Tưởng Năng Tiến
Tôi sống hơi lâu, hết thế kỷ này sang thế kỷ kia, và từ thời này qua thời nọ nhưng chưa bao giờ nghe lắm lời than phiền về chùa chiền (và tăng lữ) như ở chế độ hiện hành:
– Thái Hạo: “Chùa, còn gọi là tịnh xá, là thiền môn, tức là chốn thanh tịnh để tu hành. Bất cứ chùa nào khuyến khích hay quảng bá nhằm thu hút dân chúng đến để thu tiền hoặc sử dụng các dịch vụ thì đều không phải chùa. Nó là các cơ sở kinh doanh núp bóng chùa. Kéo nhau đến những nơi như thế đều là đang tiếp tay và làm giàu cho bọn gian thương, vừa bị mất tiền, vừa bị cười vào mặt.”
– Tạ Duy Anh: “Thậm chí có thể nói rằng, nơi những cửa chùa mà tôi có dịp đến ‘ăn mày Phật’ giờ đây là nơi nhiều nhốn nháo nhất. Tràn ngập là xôi, thịt và những lời cầu khấn còn nặng mùi xôi thịt hơn nhiều lần.”
– Trần Tân: “Trước kia, tôi cũng hay đến chùa, tôi theo Đạo Phật, tôi kính Đức Thích Ca Mâu Ni, tôi còn kính cả Chúa cả Phật…. Tôi vãn cảnh chùa để hòa mình vào khung cảnh thanh tịnh, ăn chút cơm chay, cúng một số tiền nhỏ, vậy thôi… Nhưng từ khi thấy sư sãi giờ đã (không nói hoàn toàn) xa rời cuộc sống tu hành khổ hạnh mà họ coi tu hành là nơi kiếm ăn, hưởng lạc… Tôi xin quay lưng với chùa.”
Ủa! Chớ chùa nào mà kỳ cục dữ vậy cà?
T.S Nguyễn Văn Huy tường thuật: “Hiện nay Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất chỉ còn giữ được khoảng 10% tổng số cơ sở đã có trước 1975. Tất cả những cơ sở còn lại được chính quyền cộng sản Việt Nam giao cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam quản lý.”
Hòa Thượng Thích Không Tánh cho biết thêm chi tiết: “Tính đến năm 2013, khoảng 10% các cơ sở trước năm 1975 của Giáo hội Thống Nhất còn thuộc quyền đảm nhiệm của Giáo hội. Số còn lại 90% đã bị chính quyền giao cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam quản lý.”
Nhà giáo Thảo Dân góp ý: “Cần phân biệt chùa chiền với những cơ sở kinh doanh tâm linh. Đánh đồng tất cả rồi hô lên ‘tôi quay lưng với chùa’, chính là một cách ứng xử vô thần, không phân định chính, tà hàm hồ, xôi thịt.”
Để tránh “đánh đồng tất cả” và có thể “phân biệt” được chính/tà tưởng cũng cần phải biết chính xác là trong số 18.491 ngôi chùa hiện nay thì tuyệt đại đa số (14.500) đều do sư tăng quốc doanh “trụ trì.” Chính cái đám người này đã biến thiền môn thành những nơi “nhốn nháo, tràn ngập xôi thịt” (hay “nơi kiếm ăn, hưởng lạc”) khiến bao tín hữu chỉ vừa bước chân vào là vội vã quay lưng!
Những ngôi chùa đơn lẻ còn lại của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất – GHPGVNTH – thường rất nghèo nàn và vắng vẻ vì không có những lễ hội, cúng tế mầu mè để lôi kéo khách thập phương. Phần lớn tăng ni ở đây không chỉ phải sống trong cảnh bần hàn mà còn thường xuyên bị đe dọa hay sách nhiễu:
Kể trên mới chỉ là vài ba câu chuyện nhỏ, tại địa phương. Ở bình diện quốc gia, còn có nhiều chuyện “kinh thiên động địa” hơn nhiều nhưng vẫn thường không được dư luận biết rõ hoặc quan tâm đúng mức. Từ năm 1981, GHPGVNTN đã bị nhà đương cuộc Hà Nội ngang nhiên giải thể và đặt ngoài vòng pháp luật. Họ lập ra một tổ chức mới, mệnh danh là GHPGVN, một tổ chức thành viên của Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam.
Nói cách khác là nhà nước đã biến giáo hội thành bàn tay nối dài của Đảng. Tuy dài thật nhưng nó không thể che được mặt trời. Dù bị đe dọa/xách nhiễu thường xuyên, và bị chia rẽ/phân hoá đến tận cùng, GHPGVNTN vẫn không bị triệt tiêu như những kẻ đang nắm quyền bính ở VN mong đợi.
Ngày 1 tháng 9 năm 2022, Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương GHPGVNTN công bố: “Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất không phải là một hiệp hội thế tục, do đó, không tự đặt mình dưới sự chỉ đạo của bất cứ quyền lực thế tục, không là công cụ bảo vệ sự tồn tại của bất cứ xu hướng chính trị, của bất cứ tổ chức thế tục nào; không hành đạo, hoằng đạo theo bất cứ định hướng ý thức hệ nào; duy chỉ một định hướng duy nhất: Thập phương Bạc-già-phạm nhất lộ Niết-bàn môn; một cứu cánh duy nhất là giải thoát.”
Qua hôm sau, hôm 2 tháng 9, VOA loan tin: “Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ trở thành lãnh đạo tối cao của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.”
Trước sự kiện này, nhiều người đã không giấu được nỗi hân hoan:
Nhạc sỹ Tuấn Khanh:
“Việt Nam xôn xao tin tức về sự ra mắt của Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, chính thức vào chức vụ Chánh Thư Ký – Xử lý thường vụ Viện Tăng Thống. Bậc minh sư lâu nay ẩn danh đột nhiên xuất hiện ở lễ nhận di chúc, ấn tín, và khai ấn từ Đệ ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ khiến những người yêu Phật giáo chân chính và tự do của Việt Nam đều vui mừng…
Sự có mặt của Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ chính là ngọn đuốc thắp sáng đức vô úy của những Phật tử và những người hướng Phật trong một thế giới chập choạng không còn rõ lằn ranh Ma-Phật. Nó là điểm tựa của tư duy Phật giáo trong lành trong thời pháp nạn. Ngài là hiện thân của tín ngưỡng, đạo pháp sống và chết vì quê hương và dân tộc. Ít nhất, ngài đang là điểm tựa của những người tỉnh thức.”
Tác giả Huỳnh Kim Quan, bỉnh bút của tờ Việt Báo, còn lạc quan hơn nữa:
“Đây không những là một tin rất hoan hỷ đối với cộng đồng Phật Giáo Việt Nam trong và ngoài nước, mà còn là bước ngoặt mở ra trang sử mới của GHPGVNTN.”
Tôi hoàn toàn chia sẻ sự “hoan hỷ” và tinh thần lạc quan của nhị vị thức giả thượng dẫn; tuy thế, vẫn có chút e ngại rằng cá nhân Hòa Thượng Tuệ Sỹ sẽ không thể “mở ra một trang sử mới cho GHPGVNTN” như nhiều người mong đợi. Ông đơn độc quá. Tấm thân gầy guộc và bờ vai mong manh của vị cao tăng uyên bác của chúng ta e không đủ sức để ghánh vác trọng trách này, giữa vòng vây thắt chặt của bạo quyền, và trước sự thờ ơ (hay ngu tối) của thế nhân.
An tâm/hoan hỉ xoa tay vì Phật sự đã có người tài đức đứng ra đảm nhiệm, và quay lưng trước cửa thiền (mặc cho quỷ lộng chùa hoang) e không phải là cách ứng xử đúng đắn của một phật tử trong mùa pháp Nạn, hay một công dân trong cơn quốc nạn.
TNT
Viết thêm: Chả hiểu sao mỗi khi nhìn thấy hình ảnh gầy guộc, mong manh của Thích Tuệ Sỹ là tôi lại nhớ đến ngay một nhân vật lịch sử khác – bà Aung San Suu Kyi. Họ sinh cùng thời, cùng vô tình lạc bước vào lịch sử, và cùng có một bờ vai mảnh dẻ/nhỏ nhắn như nhau.
Chiến thắng vang dội của đảng National League for Democracy(NLD) qua cuộc bầu cử 2015 khiến cho mọi người thở phào nhẹ nhõm, và toàn thể nhân loại yên tâm đặt hết mọi khó khăn/thách thức của Miến Điện lên bờ vai nhỏ bé của Suu Kyi.
Bà đã không chu toàn được trọng trách, tất nhiên. Chung cuộc, nhà báo Rodion Ebbighausen (The Indian Express) bình luận: “Sau năm năm lãnh đạo của Aung San Suu Kyi, chúng ta thấy rõ ràng là không có cây gậy thần nào giải quyết được những vấn đề của Myanmar cả. Quốc sự cần sự tham gia của tất cả mọi người. After five years of leadership of, it has become clear that is not a magic wand that will solve Myanmar’s problems. The nation’s politics needs to include everyone.”
So với Aung San Suu Kyi thì Thích Tuệ Sỹ của chúng ta cô đơn hơn nhiều lắm!