Tin thế giới chiều thứ Bảy: Cúm A bùng phát khiến bệnh viện ở Bắc Kinh quá tải và thiếu thuốc

Cúm A bùng phát khiến bệnh viện ở Bắc Kinh quá tải và thiếu thuốc

Trong vòng 7 ngày qua, Trung Quốc Đại Lục có 390 trường hợp bùng phát nhiễm cúm A, các phòng khám sốt tại các bệnh viện ở nhiều nơi lại một lần nữa quá tải.
Các phòng khám sốt tại nhiều bệnh viện ở Trung Quốc Đại Lục kín chỗ, hàng dài người xếp hàng tại Bệnh viện Nhi Bắc Kinh vào ban đêm. (Ảnh chụp màn hình video)

Phòng khám sốt của một bệnh viện ở Bắc Kinh chật kín và thiếu thuốc

Theo tin tức từ Sina ngày 2/3, sau hơn một tháng bình lặng, đỉnh dịch lại ập đến phòng khám gây sốt, biển hiệu “xét nghiệm virus corona mới” đã được thay bằng “xét nghiệm cúm”, và khu vực chờ khám lại một lần nữa trở nên quá tải. Xét về khối lượng công việc của các bác sĩ tại các phòng khám sốt, rõ ràng một số thành phố đang đón đỉnh dịch cúm A ập đến.

Sầm Băng (Cen Bing), bác sĩ tại phòng khám sốt của một bệnh viện hạng ba ở Bắc Kinh, cho biết: “Ban ngày không thể khám hết bệnh nhân, ca đêm thì khám đến tận sáng.” “Bây giờ tôi chỉ có thể để mắt đến trẻ em, người già, phụ nữ mang thai và những bệnh nhân mắc các bệnh nền có nguy cơ cao … Đây là những điều mà khoa đã nhiều lần nhấn mạnh cần chú ý. Đại đa số bệnh nhân đến đây là bệnh nhân cúm A, thuốc oseltamivir thực sự là không đủ, và nó chỉ vừa được bổ sung sau khi hết hàng.”

“Tuần trước số lượt khám ngoại trú chưa đến 100. Tuần này tăng đột biến. Hôm qua (khám ngoại trú) hơn 500 người, người đến khám lại xếp hàng dài bên đến tận ngoài bệnh viện.” Bác sĩ Sầm Băng cảm thấy như đột nhiên lại quay trở lại thời kỳ cao điểm dịch COVID-19 ở Bắc Kinh. Vào đỉnh điểm của đợt lây nhiễm virus corona mới vào tháng Một năm nay, phòng khám sốt nơi ông làm việc có khoảng 600 người đến khám ngoại trú hàng ngày.

Thực sự đang có sự thiếu hụt tạm thời thuốc đặc trị cúm A oseltamivir trong bệnh viện. Bác sĩ Sầm Băng cho biết: “Khi hết hàng hai ngày trước, tôi chỉ có thể khuyên bệnh nhân mua thuốc trực tuyến.” Trong tình hình không đủ thuốc, “một tài liệu hướng dẫn đã được ban hành cho các bác sĩ, yêu cầu tập trung oseltamivir đáp ứng bệnh nhân có nguy cơ cao”, trong khi những bệnh nhân có triệu chứng nhẹ và không có yếu tố nguy cơ cao sẽ được khuyến khích cách ly tại nhà và được điều trị triệu chứng.

390 ổ dịch H1N1 tại Trung Quốc Đại Lục trong vòng 7 ngày

Vương An Ninh (Wang Anning), bác sĩ chuyên khoa hô hấp tại một bệnh viện cấp 3 ở Thượng Hải, cũng cảm thấy áp lực công việc tăng cao trong tuần này: “Các đồng nghiệp tại phòng khám sốt cho biết số lượt khám bệnh đã tăng gấp 4, 5 lần trong tuần này, nhưng họ vẫn chưa có phòng khoa khác hỗ trợ, tạm thời vẫn chưa căng thẳng như trước”.

Đợt cao điểm này bắt đầu từ đầu tháng Hai, các cụm dịch cục bộ được công bố ở nhiều nơi chủ yếu là cúm A. Kể từ ngày 20/2, các nơi như Hàng Châu, Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân, Ninh Ba và Kim Hoa xuất hiện các cụm dịch cục bộ, phần lớn là cúm A.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Trung Quốc đã công bố báo cáo hàng tuần về bệnh cúm mới nhất, cho thấy từ ngày 20 đến ngày 26/2, “390 đợt bùng phát các trường hợp giống cúm đã được báo cáo trên toàn quốc, gấp bốn lần so với tuần trước.” Đồng thời, tỷ lệ phát hiện dương tính virus cúm và tỷ lệ các ca bệnh giống cúm cũng có xu hướng tăng rõ rệt.

Tin đồn các bệnh viện nhi ở Bắc Kinh và Tây An kín người

Vào ngày 2/3, tài khoản Twitter “myh” đã tweet: “Có quá nhiều người ở Bệnh viện Nhi Bắc Kinh trong hai ngày qua. Xét nghiệm cúm A hay B không quan trọng. Bác sĩ đều sẽ coi bạn là cúm A hay B, xét nghiệm không được bảo hiểm y tế chi trả.” Trong video cho thấy “càng về đêm, càng có nhiều người, chỉ cần là họ bị sốt thì tất cả họ sẽ được chẩn đoán và điều trị theo cảm cúm”. Trong video, một người phụ nữ nói: “Bây giờ là 8h tối. Giờ Bắc Kinh tại Bệnh viện Nhi đồng. Hãy xem người này đã vào xếp hàng rồi.”

Một video khác không rõ địa chỉ, “myh” cho biết: “Cúm quá mạnh! Bệnh viện chật cứng người!” Trong video, người dân cũng xếp hàng dài như một khu chợ lớn náo nhiệt, đông đúc.

Vào ngày 2/3, trong nội dung tweet của tài khoản “@jasmine201515” nói rằng Bệnh viện Nhi Tây An “gần đây, lượng người đến đạt mức cao điểm, lần này là cúm A, triệu chứng tương tự như COVID-19, đều phát sốt, toàn thân đau nhức, ho khan.”

Một số cư dân mạng Thiểm Tây nói: “Chính là virus corona mới, nó đã biến đổi, không cho nhắc đến nó nữa”.

“Rõ ràng là virus corona mới nhưng lại không thừa nhận.”

“Hôm qua mình đến đó chỉ định xét nghiệm máu định kỳ thì nói là nhiễm virus, hỏi có phải là nhiễm cúm A hay gì thì bác sĩ cười không nói gì và kê thẳng oseltamivir.”

Lý Mộc Tử, Vision Times

Đám đông cười ồ khi Ngoại trưởng Nga đổ lỗi cho Ukraine về chiến tranh

Nhà ngoại giao hàng đầu của Nga đã bị chế giễu sau khi xuất hiện trước công chúng và đổ lỗi cho Ukraine về cuộc chiến đang diễn ra.

“Quý vị biết đấy, cuộc chiến mà chúng tôi đang cố gắng ngăn chặn đã được phát động nhằm vào chúng tôi bằng cách sử dụng người Ukraine – tất nhiên nó ảnh hưởng đến chính sách của Nga, bao gồm cả chính sách năng lượng”, ông Lavrov nói tại Đối thoại Raisina 2023 ở New Delhi, Ấn Độ, vào thứ Sáu.

Một bộ phận đám đông đã tỏ ra nghi ngờ trước tuyên bố của ông Lavrov, thậm chí khiến ông phải khựng lại một hai giây sau khi cho rằng Ukraine “phát động” cuộc chiến chống lại Nga chứ không phải ngược lại.

“Ông Lavrov lặp đi lặp lại tuyên truyền yêu thích của Nga ở New Delhi. … Quý vị có thể nghe thấy rõ ràng khán giả đang cười nhạo ông ấy”, Anton Gerashchenko, cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, viết trên Twitter.

Bình luận của ông được đưa ra một ngày sau khi chính phủ Nga và Mỹ gia tăng căng thẳng sau cuộc thảo luận giữa ông Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.

Sau khi xuất hiện trước hội nghị hôm thứ Năm, Blinken nói với báo chí rằng ông đã nói chuyện trực tiếp với ông Lavrov và đề cập cụ thể đến khả năng thả cựu Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ Paul Whelan, người đã bị bắt ở Moscow vào tháng 12 năm 2018 với cáo buộc gián điệp và bị kết án 16 năm tù vào tháng 6 năm 2020.

Chính phủ Nga gọi mô tả của ông Blinken về các sự kiện là dối trá.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói với hãng truyền thông nhà nước Nga TASS: “[Tôi] đã hỏi ông Sergey Viktorovich [Lavrov] để xem liệu ông Blinken có đề cập đến ông Whelan vào ngày hôm qua hay không”. “Hóa ra Ngoại trưởng Hoa Kỳ thậm chí còn không đề cập đến nó. Tất cả những gì được nói hôm qua tại Bộ Ngoại giao, rằng ông Blinken bày tỏ lo ngại về tình hình xung quanh công dân Hoa Kỳ, đều là dối trá. Thật là hành vi không thể tin được của chính quyền Hoa Kỳ.”

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ned Price đã trả lời lại rằng, “Nga lại đang nói dối, đơn giản là như vậy.”

Cùng với việc đổ lỗi cho Ukraine, ông Lavrov đã nhiều lần đổ lỗi cho phương Tây và Hoa Kỳ về tình trạng hỗn loạn ở Đông Âu.

Tháng trước, khi phát biểu trước các thành viên của Duma Quốc gia Nga, ông đã đổ lỗi cho phương Tây về “nhiều năm muốn kiềm chế Nga” và muốn “biến Ukraine anh em thành chống Nga, thành một thành trì quân sự bài Nga”.

Một trong những bất bình khác của ông bao gồm việc mở rộng NATO sau Chiến tranh Lạnh.

Ông cũng đổ lỗi cho “chủ nghĩa ngoại lệ của Mỹ” là nguyên nhân “tại sao chúng ta hiện đang đối đầu với các quốc gia tiến hành cuộc chiến tranh ủy nhiệm chống lại chúng ta thông qua chế độ Kyiv,” như ông đã mô tả với truyền thông nhà nước Nga vào đầu tháng Hai.

Trong khi hồi tháng 10, ông Lavrov nói rằng ông sẵn sàng đàm phán hòa bình với phương Tây, nhưng ông nói rằng việc không ngăn chặn NATO mở rộng hơn nữa sẽ là một yếu tố phá vỡ thỏa thuận. Ông cũng cho biết phương Tây sẽ phải “cung cấp cho chúng tôi một số cách tiếp cận nghiêm túc giúp xoa dịu căng thẳng,” nhưng vẫn mơ hồ về các chi tiết cụ thể.

Mãi cho đến tháng 12, ông Lavrov mới công khai thốt ra từ “chiến tranh” sau khi trước đó có cùng quan điểm với các quan chức Nga khác rằng đây chỉ là một “chiến dịch quân sự đặc biệt”.

Nhật Minh (theo Newsweek)

Canada nói với Trung Quốc sẽ ‘không bao giờ tha thứ’ cho sự can thiệp của nước ngoài

Ngoại trưởng Canada Melanie Joly (AP)

Ngoại trưởng Canada Melanie Joly nói với người đồng cấp Trung Quốc Tần Cương bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở New Delhi rằng Canada sẽ không bao giờ dung thứ cho bất kỳ hình thức can thiệp nào của nước ngoài vào công việc nội bộ của mình, theo một tuyên bố từ bà Joly hôm thứ Sáu (3/3).

Theo tuyên bố, bà Joly đã “thẳng thắn, kiên quyết và dứt khoát” trong cuộc gặp đầu tiên với ông Tần với tư cách là Ngoại trưởng Trung Quốc.

Các báo cáo gần đây của phương tiện truyền thông Canada, trích dẫn các nguồn tin tình báo ẩn danh, đã cáo buộc Trung Quốc cố gắng can thiệp vào hai cuộc bầu cử gần đây nhất của Canada. Bắc Kinh phủ nhận những cáo buộc đó.

“Canada sẽ không bao giờ dung thứ cho bất kỳ hình thức can thiệp nào của nước ngoài vào nền dân chủ và các vấn đề nội bộ của Trung Quốc,” bà Joly nói với ông Tần, theo tuyên bố.

“Chúng tôi sẽ không bao giờ chấp nhận bất kỳ sự vi phạm nào đối với toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của chúng tôi,” bà Joly nói. “Chúng tôi sẽ không bao giờ chấp nhận bất kỳ sự vi phạm nào của các nhà ngoại giao Trung Quốc đối với Công ước Viên trên đất Canada.”

Trước đó vào thứ Sáu, ông Tần đã bác bỏ cáo buộc rằng các đại sứ quán và lãnh sự quán Trung Quốc tại Canada đang cố gắng can thiệp vào cuộc bầu cử ở Canada, nói rằng sự can thiệp bị cáo buộc là “hoàn toàn sai và vô nghĩa”.

Thủ tướng Justin Trudeau đã thừa nhận các nỗ lực can thiệp của Trung Quốc, nhưng khẳng định kết quả bỏ phiếu không bị thay đổi. Ông Trudeau đang chịu áp lực phải thiết lập một cuộc điều tra công khai về những tuyên bố đó sau khi một ủy ban quốc hội thông qua một kiến ​​nghị vào thứ Năm để bắt đầu cuộc điều tra.

Ngân Hà (theo Reuters)

LHQ: Quân đội Myanmar đã gây ra ‘khủng hoảng nhân quyền vĩnh viễn’

Cảnh sát Myanmar và người biểu tình (Ảnh: kan Sangtong/ Shutterstock)

Một báo cáo do Liên Hợp Quốc công bố hôm thứ Sáu (3/3) cáo buộc quân đội Myanmar tạo ra “cuộc khủng hoảng nhân quyền vĩnh viễn” ở quốc gia Đông Nam Á này, đồng thời kêu gọi chấm dứt ngay bạo lực.

Kể từ khi chính quyền quân sự lên nắm quyền cách đây hai năm, Myanmar đã rơi vào hỗn loạn, với phong trào phản kháng đấu tranh với quân đội trên nhiều mặt trận, theo sau cuộc đàn áp đẫm máu nhằm vào những người đối lập khiến các nước phương Tây tái áp đặt biện pháp trừng phạt.

Báo cáo, ghi lại các cáo buộc vi phạm nhân quyền trong khoảng thời gian từ ngày 1/2/2022 đến ngày 31/1/2023, cho thấy bạo lực đã gia tăng ở vùng Tây Bắc và Đông Nam Myanmar do quân đội “không kích bừa bãi và pháo kích, đốt cháy hàng loạt ngôi làng để di dời dân thường và từ chối cho các tổ chức nhân đạo tiếp cận cứu trợ.”

Theo báo cáo, chiến thuật mà quân đội sử dụng này là nhằm khiến các nhóm vũ trang phi nhà nước không tiếp cận được nguồn cung thực phẩm, tài chính, tình báo và tuyển quân.

“Quân đội, vốn trở nên tàn bạo do từ trước tới nay vẫn luôn không hề bị trừng phạt, trước sau vẫn thể hiện sự coi thường các nghĩa vụ và nguyên tắc quốc tế,” Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc Volker Turk lưu ý trong một tuyên bố.

“Cần phải có hành động khẩn cấp, cụ thể để chấm dứt thảm họa đang hoành hành này,” ông nhấn mạnh.

Chính quyền quân sự Myanmar trước đó tuyên bố họ có nhiệm vụ đảm bảo hòa bình và an ninh, còn bác bỏ việc họ có hành động tàn bạo, khẳng định đang tiến hành chiến dịch hợp pháp chống lại những kẻ khủng bố.

Ông James Rodehaver, đại diện Văn phòng Nhân quyền Liên Hợp Quốc ở Myanmar cho hay, các cuộc đụng độ vũ trang đang xảy ra ở trên khoảng 77% lãnh thổ đất nước.

Ông nhận định trong một cuộc họp báo ở Geneva: “Chưa có lúc nào và hoàn cảnh nào mà khủng hoảng ở Myanmar lại đi xa và lan rộng đến mức này trên khắp đất nước.”

Trong các khuyến nghị của mình, báo cáo kêu gọi giới chức Myanmar chấm dứt bạo lực và ngừng đàn áp những người đối lập.

“Các hoạt động quân sự phải dừng lại nhường chỗ cho đối thoại để có thể chấm dứt cuộc khủng hoảng này,” báo cáo nêu rõ.

Nhật Minh (Theo Reuters)

Belarus bỏ tù người đoạt giải Nobel Hòa bình trong 10 năm; Mỹ, EU phản đối

Bà Natalia Pinchuk (ngoài cùng bên trái) thay mặt cho chồng đang bị bỏ tù là ông Ales Bialiatski nhận giải Nobel Hòa bình năm 2022 tại Na Uy/Ảnh: Getty Images

Ngày 3/3, người đoạt giải Nobel Hòa bình, đồng thời là nhà hoạt động nhân quyền Ales Bialiatski đã bị kết án 10 năm tù bởi một tòa án tại quê hương Belarus của ông, với lý do tài trợ cho các cuộc biểu tình. Cả Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đều lên án phiên tòa này là “giả mạo”.

Ông Bialiatski, 60 tuổi, đã được trao giải Nobel Hòa bình vào tháng 10/2022 vì nỗ lực thúc đẩy nhân quyền và dân chủ ở Belarus, nơi có Tổng thống là ông Alexander Lukashenko, một đồng minh trung thành của Nga. Ông Lukashenko đã toàn quyền cai trị đất nước trong gần 30 năm, giam cầm thô bạo các đối thủ của mình hoặc buộc họ phải chạy trốn.

Đoạn phim từ một tòa án tù túng ở Minsk cho thấy ông Bialiatski, người đồng sáng lập nhóm nhân quyền Viasna (‘Spring’ trong tiếng Belarus), trông ủ rũ, hai tay bị còng sau lưng, khi ông và những bị cáo khác đang theo dõi quá trình tố tụng từ phòng xử án.

(Ông Ales Bialiatski trong buồng dành cho bị cáo tại phiên điều trần ngày 5/1 ở Minsk/Ảnh: Getty Images)

Ông Bialiatski bị bắt vào năm 2021. Ông cùng 3 người khác bị buộc tội tài trợ cho các cuộc biểu tình và buôn lậu tiền. Hãng thông tấn nhà nước Belta của Belarus xác nhận tòa đã tuyên các án tù dài hạn cho tất cả những người này, trong đó ông Bialiatski sẽ bị bỏ tù 10 năm. Ông Bialiatski phủ nhận các cáo buộc chống lại mình, cho rằng chúng có động cơ chính trị.

Lãnh đạo phe đối lập Sviatlana Tsikhanouskaya, một phụ nữ đang sống lưu vong, nhận định ông Bialiatski và 3 nhà hoạt động khác đã bị kết án oan, đồng thời mô tả phán quyết của tòa án là “kinh khủng”.

“Chúng ta phải làm mọi thứ để chống lại sự bất công đáng xấu hổ này và giải phóng họ”, bà Tsikhanouskaya viết trên Twitter.

Ba người bị kết án khác là ông Valentin Stefanovich với 9 năm tù, ông Vladimir Labkovich với 7 năm tù và ông Dmitry Solovyov lãnh án 8 năm tù nhưng không có mặt tại tòa.

“Nỗi ô nhục”

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken lên án việc kết tội những người đàn ông này trên Twitter, đồng thời gọi phán quyết của tòa án là một “sự giả mạo” và “một nỗ lực nhằm đàn áp dân chủ và nhân quyền ở Belarus.”

Ông Josep Borrell, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, đã mô tả các phiên tòa là một một nỗ lực nhằm bịt miệng các bị cáo, một chiến thuật mà ông cho rằng sẽ thất bại.

“[Ông] Lukashenko sẽ không thành công. Lời kêu gọi tự do của họ rất lớn, ngay cả sau song sắt”, ông Borrell phát biẻu.

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock gọi phiên tòa là “một trò hề”.

“Chế độ Minsk đang chống lại xã hội dân sự bằng bạo lực và bỏ tù”, bà Baerbock viết trên Twitter. Theo bà, đó cũng là một “nỗi ô nhục”, giống như việc ông Lukashenko ủng hộ cuộc chiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Ukraine.

Bà Berit Reiss-Andersen, lãnh đạo Ủy ban Nobel Na Uy, gọi việc kết tội ông Bialiatski là một “bi kịch” có động cơ chính trị.

“Vụ kiện, bản án chống lại ông ấy, là một bi kịch đối với cá nhân ông. Nhưng nó cũng cho thấy chế độ ở Belarus không dung thứ cho quyền tự do ngôn luận và sự đối lập”, bà Reiss-Andersen trả lời trong một cuộc phỏng vấn ở Oslo.

Bà Ravina Shamdasani, phát ngôn viên của Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc, phát biểu trong một cuộc họp ngắn ở Geneva rằng phiên tòa đã khiến Liên Hợp Quốc bối rối và lo lắng vì “thiếu thủ tục xét xử công bằng và khả năng tiếp cận bộ máy tư pháp độc lập ở Belarus”.

Bà nhận định rằng điều đó khiến những người bảo vệ nhân quyền có nguy cơ bị truy tố hình sự vì các hoạt động hợp pháp của họ.

Bà Shamdasani cho biết vào cuối năm 2022, có ít nhất 1.446 người – trong đó có 10 trẻ em – đang bị giam giữ, đã phải đối mặt hoặc vẫn đang phải đối mặt với các thủ tục tố tụng hình sự. Tuy nhiên bà Shamdasani không nêu thêm chi tiết.

Ông Bialiatski, cũng là một nhà bất đồng chính kiến từ thời Xô Viết, là một trong những người nổi bật nhất trong số hàng trăm người Belarus bị bỏ tù trong cuộc đàn áp các đợt biểu tình chống chính phủ kéo dài nhiều tháng, nổ ra vào mùa hè năm 2020 và tiếp tục kéo dài đến năm 2021.

Viasna, tổ chức do ông đồng sáng lập, đóng vai trò hàng đầu trong việc hỗ trợ tài chính và pháp lý cho những người bị bỏ tù.

Các đợt biểu tình rầm rộ diễn ra sau khi ông Lukashenko được tuyên bố là người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Belarus năm 2020, kết quả mà phe đối lập và các nước phương Tây cho là gian lận.

Vy An (Theo Reuters)

Related posts