Ngày 1/2, Ấn Độ đã công bố mức tăng hai con số trong ngân sách quốc phòng hàng năm nhằm đối phó với đối thủ địa chính trị ngày càng quyết đoán là Trung Quốc, nước có chung đường biên giới phía Bắc luôn trong tình trạng căng thẳng và tranh chấp.
Ấn Độ – quốc gia chi tiêu quân sự lớn thứ ba thế giới theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm – sẽ tăng chi tiêu thêm 13% so với dự toán cùng kỳ năm ngoái, từ 64,2 tỷ USD lên mức 72,6 tỷ USD, Bộ trưởng Tài chính Nirmala Sitharaman nói với quốc hội trong thông báo ngân sách của mình.
Mối quan hệ giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới đang căng thẳng vì tranh chấp biên giới, thương mại và công nghệ. Ấn Độ còn cố gắng tách mình khỏi chuỗi cung ứng của Trung Quốc kể từ cuộc đụng độ quân sự biên giới khiến ít nhất 24 người thiệt mạng ở Ladakh vào năm 2020.
Ấn Độ và Trung Quốc có chung đường biên giới kéo dài 3.500km vẫn xảy ra tranh chấp kể từ những năm 1950. Vào năm 1962, hai nước thậm chí còn rơi vào chiến tranh biên giới.
Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đã và đang nỗ lực xây dựng quân đội, bao gồm cả ngành công nghiệp vũ khí và phòng thủ biên giới, phát triển tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của riêng mình. Họ cũng tiết lộ về việc sản xuất tàu sân bay đầu tiên trong nước vào năm ngoái.
Bà Sitharaman nhấn mạnh với quốc hội, chính phủ cam kết thúc đẩy sự tự chủ về thiết bị quân sự. Dù vậy, Ấn Độ vẫn phụ thuộc vào đối tác lâu năm là Nga trong hầu hết các hoạt động nhập khẩu vũ khí, ngoài ra còn có các nhà cung cấp khác bao gồm Mỹ, Pháp và Israel.
Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh cũng tweet nêu rõ, khoản phân bổ cho quốc phòng chiếm hơn 13% tổng ngân sách chính phủ.
Tổng ngân sách quốc phòng năm 2022 của Ấn Độ tương đương khoảng 2% GDP nước này. Để so sánh, con số này vẫn thấp hơn nhiều so với mức 230 tỷ USD mà Trung Quốc đã chi cùng năm.
Hiện tại, Ấn Độ có kế hoạch chi gần 3 tỷ USD để xây dựng hạm đội hải quân, và hơn 7 tỷ USD để mua vũ khí cho lực lượng không quân như sắm thêm các máy bay chiến đấu.
Lực lượng vũ trang Ấn Độ hiện có 1,38 triệu binh sĩ với số lượng lớn được điều động tới dọc các tuyến đường biên giới giáp với Trung Quốc và Pakistan.
Đáng lưu ý, Ấn Độ ngày càng trở nên quyết đoán hơn trong các nỗ lực của mình với các nhóm đa phương như Bộ Tứ – cùng với Nhật Bản, Úc và Mỹ – một nhóm các cường quốc khu vực có cùng mối lo ngại về ảnh hưởng kinh tế và quân sự của Trung Quốc.
Ấn Độ đã tham gia cuộc tập trận máy bay chiến đấu chung đầu tiên với Nhật Bản vào tháng 1 vừa qua, trong bối cảnh hai quốc gia nâng cấp quan hệ quốc phòng và an ninh.
Minh Ngọc (Theo AFP, Reuters)