Nguồn: James Palmer, “How a Chinese Spy Balloon Blew Up a Key U.S. Diplomatic Trip,” Foreign Policy, 03/02/2023
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã hoãn chuyến thăm Bắc Kinh để đáp trả vụ một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc bay qua lãnh thổ Mỹ.
Khinh khí cầu có tầm bay cao dường như không mấy hiệu quả so với hệ thống vệ tinh có thể cung cấp hình ảnh siêu chi tiết. Nhưng khí cầu do thám, như nhà phân tích William Kim đã chỉ ra vào năm ngoái, vẫn có một số lợi thế so với vệ tinh. Chúng rẻ, có thể tồn tại suốt nhiều tháng, có thể trôi lơ lửng vô định thay vì đi theo các lộ trình có thể đoán trước của vệ tinh, và ngạc nhiên là, chúng rất khó bị phá hủy.
Trước đây, tất cả những lợi thế kể trên đã bị cản trở bởi một yếu tố rõ ràng: Khí cầu hoàn toàn phụ thuộc vào gió. Nhưng các kỹ thuật máy học mới hiện đã cho phép khí cầu sử dụng các luồng không khí để tự lái theo các hướng đã định, khiến loại phương tiện này trở nên hữu ích hơn nhiều.
Tại sao lại là lúc này?
Dù khí cầu là một công cụ giám sát tiềm năng mạnh mẽ, nhưng thật lạ là Bắc Kinh lại có hành động khiêu khích như vậy ngay trước chuyến đi ngoại giao quan trọng của Mỹ, đặc biệt là vì Trung Quốc đang thúc đẩy hàn gắn quan hệ với Mỹ sau đại dịch. Trung Quốc chắc chắn có quan tâm đến việc giám sát các căn cứ hạt nhân của Mỹ, còn Washington cũng theo dõi sát sao việc mở rộng cơ sở hạt nhân của Trung Quốc. Nhưng người Mỹ có rất nhiều địa điểm quân sự nhạy cảm thuộc loại này hay loại khác, và một quả khí cầu bay chệch hướng hoàn toàn có khả năng sẽ đi lạc gần một địa điểm như vậy.
Có thể đây là một hành động khiêu khích có chủ ý của một số phe phái chống Mỹ trong quân đội hoặc an ninh Trung Quốc – có lẽ để đáp lại việc bị xem là yếu thế khi Trung Quốc phải nỗ lực cải thiện quan hệ với Washington. Nhưng nhiều khả năng đây đơn thuần là một sự việc ngoài ý muốn – tức chỉ là việc một chương trình giám sát hiện hữu của Trung Quốc bị phát hiện, thậm chí có thể là khí cầu hoàn toàn không có ý định đi vào lãnh thổ Mỹ.
Dường như Trung Quốc đã sử dụng kỹ thuật này trong một thời gian, và Mỹ đã biết rõ điều đó nhưng lại chọn không đáp trả về mặt ngoại giao. Tại một cuộc họp báo vào tối thứ Năm, một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Mỹ xác nhận rằng những vụ xâm nhập như vậy đã xảy ra trước đây: “Đây không phải là lần đầu tiên một khinh khí cầu kiểu này đi qua lục địa Mỹ. Một vài vụ tương tự đã xảy ra trong những năm qua, còn trước cả thời chính quyền này.” Yếu tố gây kích động trong sự cố lần này có lẽ là khí cầu đã bay đủ thấp để dân thường nhìn thấy, nghĩa là chính quyền Mỹ buộc phải có hành động đáp trả.
Trung Quốc sẽ phản ứng ra sao?
Bắc Kinh tuyên bố quả khí cầu là một khí cầu thời tiết trôi dạt do gió tây, và họ “rất tiếc vì đã vô tình” đưa khí cầu vào không phận Mỹ. Rất khó có khả năng họ sẽ thay đổi quan điểm về vấn đề này, vì rất khó để Bắc Kinh nhận lỗi một cách công khai. Tuy nhiên, có thể sẽ có sự thừa nhận hoặc lời xin lỗi đằng sau hậu trường.
Nhưng cũng dễ dàng nhận thấy, từ quan điểm của Trung Quốc, người Mỹ có thể trở thành những kẻ đạo đức giả. Suy cho cùng, suốt nhiều thập niên, Washington và các đồng minh của mình đã thường xuyên sử dụng một loạt các kỹ thuật giám sát để theo dõi khắp lãnh thổ Trung Quốc, từ hình ảnh vệ tinh đến giám sát dưới biển. Các kỹ thuật này có thể bao gồm khí cầu gián điệp mà Lầu Năm Góc đã nghiên cứu chí ít cũng từ năm 2020. Các chuyên gia Mỹ từ lâu đã suy nghĩ về tiềm năng sử dụng vùng không gian tầm thấp.
Việc hủy bỏ hoặc hoãn chuyến đi của Blinken vào phút chót có thể trở thành cái cớ cho phe chống Mỹ trong giới lãnh đạo Trung Quốc, những người sẽ diễn giải quyết định này cho thấy Washington chưa bao giờ nghiêm túc trong việc cố gắng hàn gắn quan hệ giữa hai bên. Ngay cả những người đồng cảm với các nỗ lực ngoại giao của Mỹ cũng có thể coi đây là một dấu hiệu cho thấy Washington đang rơi vào cái bẫy tình cảm chính trị chống Trung Quốc trong nước.
Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Sự kiện này là một xác nhận khác cho thấy rằng chúng ta đang ở giai đoạn đầu của Chiến tranh Lạnh 2.0, nơi giám sát lẫn nhau là một trong những vấn đề gây căng thẳng nhất. Hãy thử lấy ví dụ về sự cố máy bay do thám U-2 năm 1960, khi người Mỹ bị bắt quả tang nói dối sau khi Liên Xô không chỉ bắn hạ một chiếc máy bay được cho là không thể phát hiện được, mà còn bắt sống phi công của nó và buộc anh ta thú tội trên truyền hình quốc gia. Vụ việc đó xảy ra ở giai đoạn tương đối thuận lợi trong quan hệ Mỹ-Xô và nó đã phá hủy mọi nỗ lực đàm phán giải trừ quân bị. Điểm tương đồng là trước khi người Nga tiết lộ đã bắt giữ phi công U-2, người Mỹ cũng tuyên bố rằng chiếc máy bay đang tiến hành công tác khí tượng và đã vô tình đi vào lãnh thổ của Liên Xô.
Không có phi công Trung Quốc nào trong câu chuyện lần này, nhưng hậu quả của nó còn phụ thuộc vào cách Mỹ tiêu hủy khí cầu. Những quả khí cầu loại này bền một cách đáng ngạc nhiên và thường phải có chất nổ mới phá hủy được. Nhưng nếu dùng chất nổ, người ta sẽ khó mà biết được bản chất thật sự của khí cầu. Nếu Mỹ tìm ra cách để hạ khí cầu và thu hồi các thiết bị giám sát rõ ràng là dành cho quân sự chứ không phải giám sát khí tượng, thì Bắc Kinh sẽ phải xấu hổ.
Dù bằng cách nào, đây là bằng chứng cho niềm tin mạnh mẽ ở Quốc hội Mỹ rằng Trung Quốc là mối đe dọa lớn đối với Mỹ. Một quan chức Mỹ tuyên bố rằng chuyến thăm của Blinken đã bị hoãn lại chứ không bị hủy bỏ, và Blinken không muốn quả khí cầu chi phối nội dung đàm phán. Đó có thể là lý do thực sự: Washington thực ra rất quan tâm đến suy nghĩ của Trung Quốc sau làn sóng biểu tình hỗn loạn vào năm ngoái và quyết định đảo ngược chính sách zero-covid. Tuy nhiên, mối quan hệ vốn đã lạnh nhạt giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới lại tiếp tục lạnh giá thêm một chút.
James Palmer là phó tổng biên tập của Foreign Policy.
Cập nhật: Khí cầu này đã bị không quân Hoa Kỳ bắn hạ trên Đại Tây Dương ngày 04/02/2023 (giờ Hoa Kỳ).