Huyền Anh
Hôm 17/1, Lầu Năm Góc cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sẽ có chuyến thăm Hàn Quốc và Philippines để thắt chặt quan hệ với “các đồng minh quan trọng” trước các mối đe dọa ngày càng tăng của Trung Quốc và Triều Tiên.
Thư ký báo chí Lầu Năm Góc, Chuẩn tướng Patrick Ryder, nói với các phóng viên rằng, ông Austin sẽ gặp “các nhà lãnh đạo cấp cao của chính phủ và quân đội” ở Hàn Quốc và Philippines trong những tuần tới nhưng không cung cấp thông tin về lịch trình.
“Chuyến đi sắp tới này là sự tái khẳng định cam kết sâu sắc của Mỹ trong việc phối hợp với các đồng minh và đối tác để vạch ra tầm nhìn chung, từ đó duy trì một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, ông Ryder cho biết tại một cuộc họp báo.
Chuyến thăm diễn ra sau cuộc gặp gần đây của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin với Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada tại Lầu Năm Góc vào ngày 12/1. Trong cuộc gặp, cả hai Bộ trưởng đều nhất trí sẽ bắt đầu “các cuộc thảo luận chuyên sâu” về vai trò của liên minh Mỹ – Nhật sau khi Nhật Bản có được khả năng phản công.
Bên cạnh đó, Hoa Kỳ cũng tìm cách làm sâu sắc thêm quan hệ song phương với các đồng minh ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để chống lại sự hung hăng ngày càng tăng của quân đội của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và các mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên.
Năm ngoái, Triều Tiên đã phóng một số lượng tên lửa chưa từng có, một trong số đó là Hwasong-17, được các chuyên gia gọi là “tên lửa quái vật”. Hwasong-17 có khả năng tấn công bất cứ nơi nào ở Hoa Kỳ và xa hơn nữa.
Tại một cuộc họp báo chung với ông Austin và những người đồng cấp Nhật Bản vào ngày 11/1, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã gọi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa – tên chính thức của Trung Quốc – là “thách thức chiến lược lớn nhất” mà Hoa Kỳ và các đồng minh của nước này đang phải đối mặt.
Tuy nhiên, ông Austin cũng tỏ ra nghi ngờ về những tuyên bố rằng ĐCSTQ đang lên kế hoạch cho một cuộc xâm lược Đài Loan bất chấp những hành động khiêu khích gần đây của chế độ này đối với hòn đảo tự trị.
“Chúng tôi đã chứng kiến sự gia tăng hoạt động của các tàu nổi xung quanh Đài Loan. Và một lần nữa, chúng tôi tin rằng, họ sẽ nỗ lực thiết lập một trạng thái bình thường mới, nhưng liệu điều đó có nghĩa là một cuộc xâm lược sắp xảy ra hay không, tôi thực sự nghi ngờ về điều đó”, ông nói với các phóng viên.
“Vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi, và chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với các đồng minh và đối tác của mình để làm mọi thứ có thể nhằm đảm bảo rằng, chúng tôi thúc đẩy hòa bình và ổn định ở eo biển và trong khu vực nói chung”.
Đài Loan duy trì một nền dân chủ tự trị kể từ khi cuộc nội chiến ở Trung Quốc kết thúc vào năm 1949. Tuy nhiên, ĐCSTQ coi Đài Loan là một tỉnh ly khai phải được thống nhất với Trung Quốc bằng mọi giá nếu cần thiết.
Trong khi đó, Nhật Bản lo ngại về khả năng dễ bị tổn thương của chính mình khi ĐCSTQ tăng cường các cuộc tập trận quân sự gần Đài Loan và Biển Hoa Đông, nơi có quần đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát.
Bất kỳ cuộc tấn công nào vào Đài Loan cũng có thể đe dọa đến an ninh của Philippines vì nước này gần Đài Loan, nằm ở phía bắc của eo biển Luzon.
ASEAN đối mặt với áp lực ‘mạnh mẽ’
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. hôm 16/1 cho biết, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang đối mặt với “áp lực mạnh mẽ” từ các cường quốc trong việc chọn phe, trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đang leo thang.
Ông Marcos nói với các phóng viên ở Thụy Sĩ, theo một cơ quan truyền thông nhà nước: “Các lực lượng của chúng ta đang quay trở lại kiểu kịch bản thời Chiến tranh Lạnh, nơi quý vị phải chọn phe này hay phe kia”.
“Tôi cho rằng, bất chấp tất cả những xung đột này, chúng ta – với tư cách là một nhóm trong ASEAN và ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, những quốc gia xung quanh khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, chúng ta sẽ quyết tâm tránh xa điều đó”.
Ông Marcos cho biết, các quốc gia ASEAN sẽ củng cố liên minh và theo đuổi các mục tiêu của riêng mình mà không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ quốc gia nào. Ông đã ký 14 thỏa thuận song phương với nhà lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình vào ngày 4/1, bao gồm cả thỏa thuận an ninh hàng hải.
Vào tháng 8/2022, ông Marcos cho biết tình hình quốc tế đầy biến động – bao gồm cả chiến tranh Ukraine và mối đe dọa quân sự của Trung Quốc gần Đài Loan – cho thấy đất nước của ông cần phải cải thiện mối quan hệ với Hoa Kỳ.
“Chúng tôi không thể cô lập một phần trong mối quan hệ với phần còn lại của thế giới”, ông Marcos nói sau cuộc gặp với ông Blinken ở thủ đô Manila vào ngày 6/8.
Theo The Epoch Times
Huyền Anh biên dịch