởi hàng ngàn tỷ USD chi tiêu của chính phủ cấp tiến cho các chương trình xã hội, các khoản thanh toán kích thích chi tiêu, và trợ cấp năng lượng tái tạo. Cơn lũ đồng USD và euro rượt theo lượng hàng hóa sẵn có ít hơn đã buộc các ngân hàng trung ương, đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, phải tăng lãi suất trong suốt năm 2022, làm tăng chi phí nợ và đe dọa đẩy nền kinh tế thế giới vào suy thoái.
Giám đốc điều hành WEF Mirek Dusek thừa nhận rằng những vấn đề này đã đặt nghị trình về ESG vào thế phòng thủ.
Ông Dusek cho biết: “Chúng tôi đã khai triển rất nhiều biện pháp phòng thủ để ứng phó với một vài trong số các cuộc khủng hoảng liên tiếp này vốn đang biểu hiện trong hệ thống quốc tế. Vậy làm thế nào để chúng ta tiếp tục trên mặt trận này và thực sự làm rõ cũng như thực hiện các chiến lược kinh doanh hướng tới tầm nhìn, định hướng tương lai và các chính sách của chính phủ có thể giúp chúng ta bền bỉ hơn trong tương lai?”
Theo những phương hướng này, hội nghị thượng đỉnh tại Davos cũng sẽ tìm cách củng cố quan điểm rằng những vấn đề này chủ yếu là kết quả của biến đổi khí hậu.
“Biến đổi khí hậu và sự sụp đổ của hệ sinh thái là những mối đe dọa lớn nhất đối với nhân loại,” Giám đốc điều hành WEF Gim Huay Neo cho biết. Năm lĩnh vực trọng tâm của bà là “đạt đến con số phát thải ròng bằng 0, xây dựng một nền kinh tế tích cực với thiên nhiên, tái tạo hệ thống thực phẩm, nước và đại dương, sử dụng tuần hoàn các nguồn tài nguyên, và cuối cùng là giải quyết chất thải và ô nhiễm.”
Phản ứng dữ dội đối với ESG
Năm ngoái đã mang lại nhiều bằng chứng hơn cho thấy xếp hạng ESG có thể đang suy yếu. Các công ty quản lý tài sản BlackRock và State Street, đã ký cam kết buộc các công ty có cổ phần mà họ sở hữu hướng tới mức phát thải ròng bằng 0, đã thẳng thừng phủ nhận tại một phiên điều trần của thượng viện bang Texas hồi tháng 12/2022 rằng họ đã từng sử dụng quyền lực của mình với tư cách là cổ đông để tác động đến ban quản lý doanh nghiệp hướng tới các mục tiêu ESG. Đồng thời, Vanguard, công ty quản lý tài sản thứ ba trong số “Big Three”, đã rút khỏi tư cách thành viên của sáng kiến Nhà Quản lý Tài sản Net Zero (NZAM).
Đối mặt với những câu hỏi và sự tẩy chay từ các tiểu bang theo phái bảo tồn truyền thống khác về sự phân biệt đối xử với các công ty nhiên liệu hóa thạch, hầu hết các ngân hàng ở Wall Street cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với ngành dầu mỏ và khí đốt và quảng bá về hàng tỷ USD mà họ đã đầu tư vào ngành này. Và trong khi Hoa Kỳ dưới thời chính phủ Tổng thống Biden đã chi mạnh tay cho các khoản trợ cấp cho năng lượng gió, năng lượng mặt trời, và xe hơi chạy điện, đồng thời đưa ra nhiều rào cản pháp lý đối với ngành nhiên liệu hóa thạch, thì các tòa án thường kiểm tra các nỗ lực của bộ máy hành chính liên bang trong việc thiết lập chính sách công nghiệp. Đáng chú ý nhất, là phán quyết của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ trong vụ West Virginia kiện Cơ quan Bảo vệ Môi trường đã tuyên bố rằng chỉ có Quốc hội mới có thể đưa ra luật về những vấn đề quan trọng như vậy.
Tuy nhiên, ông Klaus ca ngợi “vai trò ngày càng tăng của nhà nước” trong ngành công nghiệp tư nhân và tuyên bố: “Diễn đàn Kinh tế Thế giới, như quý vị biết, là tổ chức quốc tế về hợp tác công tư, và hợp tác công tư ngày càng trở nên cần thiết hơn”. Nhưng cũng có thể có những trở ngại liên quan đến sự hợp tác này.
Những lo ngại về việc chính phủ và các tập đoàn hợp tác quá chặt chẽ đã càng gia tăng sau những tiết lộ gần đây rằng FBI dường như đã thông đồng với Twitter để kiểm duyệt các bản tin có thể gây tổn hại cho chiến dịch bầu cử của Tổng thống Joe Biden. Danh sách khách mời của Davos tuần này gồm có Giám đốc FBI Christopher Wray và Giám đốc Tình báo Hoa Kỳ Avril Haines, mặc dù không rõ các cơ quan thực thi pháp luật và tình báo của Hoa Kỳ sẽ đóng góp gì cho những gì bề ngoài là một hội nghị kinh tế. Và ngày càng có nhiều nghi ngờ về việc mở rộng vai trò của nhà nước trong chính sách công nghiệp và điều hướng sản xuất năng lượng, sau khi Âu Châu may mắn thoát khỏi việc phải phân chia khẩu phần năng lượng trong mùa đông này chỉ nhờ vào thời tiết ấm áp bất thường. Danh tiếng của các chuyên gia chính phủ cũng không được củng cố do sự quản lý tồi tệ trong đại dịch COVID-19, bao gồm cả phong tỏa, kiểm duyệt, và một nỗ lực để ép buộc các công ty sa thải các nhân viên từ chối vaccine.
Nghị trình năm 2023 đã khác với hội nghị thượng đỉnh WEF năm 2021, với chủ đề là “Đại Tái thiết”; thuật ngữ này đã không còn được ưa chuộng với các tác giả của nó.
Năm nay, WEF nhấn mạnh sự cần thiết phải “khôi phục lòng tin”, nhưng vẫn còn phải xem liệu điều này có nghĩa là tăng cường mối quan hệ giữa những người trong danh sách khách mời hay cũng bao gồm sự tin tưởng của công chúng rộng lớn hơn, những người dường như không có vai trò hoặc quyền biểu quyết nào trong các quyết định được đưa ra tại Davos.
Trong một tweet liên quan đến hội nghị thượng đỉnh, Nhà công nghiệp và CEO Elon Musk đã tuyên bố: “Tôi đoán việc có một diễn đàn thương mại và chính phủ hỗn hợp dưới một hình thức nào đó cũng có giá trị. Mặc dù vậy, WEF có vẻ đáng sợ với tôi, nhưng tôi chắc rằng mọi thứ đều ổn…”
Kevin Stocklin là một nhà văn, nhà sản xuất phim, và là cựu nhân viên ngân hàng đầu tư. Ông đã viết và sản xuất tác phẩm “We All Fall Down: The American Mortgage Crisis” (“Chúng Ta Đều Sụp Đổ: Cuộc Khủng Hoảng Thế Chấp Của Mỹ”), một bộ phim tài liệu năm 2008 về sự sụp đổ của hệ thống tài chính thế chấp của Hoa Kỳ.
Vân Du biên dịch