Tin thế giới tối thứ Ba: Hàn Quốc phát hiện khinh khí cầu nghi ngờ của Triều Tiên

Hàn Quốc phát hiện khinh khí cầu nghi ngờ của Triều Tiên

Ngày 6/2, Quân đội Hàn Quốc cho biết họ đã theo dõi một khinh khí cầu của Triều Tiên trên lãnh thổ của mình, nhưng xác định rằng nó không gây ra mối đe dọa nào.

Trong một tuyên bố, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nêu rõ, khinh khí cầu đã đi vào không phận Hàn Quốc trong một thời gian ngắn hôm 5/2. Để đáp trả, Hàn Quốc đã triển khai “các biện pháp” ngăn chặn nhưng không nêu cụ thể chi tiết.

Hãng thông tấn Yonhap dẫn lời một quan chức giấu tên cho hay, chiếc máy bay đã rời không phận Hàn Quốc vài giờ sau đó. Giới chức nhìn nhận đó là một khí cầu phục vụ cho mục đích dự báo thời tiết chứ không dùng cho hoạt động gián điệp. Quả khí cầu dài khoảng 2m.

Quả khinh khí cầu này lần đầu được phát hiện bởi binh lính phụ trách thiết bị giám sát nhiệt (TOD) của quân đội Hàn Quốc. Khinh khí cầu bay ở độ cao thấp đến mức quân đội có thể quan sát bằng thiết bị giám sát nhiệt, rồi tiến vào không phận của Hàn Quốc. Vụ việc này sau đó đã được báo cáo ngay lên Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc.

Báo cáo được đưa ra sau khi Hoa Kỳ bắn hạ một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc – sự việc làm căng thẳng thêm quan hệ với Bắc Kinh. Phía Trung Quốc khẳng định, khí cầu này là thiết bị nghiên cứu khí tượng và bị đi lạc vào không phận Mỹ do điều kiện thời tiết. Tuy vậy, giới chức Mỹ nhìn nhận rằng khí cầu này là thiết bị do thám.

Căng thẳng đã gia tăng giữa hai miền Triều Tiên, với việc Bình Nhưỡng tiến hành hàng loạt vụ thử tên lửa kỷ lục vào năm ngoái, trong khi Seoul tham gia nhiều cuộc tập trận quân sự chung cùng các đồng minh của Hoa Kỳ.

Đáng chú ý, 5 máy bay không người lái của Triều Tiên đã bay vào lãnh thổ Hàn Quốc vào ngày 26/12 năm ngoái, trong đó có một chiếc đã đi vào vùng cấm bay xung quanh văn phòng Tổng thống Hàn Quốc trong thời gian ngắn, khiến quân đội Hàn Quốc phải điều động máy bay chiến đấu và trực thăng.

Thời điểm đó, Quân đội Hàn Quốc bị chỉ trích gay gắt vì không hạ được máy bay không người lái bay qua miền Nam trong nhiều giờ đồng hồ.

Nhật Minh (Theo Reuters)

Ngoại trưởng Đức kêu gọi thành lập ‘tòa án quốc tế đặc biệt’ truy tố nhà lãnh đạo Nga

Ngoại trưởng Đức bà Annalena Baerbock. (ảnh: BBC).

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock vừa thăm Hà Lan và có bài phát biểu tại Học viện Luật Quốc tế ở La Hay, kêu gọi thành lập một tòa án quốc tế đặc biệt để truy tố nhà lãnh đạo Nga.

Theo báo cáo tổng hợp của các phương tiện truyền thông, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Baerbock cho biết trong một bài phát biểu tại Học viện Luật Quốc tế La Hay vào ngày 5/2: “Chúng tôi đang ở đây và phải gửi một thông điệp rõ ràng tới nhà lãnh đạo Nga rằng, chiến tranh xâm lược sẽ phải chịu sự trừng phạt”. Bà kêu gọi thành lập một tòa án quốc tế đặc biệt để truy tố các nhà lãnh đạo Nga về việc Nga xâm lược Ukraina.

Mặc dù Tòa án Hình sự Quốc tế có trụ sở tại La Hay, Hà Lan, đã cử người đến Ukraina vào năm ngoái để điều tra các tội ác chiến tranh liên quan đến việc Nga xâm lược Ukraina, nhưng Tòa án Hình sự Quốc tế chỉ có thể giải quyết các vụ án mà cả hai nguyên đơn và bị đơn là thành viên của tòa án, hoặc các vụ án do Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC) đưa ra.

Bà Baerbock nói rằng chính phủ Ukraina lo ngại rằng vì Nga và UkrainA không phải là thành viên nên Tòa án Hình sự Quốc tế không có thẩm quyền đối với các tội ác chiến tranh xảy ra ở Ukraina, do đó không thể truy tố Nga về bất kỳ tội ác chiến tranh nào có thể xảy ra.

Bà nói rằng Đức ủng hộ Ukraina và hy vọng thành lập một tòa án đặc biệt đối với hành vi xâm lược của Nga, đồng thời ủng hộ việc cập nhật “Quy ước Rome”, chỉ cần quốc gia bị xâm lược là bên ký kết, thì Tòa án Hình sự Quốc tế có thể xét xử các vụ án liên quan.

Văn phòng Tổng chưởng lý đã bắt đầu cuộc điều tra về cuộc chiến Nga-Ukraina vào tháng 3 năm 2022 và thu thập thông tin cũng như bằng chứng. “Chúng tôi hiện đang tập trung vào vụ giết người hàng loạt ở thị trấn Bucha và các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự ở Ukraina”, ông Frank nói.

Ông Frank chỉ ra rằng hầu hết các bằng chứng đến từ các cuộc phỏng vấn với những người tị nạn Ukraina và mục tiêu bây giờ là “chuẩn bị cho các phiên tòa có thể xảy ra trong tương lai – cho dù ở Đức, hay với các đối tác nước ngoài của chúng tôi, hoặc tại các tòa án quốc tế”.

Ông Frank cho rằng, theo quan điểm của ông, việc sử dụng Tòa án Hình sự Quốc tế hay các tòa án đặc biệt, cuối cùng vẫn phụ thuộc vào cộng đồng quốc tế.

Vào tháng 3 năm 2022, Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã thành lập một Ủy ban Điều tra độc lập về Ukraina để điều tra các cáo buộc vi phạm nhân quyền và vi phạm luật nhân đạo quốc tế ở Ukraina, đồng thời lưu giữ bằng chứng cho “các thủ tục pháp lý trong tương lai.”

Ukraina, Liên minh châu Âu (EU) và Hà Lan đã công khai ủng hộ việc thành lập tòa án đặc biệt.

Phát biểu tại Liên Hợp Quốc vào ngày 30 tháng 11 năm ngoái, Tổng thống Ukraina – Volodymyr Zelenskyy cũng đã kêu gọi thành lập một tòa án đặc biệt để trừng phạt Nga vì xâm lược Ukraina.

Liên Thành

Vệ tinh và vũ khí tầm xa mà NATO đang hỗ trợ Ukraina khiến Nga ‘lạnh sống lưng’

Ảnh minh hoạ.

Chuyên gia các vấn đề thời sự và quân sự Hạ Lạc Sơn đã có bài viết về một mảng quan trọng trong chiến tranh hiện đại mà Nga đang có vẻ kém phát triển hơn, và nền tảng này của NATO thật sự có thể khiến Nga phải e ngại. Sau đây là những nội dung chính trong bài viết của ông Hạ:

Một trong những khác biệt lớn nhất giữa chiến tranh ngày nay và các cuộc xung đột trước đây trong lịch sử là tình báo, giám sát và trinh sát trực tuyến (hay còn gọi là ISR) một cách toàn diện, trong mọi điều kiện thời tiết và liên tục trên chiến trường. Cho dù hỏa lực của bạn mạnh đến đâu và xa đến đâu, nếu bạn không thể hiểu rõ tình hình chiến trường, phát hiện, xác định chính xác mục tiêu và truyền dữ liệu mục tiêu một cách nhanh chóng, bạn sẽ chẳng làm được gì trên chiến trường. Giống như nước Nga, cầm gậy trong tay có thể đánh được con voi nhưng lại không đánh được con thỏ.

Ngày 1/2, Thư ký Báo chí Điện Kremlin Peskov cho biết toàn bộ cơ sở hạ tầng quân sự của NATO đang không ngừng chiến đấu chống lại Nga. Do đó, Moscow không thể nhắm mắt làm ngơ trước tình thế thù địch do các chính sách của NATO tạo ra. Ông nói rằng chúng ta đã thấy toàn bộ cơ sở hạ tầng tình báo của NATO, bao gồm máy bay trinh sát và vệ tinh tình báo, hoạt động suốt ngày đêm vì lợi ích của chế độ Ukraine. Tất nhiên, tất cả điều này là khá nghiêm trọng, và Nga không thể bỏ qua.

Điện Kremlin cho biết năng lực không gian đã đóng một vai trò trung tâm chưa từng có trong cuộc chiến Nga-Ukraine, hiện đã bước sang tháng thứ 11, và năng lực vệ tinh tập thể của các thành viên NATO mang lại lợi thế đáng kể cho quân đội Ukraine và các nhóm vũ trang hỗ trợ Ukraine. Những lợi thế mà NATO mang lại cho Ukraine bao gồm việc cung cấp dữ liệu mục tiêu nhanh chóng cho tên lửa và pháo nhắm vào, vốn đã gây thiệt hại nặng nề cho lực lượng Nga. Và khi Mỹ bắt đầu cung cấp cho Ukraine các tên lửa và đạn dược tầm xa, điều đó có thể khiến tình hình trở nên nguy hiểm hơn đối với Nga.

Sau nhiều tháng tranh cãi khi Ukraine chuẩn bị phát động một cuộc tấn công mùa xuân để chiếm lại lãnh thổ mà Nga đã chiếm giữ vào năm ngoái, các quan chức ngũ Giác  Đài cho biết vào ngày 2/2 rằng Hoa Kỳ đã đồng ý gửi rocket tầm xa cho Ukraine. Rocket đường kính nhỏ phóng từ mặt đất (hay GLSDB) có tầm bắn gần gấp đôi so với bất kỳ loại vũ khí tấn công nào khác do Hoa Kỳ cung cấp.

Quả rocket với ​​đường kính nhỏ có tầm bắn khoảng 150km, gấp đôi tầm bắn của Hệ thống tên lửa phóng đa năng M270 (MLRS) và đạn dẫn đường Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) M142.

Mỹ đã không muốn cung cấp cho Ukraine các loại vũ khí tầm xa như Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS), có tầm bắn khoảng 320km. Mỹ từ chối yêu cầu vì lo ngại tên lửa có thể được sử dụng để tấn công các mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga, dẫn đến leo thang căng thẳng.

Để đạt được mục tiêu này, Ukraine đã nhiều lần cam kết sử dụng vũ khí do Hoa Kỳ cung cấp một cách có trách nhiệm và chiến lược để chống lại sự xâm lược của Nga khi cần thiết.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cho biết vào ngày 2 tháng 2 rằng Ukraine bảo đảm với các đối tác phương Tây rằng vũ khí này sẽ không được sử dụng để chống lại các mục tiêu bên trong Nga, đồng thời nói thêm rằng Kyiv cần vũ khí có tầm bắn 300 km để đẩy lùi lực lượng Nga. Nếu Ukraina có thể tấn công kẻ thù ở khoảng cách xa hơn, quân đội Nga sẽ không thể phòng thủ và chỉ có thể rút lui. Ông cho biết Ukraine sẵn sàng đưa ra bất kỳ sự bảo đảm nào rằng vũ khí của Hoa Kỳ sẽ không liên quan đến một cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga. Ông cho biết: “Chúng tôi có quá đủ mục tiêu trong các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Ukraine mà chúng tôi sẵn sàng phối hợp với các đối tác của mình để giải quyết chúng”.

Trong mọi trường hợp, bất kỳ tổn thất nào mà Nga phải gánh chịu trong cuộc chiến tranh xâm lược của mình đều không đáng kể so với sự tàn phá nặng nề và thương vong dân sự mà Moscow đã gây ra trên khắp Ukraine kể từ ngày 24 tháng 2 năm ngoái.

Giờ đây, Ukraine có vũ khí với tầm bắn xa hơn trước và với sự trợ giúp của hệ thống tình báo trên không và vũ trụ của NATO, nước này có thể tấn công bất kỳ mục tiêu quân sự nào của Nga mà họ muốn tấn công bất cứ lúc nào. Mặt khác, Nga sẽ phải đối mặt với tình thế chờ bị đánh bại vì không có sự hỗ trợ của hệ thống tình báo trên không và vũ trụ.

Nga từ lâu đã phải chịu đựng tình trạng không đủ năng lực cho các vệ tinh giám sát và liên lạc, trong nhiều trường hợp dựa vào công nghệ lạc hậu hoặc các linh kiện nhập khẩu hiện đã bị cắt hoàn toàn do lệnh trừng phạt của phương Tây.

Ukraine không có lực lượng vệ tinh riêng. Nhưng họ đã được hưởng lợi không chỉ từ Hoa Kỳ với số lượng lớn thiết bị quân sự, mà còn từ một lượng thông tin tình báo chưa từng có của phương Tây, bao gồm cả dữ liệu động, thời gian thực về các lực lượng Nga.

Những tiến bộ nhanh chóng trong công nghệ phương Tây đã dẫn đến sự bùng nổ của hình ảnh vệ tinh thời gian thực, chất lượng cao, lần đầu tiên thay đổi tình hình tình báo quân sự. Và sự thay đổi đó dường như không xảy ra ở Nga.

Bart Hendrix, một chuyên gia về chương trình vũ trụ của Nga, cho biết về nguyên tắc, Nga gần như mù mịt về vấn đề này.

Nga hiện có khoảng 100 vệ tinh quân sự hoặc vệ tinh lưỡng dụng, theo cơ sở dữ liệu của một nhóm các nhà khoa học Mỹ. Chỉ 19 vệ tinh trong số đó được phân loại là vệ tinh viễn thám, có công nghệ cho phép chụp ảnh quang học hoặc giám sát tín hiệu vô tuyến, trong khi số còn lại được sử dụng cho các mục đích khác.

Hendricks cho biết hai vệ tinh trinh sát quang học quay quanh quỹ đạo của Nga, được gọi là Persona, được phóng cách đây 7 hoặc 8 năm, có thể sắp hết tuổi thọ hoạt động. Độ phân giải tối đa của các vệ tinh này chỉ là 50cm.

Để so sánh, các vệ tinh do thám của Mỹ có độ phân giải khoảng 5 cm. Ở độ phân giải này, các chữ V được sơn trên các phương tiện quân sự của Nga hoạt động ở Ukraine có thể được nhìn thấy dễ dàng và rõ ràng từ độ cao điển hình của các hoạt động vệ tinh. Ngay cả độ phân giải tối đa được cung cấp bởi các vệ tinh thương mại như Maxar và Planet thường là khoảng 15 cm.

Lực lượng không gian của Nga cũng có một số lượng nhỏ vệ tinh radar, nhưng chúng kém NATO cả về số lượng và chất lượng.

Hệ thống định vị quan trọng nhất trên thế giới là Hệ thống Định vị Vệ tinh Toàn cầu của Hoa Kỳ, viết tắt là GPS. Đó là một hệ thống mở được sử dụng rộng rãi trong mọi thứ, từ điều hướng đến điện thoại thông minh. Nhưng vì hoạt động dưới sự kiểm soát của chính phủ Hoa Kỳ, Nga từ lâu đã tìm cách xây dựng giải pháp thay thế của riêng mình, dẫn đến mạng định vị vệ tinh GLONASS của Nga. Để nó hoạt động đầy đủ, cần có ít nhất 24 vệ tinh. Nga hiện chỉ có 23 vệ tinh được khai triển và một số vệ tinh trong số đó sắp hết tuổi thọ.

Bản cập nhật mạng GLONASS của Nga đã bị cản trở một phần do các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Moscow về việc chiếm đóng Crimea vào năm 2014. 90% linh kiện điện tử cần thiết cho các vệ tinh GLONASS thế hệ tiếp theo được nhập khẩu và những linh kiện này phải có khả năng chống lại hư hỏng đối với thiết bị nhạy cảm do bức xạ không gian gây ra. Nga đã cố gắng thiết kế và sản xuất một vệ tinh thay thế trong nước, nhưng kết quả là một vệ tinh nặng gấp đôi và vẫn chưa được đưa lên quỹ đạo.

Pavel Podvig, một thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Giải trừ Quân bị của Liên Hợp Quốc tại Geneva, cho biết Nga cũng gặp vấn đề về xử lý dữ liệu. Ông nói, có vệ tinh là một chuyện, nhưng có thể sử dụng chúng hay không lại là chuyện khác. Bạn cần một hệ thống cho phép bạn nhanh chóng truyền thông tin từ vệ tinh đến đúng người, những người sẽ xử lý thông tin đó và truyền nó cho người thực thi, chẳng hạn như một đơn vị pháo binh.

Điều đó nói rằng, thực tế là dù Nga có một số vệ tinh vẫn còn trong quỹ đạo nhưng nó không ngụ ý về sự tồn tại của một hệ thống tình báo hiệu quả, và nếu có, thật khó để nói nó thực tế đến mức nào. Ít nhất, trong cuộc chiến với Ukraine, không có bằng chứng nào cho thấy Nga đã giải quyết thành công những vấn đề này. Thay vào đó, Moscow phải chuyển sự chú ý sang tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên ngoài.

Vào ngày 26 tháng 1, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố rằng một công ty Trung Quốc có tên Spacety China đã cung cấp cho Terra Tech có trụ sở tại Nga hình ảnh vệ tinh Radar khẩu độ tổng hợp (SAR) của Ukraine để hỗ trợ Tập đoàn Wagner chiến đấu ở Ukraine. Để đạt được mục tiêu này, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với công ty con của công ty Trung Quốc có trụ sở tại Luxembourg.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết trong một tuyên bố rằng các biện pháp trừng phạt mới sẽ cản trở hơn nữa khả năng trang bị bộ máy chiến tranh của Điện Kremlin và thúc đẩy trách nhiệm giải trình đối với những người chịu trách nhiệm về Nga và các hành vi liên quan khác.

Một báo cáo sáu tháng trước đã chỉ ra rằng “mạng lưới tàng hình” của CIA là chìa khóa của cuộc chiến, đề cập rằng Hoa Kỳ đã thiết lập một mạng lưới tàng hình bao gồm các biệt kích và nhân viên tình báo ở Ukraine để cung cấp vũ khí, thông tin tình báo và huấn luyện. Các dấu hiệu về sự hỗ trợ bí mật về hậu cần, đào tạo và tình báo của họ đã xuất hiện trên chiến trường, và không có gì bí mật khi phương Tây chưa bao giờ che giấu sự ủng hộ của mình đối với cuộc kháng chiến của Ukraine.

Vào ngày 15 tháng 11 năm 2021, Moscow sau khi phá hủy một vệ tinh do thám của Liên Xô không còn sử dụng bằng tên lửa, tạo ra hàng nghìn mảnh rác vũ trụ, đã đe dọa rằng nếu NATO vượt qua ranh giới đỏ, họ sẽ phá hủy 32 vệ tinh của NATO bằng tên lửa chống vệ tinh (ASAT), nhằm làm mù tất cả các tên lửa, máy bay, tàu và bộ binh của NATO.

Giờ đây, lời đe dọa đó đã biến thành một lời phàn nàn đầy sợ hãi từ Peskov. Nga đã không nhắm mục tiêu vệ tinh hoặc máy bay giám sát bên ngoài Ukraine. Các cơ sở tình báo của NATO này đang đóng vai trò then chốt trong việc hỗ trợ cuộc chiến của Ukraine chống lại Nga. Đây có thể là lý do thực sự dẫn đến thất bại của quân đội Nga.

Tạ Linh

Google có thể ra mắt đối thủ cạnh tranh với ChatGPT

(Ảnh minh họa: Tada Images/Shutterstock)

Google sẽ tổ chức sự kiện liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) vào ngày 8/2, tập trung vào công cụ tìm kiếm, bản đồ và một số dịch vụ khác, theo hãng tin CNBC. Theo nhiều suy đoán, Google có thể giới thiệu chatbot tương tự ChatGPT của OpenAI để tích hợp vào Google Search – công cụ tìm kiếm phổ biến của hãng.

Google vừa gửi thư mời tham gia sự kiện đặc biệt, được phát trực tiếp trên YouTube vào 20h30 ngày 8/2 (giờ Việt Nam).

Tại sự kiện, Google sẽ nói về “cách sử dụng sức mạnh của trí tuệ nhân tạo (AI) để thay đổi cách người dùng tìm kiếm, khám phá và tương tác với thông tin, giúp việc tìm những gì bạn cần trở nên tự nhiên và trực quan hơn bao giờ hết”.

Trong buổi báo cáo tài chính ngày 2/2, CEO Sundar Pichai cho biết công ty sẽ sớm cho phép người dùng tương tác trực tiếp với các mô hình ngôn ngữ mới, mạnh mẽ nhất của chúng tôi với tư cách công cụ hỗ trợ tìm kiếm.

Sự phát triển nhanh chóng của ChatGPT tạo áp lực lên các hãng công nghệ. Cuối tháng 1, Google đã tuyên bố tình hình khẩn cấp liên quan đến ChatGPT, kêu gọi đồng sáng lập Sergey Brin và Larry Page trở lại.

Google sở hữu nhiều công nghệ AI như mô hình chatbot LaMDA và AI sáng tác ảnh Imagen. Trong khi OpenAI phát hành các mô hình tương tự dưới dạng sản phẩm công khai như DALL-E hay ChatGPT, Google chỉ nghiên cứu và thử nghiệm nội bộ, nhắc đến trong các bài blog hoặc tài liệu nghiên cứu.

Theo CNBC, chatbot sử dụng mô hình LaMDA đang được Google thử nghiệm với tên Apprentice Bard. Công cụ này cho phép người dùng đặt câu hỏi và nhận phản hồi tương tự ChatGPT.

Hàng hoạt cách tiếp cận chatbot cũng được Google thử nghiệm như công cụ tìm kiếm sử dụng format hỏi đáp, gợi ý câu hỏi dưới thanh tìm kiếm, hộp trò chuyện trong kết quả tìm kiếm với nội dung tương tác giống con người.

Đây không phải lần đầu Google phản ứng nhanh trước đối thủ tiềm tàng. Công ty này từng ra mắt mạng xã hội Google+ khi Facebook dần phổ biến. Trong khi đó, Amazon khiến Google vội vã giới thiệu công cụ tìm kiếm Shopping Express. Tất cả đã đóng cửa do không thể thu hút người dùng.

Không chỉ OpenAI, Google cũng đối mặt áp lực từ Microsoft. Hãng phần mềm có kế hoạch tích hợp ChatGPT vào công cụ tìm kiếm Bing, có thể giúp trả kết quả chính xác và thông minh hơn.

Google hiện đang vận hành Assistant với giao diện hỏi đáp tương tự ChatGPT. Tuy nhiên, tính năng này không mang về doanh thu. Nếu áp dụng format hỏi đáp giống ChatGPT vào Google Search, công ty sẽ phải tìm cách điều chỉnh để không ảnh hưởng đến mô hình kinh doanh dựa trên quảng cáo.

Phan Anh

LHQ cảnh báo về ‘chiến tranh rộng lớn hơn’ khi xung đột Ukraine gia tăng

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres (AP)

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres cảnh báo, thế giới có thể đang hướng tới một “cuộc chiến rộng lớn hơn” khi nguy cơ leo thang của cuộc xung đột Nga-Ukraine ngày càng gia tăng.

Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc gồm 193 thành viên hôm 6/2, trình bày về các ưu tiên của mình cho năm 2023, ông Guterres đã chỉ trích cuộc xâm lược Ukraine của Nga, nhấn mạnh rằng cuộc chiến đã “gây ra những nỗi đau khổ khôn xiết cho người dân Ukraine, kèm theo những hệ lụy toàn cầu sâu sắc”.

Ông nêu quan ngại: “Triển vọng về hòa bình ngày càng giảm sút, nguy cơ leo thang và đổ máu ngày càng lớn. Tôi lo sợ thế giới không phải mộng du, mà là mở to đôi mắt mà tiến vào một cuộc chiến rộng lớn hơn.”

Cuộc chiến kéo dài gần một năm qua đã gia tăng trong những tuần gần đây, khi mà nhiều trận giao tranh ác liệt giữa các lực lượng Kyiv và Moscow diễn ra nhằm giành quyền kiểm soát các thị trấn ở miền Đông Ukraine.

Ngày 6/1, Thống đốc Donetsk Pavlo Kyrylenko nhận định, trận chiến ở khu vực miền Đông Ukraine đang “nóng lên”, với việc lực lượng Nga “điều động các đơn vị mới vào trận chiến, xóa sổ các thị trấn và làng mạc của chúng tôi”.

Ông Serhiy Haidai, Thống đốc tỉnh Lugansk, cũng phát biểu trên truyền hình rằng Nga đang đưa thêm quân dự bị và vũ khí vào miền Đông Ukraine. Đáng lưu ý, pháo kích không còn diễn ra suốt ngày đêm vì quân Nga chuẩn bị cho một chiến dịch tấn công toàn diện.

“Sau ngày 15/2, chúng tôi cho rằng chiến dịch tấn công có thể diễn ra bất kỳ lúc nào,” ông Haidai lưu ý.

Ngoài cuộc chiến ở Ukraine, ông Guterres còn đề cập đến các mối đe dọa khác đối với hòa bình, từ cuộc xung đột giữa Israel và Palestine đến Afghanistan, Myanmar, Sahel và Haiti.

Ông nói: “Nếu mọi quốc gia đều thực hiện nghĩa vụ của mình theo hiến chương [LHQ], thì quyền được hòa bình sẽ được đảm bảo.”

Ông nhận xét thêm, đã đến lúc “thay đổi cách tiếp cận hòa bình của chúng ta bằng cách tái cam kết với hiến chương – đặt nhân quyền và nhân phẩm lên hàng đầu, lấy ngăn ngừa làm trọng tâm”.

Trong một diễn biến khác liên quan, ngày 6/2, trang web chính thức của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đăng thông cáo về việc cơ quan này đã tiến hành phiên họp liên quan tình hình nhân đạo ở Ukraine.

Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield bày tỏ, cuộc xung đột Nga-Ukraine tiếp tục gây ra những hậu quả nặng nề đối với cả người dân quốc gia Đông Âu cũng như cộng đồng quốc tế.

Theo bà, trên 17 triệu người Ukraine đang cần viện trợ nhân đạo khẩn cấp, đặc biệt là lương thực, thuốc men, nước uống và thiết bị sưởi ấm do nền nhiệt độ xuống thấp; xấp xỉ 6 triệu người mất nhà cửa, cơ sở hạ tầng bị phá hủy nặng nề.

Minh Ngọc (Theo Al Jazeera, AP)

Triều Tiên kêu gọi củng cố tư thế sẵn sàng chiến tranh, mở rộng tập trận

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cam kết mở rộng các cuộc tập trận quân sự và tăng cường tư thế sẵn sàng chiến tranh của đất nước, truyền thông nhà nước đưa tin hôm 7/2, khi Bình Nhưỡng chuẩn bị kỷ niệm 75 năm thành lập quân đội.

Ông Kim đã chủ trì cuộc họp của ủy ban quân sự trung ương của Đảng Lao động cầm quyền hôm 6/2. Tại đây, các quan chức thảo luận về “nhiệm vụ chính trị và quân sự lớn” trong năm nay và “các vấn đề dài hạn liên quan đến định hướng xây dựng quân đội”, hãng thông tấn KCNA cho hay.

Theo KCNA, cuộc họp “đã nghiên cứu và thảo luận về vấn đề liên tục mở rộng và tăng cường hoạt động cũng như diễn tập chiến đấu của quân đội nhân dân Triều Tiên để đối phó với tình hình hiện tại, đồng thời hoàn thiện nghiêm ngặt hơn khả năng chuẩn bị cho chiến tranh.”

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh có thông tin cho rằng Triều Tiên đang chuẩn bị cho một cuộc duyệt binh kỷ niệm 75 năm ngày thành lập lực lượng vũ trang của nước này vào ngày 8/2.

Từ các hình ảnh vệ tinh thương mại cho thấy, quân đội Triều Tiên đang luyện tập theo đội hình ở Bình Nhưỡng. Phía Hàn Quốc cũng cho biết, họ đang giám sát các hoạt động liên quan.

Đáng lưu ý, cuộc họp quân sự cũng diễn ra sau khi Triều Tiên lên án các cuộc tập trận của Hoa Kỳ và các đồng minh, cho rằng họ đã đạt đến một “lằn ranh đỏ cực đoan” và đe dọa biến bán đảo Triều Tiên thành một “kho vũ khí chiến tranh khổng lồ và trở thành một khu vực chiến sự quan trọng hơn”.

Trong tuyên bố hôm 2/2, Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã chỉ trích chuyến thăm Hàn Quốc của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin, đồng thời nhấn mạnh rằng Bình Nhưỡng không quan tâm đến đối thoại chừng nào Washington còn theo đuổi các chính sách thù địch.

Ngày 31/1, ông Austin và người đồng cấp Hàn Quốc khẳng định sẽ mở rộng các cuộc tập trận quân sự và triển khai thêm “tài sản chiến lược”, chẳng hạn như tàu sân bay và máy bay ném bom tầm xa, để chống lại sự phát triển vũ khí của Triều Tiên và ngăn chặn chiến tranh.

Khi được hỏi về những căng thẳng với Triều Tiên trong thời gian dừng chân ở Philippines, ông Austin cho hay, mục tiêu của Mỹ là thúc đẩy an ninh và ổn định cao hơn, đồng thời cam kết bảo vệ Hàn Quốc.

Minh Ngọc (Theo Reuters)

Related posts