LÌ XÌ DỊP TẾT:VUI HAY PHIỀN

Saigon cô nương

Trong các khoản phải lo ngày tết: quét dọn trang trí nhà cửa, mua thực phẩm, biếu xén, còn có mục không thể thiếu là “lì xì”.

Chữ “lì xì” trong âm Hán Việt là “lợi thị” có nghĩa lợi lạc, may mắn, tốt đẹp… vốn được dùng thường xuyên chứ không phải chỉ xuất hiện trong dịp tết. Thay vì đưa tiền để cảm ơn, để trả công… dài dòng và lộ liễu quá thì người ta nói tránh đi là “lì xì”.

Thế nhưng “lì xì” vào ngày tết Nguyên Đán không đơn giản mà là một… chuyện khá nhức đầu.

Phong bao đựng lì xì trước kia màu đỏ, bên ngoài in hình ba ông Phúc, Lộc, Thọ hoặc chuỗi tiền đồng. Bây giờ phong bao lì xì tân tiến nhiều. Nền có thể màu vàng, màu hồng, màu xanh… hình hoa mai, hoa đào hoặc những câu chúc mừng năm mới. Phong bao hình tờ tiền 100 Mỹ kim, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hình quảng cáo cho cơ sở, hình con giáp, in những câu trong bài hát nhạc Rap như “Đã lì xì thì phải đầy phong bì”, “Tình cảm là 9, lì xì là 10”… Nhất là ngân hàng trong những giao dịch cuối năm, bao giờ cũng tặng khách hàng mấy xấp phong bao có in quảng cáo tên ngân hàng. Hồi đó phong bao nhỏ xíu, tờ tiền phải gấp 3 mới đút lọt nhưng nay khổ hình chữ nhật vừa với tờ tiền hoặc bình vuông kiểu bánh chưng, hình quả tim…Một số phong bao Hongkong bằng nhung với màu sắc và hình ảnh bắt mắt. 

Trước kia chỉ có người lớn trong gia đình: ông bà, cha mẹ lì xì cho con cháu lấy may nhưng nay tục lì xì đã được mở rộng.

Đầu tiên phải liệt kê danh sách những người phải lì xì. Nào là ông bà, cha mẹ hai bên, anh chị em, con cháu của gia đình, của bạn bè, đồng nghiệp… Nhân dịp đầu năm, lộc rải đều không bỏ quên ai. Trưởng thượng trong nhà lì xì cho con cháu. Ngược lại vì người lớn không còn đi làm kiếm tiền nên sẽ được con cháu lì xì ít tiền để dằn túi cho vui. Miễn rủng rỉnh thì rộng tay chứ cứ theo đúng tục xưa nhiều khi cũng khó cho những bậc bề trên không được dư dả. Cái phong bao cứ thế bù qua sớt lại đến hết Tết, tổng cộng lại thì cũng… huề!

Đặc biệt lì xì ngày Tết nên là tiền mới cho nên rục rịch từ đầu tháng Chạp, mọi người bắt đầu tìm chỗ đổi tiền. Vắt óc xem có người quen nào làm ở ngân hàng không, nhờ kế toán cơ quan đổi ở kho bạc, có ai là khách hàng thân thiết của nhà băng, có mối nào đổi tiền mới với tỷ lệ thấp không? Nếu tìm hoài không quen ai đành ra ngoài đổi vậy, và cũng phải quen mới biết “đường dây” này.

Mấy năm trước, thiên hạ còn “sốt” lì xì tờ tiền 2 Mỹ kim nhưng nay thì bớt rồi. Năm con mèo có thêm tờ tiền 2 Mỷ kim có hình mèo mạ vàng do Mỹ phát hành. Đã có năm ngân hàng bán đồng 2 Mỹ kim mới cứng. 

Dù sao, những đường dây đổi tiền mới với các mệnh giá lớn, nhỏ vẫn rao bán ì xèo mà chẳng biết nguồn từ đâu. Lì xì năm mới có ý nghĩa tặng nhau vận may nên tờ tiền mới coi sáng sủa vui vẻ hơn một tờ tiền cũ mèm cho dù mệnh giá cao.

Phí đổi tiền mệnh giá bạc chục ngàn thì khoảng 7%, còn tiền nhỏ như bạc ngàn thì tới 10%. Nếu số tiền đổi ít vài triệu thì phí khoảng 8%, nếu đổi vài chục triệu thì bớt còn  6%…

Khổ tâm nhất là lì xì cho trẻ con. Mấy ngày tết gặp nít nhỏ là phải chìa ngay phong bao cho chúng nó mừng. Phong bao nặng tiền thì… méo mặt. Phong bao nhẹ tiền thì ngại, không kể  tuổi đã biết xài tiền lắm khi tỏ ngay thái độ.

Mặc dù mang tính lấy may đầu năm nhưng cầm lì xì một hay hai chục ngàn đồng thì người nhận cũng không… vui lắm. Bởi vì số tiền đó chỉ đủ trả tiền gửi xe ngoài bãi tùy chợ thường hay chợ tết… Cho hành khất đầu năm cũng nên 10 hay 20 ngàn để họ dễ gộp vào mua được dĩa cơm.

Lũ trẻ con lắm khi hỗn láo vì có khi vừa nhận phong bao, chúng hé ra xem rồi xì xầm ngay ít nhiều hoặc thân thiết thì chẳng cần giữ kẽ mà phê bình ngay khiến người lớn lắm khi ngượng ngập.

Không thiếu những trường hợp trẻ mở hoặc xé phong bao lì xì ra trước mặt khách rồi tỏ vẻ khinh thường, thậm chí vất trả. Nếu đông khách thì có đứa kiểm liền, trố mắt: cân đong đo đếm ngay “Ủa, bao 30 ngàn này của ai đây?”. Đứa khác mở ngay phong bao, đếm liền. 50 nè, 100 nè, 10 ngàn nè… Làm người khách chủ nhân 10 ngàn xạm mặt…

Vì thế nhiều gia đình dạy con cháu khi nhận tiền lì xì thì khoanh tay cám ơn, chúc mừng năm mới. Xong vào nhà trong cất đi hoặc đưa cho cha mẹ. Dứt khoát không được đếm tiền trước mặt khách. 

Muốn hòa vốn nên nhiều phụ huynh buộc con giao tiền lì xì để bù cho khoản phải chi ra. Thành thử gần đây lại rộ lên ý kiến người lớn không có quyền tước đoạt tiền bạc thuộc về trẻ con! Phụ huynh dàn hòa bằng cách không tịch thu tiền lì xì nhưng con cái phải dùng tiền đó để mua đồng phục, sach vở. Thì cũng vậy thôi.

Đám thiếu niên tuổi teen đã biết tiêu tiền, có nhiều nhu cầu cần tiền nên Tết nhất chính là kiếm ăn chính đáng mà không cần mè nheo xin xỏ. Một cô bé cho biết tiền lì xì có thể tiêu xài lai rai được tới nửa năm! Đây cũng là dịp người nghèo kiếm chút đỉnh. Một gia đình nghèo vợ chồng con cái tổng cộng ba người lên quần áo đi chúc Tết một loạt họ hàng giàu có. Đầu năm ai chẳng rộng lòng nên qua mấy ngày Tết cũng thu được số tiền kha khá không kể bánh trái tặng kèm theo.   

Một bà phân bua: “Tôi biết hiện nay lì xì 20 ngàn không mua được thứ gì. Nhưng mới tới nhà ông anh đã gần 20 vừa con vừa cháu mà lì xì mỗi đứa chỉ 50 ngàn thì cũng bay hết bạc triệu rồi”. Tính ra tiền lì xì chiếm đến một phần ba chi tiêu Tết chứ có ít đâu.

Đồng thời cũng có trường hợp coi lì xì như một cách trả ơn. lì xì đã biến tướng là hình thức trao đổi có đi có lại… Trong năm không tiện quà cáp thì nay lì xì thay thế. Nhà này có bốn đứa cháu. Lì xì mỗi đứa 2 triệu đồng thấy nhẹ lòng! 

Tùy trường hợp mà phân loại phong bao. Nhà nào đông trẻ thì phong bao nhẹ. Nhà nào ít trẻ thì phong bao nặng chứ đâu có sẵn ai cũng như ai. Bởi thế có người cẩn thận bằng cách nhét các xấp phong bao trong các túi. Túi quần bên phải đựng phong bao mười ngàn, bên trái hai chục ngàn, túi áo năm chục ngàn. Riêng tiền trăm (một trăm, hai trăm, năm trăm ngàn) thì nằm trong ví ở những ngăn khác nhau. Gặp người nào cứ phong bao thích hợp sẵn rút ra mau chóng. Tưởng cẩn thận đến thế là chắc ăn nào ngờ do nhiều phong bao, nhiều loại tiền để nhiều nơi quá nên có lúc đãng trí đưa nhầm. Về đến nhà nhớ ra lại tiếc vì đáng lẽ người phải lì xì ít lại đưa nhiều, mắc cớ vò đầu bứt tai vì người cần lì xì nhiều lại đưa ít! “Rút kinh nghiệm” cho năm sau bằng cách phân loại phong bao to, nhỏ, căn cứ hình vẽ bên ngoài in hình chợ tết hay múa lân, hoặc đánh dấu X hay O cho biết tờ tiền bên trong…

Nhà nào gia cảnh bèo bọt  thì sắp sẵn tờ tiền 10, 20, 50 ngàn. Nhà trung thì 50, 100. Nhà “có điều kiện” thì 200, 500 ngàn tiền Việt, 100 đô Mỹ…

Bởi lì xì ít hay nhiều còn phụ thuộc vào tuổi tác, giai cấp, vai vế, thân sơ, hoàn cảnh… chứ đâu phải ai cũng ngang nhau. Vì thế tiền mới cần phải có đủ mọi mệnh giá từ cao đến thấp để tùy người mà rút ra cho phù hợp! Việc trữ sẵn các loại tiền lì xì rất cần thiết nếu cần ra ngoài nhân dịp ghé nhà này nhà nọ chúc tết hoặc gặp những trường hợp đột ngột trở tay không kịp. Một ông ngẫu nhiên buộc phải lì xì nhưng lục túi mãi lại không sẵn tiền nhỏ, thế là đành cười méo mó rút ra tờ năm trăm!

Đây là một phong tục trong dịp tết Nguyên đán. Hình ảnh đẹp nhất là cảnh ông bà ngồi giữa nhà lì xì cho đám con cháu xúm xít chung quanh cùng câu chúc học giỏi, ngoan ngoãn, hiếu đễ… rồi con cháu người nào đi làm có tiền lì xì lại chúc thọ cho ông bà, cha mẹ, em út… 

Nhưng ai hầu bao không rủng rỉnh thì lì xì cũng là một gánh nặng chứ chẳng chơi. chớ bước chân lại những nhà đông con nít mà méo mặt. Hoặc khi dắt con theo đi chúc tết, nhận được phong bao của chủ nhà, làm sao mau chóng ước lượng để trả lại tương đương không thì một bên lại áy náy nhiều hơn hay ít hơn… Thành thử biết điều với nhau thì tết không nên dắt trẻ con tới nhà ai và ngược lại. Khi khách khứa đến chơi, nhiều chủ nhà dặn con cháu rút lui đằng sau, đừng có ùa ra chào hỏi, chúc tết làm chi mà… tội nghiệp cho khách!

Vì vậy đã có nhà 3 ngày tết giam mình đóng cửa hoặc du xuân chỗ này chỗ nọ để tránh việc xã giao theo thủ tục ngày Tết và nhất là tránh… nạn lì xì!

Người này thích lì xì nhưng người khác lại coi là hủ tục. Dù sao có lì xì góp phần, Tết cũng vui hơn.

Saigon cô nương

Related posts