Tuấn Anh
Nhắm mắt lại và tưởng tượng một thế giới không có nước Nga. Nếu bạn đang ở Baltics, Ba Lan, Ukraine hoặc bất kỳ vùng lãnh thổ nào khác đã phải chịu đựng hàng thế kỷ dưới sự đàn áp của Nga, kịch bản này có thể giống như sự giải thoát.
“Nước Nga sẽ tan rã,” cựu Ngoại trưởng Séc Karel Schwarzenberg, một quý tộc nổi tiếng và là người bạn tâm tình lâu năm của Václav Havel, gần đây dự đoán . “Phần lớn các vùng đất của Nga sẽ tìm kiếm sự độc lập ngay khi có thể.”
Hoàng tử nên cẩn thận với những gì mình mong muốn.
Trong khi hầu hết các chuyên gia cho rằng dự đoán của Schwarzenberg khó có thể xảy ra, nguy cơ nước Nga nổ tung do áp lực từ thất bại trong cuộc chiến với Ukraine dù sao cũng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo từ Berlin đến Washington, khi các chiến lược gia quân sự và ngoại giao dự liệu một kịch bản sau chiến tranh trong đó đất nước này tan vỡ thành các lãnh địa do lãnh chúa kiểm soát, tương tự như những lãnh địa phổ biến ở Afghanistan trong những năm 1990 hay ở Libya ngày nay.
“Trong lịch sử, chưa có khi nào nền chính trị của Nga vẫn nguyên vẹn khi họ phải đối mặt với một thất bại thực sự nghiêm trọng” Peter Rough, cựu quan chức trong chính quyền của cựu Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush, người hiện đang đứng đầu Trung tâm Châu Âu và Á-Âu tại Viện Hudson, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, nói. “Tôi không tin rằng Putin vẫn có thể ở lại và biên giới của Liên bang Nga vẫn giữ nguyên như ngày nay sau một thất bại quân sự to lớn.”
Các kịch bản có thể có bao gồm từ các cuộc nổi dậy trong hơn 20 vùng lãnh thổ sắc tộc của Nga rải rác trên 11 múi giờ của đất nước cho đến sự khủng hoảng toàn diện dưới hình thức xung đột và tình trạng vô luật pháp giống như đã xảy ra ở Libya kể từ khi nhà độc tài Muammar Gaddafi sụp đổ. Cả hai đều sẽ gây ra những mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự ổn định của khu vực, với những hậu quả sâu sắc có thể xảy ra đối với châu Âu, bao gồm cả sự gián đoạn hơn nữa của chuỗi cung ứng, xung đột giữa các đảng phái sở hữu vũ khí hạt nhân và làn sóng người tị nạn mới chạy trốn khỏi một nước Nga bất ổn.
Chủ đề này nhạy cảm đến mức các quan chức từ chối thảo luận công khai về các cân nhắc hay kế hoạch dự phòng của họ vì sợ mang lại cho Tổng thống Nga Vladimir Putin một căn cứ và thúc đẩy sự ủng hộ của người Nga đối với cuộc chiến. (Ví dụ, một sự kiện và báo cáo gần đây của Viện Hudson về vấn đề này đã khiến Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov phản ứng giận dữ.)
Trong Hội nghị An ninh Munich tuần trước, khi được POLITICO yêu cầu thảo luận về các kịch bản như vậy, các quan chức phương Tây đã từ chối đề cập đến chủ đề này trong hồ sơ.
“Nó có thể xảy ra không? Chắc chắn rồi,” Ivan Krastev, một nhà khoa học chính trị và chủ tịch Trung tâm Chiến lược Tự do của Bulgaria, người đã cố vấn cho một số nhà lãnh đạo châu Âu, nói. Krastev nhấn mạnh rằng sự tan rã này “có ít khả năng xảy ra, nhưng không phải là không thể.”
“Nhưng nếu tập trung vào chủ đề này thì sẽ mang đến tác dụng ngược lại,” ông nói thêm. “Nếu bạn nói, ‘chúng tôi ở đây để phá hủy nước Nga’, thì bạn đang đưa ra căn cứ mạnh mẽ cho câu chuyện của Putin rằng phương Tây là kẻ xâm lược”.
Nhân dịp kỷ niệm một năm cuộc tấn công toàn diện của Nga vào Ukraine, trong bài phát biểu trước các ban ngành chính trị và quân sự nhà nước, tổng thống Putin đã nhấn mạnh quan điểm này một lần nữa “Giới tinh hoa của phương Tây không thể che giấu dã tâm của họ”, ám chỉ Hoa Kỳ và các đồng minh có ý định tiêu diệt Nga.
Hôm thứ Tư, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev còn đi xa hơn, nói rằng Nga sẽ “biến mất” nếu thua cuộc chiến ở Ukraine, mà theo ông Mỹ là kẻ đứng sau.
“Nếu Nga dừng hoạt động quân sự đặc biệt mà không đạt được chiến thắng, nước Nga sẽ biến mất, nó sẽ bị xé nát,” Medvedev nói trong một bài đăng trên Telegram , sử dụng cách gọi khác cho cuộc xâm lược Ukraine của Nga.
Các cuộc nổi dậy
Thông điệp này đang vang vọng ở một đất nước liên tục bị tàn phá bởi xung đột quân sự và vẫn còn bị tổn thương bởi sự sụp đổ của Liên Xô.
Những đau đớn của nước Nga trong Thế chiến thứ nhất đã góp phần châm ngòi cho cuộc Cách mạng Nga và cuộc nội chiến giữa những người Bolshevik của Vladimir Lenin với một nhóm hỗn tạp gồm những người bảo hoàng, tư bản và các lực lượng chính trị khác được gọi là Bạch quân. Đây là một trong những cuộc chiến đẫm máu nhất trong lịch sử Nga, bao gồm một số cuộc tàn sát nhắm vào người Do Thái. Cuộc chiến kết thúc vào năm 1923 với việc Hồng quân chiếm ưu thế nhưng để lại sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội.
Những năm 1990, sự tan rã của Liên Xô đã diễn ra một cách tương đối ôn hoà, chứng kiến việc rời đi của các nước thành viên như Ukraine, Belarus, Kazakhstan, cũng như các nước thuộc EU như Estonia, Latvia và Litva. Nhưng giờ thì khác, vì các vùng ngoại vi của Nga sẽ có những phản ứng mạnh mẽ và gay gắt hơn nhiều.
Từ quan điểm pháp lý, cấu trúc của Liên Xô khiến cho sự tan rã của đế chế này tương đối đơn giản. Ngược lại, Liên bang Nga là một quốc gia duy nhất có chính quyền trung ương rất mạnh. Không giống như Liên Xô vốn có một nửa công dân không phải là người Nga, ngày nay 80 phần trăm dân số của nước Nga được xác định là người Nga.
Yếu tố quan trọng nhất ngăn chặn sự đổ máu năm 1991 là Nga không phản đối việc giải thể Liên Xô. Thật khó để tưởng tượng rằng Putin hoặc một người kế nhiệm tiềm năng sẽ đứng yên — hoặc phần lớn dân số sẽ đồng ý — nếu các khu vực như Bashkortostan ở miền nam Urals hoặc Siberia, “rương kho báu” của Nga nơi tích trữ hầu hết nguồn tài nguyên tự nhiên, tìm cách ly khai.
Một lo lắng của các nhà hoạch định phương Tây là nếu cuộc chiến ở Ukraine kết thúc với thất bại của Điện Kremlin – như hầu hết mọi người mong đợi- binh lính Nga sẽ trở về nhà và tiếp tục cuộc chiến ở đó, góp phần thúc đẩy sự tan rã của đất nước.
Nhiều người đàn ông chiến đấu cho Nga ở Ukraine đến từ các vùng lãnh thổ kém may mắn của Nga, bao gồm vùng núi phía đông Siberia, nơi phần lớn dân số có quan hệ sắc tộc và văn hóa với Mông Cổ, và Bắc Kavkaz, một khu vực có nhiều sắc tộc bao gồm Chechnya và Dagestan.
Nhà lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov, người đóng vai trò trung tâm trong việc đàn áp cuộc nổi dậy của người Hồi giáo ở Chechnya vào đầu những năm 2000, gần đây cho biết ông có ý định thành lập một đội quân tư nhân theo mô hình của Tập đoàn Wagner, một lực lượng đánh thuê tàn bạo do đồng minh của Putin là Yevgeny Prigozhin chỉ huy.
Phát biểu vào năm 2011 tại Bắc Kavkaz, Putin đã bày tỏ một chút sự chán ghét của mình đối với các phong trào đòi độc lập đang lan rộng ở đó.
“Nếu điều này xảy ra, thì đồng thời, không phải một giờ mà là một giây, sẽ có những kẻ muốn làm điều tương tự với các thực thể lãnh thổ khác của Nga… và đó sẽ là một thảm kịch ảnh hưởng đến mọi công dân của Nga không có ai ngoại lệ,” ông ta nói .
Điều đó cho thấy bất kỳ động thái nào của các vùng lãnh thổ nhằm giải phóng khỏi sự kiểm soát của Moscow sẽ dẫn đến kết cục đẫm máu, cả giữa chính quyền trung ương và những người theo chủ nghĩa ly khai cũng như giữa chính các vùng lãnh thổ với nhau.
“Các tiểu bang mới sẽ chiến đấu với nhau về biên giới và tài sản kinh tế. Giới tinh hoa Moscow, những người kiểm soát kho vũ khí hạt nhân khổng lồ, sẽ phản ứng bằng bạo lực trước bất kỳ chủ nghĩa ly khai nào.”, Marlene Laruelle, người điều hành Viện Nghiên cứu Châu Âu, Nga và Á-Âu tại Đại học George Washington, đã viết như vậy trong một bài luận gần đây
Đấu đá nội bộ
Tất nhiên, điều làm cho khả năng sụp đổ của Nga trở nên đáng báo động là kho vũ khí hạt nhân của nước này – quân át chủ bài chiến lược mà Putin đã nhiều lần nhắc đến trong 12 tháng qua. Hôm thứ Ba, Tổng thống Nga tuyên bố ông sẽ đình chỉ sự tham gia của Nga vào Hiệp ước START mới, hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân cuối cùng còn lại giữa Moscow và Washington.
Sự sụp đổ của Liên Xô đã khiến Hoa Kỳ và các đồng minh của họ càng trở nên lo lắng hơn về mối đe dọa hạt nhân. Tình báo Hoa Kỳ vào thời điểm đó đã cảnh báo rằng vũ khí hạt nhân chiến thuật, có thể bao gồm cả cái gọi là bom hạt nhân, có thể rơi vào thị trường chợ đen của bọn khủng bố nếu các bước bảo vệ chúng không được thực hiện.
Trong khi Washington hoan nghênh nền độc lập của các quốc gia vùng Baltic, vẫn có mối lo ngại sâu sắc rằng các bộ phận của kho vũ khí hạt nhân của Liên Xô có thể rơi vào tay kẻ xấu ở những khu vực khác của đế chế này, bao gồm cả Kazakhstan và Ukraine, với những hậu quả tai hại.
Theo các nhà phân tích phương Tây, điều đó không còn là mối đe dọa ở Nga ngày nay vì lý do đơn giản là không có vũ khí hạt nhân ở các khu vực ly khai tiềm năng.
Viễn cảnh đáng lo ngại hơn là sự bùng nổ xung đột giữa các thành viên của chính quyền Nga và cuộc đấu tranh giành quyền kiểm soát các lực lượng vũ trang. Đấu đá chính trị nội bộ đã nổ ra giữa người đứng đầu Tập đoàn Wagner, Prigozhin, Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Sergei Shoigu, và Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang, Valery Gerasimov.
Hôm thứ Ba, Prigozhin – một đồng minh của Putin có nhân viên đang chiến đấu gần thị trấn Bakhmut của Ukraine – cáo buộc các đối thủ của ông ta từ chối cung cấp đạn dược và vận tải hàng không, đồng thời nói thêm rằng hành động của họ chẳng khác nào tội “phản quốc”.
Một câu hỏi lớn trong bất kỳ kịch bản nào về sự tan rã của Nga là Trung Quốc sẽ đóng vai trò gì. Trong khi sự bất ổn ở nước láng giềng giàu tài nguyên sẽ mang đến cho Bắc Kinh nhiều cơ hội để thỏa mãn sự thèm khát nguyên liệu thô, từ khí đốt tự nhiên đến kali, hầu hết các nhà quan sát tin rằng họ sẽ không tìm cách vẽ lại biên giới của Nga.
“Trung Quốc sẽ rất cẩn thận,” Krastev nói.
Người dân địa phương Nga ở Siberia hoặc các nơi khác cũng không có xu hướng hướng về Trung Quốc. Các khu vực bên ngoài của Nga nói chung là nghèo và phụ thuộc rất nhiều vào chính quyền trung ương ở Moscow để kiếm tiền, một lý do nữa khiến họ gắn bó với chính quyền ma quỷ.
Điều rõ ràng là trong khi sự tan rã của Nga có thể vẫn là một sự kiện ít có khả năng xảy ra, thì đó không phải là sự kiện mà các nhà hoạch định phương Tây có thể bỏ qua. Khi những nhà theo dõi nước Nga tranh luận về triển vọng “phi thực dân hóa” của đất nước, họ không nên loại trừ khả năng rằng nỗ lực của Putin nhằm tái lập đế chế đã mất của Điện Kremlin có thể khiến nước này phải trả giá ít nhất bằng một số vùng lãnh thổ.
Schwarzenberg, người có gia đình rời khỏi Tiệp Khắc do Liên Xô kiểm soát vào năm 1948, cho biết: “Bi kịch của Nga là họ không biết biên giới của mình ở đâu.”
Điều nguy hiểm là việc này có thể nhanh chóng trở thành bi kịch không chỉ đối với Nga mà còn đối với phần còn lại của thế giới.