Động thái loại bỏ EUR, thay thế bằng vàng và CNY của Nga có thể giúp Nga tách khỏi đồng tiền của các nền dân chủ. Tuy nhiên, nó cũng mang đến mối nguy hiểm không kém đối với Nga khi phải phụ thuộc Trung Quốc. Trong khi đó, Mỹ cần có biện pháp để ngăn cản việc chính quyền Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng và quyền lực.
Moscow hôm 09/02 đã công bố kế hoạch loại trừ đồng tiền của châu Âu khỏi quỹ đầu tư quốc gia của Nga. Bắt đầu từ năm nay, đồng CNY (nhân dân tệ) của Trung Quốc và vàng có vẻ sẽ thay thế vị trí của đồng EUR. Theo hãng truyền thông nhà nước TASS của Nga, đồng CNY giờ có thể chiếm tới 60% quỹ tiền tệ của đất nước trong khi vàng chiếm tới 40%.
Quỹ Tài sản Quốc gia của Moscow (NWF) nắm giữ tài sản trị giá 148 tỷ USD, ban đầu được dùng để phục vụ các nghĩa vụ lương hưu. Tuy nhiên, quỹ hiện đang được sử dụng để bù đắp cho khoản thâm hụt của Nga, và đã mất đi 38 tỷ USD chỉ trong một tháng, từ tháng 12 đến tháng 1.
Châu Âu cấm dầu của Nga, và phần lớn phần còn lại của thế giới đang tuân thủ mức trần giá 60 USD / thùng, hoặc mua với giá thị trường thậm chí còn thấp hơn. Do đó, chi phí chiến tranh ngày càng tăng và doanh thu từ dầu mỏ giảm đang ăn mòn tương lai của những người già ở Nga.
Việc NWF chuyển từ EUR sang CNY và vàng là một phần trong những nỗ lực tổng quát hơn của Nga, Trung Quốc và các đối tác của họ nhằm tách khỏi các loại tiền tệ mạnh của các nền dân chủ, bao gồm chủ yếu là đồng USD, nhưng cũng có cả đồng EUR, JPY (đồng yên Nhật Bản) và GBP (bảng Anh).
Các quốc gia vi phạm luật pháp quốc tế có thể bị trừng phạt và chứng kiến các dự trữ ngoại tệ bằng các loại tiền tệ này bị đóng băng, như đã xảy ra với Nga sau khi nước này xâm lược Ukraine gần đây.
Mặt khác, các chính phủ bất hảo coi vàng và đồng CNY của Trung Quốc là công cụ lách trừng phạt, mặc dù các lựa chọn thay thế này tương đối kém thanh khoản trên thị trường toàn cầu, gây áp lực giảm giá trị của chúng.
Việc đồng CNY không được giao dịch tự do đặt ra thêm câu hỏi về việc liệu nó có phù hợp với mục đích trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế hay không. Sự phụ thuộc vào CNY, nếu phát triển theo thời gian, sẽ mang lại cho Bắc Kinh nhiều ảnh hưởng kinh tế hơn nữa trên toàn cầu, đặc biệt là với các nước nghèo nhất thế giới. Tờ tiền CNY của Trung Quốc và USD của Mỹ ở Moscow, Nga, hôm 09/02/2023. (Ảnh: Kirill Kudryavtsev / AFP qua Getty Images)
Sự phụ thuộc khó chịu vào Mỹ
Mặt khác, đồng USD đã ngự trị vị trí tối cao kể từ Đệ nhị Thế chiến, cùng với việc nền kinh tế Mỹ nổi lên như một cường quốc của thế giới. Mỹ đã sử dụng sức mạnh kinh tế của mình để thúc đẩy dân chủ, kinh tế thị trường và nhân quyền trên khắp thế giới, với ít nhiều thành công ở các quốc gia khác nhau.
Vào năm 2022, các Ngân hàng Trung ương trên thế giới vẫn có 59,8% dự trữ ngoại hối bằng USD, 19,7% bằng EUR, 5,3% bằng đồng JPY, 4,6% bằng đồng GBP và chỉ 2,8% bằng đồng CNY.
Tuy nhiên, trong năm ngoái, lượng USD được dự trữ quốc tế đã giảm từ 7,1 ngàn tỷ USD vào năm 2021 xuống còn 6,4 ngàn tỷ USD vào năm 2022. Điều đó gây áp lực lên lạm phát của Mỹ, thứ mà Bắc Kinh coi là một trong nhiều vấn đề kinh tế ở Mỹ, làm rung chuyển niềm tin vào đồng USD.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) rõ ràng hy vọng nền kinh tế Mỹ và đồng USD sẽ cùng nhau rơi vào vòng xoáy đi xuống trong một chu kỳ tự hủy hoại.
Bắc Kinh coi đồng USD suy yếu là một cơ hội, nhưng sự suy yếu của đồng tiền của chính họ thậm chí còn rõ ràng hơn và là điểm nhức nhối đối với hình ảnh mà Trung Quốc tự tô vẽ như là một bá chủ toàn cầu đang lên.
Dự trữ USD của chính quyền Trung Quốc đang làm khó cho chính ĐCSTQ, vì chúng là một phần của sự ổn định toàn cầu của đồng USD, mặc dù Bắc Kinh đã giảm chúng từ 4 ngàn tỷ USD năm 2014 xuống còn 3 ngàn tỷ USD ngày nay.
Con số 3 nghìn tỷ USD đó vẫn kéo theo các trách nhiệm, đi cùng với sự thù địch ngày càng tăng giữa hai quốc gia và khả năng của chính phủ Mỹ trong việc phong tỏa tài sản bằng USD của các đối thủ. Tuy nhiên, thật khó để Trung Quốc và Nga thoát khỏi lực hấp dẫn của các nền kinh tế Mỹ và châu Âu khi họ lần lượt chiếm khoảng 32% và 25% của cải toàn cầu. Trung Quốc chỉ chiếm 18%.
Ví dụ, nếu quân đội Trung Quốc xâm lược Đài Loan, chính phủ Mỹ có thể sẽ đóng băng dự trữ USD của Bắc Kinh như một trong nhiều biện pháp trừng phạt kinh tế đối với nước này. Việc đóng băng này sẽ song song với lệnh đã áp đặt đối với Nga.
Nếu Moscow và Bắc Kinh có thể thành công trong việc phi đô la hóa nền kinh tế toàn cầu – có lẽ với sự giúp đỡ của Ảrập Xêút, nước chỉ định giá dầu bằng USD – thì nó sẽ giúp bảo vệ các nước này khỏi các lệnh trừng phạt. Họ cũng sẽ tìm cách tăng nhu cầu toàn cầu đối với đồng CNY và đồng RUB (đồng rúp Nga), cho phép hai nước in một lượng tiền đáng kể mà không làm lạm phát đồng CNY và đồng RUB. Trong khi đó, phi đô la hóa sẽ làm giảm nhu cầu quốc tế đối với USD và làm tăng lạm phát của Mỹ hơn nữa.
Nguy hiểm đối với Nga
Một logic tương tự cũng được áp dụng cho việc Moscow thoái vốn khỏi đồng EUR và chuyển sang dự trữ bằng đồng CNY và vàng. Tuy nhiên, việc Moscow ngày càng phụ thuộc vào đồng CNY cuối cùng cũng khiến nền kinh tế Nga gặp nguy hiểm không kém, vì Bắc Kinh cuối cùng sẽ cố gắng sử dụng sự phụ thuộc đó làm đòn bẩy cho các mục đích riêng của mình.
Việc Moscow đang nhanh chóng hướng tới đồng CNY như một nguồn dự trữ ngoại hối, mà không có động thái tương tự của Bắc Kinh đối với đồng RUB, là bằng chứng rõ ràng hơn cho thấy Bắc Kinh hiện là đối tác ‘cửa trên’ trong mối quan hệ giữa hai nước.
Chính phủ Trung Quốc đang theo chủ nghĩa bành trướng lãnh thổ, và nếu các liên minh mạnh mẽ của Mỹ ngăn chặn sự bành trướng của nó ở châu Á, thì cuối cùng nó có thể quay sang vùng Viễn Đông của Nga. Từ quan điểm thực tế, cuộc xâm lược Ukraine bị đình trệ của Moscow có vẻ là một bước đi đặc biệt dại dột, vì nước này không chỉ nhanh chóng hao phí trang thiết bị quân sự, nhân lực và dự trữ của mình để đạt được một số ít lãnh thổ, mà còn tạo ra kẻ thù từ phương Tây, sự phụ thuộc vào phương Đông và khiến sườn phía đông dễ bị tổn thương.
Đừng trao thêm quyền lực cho Trung Quốc
Để khuyến khích sự phụ thuộc đó, phương tiện truyền thông nhà nước của Trung Quốc, Thời báo Hoàn cầu, dẫn lời một số nhà phân tích hoan nghênh việc Nga chuyển từ sử dụng đồng EUR sang sử dụng đồng CNY.
Một nhà phân tích cho rằng cạnh tranh địa chính trị đã thúc đẩy xu hướng phi đô la hóa toàn cầu.
Ông nói: “Vai trò của đồng USD trên thị trường tài chính quốc tế không còn mạnh như trước và chính phủ Mỹ ngày càng tăng cường kiểm soát đồng USD khiến nhiều quốc gia tìm kiếm các loại tiền tệ thay thế”.
Nếu Mỹ không làm nhiều hơn để ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc, thì có thể ông ấy đã nói đúng.
Các biện pháp trừng phạt đối với các chính phủ ở Nga, Iran, Miến Điện (Myanmar), Bắc Triều Tiên, Cuba và Venezuela, mà không có các biện pháp trừng phạt tương đương hoặc mạnh mẽ hơn đối với Trung Quốc, thì chỉ đơn giản là đặt Trung Quốc vào giữa các nền dân chủ và các quốc gia bất hảo, đồng thời làm tăng sự phụ thuộc thương mại của thế giới vào Bắc Kinh như một trung gian và nguồn ngoại hối. Điều đó khiến tất cả chúng ta phải phó mặc số phận cho Bắc Kinh và trao thêm nhiều quyền lực hơn nữa cho ĐCSTQ.
Theo The Epoch Times
Cát Duyên biên dịch
Tác giả Anders Corr có bằng cử nhân / thạc sĩ Khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và bằng tiến sĩ Quản trị nhà nước tại Đại học Harvard (2008). Ông là chủ nhiệm của Corr Analytics – nhà xuất bản của The Journal of Political Risk (Tạp chí Rủi ro Chính trị). Ông Anders Corr đã thực hiện nhiều nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á; và là tác giả của cuốn sách The Concentration of Power: Institutionalization, Hierarchy, and Hegemony (Tập trung quyền lực: Thể chế hóa, Hệ thống cấp bậc, và Bá quyền) và cuốn sách Great Powers, Grand Strategies: the New Game in the South China Sea (Những quyền lực lớn, những chiến lược lớn: Trò chơi mới trên Biển Đông).