Cập nhật tin tức thế giới: Serbia yêu cầu Nga chấm dứt tuyển mộ người Serbia cho cuộc chiến Ukraine

Quân đội Ukraine bắt đầu được huấn luyện tên lửa Patriot tại căn cứ của Mỹ

Hệ thống tên lửa Patriot. (Ảnh: Mike Mareen/Shutterstock)

Hôm 17/1 vừa qua, Thư ký Báo chí Lầu Năm Góc Pat Ryder cho biết rằng Mỹ đã bắt đầu chương trình huấn luyện binh sĩ Ukraine tại căn cứ quân sự Fort Sill cách sử dụng cũng như bảo trì các hệ thống tên lửa Patriot, theo hãng tin Sputnik.

“Việc đào tạo đã bắt đầu. Các binh sĩ đã đến Fort Sill và bắt đầu huấn luyện”, người phát ngôn Ryder phát biểu trong một cuộc họp báo khi được hỏi về việc đào tạo.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã quyết định cung cấp một hệ thống tên lửa đất đối không Patriot cho Ukraine. Hệ thống vũ khí này sẽ được chuyển giao sau khi hoàn thành khóa huấn luyện. Ông Ryder cho hay rằng có khoảng 90 – 100 binh sĩ Ukraine sẽ được huấn luyện trong vài tháng về cách vận hành và bảo trì hệ thống tên lửa.

Tương tự, Đức đã hứa cung cấp một hệ thống tên lửa Patriot cho Ukraine và Hà Lan cũng bày tỏ ý định cung cấp hệ thống này.

Phát ngôn của ông Ryder được đưa ra ngay sau khi có báo cáo cho rằng các lực lượng Mỹ cũng đã tiến hành huấn luyện quân sự cho các binh sĩ Ukraine ở Đức, trong đó được cho là bao gồm cả hướng dẫn trên thực địa và trong lớp học.

Mỹ vẫn chưa cho biết liệu tên lửa Patriot mà nước này gửi tới Ukraine sẽ được lấy từ kho dự trữ của Mỹ hay từ một địa điểm khác. Theo tờ Politico, có khả năng quân đội Mỹ sẽ chuyển một trong các hệ thống ra khỏi kho thay vì lấy một khẩu đội từ địa điểm ở nước ngoài. Nhiều nước đang muốn có hệ thống Patriot, đặc biệt là ở Trung Đông.

Trong những tháng gần đây, các quốc gia ủng hộ Kyiv ở phương Tây tập trung hỗ trợ an ninh vào phòng không trong bối cảnh Nga triển khai các cuộc tấn công bằng tên lửa vào các mục tiêu hạ tầng quan trọng của Ukraine.

Trước thông tin Mỹ sẽ viện trợ Patriot cho Ukraine, ngày 22/12/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mô tả hệ thống này là vũ khí lỗi thời mà Nga sẽ có thể chống lại. Theo tờ Kyiv Independent, ông Putin nói với các nhà báo: “Patriot là một hệ thống khá lỗi thời, nó không hoạt động tốt như tên lửa đất đối không S-300 của chúng tôi. Chúng tôi sẽ tính đến điều này. Đó chỉ là một cách để kéo dài xung đột… Họ muốn cung cấp Patriot. Hãy để họ cung cấp, chúng tôi sẽ đập vỡ chúng như hạt dẻ”.

Trước việc Mỹ cung cấp Patriot cho Ukraine, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo rằng việc các nước phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine sẽ chỉ càng làm nghiêm trọng thêm cuộc xung đột hiện nay và là điều không có lợi cho Ukraine.

Phan Anh

Ukraine nói cuộc chiến của Nga đã giết chết hơn 9.000 thường dân

Đệ nhật phu nhân Ukraine tại Hội nghị Davos (Reuteurs)

Trợ lý của Tổng thống Ukraine đã công bố số liệu thương vong tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ trong khi Đệ nhất phu nhân Ukraine kêu gọi phương Tây tăng cường hỗ trợ.

Hơn 9.000 dân thường Ukraine, trong đó có 453 trẻ em, đã thiệt mạng kể từ cuộc xâm lược của Nga 11 tháng trước, theo một quan chức hàng đầu của Ukraine.

Trợ lý Tổng thống Ukraine, Andriy Yermak, đã công bố con số này tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ hôm thứ Ba, nói thêm: “Chúng tôi đã ghi nhận 80.000 tội ác do quân xâm lược Nga gây ra.”

“Chúng tôi sẽ không tha thứ cho một [hành động] tra tấn hay lấy đi mạng sống nào. Mỗi tội ác đều sẽ phải chịu trách nhiệm.”

Ông Yermak nhắc lại lời kêu gọi thành lập một tòa án quốc tế đặc biệt để xét xử Nga và bồi thường thiệt hại do cuộc xâm lược gây ra.

Hôm thứ Hai, Liên Hợp Quốc cho biết hơn 7.000 thường dân đã thiệt mạng.

Các con số đều không thể xác minh một cách độc lập, nhưng ước tính số người chết trong chiến tranh thường được hiểu là thấp hơn so với thực tế.

Tại hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo thế giới và doanh nghiệp ở Davos, cuộc chiến ở Ukraine là chủ đề trọng tâm.

Đệ nhất phu nhân Ukraine Olena Zelenska nói với những người tham dự rằng các bậc cha mẹ đã rơi nước mắt khi chứng kiến các bác sĩ cố gắng cứu con của họ.

Bà nói: “Chúng ta không thể để một Chernobyl mới xảy ra. “Tất cả chúng tôi đều tin chắc rằng không có vấn đề toàn cầu nào mà nhân loại không thể giải quyết.”

“Điều này quan trọng hơn trong thời điểm hiện tại khi sự xâm lược của Nga ở châu Âu đặt ra nhiều thách thức khác nhau.”

Giá lương thực và nhiên liệu toàn cầu đã tăng vọt khi các trận chiến đẫm máu diễn ra ở phía đông và nam Ukraine. Nga và Ukraine đều là một trong những nhà cung cấp lúa mì, lúa mạch và các hàng hóa mềm (thực phẩm, sợi) khác hàng đầu thế giới cho châu Phi, Trung Đông và châu Á.

Khoảng 345 triệu người ở 82 quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng, theo Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc, tăng từ 135 triệu người ở 53 quốc gia trước đại dịch corona và chiến tranh ở Ukraine.

Bà Zelenska nói rằng việc để xảy ra nạn đói hàng loạt là “một sự xúc phạm đối với nhân loại và bản chất con người”.

Hội nghị thượng đỉnh diễn ra vài ngày sau một trong những ngày đẫm máu nhất của cuộc chiến; một tên lửa đã đánh trúng một khu chung cư ở Dnipro hôm thứ Bảy, giết chết ít nhất 44 người.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo toàn cầu tại Davos tiếp tục hỗ trợ Ukraine.

Lê Vy

Serbia yêu cầu Nga chấm dứt tuyển mộ người Serbia cho cuộc chiến Ukraine

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic (Ảnh minh họa: Getty Images)

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic yêu cầu Nga cần phải dừng nỗ lực tuyển mộ người Serbia để chiến đấu cùng nhóm lính đánh thuê Wagner của họ ở Ukraine.

Ông Vucic chỉ trích các trang web và các nhóm truyền thông xã hội của Nga đăng quảng cáo bằng tiếng Serbia, trong đó hãng Wagner kêu gọi các tình nguyện viên gia nhập hàng ngũ của họ.

Ông Vucic nêu vấn đề vào tối hôm 16/1 trong một chương trình phát sóng bởi kênh Happy TV có trụ sở tại Belgrade: “Tại sao các vị, từ nhóm Wagner, lại kêu gọi người của Serbia khi các vị biết rằng điều đó trái với quy định của chúng tôi?”

Các tình nguyện viên người Serbia đã tham gia chiến đấu cùng các lực lượng thân Nga ở Ukraine vào năm 2014 và 2015. Không ai biết rõ ràng số người chính xác tại bất kỳ thời điểm nào nhưng hàng chục người Serbia đã đăng ký chiến đấu ở Ukraine kể từ năm 2014, theo các nhà quan sát.

Cơ quan lập pháp Serbia cấm công dân của họ tham gia vào các cuộc xung đột ở nước ngoài và một số người đã bị kết án vì làm như vậy.

Ông Vucic phủ nhận cáo buộc rằng nhóm Wagner, do ông Evgeny Prigozhin – một đồng minh thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin – lãnh đạo, đang hiện diện ở Serbia, nơi các tổ chức ủng hộ Điện Kremlin và những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan đã ủng hộ cuộc xâm lược Ukraine.

Ngày 17/1, hãng thông tấn RIA của Nga phát sóng đoạn phim truyền hình về hai người đàn ông bịt mặt tự nhận là tình nguyện viên người Serbia tại một khóa huấn luyện vũ khí ở các khu vực do Nga kiểm soát thuộc vùng Zaporizhzhia ở Ukraine.

Serbia là ứng cử viên gia nhập Liên minh châu Âu, đối tác thương mại và nhà đầu tư chính của nước này. Tuy nhiên Serbia cũng duy trì hợp tác thương mại và quân sự với Nga, một đồng minh truyền thống của người Slav và Cơ đốc giáo chính thống.

Bộ trưởng Quốc phòng Serbia Milos Vucevic cảnh báo người Serbia không nên gia nhập hàng ngũ của Nga trong cuộc chiến tại Ukraine.

“Điều này sẽ dẫn đến hậu quả pháp lý một khi họ có thể phải chịu trách nhiệm trước các cơ quan nhà nước,” ông Vucevic nhấn mạnh với kênh Radio Free Europe.

Dù liên tục lên án hành động của Nga xâm lược Ukraine tại Liên Hợp Quốc và một số diễn đàn quốc tế khác, song Serbia vẫn từ chối áp đặt các lệnh trừng phạt Nga.

Serbia hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu khí đốt từ Nga, và nhà bán lẻ dầu NIS của nước này thậm chí còn thuộc sở hữu tập đoàn Gazprom của Nga.

Nhật Minh (Theo Reuters)

Related posts