Tin thế giới sáng Chủ Nhật: Cậu bé thiên tài 9 tuổi tốt nghiệp bậc trung học phổ thông

Lầu Năm Góc từ chối trả lời việc Mỹ tốn gần nửa triệu USD để bắn hạ khinh khí cầu 12 USD

Lầu Năm Góc từ chối trả lời việc Mỹ tốn gần nửa triệu USD để bắn hạ khinh khí cầu 12 USD
Một chiếc F-22 Raptor bay ngang qua trong buổi triển lãm hàng không tại Căn cứ Hỗn hợp Andrews ở Maryland, ngày 16/9/2017. (Ảnh: Andrew Caballero-Reynolds/AFP/Getty Images)

Lầu Năm Góc đang từ chối trả lời các câu hỏi liệu một trong những vật thể bay không xác định bị bắn rơi ngoài khơi bờ biển Alaska hồi đầu tháng này có phải là một khinh khí cầu trị giá 12 USD hay không.

Tuần này, một nhóm người đam mê chế tạo khinh khí cầu nghiệp dư tại tiểu bang Illinois thông báo, họ bị lạc mất một khinh khí cầu trong lúc bay qua tiểu bang Alaska ngày 11/2. Cùng ngày, Quân đội Mỹ đã bắn hạ một vật thể bay không xác định tại vùng lãnh thổ Yukon của Canada, cách tiểu bang Alaska không xa, làm dấy lên suy đoán rằng đó là một khinh khí cầu pico rẻ tiền dành cho những người đam mê khí cầu nghiệp dư.

Theo một bài đăng trên blog từ Lữ đoàn Khinh Khí cầu Bottlecap Bắc Illinois (Northern Illinois Bottlecap Balloon Brigade – NIBBB), họ đã mất liên lạc với khinh khí cầu giải trí của mình vào ngày 11/2 và khinh khí cầu được ghi lại lần cuối ở độ cao khoảng 39.000 feet (gần 12 km) ngoài khơi bờ biển Alaska.

Khinh khí cầu Pico là loại khinh khí cầu màng mylar nhỏ. Những người có sở thích này thường gắn thiết bị theo dõi vào khí cầu để đo điều kiện thời tiết và chỉ tốn 12 USD.

Cùng ngày, quân đội Hoa Kỳ đã bắn hạ một vật thể bay không xác định ở độ cao 40.000 feet (trên 12 km) bằng tên lửa AIM-9X Sidewinder trị giá 400.000 USD.

Khi được hỏi liệu vụ bắn hạ này có liên quan đến khinh khí cầu pico hay Lầu Năm Góc có theo dõi NIBBB bằng bất kỳ cách nào hay không, Lầu Năm Góc đã né tránh trả lời.

“Chúng tôi không có thông tin để chia sẻ về vấn đề này”, một đại diện của Bộ Quốc phòng (DOD) cho biết trong một thư điện tử.

Về phần mình, NIBBB tuyên bố rằng không có gì lạ khi một khinh khí cầu như vậy mất tín hiệu vài ngày một lần và cho đến khi thu thập được mảnh vỡ của khí cầu thì mới có đáp án. NIBBB khẳng định rằng, việc quân đội Hoa Kỳ có bắn hạ nó hay không là điều không thể kiểm chứng được.

NIBBB cho biết trong một bài đăng trên blog: “Như đã được thông báo rộng rãi, không thu thập được bất kỳ mảnh vỡ nào của vật thể bay bị máy bay phản lực của Lực lượng Không quân Hoa Kỳ bắn hạ trên Lãnh thổ Yukon”.

“Mọi tuyên bố hoặc khẳng định rằng khinh khí cầu của chúng tôi có liên quan đến vụ việc này đều không có cơ sở cho đến khi thu hồi được xác khí cầu và chứng minh đó là khinh khí cầu pico”.

Theo ông John Kirby, Điều phối viên về Truyền thông Chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, bất chấp việc Lầu Năm Góc từ chối công nhận khả năng họ bắn hạ khinh khí cầu, Nhà Trắng vẫn nhận thức được tình hình này.

“Chúng tôi không thể xác thực được những thông tin đó hoặc phần còn lại của khinh khí cầu đó còn lại những gì”, ông Kirby cho biết trong cuộc họp báo ngày 17/2.

“Chúng tôi vẫn chưa thu hồi được vật thể này, vì vậy rất khó để xác thực thông tin về vật thể, trừ khi đã hoàn tất quá trình thu hồi xác khí cầu”.

Ông Kirby cũng nói rằng ông không chắc liệu NIBBB có được bồi thường cho khinh khí cầu hay không.

Ông Kirby nói: “Tôi không biết có bất kỳ kế hoạch bồi thường nào hay không. Thành thật mà nói, chúng tôi không biết đây là gì”.

Cuối cùng, ông Kirby nói rằng, quyết định bắn hạ là quyết định hợp lý nhất vào thời điểm đó.

“Với thông tin mà chúng tôi có vào thời điểm đó và những lo ngại chính đáng về khả năng bị giám sát sau vụ khinh khí cầu do thám Trung Quốc, thì quý vị nên ra quyết định dựa trên thông tin tốt nhất hiện có”.

Theo The Epoch Times

Lam Giang biên dịch

Binh sĩ Ukraine ở ‘chảo lửa’ Bakhmut gửi thông điệp tới phương Tây

Một đội súng cối Ukraine chuẩn bị khai hỏa vào một căn cứ của Nga tại Bakhmut, Ukraine, hôm 16/2/2023. (Ảnh: John Moore/Getty Images)

Các binh sĩ Ukraine chiến đấu ở Bakhmut yêu cầu được hỗ trợ thêm vũ khí, khi các nhà lãnh đạo phương Tây nhóm họp ở Munich, Đức hôm 17/2 để đánh giá tình hình cuộc xung đột đã làm rung chuyển châu Âu sau gần một năm.

“Hãy cung cấp cho chúng tôi nhiều trang thiết bị quân sự hơn, nhiều vũ khí hơn và chúng tôi sẽ đối phó với quân chiếm đóng Nga, chúng tôi sẽ tiêu diệt chúng”, Dmytro, một quân nhân đứng trong tuyết bên ngoài thành phố Bakhmut, nói trong thông qua video ghi sẵn, lặp lại yêu cầu của Tổng thống Ukraine tại Hội nghị thượng đỉnh Munich.

Hội nghị An ninh Munich (MSC) lần thứ 59 diễn ra trong 3 ngày (từ 17/2 đến 19/2) đã khai mạc tại thành phố Munich thuộc bang Bayern, Đức.

Khoảng một năm sau cuộc xâm lược, binh lính của Tổng thống Nga Vladimir Putin đang đẩy mạnh các cuộc tấn công ở phía đông.

Ukraine đang dự tính một cuộc phản công vào mùa xuân và đang yêu cầu các đối tác phương Tây cung cấp nhiều vũ khí lớn hơn, hạng nặng hơn và tầm xa hơn.

Ông Putin tuyên bố sẽ chiến đấu vì an ninh của Nga chống lại một liên minh NATO đang phát triển mạnh mẽ. Trong khi đó Kyiv và những người ủng hộ họ mô tả cuộc xâm lược của Nga như một cuộc chiếm đất kiểu thuộc địa ở Ukraine, nơi từng là một phần của Liên Xô do Nga thống trị.

Trên chiến trường băng giá, các quân nhân Ukraine đã chỉ cho các phóng viên nước ngoài thấy những lợi ích của xe bọc thép Bushmaster do Úc cung cấp, tại một địa điểm mà binh lính Nga đã sa lầy trong nhiều tháng để giành giật Bakhmut.

Theo Dmytro, xe bọc thép này giúp bảo vệ binh sĩ khỏi hỏa lực của đối phương, hỗ trợ trinh sát và sơ tán thương binh.

“Có những lúc mìn chống tăng được kích nổ và binh sĩ chỉ bị xây xát. Các binh sĩ không bị thương nặng. Nó đã hoạt động rất tốt”.

Khói đen bốc lên sau đợt pháo kích ở Bakhmut ngày 3/2/2023 trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraine. (Ảnh: Yasuyoshi Chiba/AFP/Getty Images)

Hôm 17/2, thủ lĩnh tập đoàn đánh thuê Wagner thông báo đã kiểm soát làng Paraskovievka, phía bắc thành phố Bakhmut thuộc tỉnh Donetsk.

“Các chiến binh Wagner kiểm soát hoàn toàn ngôi làng Paraskovievka, bất chấp nguồn cung đạn dược tắc nghẽn, tổn thất nặng nề và những trận đánh đẫm máu”, thủ lĩnh Wagner, Yevgeny Prigozhin nói.

Thống đốc Luhansk, một trong hai tỉnh ở Donbas mà Nga kiểm soát một phần và mong muốn kiểm soát hoàn toàn, tuyên bố các cuộc không kích đang gia tăng.

Tỉnh trưởng Serhiy Haidai của Luhansk ngày 17/2 nói Nga đã gia tăng đáng kể các hoạt động, bao gồm cả pháo kích, dọc theo chiến tuyến tại đây và khiến tình hình trở nên rất khó khăn.

“Những nỗ lực chọc thủng phòng tuyến của Ukraine đang diễn ra không ngừng”, ông Serhiy Haidai nói trên truyền hình địa phương, đề cập đến các cuộc giao tranh gần thành phố Kreminna của Luhansk.

Trong tuyên bố mới nhất, Nga nói rằng một loạt các cuộc tấn công tên lửa trên khắp Ukraine hôm thứ Năm (16/2) đã thành công trong việc phá hủy các địa điểm cung cấp xăng và đạn dược cho lực lượng Ukraine.

Hôm 16/2, lực lượng phòng không Ukraine tuyên bố, họ chỉ đánh chặn được 16/36 tên lửa Nga phóng trong đợt không kích mới.

Lực lượng phòng không Ukraine cho hay, ít nhất 1 tên lửa Nga đã bắn trúng nhà máy lọc dầu Kremenchuk. Đây là nhà máy lọc dầu lớn nhất Ukraine, đặt tại trung tâm tỉnh Poltava (phía bắc Ukraine).

(Từ trái sang) Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock lắng nghe trong phần hỏi đáp tại Hội nghị An ninh Munich (MSC) 2023 vào ngày 18/2/2023 tại Munich, Đức. (Ảnh: Johannes Simon/Getty Images)

Nga: ‘Những kẻ hiếu chiến ở Mỹ’

Một số nhà lãnh đạo chủ chốt của phương Tây, bao gồm Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris, đã tham dự Hội nghị An ninh Munich kéo dài ba ngày.

Tại cuộc họp mặt năm ngoái, phương Tây đã kêu gọi Nga không tấn công Ukraine và cảnh báo về những hậu quả thảm khốc. Năm nay, phương Tây đang vật lộn với những hậu quả của cuộc xung đột ở Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cũng tham gia cuộc họp thông qua video, kêu gọi các đồng minh đẩy nhanh việc cung cấp vũ khí cho Ukraine. Ông Scholz và ông Macron đã bày tỏ quan điểm ủng hộ.

Ngày 17/2, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF thông báo đã đạt được thỏa thuận cấp nhân viên với Ukraine, mở đường cho các cuộc thảo luận về chương trình cho vay chính thức hỗ trợ việc Kyiv gia nhập Liên minh châu Âu (EU)

Ngoài vấn đề cấp bách của cuộc xung đột, cuộc đối đầu kiểu Chiến tranh Lạnh với Nga đã làm sống lại những câu hỏi về an ninh rộng lớn hơn đối với châu Âu chẳng hạn như: phụ thuộc bao nhiêu vào Mỹ, chi bao nhiêu cho quốc phòng và làm thế nào để tăng cường năng lực của chính mình.

Kyiv tuyên bố rằng chỉ có một cuộc rút quân toàn diện của Nga mới được chấp nhận.

“Các cuộc đàm phán có thể bắt đầu khi Nga rút binh lính khỏi lãnh thổ Ukraine. Các giải pháp thay thế chỉ giúp Nga có thời gian tập hợp lực lượng và nối lại chiến sự bất cứ lúc nào”, cố vấn Tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak bình luận trên Twitter.

Lính Mỹ trên xe bọc thép M2 Bradley tham gia cuộc tập trận Warrior Strike VIII ngày 19/9/2017 tại Pocheon, Hàn Quốc. (Ảnh: Chung Sung-Jun/Getty Images)

Hôm 17/2, Lầu Năm Góc cho biết, tiểu đoàn đầu tiên của Ukraine, bao gồm khoảng 635 binh lính, đã hoàn thành khóa huấn luyện vũ khí kết hợp kéo dài 5 tuần do lực lượng Mỹ hướng dẫn ở Đức. Khóa huấn luyện tập trung vào việc sử dụng xe bọc thép M2 Bradley – loại vũ khí đang trên đường tới Ukraine.

Theo tuyên bố, đợt huấn luyện này cũng tập trung vào huấn luyện y tế và huấn luyện chiến thuật cấp tiểu đoàn.

Mỹ đã tiết lộ ý định cung cấp cho Ukraine hơn 50 xe bọc thép, loại xe này được trang bị một khẩu pháo cực mạnh và đã được Quân đội Mỹ sử dụng để vận chuyển binh lính trên khắp các chiến trường kể từ giữa những năm 1980.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova trong một cuộc họp báo hàng tuần tại Bộ Ngoại giao Nga, ở Moscow, Nga hôm 1/12/2021. (Ảnh: Văn phòng Báo chí Bộ Ngoại giao Nga/Anadolu Agency/Getty Images)

Nga cáo buộc Mỹ xúi giục Ukraine leo thang chiến tranh và hiện đang trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột.

Căng thẳng giữa Nga và Mỹ đã tăng cao trong ngày 17/2 sau khi Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland tuyên bố Mỹ ủng hộ Ukraine tấn công các cơ sở quân sự Nga trên bán đảo Crimea. Bà Nuland cũng nói rằng Crimea phải được phi quân sự hóa như một phần trong giải pháp cho cuộc xung đột.

Các phát biểu trên đã vấp phải phản ứng quyết liệt từ phía Nga. Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói tuyên bố của bà Nuland cho thấy Mỹ có liên quan đến cuộc xung đột.

Bà Maria Zakharova cho biết: “Những kẻ hiếu chiến ở Mỹ… gửi vũ khí với số lượng lớn, cung cấp thông tin tình báo và trực tiếp tham gia vào việc lập kế hoạch cho các hoạt động quân sự”.

Trọng tâm hiện tại của Nga là chiếm Bakhmut, một thành phố hiện đã bị phá hủy phần lớn ở vùng Donetsk, gần Luhansk. Trước chiến tranh, thành phố này từng có khoảng 70.000 người, nay hầu hết đã rời đi.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch

Lầu Năm Góc: Khóa đầu tiên nâng cao huấn luyện cho quân Ukraine đã hoàn tất

“Chim cắt” Falcon F-16, chiến đấu cơ đang trong đàm phán để có thể đưa vào chiến trường Ukraine. (Nguồn: SSgt Ken Bergmann, USAF/ Wikipedia)

AP đưa tin, nhóm đầu tiên với 635 chiến binh Ukraine đã hoàn thành khóa huấn luyện nâng cao kéo dài 5 tuần của Hoa Kỳ tại Đức về các kỹ năng chiến đấu tinh vi cùng với cách vận hành xe bọc thép – điều rất quan trọng trong cuộc tấn công mùa xuân sắp tới chống quân Nga, Lầu Năm Góc cho biết thứ Sáu (17/2).

Thư ký báo chí Lầu Năm Góc, Tướng Pat Ryder, cho biết cuộc huấn luyện bổ sung đang được tiến hành tại khu vực huấn luyện Grafenwoehr với sự tham gia của khoảng 1.600 chiến binh Ukraine nữa. Việc hoàn thành lớp đầu tiên trùng hợp với chuyến thăm căn cứ của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, giúp ông có cơ hội đầu tiên nhìn thấy các binh sĩ Ukraine đang huấn luyện ở đó.

Nhóm đầu tiên của lực lượng Ukraine đến căn cứ vào ngày 15/1 và trải qua một khóa học căng thẳng để chuẩn bị cho họ đưa xe chiến đấu Bradley và M109 Paladin vào trận chiến. Bradley và Paladin là hai trong số nhiều vũ khí hạng nặng mà Mỹ và đồng minh đã cam kết cung cấp cho chiến trường Ukraine để chọc thủng các tuyến phòng thủ mà Nga đã dày công gia cố trong thời gian chiếm đóng.

Ông Ryder cho biết một tiểu đoàn khác của quân đội Ukraine đã bắt đầu huấn luyện xe chiến đấu Bradley hai tuần trước, và một tiểu đoàn pháo binh dã chiến bắt đầu huấn luyện xe Paladin. Hai đơn vị đó tổng cộng khoảng 710 quân. Một đơn vị pháo binh dã chiến khác và một tiểu đoàn Stryker sẽ bắt đầu huấn luyện vào tuần tới, với sự tham gia của khoảng 890 binh sĩ. Đây sẽ là tiểu đoàn Ukraine đầu tiên được huấn luyện sử dụng Stryker, một loại xe bọc thép chở quân.

Các nhà lãnh đạo quốc phòng đã gọi chương trình đào tạo mới nhất là chìa khóa để mở rộng khả năng của binh lính người Ukraine trong việc phát động một cuộc tấn công phối hợp, huấn luyện quân đội của họ cách di chuyển và phối hợp hiệu quả giữa các đơn vị cấp đại đội và tiểu đoàn trong trận chiến, sử dụng kết hợp pháo binh, thiết giáp và lực lượng mặt đất.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã liên tục thúc ép các đồng minh phương Tây đẩy nhanh hỗ trợ quân sự cả về số lượng và đẳng cấp vũ khí. Phát biểu tại một hội nghị an ninh quốc tế lớn ở Munich vào thứ Sáu, khi ông nhắc lại mong muốn có được máy bay chiến đấu và vũ khí tầm xa, ông Zelensky nhấn mạnh rằng sự chậm trễ cung cấp vũ khí của đồng minh sẽ có lợi cho Nga.

Trong chuyến thăm căn cứ huấn luyện Grafenwoehr vào tháng trước, Tướng quân đội Hoa Kỳ Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, cho biết các kỹ năng mới sẽ có trợ giúp rất lớn trong cuộc phản công các lực lượng của Nga.

“Đây không phải là vòng quay [bình thường] của máy xay bột,” ông nói khi gặp các chỉ huy Hoa Kỳ ở đó. “Đây là một trong những khoảnh khắc mà nếu bạn muốn tạo ra sự khác biệt, thì chính là lúc này.”

Khóa huấn luyện do Bộ Tư lệnh Huấn luyện Quân đoàn 7 thực hiện, bao gồm hướng dẫn trên lớp, thực địa và các bài tập giao chiến ở quy mô lớn hơn.

Nhật Tân

Cậu bé thiên tài 9 tuổi tốt nghiệp bậc trung học phổ thông

Cậu bé thiên tài David Balogun trong chương trình phỏng vấn của CNN. (Ảnh chụp màn hình video)

Tuy chỉ mới 9 tuổi nhưng David đã xuất xắc hoàn thành chương trình trung học phổ thông. Trong lúc chờ bằng, cậu bé sẽ bắt đầu tham gia các khóa học cấp đại học.

Cậu bé David Balogun (đến từ Bucks County, Pennsylvania, Mỹ) coi việc học tập là một sở thích như bao hoạt động vui chơi khác. Không có gì bất ngờ khi bạn chăm chỉ học tập, làm việc và gặt gái được kết quả tốt, nhưng sự kiện David Balogun mới 9 tuổi đã tốt nghiệp bậc trung học phổ thông vẫn đủ sức khiến cả thế giới phải choáng váng.

“Cháu nhận ra rằng cháu có thể tốt nghiệp ở tuổi mười hoặc chín miễn là cháu nỗ lực và bố mẹ nhiệt tình giúp đỡ cháu. Và tất nhiên, nhờ Reach Cyber Charter School mà cháu đã có thể để tốt nghiệp”, David Balogun nói.

Trường Harrisburg cho phép David hoàn thành khóa học qua kênh học trực tuyến.

David giải thích: “Cháu muốn làm điều đó bởi vì cháu có khả năng làm điều đó. Vậy thì tại sao cháu không sử dụng những khả năng đó cho những điều tốt đẹp hơn?”

Khi nói về các giáo viên của mình, David cho biết họ rất tích cực, luôn ủng hộ, khuyến khích, giúp cậu tiến lên trong học tập.

“Cháu muốn trở thành một nhà vật lý thiên văn, cháu muốn nghiên cứu về hố đen và siêu tân tinh”, David nói với WGAL.

Theo Đại học Công nghệ Swinburne, các nhà vật lý thiên văn sử dụng các định luật vật lý khi nghiên cứu các ngôi sao, hành tinh, thiên hà và thiên thể.

Ngoài việc được vinh danh với Giải thưởng Học sinh Xuất sắc năm 2022 từ Hiệp hội Giáo dục Năng khiếu Pennsylvania, David còn là thành viên của hội những người có chỉ số IQ cao nhất thế giới, Mensa International.

Mẹ của David cho biết con trai bà có bộ não thông minh khác thường so với những đứa trẻ đồng trang lứa. Cậu có khả năng tiếp thu rất nhiều khái niệm khó, thậm chí vượt quá tầm hiểu biết của bà.

David sẽ nhận bằng tốt nghiệp trong vài tháng nữa nhưng hiện cậu đã tham gia các khóa học cấp đại học để chuẩn bị cho tương lai. Cậu mong rằng thành tựu của mình có thể truyền cảm hứng cho những người khác.

“Cháu hy vọng cháu có thể sử dụng cơ hội này để chứng tỏ rằng cháu không phải là người duy nhất có thể làm được điều này”, David nói.

Minh Minh/ Theo Breitbart

Related posts