Nguồn: Katsuji Nakazawa, “China flip-flop on Japanese visas highlights further policy confusion,” Nikkei Asia, 02/02/2023
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Những nỗ lực nhằm giữ thể diện cho Tập Cận Bình mang các đặc điểm tương tự việc đột ngột hủy bỏ chính sách zero-covid.
Hôm Chủ nhật (29/1/2023), một bài đăng mới xuất hiện trên trang web của Đại sứ quán Trung Quốc tại Nhật Bản. Dù bắt đầu bằng cụm từ “thông báo”, nó lại được đăng một cách âm thầm đến mức hầu hết mọi người có thể sẽ không để ý.
“Bắt đầu từ hôm nay, chúng tôi sẽ nối lại việc cấp thị thực Trung Quốc cho công dân Nhật Bản,” bài đăng cho biết.
Điều này cho thấy Bắc Kinh đã hủy quyết định đóng băng việc cấp thị thực cho người Nhật mà họ công bố ba tuần trước, sau khi Nhật thắt chặt kiểm soát biên giới đối với hành khách đến từ Trung Quốc.
Sau khi chứng kiến số ca nhiễm covid-19 ở Trung Quốc tăng cao đột biến, vào ngày 8/1, Nhật đã tăng cường các yêu cầu xét nghiệm đối với khách du lịch đến từ Trung Quốc đại lục, bao gồm việc phải xuất trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 giờ sau khi khởi hành. Hai ngày sau, Trung Quốc đình chỉ cấp thị thực cho du khách Nhật Bản.
Nhưng người Nhật đã không áp đặt lệnh cấm hoàn toàn mọi loại thị thực đối với công dân Trung Quốc, như Hàn Quốc đã làm. Phía Nhật Bản đã gửi công hàm phản đối Trung Quốc, cho rằng động thái của Bắc Kinh thiếu tính “có qua có lại.”
Ngay từ hôm thứ Hai, một hàng dài người đã xếp hàng tại Trung tâm Dịch vụ Cấp Thị thực Trung Quốc, bên trong một tòa nhà ở quận Koto của Tokyo. Suốt nhiều tháng, trung tâm này gần như không hoạt động.
Một số người xếp hàng vào ngày hôm đó là doanh nhân, những người cuối cùng đã có thể tiếp tục di chuyển đến đại lục. Những người khác là người Nhật gốc Trung mong muốn được về thăm quê, sau khi các yêu cầu kiểm dịch đã được dỡ bỏ.
Xét về quan hệ Trung-Nhật, việc Bắc Kinh dỡ bỏ lệnh cấm chỉ sau ba tuần là một tin tốt.
Nhưng cách thức thông báo khác thường đã khiến người Nhật bối rối. Bản thông báo chỉ vỏn vẹn một câu trên trang web của đại sứ quán, không giải thích lý do đằng sau quyết định này.
Một vài người đã chỉ ra những điểm tương đồng với cách Trung Quốc xử lý đại dịch covid. Sau một thời gian dài duy trì chính sách zero-covid phản khoa học, Bắc Kinh bất ngờ đảo ngược mọi thứ và dỡ bỏ các hạn chế mà họ từng giữ một cách rất nghiêm ngặt.
Cả nỗi ám ảnh đối với zero-covid lẫn hành động trả đũa phi lý chống lại Nhật Bản đều có một điểm chung: Mong muốn giữ thể diện cho Đảng Cộng sản Trung Quốc và nhà lãnh đạo cao nhất của họ.
Chính Chủ tịch Tập Cận Bình đã ra lệnh thực hiện chính sách zero-covid hà khắc. Bất chấp những tác động tiêu cực to lớn đối với dân số và nền kinh tế, chính sách này vẫn được duy trì trong gần ba năm.
Khi hướng đến đại hội toàn quốc của đảng vào tháng 10 năm ngoái, Tập đã rất muốn mô tả việc ngăn chặn covid-19 của Trung Quốc là một thành công vang dội.
Đặt mục tiêu giành nhiệm kỳ thứ ba với tư cách nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc, Tập không thể để cách xử lý sai lầm của Bắc Kinh trong giai đoạn đầu của đại dịch trở thành tâm điểm chú ý. Đầu năm 2020, khi coronavirus đang lan nhanh khắp Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc đã không ngăn cản công dân nước mình đi du lịch nước ngoài.
Sau đó, nước này cho triển khai chính sách zero-covid, nhưng khi biến thể omicron có khả năng lây nhiễm cao trở thành nguồn lây bệnh chính, chính sách đó đã trở nên kém hiệu quả.
Zero-covid không chỉ giáng một đòn chưa từng có vào nền kinh tế Trung Quốc, mà còn kích động phản ứng dữ dội từ công chúng, mà biểu tượng là phong trào “giấy trắng.”
Làn sóng biểu tình được dẫn đầu bởi các phụ nữ trẻ, những người bị tước quyền tự do đi lại và hội họp, và bởi nhiều người không tìm được việc làm.
Trong khuôn viên của các trường đại học và trên đường phố của các thành phố lớn trên toàn quốc, người dân đã bày tỏ sự thất vọng của mình.
Giới lãnh đạo Trung Quốc kết luận rằng tiếp tục duy trì zero-covid có thể khiến sự cai trị của đảng gặp nguy hiểm. Vì thế Tập quyết định từ bỏ chính sách này. Và người ta đã làm đúng như vậy.
Tuy nhiên, bi kịch của chế độ độc tài là nó không thể công khai đưa ra một lời giải thích chi tiết và thuyết phục về cách thức đưa ra quyết định – mà không làm mất mặt đảng và nhà lãnh đạo cao nhất.
Nếu mọi thứ vượt quá tầm kiểm soát, đảng và Tập có thể phải chịu trách nhiệm vì đã duy trì zero-covid suốt gần ba năm.
Hành động trả đũa của Trung Quốc đối với các biện pháp kiểm soát biên giới của Nhật Bản có thể được lý giải theo cách tương tự.
Với tư cách là lãnh đạo của một quốc gia dân chủ, Thủ tướng Fumio Kishida có trách nhiệm giải thích với công chúng lý do tại sao Nhật Bản lại yêu cầu kiểm tra chặt chẽ hơn đối với du khách đến từ Trung Quốc. Kishida đã hai lần công khai đề cập đến các biện pháp này trước khi chúng được thực hiện vào ngày 8/1.
Tuy nhiên, Bắc Kinh coi những hành động này là thù địch: Bằng cách giải thích tình hình cho công chúng Nhật Bản một cách không cần thiết, Kishida đã xúc phạm Tập, người vừa bước vào nhiệm kỳ thứ ba.
Đòn trả đũa của Trung Quốc có lẽ phát xuất từ bộ đôi nhà ngoại giao hàng đầu mới của Trung Quốc, Vương Nghị và Tần Cương, nhằm giữ thể diện cho Tập.
Vương vừa được thăng chức vào Bộ Chính trị gồm 24 thành viên và trở thành nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, trong khi Tần được bổ nhiệm làm tân Bộ trưởng Ngoại giao.
Một nguồn tin trong ngành ngoại giao nói rằng cả hai không thể bị coi là quá mềm mỏng trước Nhật Bản ngay từ những ngày đầu. “Họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc phản ứng cứng rắn.”
Và thế là quan hệ Trung-Nhật trong năm 2023 đã bắt đầu với một thử thách. Một doanh nhân Nhật Bản vốn đã lên kế hoạch đến Trung Quốc từ rất lâu cho biết, “Nếu tình hình vẫn không thay đổi, chúng tôi sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc từ bỏ dự án của mình.”
Nếu lệnh cấm thị thực kéo dài, quan hệ kinh tế giữa hai bên, nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới, chắc chắn sẽ sụp đổ.
Nhưng năm nay là dịp kỷ niệm 45 năm hiệp ước hòa bình và hữu nghị Trung-Nhật năm 1978, việc quan hệ song phương trở nên lạnh nhạt như vậy không có lợi cho Trung Quốc.
Trung Quốc đã chọn chấm dứt tranh cãi khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kết thúc. Sau cùng thì, lý trí và sự khôn ngoan đã chiến thắng, và hành động trả đũa vô ích đã kết thúc.
Khi nhìn lại, việc Trung Quốc không có khả năng ngăn chặn người dân đi du lịch nước ngoài ba năm trước là nguyên nhân dẫn đến yêu cầu kiểm tra nghiêm ngặt hơn của Kishida. Với việc số ca nhiễm covid ở Trung Quốc tăng vọt sau khi chính sách zero-covid bị hủy bỏ vào cuối năm ngoái, Kishida buộc phải thiết lập một số rào cản.
Ngay cả Tổ chức Y tế Thế giới cũng đã chỉ trích việc chính phủ Trung Quốc báo cáo không đầy đủ số người nhiễm bệnh và tử vong.
Người Nhật đang kỳ vọng rất nhiều vào sự trở lại của khách du lịch Trung Quốc. Tại địa điểm du lịch nổi tiếng Dotonbori của Osaka, người ta đang chuẩn bị đón chờ làn sóng du khách mới. Một cửa hàng cá nổi tiếng với khách Trung Quốc đã trải qua một đợt tân trang lớn.
“Khách Trung Quốc sẵn sàng trả giá cao nếu cá tươi,” một nhân viên cửa hàng tiết lộ. “Chúng tôi có các loại hải sản chất lượng hàng đầu mà họ có thể mang về khách sạn để thưởng thức.” Ở đây, tất cả nhân viên đều nói tiếng Quan thoại và các nhãn dán trên sản phẩm đều bằng tiếng Trung Quốc. Cửa hàng này đã tích cực quảng cáo trên WeChat.
Tại Fushimi Inari Taisha ở Kyoto, điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng nhất của cố đô, người Trung Quốc đã không ồ ạt quay trở lại. Các ngoại ngữ có thể nghe được ở đây là tiếng Hàn hoặc tiếng của các nước Đông Nam Á.
“Chúng tôi muốn người Trung Quốc quay trở lại. Nhưng cũng rất lo khi biết rằng số ca nhiễm bệnh có thể không được báo cáo đầy đủ,” một quan chức ngành du lịch cho biết.
Trong một cuộc họp báo thường kỳ hôm thứ Hai, khi được hỏi về cấp thị thực chung trở lại cho du khách Nhật Bản, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nói, “Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với tất cả các quốc gia, làm nhiều hơn nữa để việc đi lại xuyên biên giới được diễn ra bình thường.”
Sau đó, bà nói thêm: “Tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng tôi phản đối việc chính trị hóa các phản ứng với covid và kêu gọi dỡ bỏ các hạn chế có tính phân biệt đối xử nhắm vào Trung Quốc.”
Việc bình thường hóa quan hệ Trung-Nhật là mong muốn của cả hai bên. Nhưng nhiều người Nhật sẽ đặt câu hỏi bên nào mới đang “chính trị hóa” phản ứng với covid.
Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.