Mary Hong
Bộ Tư lệnh Chiến khu Trung ương (CTC) của Trung Quốc đã bổ nhiệm vị tư lệnh thứ ba trong vòng một năm rưỡi. Các nhà quan sát Trung Quốc cho rằng hành động này là một nỗ lực khác của ông Tập Cận Bình nhằm bảo đảm có người thân tín trong quân đội. Nhưng một số điểm bất thường cũng chỉ ra sự bất an của ông Tập trong mối quan hệ với quân đội Trung Quốc.
Hôm 18/01, ông Tập Cận Bình, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kiêm Chủ tịch Quân ủy Trung ương (CMC), đã phong quân hàm cấp tướng cho ông Hoàng Minh (Huang Ming), tư lệnh mới được thăng chức của CTC ở Bắc Kinh. Thượng tướng 60 tuổi Ngô Á Nam (Wu Yanan) đã từ chức tư lệnh CTC.
Trước đó, ông Ngô đã thay thế Tư lệnh tiền nhiệm Ất Hiểu Quang (Yi Xiaoguang) hồi tháng 01/2022.
Ông Ất đảm nhận chức vụ này từ tháng 08/2021 và được thuyên chuyển sang Chiến khu Đông Bộ khi ông Ngô tiếp quản.
Không rõ chức vụ hiện tại của ông Ngô là gì. Tuy nhiên, ông đã xuất hiện trên truyền hình nhà nước CCTV hôm 13/01 trong bản tin nói về cuộc họp mở rộng của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật của CMC.
Ông Tập muốn giành được sự ủng hộ của quân đội
CTC bảo vệ 7 tỉnh, trong đó có Bắc Kinh, nơi đặt sở chỉ huy. Nhiệm vụ chính của cơ quan này là bảo vệ thủ đô và hỗ trợ hoạt động tại các chiến khu khác.
Hôm 19/01, nhà bình luận Lý Lâm Nhất (Li Linyi) nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng ông Tập đã thăng cấp tướng cho cả ba tư lệnh CTC. Việc thường xuyên thay đổi chỉ huy CTC và thăng chức cho thấy ông Tập đã cố gắng lấy lòng quân đội bằng cách mở rộng đội ngũ tướng lĩnh của mình.
Kể từ khi ông Tập trở thành Chủ tịch CMC vào năm 2012, ông đã thăng chức cho một số tướng lĩnh để xây dựng nhóm người thân tín của mình trong quân đội. Chẳng hạn, ông đã thăng hàm tướng cho bảy quân nhân cao cấp hồi tháng 01/2022.
Tuy nhiên, ông Lý nghi ngờ tính hiệu quả của những nỗ lực từ ông Tập. Khi nói về lý lịch của những người được bổ nhiệm, ông Lý cho hay, “Cả ông Ngô và ông Hoàng đều là người của ông Từ Tài Hậu (Xu Caihou), Quân đoàn 16 ở Đông Bắc.”
Ông Từ, trước đây là phó chủ tịch CMC và là người quyền lực thứ hai trong quân đội Trung Quốc, được cho là không trung thành với ông Tập Cận Bình. Ông Từ qua đời vì bệnh ung thư vào năm 2015, nhưng bị cách chức và bị điều tra về tội hối lộ hồi tháng 03/2014.
Dữ liệu công khai cho thấy ông Hoàng trước đây là tham mưu trưởng của Quân đoàn 16, và được thăng cấp thiếu tướng hồi tháng 07/2014.
Ông Ngô là phó tư lệnh của Quân đoàn 16 hồi tháng 07/2013 và được thăng cấp thiếu tướng hồi tháng 07/2014.
Ông Lý cho biết ông Tập cần sự an toàn cho một vị trí thực chất như chỉ huy của một chiến khu. Tuy nhiên, không có nhiều người mà ông có thể thực sự tin tưởng.
“Ông ấy phải dựa vào các vị trí chính thức để thu phục họ,” ông Lý cho hay.
Những bất thường trong Quân đội
Vào ngày 03/01/2018, ông Tập Cận Bình đã ban hành các chỉ thị huấn luyện quân sự trong một buổi lễ huy động lớn tại một căn cứ huấn luyện và yêu cầu quân đội nâng cao khả năng chiến thắng cũng như tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu.
Kể từ đó, ông Tập đã ký một lệnh huy động hàng năm, được gọi là Quân lệnh số 1, cho Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) vào ngày làm việc đầu tiên sau ngày 01/01.
Tuy nhiên, không có thông tin gì về Quân lệnh số 1 cho năm 2023, và hai tuần đã trôi qua kể từ ngày 01/01 năm nay.
Hôm 14/01, nhà bình luận Thẩm Chu (Shen Zhou) cho biết trong một bài báo rằng việc không có Quân lệnh số 1 cho năm 2023 có thể là do hành động khiêu khích quân sự gần đây của PLA ở Biển Đông đã phơi bày điểm yếu của Bắc Kinh.
Ông cũng nghi ngờ rằng cuộc “Cách mạng Giấy Trắng” chống phong tỏa, vốn đã buộc ông Tập phải từ bỏ chính sách zero COVID, đã khiến ông Tập cân nhắc thêm. “Nếu xảy ra chiến tranh, điều khiến ông Tập quan tâm nhất có thể là sự đảo chính trong nội bộ, điều mà sẽ nhanh chóng dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền,” ông Thẩm cho hay.
Các cuộc biểu tình bằng giấy trắng diễn ra sau khi một vụ cháy chung cư kinh hoàng ở thành phố Urumqi (Ô Lỗ Mộc Tề) xảy ra ở phía tây bắc Trung Quốc, khiến 10 người, bao gồm cả trẻ em, thiệt mạng hồi tháng 11/2022. Nhiều người cho rằng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt của ĐCSTQ là nguyên nhân dẫn đến thảm kịch này.
Do đó, một số người biểu tình đã giơ những tờ giấy trắng như một biểu tượng của sự thương tiếc, và để phản đối sự kiểm duyệt đồng thời bày tỏ sự kháng nghị của họ đối với chế độ cộng sản.
Đảo chính trong nước có thể xảy ra
Sự bùng phát COVID-19 ở Trung Quốc, kết hợp với việc chính quyền đột ngột dỡ bỏ các hạn chế đi lại và các hạn chế COVID khác, đã dẫn đến thiệt hại nhân mạng thảm khốc đối với người dân Trung Quốc. Trong số những người tử vong có cả các quan chức và lãnh đạo quân đội cao cấp.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, người con của một quan chức cao cấp nói với The Epoch Times rằng đã có nhiều lời phàn nàn về khả năng lãnh đạo phòng chống COVID-19 của ông Tập trong số các nguyên thủ quân đội đã về hưu, vì nhiều sĩ quan đã về hưu sống trong các khu chung cư quân sự của ĐCSTQ đã qua đời trong những làn sóng lây nhiễm COVID này.
Thiên Minh (Tian Ming) (hóa danh) cho biết một điều gì đó lớn như đảo chính trong giới quan chức cao cấp có thể xảy ra trước tháng Ba, khi ĐCSTQ tổ chức hai cuộc họp chính trị hàng đầu hằng năm kéo dài nhiều tuần được gọi là Lưỡng Hội.
Có lẽ ông Tập quả thực đã lo lắng.
Cuối năm 2022, ông Tập kêu gọi các thành viên Bộ Chính trị duy trì sự thống nhất cao với Ủy ban Trung ương Đảng, để ủy ban này có thể tiếp tục thực hiện “sự lãnh đạo mạnh mẽ, tập trung, và thống nhất” tại cuộc họp sắp tới.
Ông yêu cầu các thành viên Bộ Chính trị nhanh chóng báo cáo Ủy ban Trung ương những quyết sách và vấn đề lớn, cũng như những diễn biến quan trọng trong lĩnh vực họ phụ trách.
Trong bài diễn văn Năm Mới 2023, ông Tập cũng sử dụng một giọng điệu xoa dịu.
“Việc những người khác nhau có mối quan tâm khác nhau hoặc có quan điểm khác nhau về cùng một vấn đề là điều tự nhiên,” ông nói, mặc dù không rõ chính xác ông đang đề cập đến ai.
Nhã Đan biên dịch