Thứ trưởng Bộ Xây dựng bị xem xét kỷ luật
Theo UBKTTW, sai phạm của ông Bùi Hồng Minh làm ảnh hưởng uy tín của tổ chức Đảng và ngành xi măng Việt Nam, đến mức phải xem xét kỷ luật.
Theo báo chí nhà nước, tại Bắc Giang, các ông Lê Ánh Dương (Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh); Phan Thế Tuấn (Phó Chủ tịch UBND tỉnh); Nguyễn Đình Hiếu (Giám đốc Sở Tài chính) hôm 22/2 bị UBKTTW kỷ luật khiển trách.
Ông Từ Quốc Hiệu (Giám đốc Sở Y tế) bị kỷ luật cảnh cáo.
Lý do, các cá nhân này đã có sai phạm trong mua sắm, quản lý, sử dụng sinh phẩm, hóa chất, vật tư, trang thiết bị y tế liên quan đến dịch COVID-19, gây nguy cơ thất thoát lớn.
Ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, nói trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XIX, hồi tháng 12/2022. (Ảnh: bacgiang.gov.vn)
Ngoài ra, UBKTTW đề nghị Ban Bí thư xem xét kỷ luật ông Hà Công Thẻ (nguyên Bí thư huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình); Nguyễn Xuân Thanh (Giám đốc Sở TN-MT, nguyên Phó Bí thư Thị ủy, nguyên Chủ tịch UBND thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) và ông Nguyễn Văn Hải (nguyên Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bắc Ninh) vì “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, gây hậu quả rất nghiêm trọng…”.
UBKTTW còn đề nghị xem xét kỷ luật ông Bùi Hồng Minh (Thứ trưởng Bộ Xây dựng, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Thành viên, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xi măng Việt Nam) do “sai phạm trong điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh và công tác cán bộ; có nguy cơ mất vốn đầu tư… gây ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng và ngành xi măng Việt Nam“.
Minh Long
Bắt hiệu trưởng ở Nghệ An vì tham ô tiền cứu trợ bão lũ
Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Tà Cạ (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) bị khởi tố vì chiếm đoạt quà ủng hộ bão lụt.
Cụ thể, theo báo Dân Trí, ngày 22/2, cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) cho biết, đơn vị đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với Hà Thắm Cảnh (SN 1971), cựu Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Tà Cạ (huyện Kỳ Sơn) về tội “Tham ô tài sản” và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Bước đầu xác minh, điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Kỳ Sơn xác định, Hà Thắm Cảnh (sinh năm 1979, trú tại xã Tà Cạ, nguyên Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Tà Cạ) có hành vi tham ô tài sản, chiếm đoạt trái phép tài sản của Nhà nước (quà tài trợ, ủng hộ bão lụt) với số tiền hơn 147,5 triệu đồng.
Ngoài ra, Cảnh còn có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, thực hiện các khoản thu trái phép từ học sinh năm học 2021 – 2022 là hơn 76,6 triệu đồng, trong đó chiếm đoạt trái phép số tiền hơn 50,6 triệu đồng.
Theo Công an huyện Kỳ Sơn cho biết trên tờ Công luận, quá trình điều tra cơ quan Công an nhận định hành vi sai phạm của ông Cảnh có sự tiếp tay của một số cá nhân khác. Vì thế, cơ quan Công an vẫn đang điều tra mở rộng vụ án này.
Hội An
Bắt giám đốc và 2 cán bộ Trung tâm Đăng kiểm tàu cá Tổng cục Thủy sản
Giám đốc Trung tâm đăng kiểm tàu cá bị cáo buộc không làm đúng trách nhiệm, để các chủ tàu chiếm đoạt tiền.
Ngày 22/2, Cơ quan An ninh điều tra tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tống đạt quyết định khởi tố, bắt tạm giam 3 người gồm: ông Đào Hồng Đức (SN 1966), Giám đốc; ông Nguyễn Vũ Hà (SN 1978), Trưởng phòng và ông Nguyễn Quốc Công (SN 1988), Đăng kiểm viên Trung tâm đăng kiểm tàu cá (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT).
Ba người này bị bắt tạm giam về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, theo Khoản 3 Điều 360 Bộ luật Hình sự.
Cùng tội danh này, trước đó, ngày 13/2, hai người gồm: ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN-PTNT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) và Đinh Cao Thượng, Phó trưởng phòng Quản lý nghề cá và cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá (Chi cục Thủy sản), bị bắt, khởi tố.
Theo cơ quan công an, khoảng cuối năm 2020, trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về hoạt động giám sát, thi công, kiểm tra, thẩm định, cấp giấy tờ pháp lý và giải quyết hồ sơ ngân sách nhà nước chi hỗ trợ đóng mới tàu cá cho ngư dân, theo Nghị định số 17/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ, nhóm 5 bị can nói trên đã không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ đối với tàu cá BV-91098-TS và tàu cá BV-91099-TS.
Cụ thể, 2 tàu này còn đang trong giai đoạn thi công, chưa hoàn thiện nhưng các bị can trên vẫn cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, sổ đăng kiểm tàu cá, giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, giấy phép khai thác thủy sản… Điều này dẫn đến ngân sách nhà nước chi hỗ trợ cho ngư dân sai quy định, gây thiệt hại số tiền hơn 15 tỷ đồng.
Theo cơ quan điều tra, việc bắt giữ 2 bị can Nguyễn Đức Hoàng và Đinh Cao Thượng là kết quả mở rộng điều tra vụ án Lê Minh Xuân phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Mua bán hóa đơn” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, cùng với 7 bị can khác đã bị bắt giam trước đó.
Ngoài ra, 2 bị can Nguyễn Đức Hoàng và Đinh Cao Thượng cũng có sai phạm tương tự, dẫn đến ngân sách nhà nước chi sai tiền hỗ trợ 20 tỷ đồng cho 3 tàu cá khác.
Hiện vụ án đang tiếp tục được điều tra.
Hoàng Minh
130 nhân viên Công ty Luật Pháp Việt bị bắt quả tang đòi nợ thuê cho nhiều ngân hàng
Hàng chục cảnh sát vũ trang đã ập vào trụ sở Công ty Luật TNHH Pháp Việt ở TP.HCM, phát hiện 130 người có dấu hiệu hoạt động xã hội đen, đòi nợ thuê cho các ngân hàng.
Ngày 22/2, Cục Cảnh sát hình sự (C02, Bộ Công an) cho biết đang phối hợp Công an Tiền Giang, Công an TP.HCM và các cơ quan khác để điều tra hành vi đòi nợ thuê của Công ty luật TNHH Pháp Việt (trụ sở trên đường Lê Văn Huân, quận Tân Bình).
Nhà chức trách đã tạm giữ hình sự 15 người, song chưa công bố danh tính.
Trước đó, vào trưa ngày 14/2, hàng chục cảnh sát vũ trang ập vào trụ sở Công ty luật TNHH Pháp Việt, bắt quả tang gần 130 người có dấu hiệu đòi nợ thuê, thu nhiều tang vật. Công ty luật này đăng ký hoạt động được khoảng hai năm. Hàng ngày có nhiều người trong khoảng 20 tuổi, ăn mặc lịch sự, vào làm việc trong căn nhà 4 tầng.
Nhóm này bị cáo buộc lợi dụng danh nghĩa công ty luật, hợp tác với các ngân hàng, công ty tài chính… để “xử lý nợ xấu”. Sau đó, những người của công ty luật đòi nợ thuê kiểu xã hội đen, khủng bố tinh thần người nợ tiền như bằng các thủ đoạn như: gọi điện, nhắn tin hăm dọa; đặt bình gas, mang quan tài đến nhà, đe dọa; hù sẽ gây nổ cơ quan của các “con nợ” hoặc người thân của họ để buộc trả tiền.
Theo điều tra ban đầu, hàng tháng, nhóm này lấy tiền công 140.000-240.000 đồng trên một hợp đồng khách vay với ngân hàng, công ty tài chính. Tổng số tiền mà các nghi phạm đòi được là gần 1.000 tỷ đồng. Hành vi của công ty luật này bị phát hiện khi một số nạn nhân ở Tiền Giang trình báo cảnh sát.
Trước đó, hồi tháng 11/2022, Công an TP.HCM cũng phát hiện ổ nhóm núp bóng Công ty Luật TNHH Power Law để Vu khống đòi nợ. Công ty này có 3 luật sư, còn lại là nhân viên, chuyên đi mua nợ xấu của các công ty tài chính, ngân hàng, app cho vay, sau đó đi thu hồi nợ.
Cảnh sát xác định mô hình này không phải tín dụng đen, mà lợi dụng mạng internet để khủng bố tinh thần, vu khống người vay. Có khoảng 300 nạn nhân trên cả nước đã bị nhóm người này bôi nhọ danh dự, buộc phải trả nợ. Không chỉ người vay tiền, mà người thân, bạn bè và đồng nghiệp của họ cũng bị cắt ghép ảnh với nội dung xấu, sai sự thật đăng lên mạng bêu rếu.
Thạch Lam