Thời Bội Phác (trái) chụp ảnh cùng Bernard Boursicot khi hai người gặp nhau lần đầu tiên vào năm 1964.
Nam ca sĩ kinh kịch Thời Bội Phác được ví như một “siêu điệp viên” khi có thể giả gái và quan hệ tình ái với một nhà ngoại giao Pháp suốt hai thập kỷ.
Thời Bội Phác, ca sĩ kinh kịch Trung Quốc sinh ra ở tỉnh Sơn Đông, ngày 30/6/2009 qua đời tại một viện dưỡng lão ở thủ đô Paris, Pháp, hưởng thọ 70 tuổi. Một trợ lý lúc bấy giờ đã thông báo về cái chết của ông với AFP.
Tuy nhiên, khi Bernard Boursicot, người tình cũ của Thời, được hãng thông tấn Pháp hỏi về cái chết của “người xưa” trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại, ông tỏ ra thờ ơ, lạnh lùng.
“Ông ấy đã làm rất nhiều điều chống lại tôi không chút hối tiếc, tôi nghĩ rằng thật ngu ngốc nếu làm ra vẻ buồn bã. Chuyện đã qua. Bây giờ tôi đã được thanh thản“, Boursicot nói với New York Times trong cuộc phỏng vấn dài về câu chuyện tình cảm kỳ lạ giữa ông với Thời Bội Phác.
Câu chuyện bắt đầu vào năm 1964, khi Thời Bội Phác và Boursicot gặp nhau tại một bữa tiệc cocktail ngoại giao ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc.
Thời Bội Phác, khi đó 26 tuổi, đã đạt được một số thành công nhất định với vai trò diễn viên, ca sĩ kinh kịch tại Bắc Kinh. Một trong những vai diễn nổi tiếng nhất của ông là đóng giả nữ trong vở kịch mang tên Chuyện về con bướm.
Thời, người có thể nói thông thạo tiếng Pháp, cũng là một giáo viên dạy tiếng Trung cho các nhà ngoại giao nước ngoài. Tại bữa tiệc nơi ông gặp Boursicot, Thời mặc trang phục đàn ông nhưng đôi mắt sáng và các đường nét trên khuôn mặt lại thanh tú và gây mê hoặc không khác gì phụ nữ.
Thời từng khoe rằng ông “có thể quyến rũ cả đàn ông lẫn phụ nữ”. Và Boursicot, lúc bấy giờ mới 20 tuổi và là nhân viên kế toán tại đại sứ quán Pháp ở Bắc Kinh, đã bị vẻ đẹp của Thời hút hồn.
Hai người giữ liên lạc và gặp nhau vài lần sau bữa tiệc. Thời nói với Boursicot rằng ông sinh ra là con gái nhưng bị cha mẹ cho ăn mặc, giáo dục như con trai, bởi cha ông luôn mong muốn có một cậu quý tử. Boursicot hoàn toàn tin vào câu chuyện của Thời và luôn nghĩ rằng người mình thường xuyên trò chuyện là nữ.
Cuối cùng, cặp đôi yêu nhau và nảy sinh quan hệ tình ái. Theo Boursicot, những lần gặp nhau của họ luôn diễn ra trong bí mật và chớp nhoáng. Ông bị thuyết phục rằng đây là cách nam nữ yêu nhau ở Trung Quốc.
Theo tài liệu của tòa án Pháp, khi chính phủ Trung Quốc phát hiện ra sự việc, Boursicot đã bị gây áp lực, buộc ông phải cung cấp những tài liệu quan trọng, đầu tiên là từ đại sứ quán ở Bắc Kinh trong giai đoạn 1969-1972 và sau đó là từ công việc của ông tại lãnh sự quán ở Ulan Bator, Mông Cổ, giai đoạn 1977- 1979.
Trung Quốc khi đó đang trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa 1966-1976, điều khiến Boursicot gặp rất nhiều khó khăn mỗi lần muốn gặp Thời. Boursicot về sau chuyển đến công tác ở Đông Nam Á, khiến số lần gặp gỡ giữa họ chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.
Trong một lần gặp, Thời đã đưa một cậu bé đến gặp người tình và giới thiệu đó là “con trai 4 tuổi” của họ, sinh năm 1966. Boursicot đã không chút nghi ngờ nhận đứa bé là con mình.
Boursicot trở lại Pháp năm 1979. Ba năm sau, với thị thực văn hóa ba tháng, Thời và “con trai” đến Paris đoàn tụ cùng Boursicot. Trong thời gian ở thủ đô Pháp, Thời tham gia biểu diễn kinh kịch và dự hai chương trình truyền hình, đồng thời được gia hạn thị thực thêm một năm.
Tuy nhiên, vào mùa hè năm 1983, Cơ quan Tình báo Nội địa Pháp nhận ra hai người sống cùng nhau và chất vấn họ về các tài liệu mật được chuyển cho Trung Quốc.
Sau các cuộc thẩm vấn, Boursicot và Thời Bội Phác bị bắt vì tội làm gián điệp cho Trung Quốc. Thời tuyên bố ông không biết gì về các tài liệu mật và khẳng định mình là nữ.
Sau khi kiểm tra y tế để xác minh Thời là đàn ông, thẩm phán Pháp đã quyết định chuyển ông đến Fresnes, một nhà tù dành cho nam giới ở ngoại Paris.
Khi bị giam, Thời giải thích với các bác sĩ rằng ông có “bộ phận sinh dục nữ ẩn” và luôn tìm cách giấu việc mình là nam mỗi lần quan hệ tình dục với Boursicot. “Tôi chưa bao giờ nói với Bernard rằng tôi là phụ nữ, tôi chỉ để mọi người hiểu rằng tôi có thể là phụ nữ”, ông cho hay.
Hóa ra “con trai” họ, Thời Độ Độ, là một cậu bé được nhận nuôi từ Tân Cương, Trung Quốc.
Boursicot không thể chấp nhận rằng “người phụ nữ“, người mà ông có quan hệ tình ái suốt 20 năm, thực sự là đàn ông. Quá thất vọng và cảm thấy bị phản bội, Boursicot đã tìm các tự sát trong phòng giam nhưng không thành công.
Năm 1986, Thời và Boursicot bị kết án mỗi người 6 năm tù vì tội gián điệp. Tuy nhiên, họ được ân xá vào năm 1987.
Sau khi được trả tự do, Thời tiếp tục sống ở Paris với con trai nuôi và biểu diễn với tư cách một ca sĩ kinh kịch. Thời và Boursicot hạn chế gặp nhau và chỉ thỉnh thoảng nói chuyện.
Vài tháng trước khi qua đời vào năm 2009, Thời chia sẻ rằng ông chưa bao giờ hết tình cảm với Boursicot.
Câu chuyện của họ đã truyền cảm hứng cho Davis Henry Hwang viết vở kịch mang tên M. Butterfly vào năm 1988. Tác phẩm này đã giành giải Tony cho vở kịch hay nhất năm đó.
Vũ Hoàng (Theo SCMP)