Trước thềm chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Mỹ Blinken, một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc bất ngờ bay trên không phận Mỹ, khiến kế hoạch của hai bên bị thất bại. Phân tích chỉ ra rằng vụ việc này không phù hợp với chiến lược “ngoại giao dụ dỗ” của ông Tập Cận Bình nhằm xoa dịu căng thẳng, nó có thể phơi bày cuộc đấu tranh nội bộ trong ĐCSTQ, phe quân đội Trung Quốc có thể cố tình thả khinh khí cầu để cản trở chuyến thăm của ông Blinken.
Trong 3 năm qua, chính sách ‘Zero COVID’ đối phó đại dịch của ĐCSTQ đã khiến các nhà đầu tư sợ hãi và tác động mạnh đến nền kinh tế Trung Quốc. Đồng thời, luận điệu cứng rắn của các nhà ngoại giao Trung Quốc đã khiến Bắc Kinh trở thành thù nghịch với các bên, làm gia tăng căng thẳng với các nước phương Tây. Trước nhiều thách thức phía trước, gần đây ông Tập Cận Bình đang tìm cách xoa dịu các mối quan hệ quốc tế, đặc biệt là quan hệ Trung-Mỹ. Để thu hút đầu tư nước ngoài, tại cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới được tổ chức tại Thụy Sĩ vào tháng trước, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã đưa ra một tín hiệu gây chú ý rằng “Trung Quốc đã mở cửa trở lại” và “Trung Quốc đã quay trở lại”. Cựu Đại sứ ĐCSTQ tại Mỹ trong vai trò mới Ngoại trưởng cũng nhấn mạnh việc “thiết lập mối quan hệ Trung-Mỹ ổn định”.
Chuyên gia: Sự cố khinh khí cầu cho thấy có chia rẽ trong ĐCSTQ
New York Times đưa tin, các nhà phân tích cho rằng trong bối cảnh nêu trên, việc một khinh khí cầu do thám rõ ràng của ĐCSTQ lại có thể xuất hiện trên bầu trời nước Mỹ cho thấy ĐCSTQ có chia rẽ nội bộ về chiến lược địa chính trị với đối thủ cạnh tranh (Mỹ).
Thông tin dẫn lời Ryan Hass, một thành viên cấp cao tại Viện Brookings và cựu giám đốc phụ trách vấn đề Trung Quốc tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, cho biết: “Hướng chung trong các thông điệp ngoại giao gần đây của ĐCSTQ tới Mỹ là tìm cách xoa dịu căng thẳng. Sự cố khinh khí cầu gián điệp không phù hợp với thông điệp tổng thể đó. Vấn đề gây nghi vấn về mức độ phối hợp trong các cơ quan an ninh của Trung Quốc”.
Ông Ryan Hass cũng nói rằng lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình khó mà chấp nhận hậu quả của việc quan hệ Trung-Mỹ ngày càng xấu đi. Trong hệ thống quyền lực ĐCSTQ, quản lý các mối quan hệ này là một trong những trách nhiệm chính của ông Tập Cận Bình. Trong nhiệm kỳ của mình, Washington đã làm tê liệt các công ty viễn thông lớn của Trung Quốc như Huawei, áp đặt lệnh cấm xuất khẩu sâu rộng đối với công nghệ bán dẫn chủ chốt và tăng cường quan hệ quân sự trên khắp châu Á, gần đây nhất là thông tin vào tuần trước Mỹ mở rộng quyền sử dụng căn cứ quân sự ở Philippines.
“Động thái trì hoãn chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Blinken là rất rõ ràng, vấn đề có thể làm dấy lên nghi ngờ nội bộ về khả năng của Tập Cận Bình trong việc quản lý căng thẳng với Mỹ”, ông Ryan Hass nhận định. “Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình, sau một thập kỷ căng thẳng Mỹ – Trung mang tính lịch sử, vấn đề này đã trở thành một điểm yếu trong lý lịch chung của ông Tập.”
Câu hỏi đặt ra là lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã phê duyệt nhiệm vụ gián điệp khinh khí cầu, hay ông không biết? Tháng 1/2011, quân đội Trung Quốc đã thử nghiệm máy bay chiến đấu tàng hình J-20 chỉ vài giờ trước cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc khi đó là Hồ Cẩm Đào và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó Robert Gates. Phía Mỹ có đánh giá rằng thời điểm đó ông Hồ Cẩm Đào không biết việc phe quân đội thử nghiệm chiến đấu cơ tàng hình.
Một nguồn tin quen thuộc với suy nghĩ của Chính phủ Mỹ nói với Financial Times rằng Mỹ không biết liệu ông Tập có biết về nhiệm vụ đó hay không.
Hôm thứ Sáu (3/2), nhà chức trách ĐCSTQ cho biết họ lấy làm tiếc về việc khinh khí cầu “đi nhầm” vào không phận Mỹ. Không ít chuyên gia có nhận định tuyên bố dường như cho thấy ông Tập đã không thể phản ứng kịp sự cố này. Một quan điểm khác thì cho rằng vào thời điểm này khó có khả năng ông Tập phê chuẩn một sứ mệnh như vậy, vì ông ta đang phát động “thế công cám dỗ” đối với phương Tây để lôi kéo giới doanh nghiệp quay trở lại Trung Quốc và đảm bảo có được mối quan hệ tốt hơn với Washington.
Ông Ryan Hass đã tweet vào ngày 3/2 rằng sự thiển cận thể hiện qua việc tính toán thời điểm và sự dũng cảm trong các hành động của ĐCSTQ thật đáng kinh ngạc. Nhà chức trách ĐCSTQ hy vọng sẽ sử dụng chuyến thăm của ông Blinken để thể hiện có những tiến bộ mang tính định hướng trong ổn định quan hệ Mỹ-Trung. Còn phía Mỹ cũng có tính toán nhất định: Nên tận dụng như thế nào?
Nhà bình luận chính trị Lý Lâm Nhất (Li Linyi) cho rằng việc ngay trước chuyến thăm Trung Quốc sắp đến của ông Blinken, ĐCSTQ thả khinh khí cầu do thám vào không phận Mỹ khiến người ta phải nghi ngờ nội bộ của họ đang có mâu thuẫn nghiêm trọng, do sự cố đã khiến ông Blinken phải hủy chuyến thăm Trung Quốc. Sự cố “tạo phản” này cho thấy có thể là có phe trong ĐCSTQ không muốn ông Blinken thăm Trung Quốc vào thời điểm này?
Xét từ tâm trạng “hối tiếc” mà Bộ Ngoại giao ĐCSTQ bày tỏ có thể suy đoán việc thả khinh khí cầu này dường như không phải là chỉ thị của ông Tập. Mục đích chuyến thăm Trung Quốc của ông Blinken là để thảo luận về quan hệ Mỹ – Trung, đặc biệt là về vấn đề Đài Loan, hy vọng hai bên sẽ cùng xây dựng “ranh giới”. Như vậy phải chăng có phe trong ĐCSTQ muốn lợi dụng vấn đề Đài Loan để gây rắc rối trong tương lai khiến ông Tập không thể thoát? Khả năng này cũng tương đối lớn.
Hành động “tạo phản” của phe quân đội?
Theo phân tích của CNN, cái kết đáng hổ thẹn của sự cố khinh khí cầu: Bị máy bay Mỹ bắn hạ bằng tên lửa, đã ảnh hưởng đến tình hình chính trị đầy sóng gió của ĐCSTQ. Sự cố đã gây vấn đề bối rối mới cho ông Tập, người mà những nỗ lực củng cố nhiệm kỳ thứ ba đã bị phủ bóng đen nghiêm trọng bởi chính sách ‘Zero COVID’ đầy thảm bại, các cuộc biểu tình chống phong tỏa dịch bệnh chưa từng có, và giờ lại là một cuộc khủng hoảng lớn với Mỹ. Điều này đặt ra câu hỏi liệu sự cố khinh khí cầu là một hành động khiêu khích cố ý chống lại Mỹ hay là một vấn đề lầm lỡ của nhà chức trách Trung Quốc, hay phe lực lượng vũ trang ĐCSTQ chống phe diều hâu Mỹ đang tìm cách làm mất mặt người lãnh đạo cao nhất, hoặc muốn phá ý đồ xoa dịu Mỹ của ông Tập trước chuyến thăm Trung Quốc của ông Blinken?
Phân tích của CNN cho biết, vụ việc này cho thấy dù ĐCSTQ cầm quyền tàn nhẫn và đàn áp [dân chúng], nhưng chính trị bạo quyền cũng rất nguy hiểm ngay trong nội bộ của họ.
BBC đưa tin, cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ là ông Mike Mullen hôm Chủ nhật (5/2) cho biết, ông tin rằng quân đội Trung Quốc có thể đã cố tình phóng khinh khí cầu để phá hoại chuyến thăm Trung Quốc của ông Blinken – chuyến thăm được xác định khi ông Biden và ông Tập Cận Bình gặp nhau vào tháng 11 năm ngoái, nhằm xoa dịu tình hình giữa hai nước.
ĐCSTQ tuyên bố rằng khinh khí cầu được phát hiện ở Mỹ là loại được Trung Quốc sử dụng cho nghiên cứu khoa học (như khí tượng học) chỉ có tính chất dân sự. Khả năng tự điều khiển của khinh khí cầu kém, do ảnh hưởng của gió Tây đã đi lạc vào nước Mỹ. Nhưng qua quá trình theo dõi giám sát khí cầu, Mỹ nhận định khí cầu này có khả năng sử dụng để giám sát các địa điểm chiến lược của Mỹ.
Ông Murren cũng bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc rằng quả khinh khí cầu có thể đã bị gió thổi bay lạc hướng. Ông cho hay khinh khí cầu có thể điều khiển được bởi vì có trang bị bộ phận cánh quạt điều hướng. Ông nhấn mạnh: “Đó không phải là một tai nạn. Đó là cố ý. Đó là (được sử dụng) cho thông tin tình báo”.
Theo đánh giá của Reuters, qua tìm hiểu hàng chục tài liệu của ĐCSTQ phát hiện quân đội của họ ngày càng quan tâm đến việc sử dụng khinh khí cầu tầm cao để kiểm tra khả năng phòng không của đối phương.
Điều này đặt ra vấn đề đáng ngại: Phải chăng có phe phái trong ĐCSTQ đang cố ý phá kế hoạch của ông Tập? David Ignatius của Washington Post đưa tin rằng “Giới phân tích tình báo đang xem xét khả năng phe đường lối cứng rắn trong quân đội hoặc ĐCSTQ cố tình phá hỏng chuyến thăm của ông Blinken”.
Nếu đúng như vậy, quả khinh khí cầu là một tai họa đối với ĐCSTQ: Bắc Kinh sẽ ở thế phòng thủ khi đàm phán từ chuyến thăm của ông Blinken được khôi phục, và gần như có sự nhất trí ở Washington rằng các biện pháp trừng phạt sẽ không được dỡ bỏ, thậm chí có thể được tăng cường.
Chính phủ của ĐCSTQ đã công bố vào thứ Sáu tuần trước (3/3) rằng đã cách chức Cục trưởng Trang Quốc Thái (Zhuang Guotai) của Cục Khí tượng Trung Quốc. Thời điểm thông báo là đáng quan tâm, vì được đưa ra vào lúc Mỹ và Trung Quốc đang gặp khủng hoảng ngoại giao về sự cố khinh khí cầu.
Công luận có quan điểm nghi ngờ rằng ông Trang Quốc Thái là “vật tế thần” của vụ khinh khí cầu gián điệp. Khi được hỏi tại một cuộc họp báo thường kỳ hôm thứ Hai (6/2) rằng liệu việc cách chức ông Trang Quốc Thái có liên quan đến sự cố khinh khí cầu hay không, bà phát ngôn viên Mao Ninh của Bộ Ngoại giao Trung Quốc trả lời: “Tôi không có thông tin đó”.
Theo Trương Đình, Epoch Times