11-2-2023
Không chỉ mang tính chất không ủng hộ, “unstan” thông thường, các chỉ trích và miệt thị nhắm tới thành viên gốc Việt Hanni của nhóm nhạc thần tượng Hàn Quốc New Jeans cho thấy vấn đề lớn hơn nhiều là một drama Kpop.
Những câu hỏi như:
“Chẳng lẽ bây giờ phải bỏ qua tất cả những đứa trẻ sinh ra trong gia đình 3/// à?”… cho thấy tư duy lý lịch thụt lùi, thiếu thông tin về chính sách pháp luật Việt Nam hiện đại, cũng như đầy tính thù hằn/đấu tố.
Video lần này của Hội Đồng Cừu làm nổi bật bốn điểm chính dựa trên các thông tin và nghiên cứu khoa học liên quan:
(1)
Hanni có gia đình nội từ Hà Nội, và nhiều nguồn thông tin ghi nhận có liên hệ chính quyền cách mạng Việt Nam.
Cách xác định danh tính người Việt theo hướng nhị nguyên – Chúng nó vai xấu và Chúng ta vai tốt – trở nên vô cùng có vấn đề.
(2)
Tư duy “Gia đình nó thế này… thì nó phải thế đó…” là cách tư duy lý lịch thuần túy và thiếu cơ sở khoa học thực tiễn.
Một số nghiên cứu số liệu và có thể được tạm dùng để khái quát, như quyển “Demographic Gaps in American Political Behavior”, cho thấy gia đình không có yếu tố quyết định trong việc hình thành quan điểm chính trị của thế hệ kế cận.
Xu hướng xung đột thế hệ về mặt chính trị là điều thường xuyên diễn ra.
Ví dụ, quyển này chỉ ra rằng những người bắt đầu 18 tuổi trong giai đoạn mà John Kennedy, Johnson, Nixon, Ford và Bill Clinton đang làm tổng thống thì có xu hướng vượt trội là chọn phe Dân chủ.
Trong khi đó, những người bắt đầu trưởng thành trong giai đoạn mà Eisenhowever, Carter, Reagan làm tổng thống, thì lại có xu hướng vượt trội là chọn làm thành viên của Đảng Cộng hoà.
(3)
Sự lớn mạnh và tầm ảnh hưởng văn hóa ngày càng đáng kể của người tị nạn, thuyền nhân Việt Nam sẽ càng khiến cho tư duy thù hằn dành cho thuyền nhân là “ba que / khát nước” trở nên lỗi thời và không đi đúng xu thế phát triển của văn hóa hiện đại ngày nay.
Những minh chứng mới đây bao gồm David Trần, Quan Kế Huy, hay Hồng Châu.
“Don’t ask, Don’t tell” có thể là cách tiếp cận phù hợp và văn minh hơn trong không gian văn hóa mới.
(4)
Nhiều nghiên cứu, như “The Disjunctive Politics of Vietnamese Immigrants” (tạm dịch là Tư duy chính trị khác biệt của các nhóm người Việt nhập cư), cho thấy không có sự đồng nhất trong quan điểm chính trị của tất cả các cộng đồng người Việt ở hải ngoại.
Đặc biệt, tác giả của nghiên cứu này chỉ ra, người Việt tị nạn vào giai đoạn 1970s – 1980s thường có xu hướng chống Cộng cao hơn, trong khi anh chị em họ hàng của họ được bảo lãnh đi từ 1990s trở về sau lại có xu hướng chấp nhận và ủng hộ chính quyền Việt Nam hiện tại.
Các thảo luận, ví dụ chi tiết hơn được trình bày trong video ở đây.