15.000 người Mỹ rời Hồng Kông, giới siêu giàu Trung Quốc cũng tháo chạy

Huệ Liên

Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Hồng Kông, ông Gregory May, tại một hội thảo trực tuyến do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ tổ chức vào ngày 25/1 đã  tiết lộ rằng trong 2 năm qua, 15.000 người Mỹ ở Hồng Kông đã rời khỏi đặc khu này. Ngoài ra, nhiều người thuộc giới siêu giàu và giới doanh nhân thượng lưu của Trung Quốc cũng “tháo chạy” ra nước ngoài.

Ông Gregory May cảnh báo rằng rủi ro kinh doanh ở Trung Quốc Đại Lục đang dần xuất hiện ở Hồng Kông, báo chí và giới học thuật của họ không được tự do. Nhiều người Mỹ cũng cho rằng tình hình chính trị ở Hồng Kông không ổn định.

Lương Tụng Hằng, cựu thành viên Hội đồng Lập pháp Hồng Kông sống tại Washington DC., nói với VOA rằng, trong mắt nhiều người Mỹ, hệ thống tư pháp độc lập của Hồng Kông không còn tồn tại.

Anh nói: “Chính phủ sẽ yêu cầu Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc giải thích luật. Cảnh sát Hồng Kông dường như giống với nhân viên trị an của Đại Lục. Ngoài ra còn có Cơ quan An ninh Quốc gia. Hồng Kông không khác bất kỳ thành phố nào ở Trung Quốc”. 

Lương Tụng Hằng đặc biệt đề cập tới việc ông Lê Trí Anh (Jimmy Lai) đang phải đối mặt với một bản án nặng nề, và Apple Daily đang bị đàn áp.

“(Apple Daily) bị chính quyền Hồng Kông buộc phải đóng cửa. Đây là điều không thể chấp nhận được trong thế giới Mỹ và trong mắt người Mỹ. Ngoài vai trò là một tổ chức truyền thông, Apple Daily còn là một công ty niêm yết trên thị trường.”

“Dòng tiền hàng trăm triệu USD đã bị Chính phủ đóng băng thông qua các biện pháp hành chính, dẫn đến việc Apple Daily phải đóng cửa. Những chuyện như thế này không thể tưởng tượng được ở Hoa Kỳ”, anh nói.

Bà Quách Phượng Nghi, phát ngôn viên của Ủy ban Dân chủ Hồng Kông (HKDC), một tổ chức dân sự Hồng Kông tại Hoa Kỳ, nói với VOA rằng trong phong trào chống dẫn độ ở Hồng Kông năm 2019, luật sư người Mỹ Samuel Bickett đã bị bắt và bỏ tù vì hành hung cảnh sát, khiến nhiều người Mỹ cảm thấy mất đi hy vọng với Hồng Kông.

Bà nói: “Trường hợp của Bickett cho thấy chính quyền và cảnh sát Hồng Kông không ngại bắt người Mỹ chút nào. Có thể một ngày nào đó bạn sẽ bị bắt hoặc bị đánh đập dã man chỉ vì mặc quần hoặc áo màu đen”.

Nhiều thành viên của các tổ chức nhân quyền mà bà Quách Phượng Nghi biết, cũng như những người bạn làm trong các ngành không nhạy cảm như ngành tài chính, đã không còn hứng thú phát triển lâu dài ở Hồng Kông, và lần lượt rời khỏi đây.

Lương Tụng Hằng cũng dự đoán rằng mặc dù quan chức Chính phủ Hồng Kông và các nhà lãnh đạo của ĐCSTQ tại đây nhấn mạnh rằng Hồng Kông đã bước vào giai đoạn “ổn định, thịnh vượng”, nhưng sẽ không có nhóm người Mỹ mới nào có kế hoạch làm việc ở Hồng Kông.

Giới siêu giàu Trung Quốc ồ ạt di cư

Năm 2022, ngoài việc người Mỹ lần lượt rời khỏi Hồng Kông, sự giám sát và đàn áp của ĐCSTQ đối với các doanh nghiệp tư nhân, cùng các chính sách phòng chống dịch bệnh khó lường đã khiến nhiều nhân sĩ thượng lưu trong giới doanh nhân Trung Quốc “tháo chạy” ra nước ngoài, để tránh bị thao túng tài sản và an toàn cá nhân trong lòng bàn tay của chính quyền độc tài.

Ngày nay, Singapore đã là một đối thủ đáng gờm của Hồng Kông trong cuộc đua giành vị trí là nơi giới siêu giàu Trung Quốc gửi tài sản của họ. 4 trong số 10 người Singapore giàu có nhất trong danh sách Tỷ phú của Forbes là những người nhập cư mới đến từ Trung Quốc.

Trong vài năm qua, quan chức cấp cao của ĐCSTQ đã trừng phạt các doanh nghiệp tư nhân lớn nhất của Trung Quốc. Họ phá hủy toàn bộ ngành công nghiệp bằng những quy định tùy tiện, và không chịu khoan nhượng về chính sách zero-COVID khi nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, để lại những hậu quả không thể khắc phục cho giới doanh nhân thượng lưu ở Trung Quốc.

Gần đây, New York Times đã phỏng vấn một số doanh nhân Trung Quốc, họ cho biết đã mất niềm tin vào sự lãnh đạo của ĐCSTQ, và cùng gia đình di cư đến các quốc gia như Singapore.

Tháng 6/2022, ông Vương, người đồng sáng lập công ty khởi nghiệp ngân hàng tiền điện tử Flashwire, đã chuyển đến Singapore từ Bắc Kinh, sau khi bị mắc kẹt trong lệnh phong tỏa của thành phố trong một chuyến công tác ở Thượng Hải vào năm ngoái.

Ông nói trong một cuộc phỏng vấn với New York Times rằng: “Khi bạn không có tiếng nói về cách Chính phủ đưa ra các quy tắc, bạn không cần phải ở lại đó.”

Ông Hoắc, người sáng lập công ty tư vấn Lotusia có trụ sở tại Singapore, nói với New York Times rằng vào năm 2022, ngày càng có nhiều người từ các ngành công nghiệp trò chơi, giáo dục, tiền điện tử và công nghệ tài chính của Trung Quốc đang tìm cách chuyển đến Singapore. Những ngành này đều là mục tiêu bị Chính phủ tấn công trong vài năm qua.

Đặc biệt là trong thời gian đóng cửa Thượng Hải, những người này đã nhận ra rằng dù có bao nhiêu tiền, thì trước chính sách zero-COVID, họ vẫn phải giành giật lương thực và nhu yếu phẩm.

Ông Hoắc tiết lộ rằng Singapore tuân thủ luật pháp, ủng hộ doanh nghiệp và tầm nhìn toàn cầu, đồng thời 75% công dân của họ nói tiếng Trung Quốc. Đó là lý do tại sao nước này thu hút giới tinh hoa trong lĩnh vực kinh doanh của Trung Quốc.

Ông Trần Dũng, người sáng lập sàn giao dịch tiền điện tử Pionex, đã chuyển từ Bắc Kinh đến Singapore vào năm 2021.

Ông cho biết: “Singapore không đàn áp một công ty hoặc một ngành nào ngoài khuôn khổ pháp lý, các chính sách của họ cũng nhất quán hơn”. Trong tương lai, ông sẽ không chuyển đến Hồng Kông, nơi không còn “một quốc gia, hai chế độ”

Related posts