Mai Hoa Kiếm
28-2-2023
Tân chủ tịch nước
Sáng ngày 1-3-2023, Ban Chấp hành Trung ương đảng cộng sản Việt Nam sẽ nhóm họp bất thường ở Hà Nội. Đây là phiên họp “bất thường” lần thứ ba, để giải quyết khủng hoảng nhân sự trong đảng. Hội nghị lần này được triệu tập với mục đích duy nhất là giới thiệu người ngồi vào vị trí chủ tịch nước.
Tính từ ngày 18-1-2023 đến nay, bà Võ Thị Ánh Xuân đóng vai trò “quyền” chủ tịch nước “hữu danh vô thực” đã hơn một tháng. Nói “vô thực”, vì đến nỗi cái quyền chúc Tết đồng bào, lẽ ra thuộc về bà, cũng bị ông Nguyễn Phú Trọng soán mất. “Quyền” chủ tịch nước, đồng nghĩa với thực tế Việt Nam hiện nay không có chủ tịch Hội đồng Quốc phòng – An ninh và Thống lĩnh các lực lượng vũ trang.
Chưa bao giờ bộ máy chiến lược của đảng lại rơi vào khủng hoảng như thời gian gần đây. Cứ mỗi đợt thanh trừng, đánh nhau ở thượng tầng chính trị, tất nhiên sẽ có thay đổi, thiếu hụt cán bộ cần điền vào chỗ trống. Tình thế rối rắm buộc đảng phải triệu tập phiên họp trung ương “bất thường” đến ba lần trong vòng 7 tháng (ngày 6-6-2022, ngày 30-12-2022 và ngày 1-3-2023).
Tương tự, chạy theo chỉ đạo của đảng, quốc hội khoá 15 cũng họp “bất thường” đến ba lần, để “miễn nhiệm, bầu, phê chuẩn” cho ra vẻ phát huy dân chủ, hòng bịp dân chúng.
Chương trình phiên họp lần này gói gọn trong buổi sáng ngày 1-3-2023. Trung ương cũng chỉ làm mỗi một việc là bỏ phiếu theo đề nghị của Bộ Chính trị, về việc giới thiệu ông Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị khoá XIII, Thường trực Ban Bí thư, làm chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026, để quốc hội khoá 15 phê chuẩn.
Sáng ngày 2-3-2023, quốc hội khoá 15 cũng sẽ họp phiên bất thường để phê chuẩn ông Võ Văn Thưởng ngồi vào vị trí mới.
Võ Văn Thưởng sinh năm 1970, quê Vĩnh Long. Ông Thưởng tốt nghiệp cử nhân triết học tại đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TPHCM, Uỷ viên Trung ương khoá X (dự khuyết), XI, XII, XIII, Uỷ viên Bộ Chính trị khoá XII, XIII. Võ Văn Thưởng từng kinh qua các chức vụ chủ chốt, Bí thư thứ nhất Trung ương đoàn, Bí thư tỉnh uỷ Quảng Ngãi, Phó bí thư Thường trực thành uỷ TPHCM, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Thường trực Ban Bí thư.
Trong guồng máy cộng sản, Uỷ viên Trung ương là đích đến của các nhân vật “dự khuyết”, cũng như lọt vào Bộ Chính trị là giấc mơ và tham vọng của các nhân vật đã “chính thức”. Chức càng cao, đặc quyền đặc lợi càng dày, tiền cấp dưới sẽ đổ vào nhà cấp trên theo thang bậc trong đảng.
Tháng 1-2021, đại hội XIII của đảng cộng sản bầu ra một Ban chấp hành Trung ương gồm 180 Uỷ viên Trung ương chính thức và 20 Uỷ viên dự khuyết. Chỉ hơn một năm, đến thời điểm này có tất cả 11 Uỷ viên Trung ương bị rơi rụng, trong đó có 2 Uỷ viên Bộ Chính trị, được chia bốn nhóm:
- Bị khởi tố, bắt giam gồm: Trần Văn Nam, Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long, Phạm Xuân Thăng,
- Bị kỷ luật cảnh cáo, thôi tất cả chức vụ trong đảng: Nguyễn Thành Phong, Huỳnh Tấn Việt, Bùi Nhật Quang
- Bị cho thôi tất cả các chức vụ trong đảng: Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam
- Bị tử vong: Nguyễn Văn Hùng
Như vậy, con số Uỷ viên Trung ương hiện nay chỉ còn lại 169. Việc bầu bổ sung các ghế bị khuyết là cần thiết. Tuy nhiên, thông tin rò rỉ cho hay, phiên họp bất thường lần này không giải quyết bầu bổ sung Uỷ viên Bộ Chính trị và Uỷ viên Trung ương. Việc bổ sung sẽ chờ đến hội nghị trung ương 7 vào tháng 5-2023.
Cán cân quyền lực
Thông tin nội bộ cho biết, ban đầu Bộ Chính trị tiến cử Tô Lâm làm tân chủ tịch nước, nhưng ông Lâm viện nhiều lý do để thoái thác. Cuối cùng, Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư khoá XIII, được chọn lấp vào khoảng trống quyền lực mà ông Nguyễn Xuân Phúc để lại, sau khi ông Tô Lâm lắc đầu từ chối.
Như vậy, sự có mặt của Võ Văn Thưởng trong bộ tứ, thể hiện cán cân quyền lực chia đều cho Bắc Trung Nam, đại diện Nam bộ đã chính thức có mặt trong tứ trụ khoá XIII.
Việc đại tướng Tô Lâm không mặn mà ngồi vào chiếc ghế xui xẻo và đầy “dớp” này, cũng dễ hiểu.
Quá nhiều phe đang dòm ngó, buông bỏ Bộ Công an, rời “thanh kiếm và lá chắn” cực kỳ quyền lực vào lúc này, rất dễ bỏ mạng. Tô Lâm sợ sẽ đi vào “vết xe đổ” của Trần Đại Quang.
Có người lo xa, không vào tứ trụ lần này, Tô Lâm sẽ không có vé “đặc biệt” cho khoá XIV. Đừng nhầm, đến thời khắc nào đó, Tô Lâm sẽ tung con “át chủ bài”, đủ sức hạ bệ luôn cả ứng viên số 1 để ngồi vào ghế tổng bí thư cũng không biết chừng.
Lập trường tư tưởng không kiên định, đạo đức lối sống không trong sáng, bằng chứng tham nhũng đã cấu thành… là ba “cái mũ” sẽ chụp lên và hạ bệ bất kỳ đối thủ chính trị nào trong tích tắc. Chính trường Việt Nam là vậy, “đừng thấy đỏ tưởng chín”. Trước đây, không ai dám nghĩ nhân vật số 2 trong đảng, ông Nguyễn Xuân Phúc có thể bị phế bỏ trước đêm giao thừa Tết Quý Mão chỉ vài hôm.
Thông tin cũng cho biết thêm, sẽ có sự xáo trộn, phân công lại một số vị trí ở thượng tầng. Người thay ông Võ Văn Thưởng ở vị trí Thường trực Ban bí thư, có thể là ông Phan Đình Trạc, Trưởng ban Nội chính Trung ương. Dự kiến, nếu ông Trạc rời đi, vị trí Trưởng ban Nội chính sẽ ghi tên Chánh án Tối cao Nguyễn Hoà Bình.
Võ Văn Thưởng là nhân vật có thân thế rất bí ẩn. Sinh ở Hải Dương nhưng quê cha ở Vĩnh Long, thời làm cán bộ Đoàn ở TPHCM lại được ông Võ Văn Kiệt nhận đỡ đầu.
Ông Thưởng đi lên từ cán bộ Đoàn, không mấy nổi bật nhưng lại thăng tiến rất nhanh trong thể chế độc tài đảng trị. Điều kỳ lạ là, Võ Văn Thưởng được cả hai nhân vật vốn chẳng ưa gì nhau là Nguyễn Tấn Dũng và Trương Tấn Sang ủng hộ, nhờ vậy mà tránh được “đao kiếm” trong các cuộc thư hùng, nhất là các đợt thanh trừng các cựu quan chức thành Hồ.
Quyền lực của chức vụ chủ tịch nước trong guồng máy cộng sản hầu như chỉ mang tính tượng trưng. Sau khi ông Trần Đại Quang qua đời, không thấy tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hô hào “nhốt quyền lực vào lồng cơ chế” hay “chống tham vọng quyền lực” nữa, bởi vì quyền lực tột đỉnh hiện nay một tay ông Trọng gom hết.
Đói nghèo, thất nghiệp, bị quá nhiều tầng áp bức bóc lột, dân chúng bây giờ không còn quan trọng ai thay ai ở bộ máy thống trị. Dân không mấy quan tâm đến chính trường, có nghĩa họ đã quá hiểu và cũng quá mệt mỏi với những tấn tuồng chính trị, cùng với những nhân vật quá đỗi nhàm chán.