Âm mưu bị lật tẩy

Vũ Hiến

Mùa Xuân vừa qua, cơ quan tình báo Hoa Kỳ phát hiện Trung Quốc đang bí mật xây dựng cơ sở mà họ nghi ngờ sử dụng cho mục đích quân sự tại một hải cảng thuộc Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (United Arab Emirates hay U.A.E.), một trong những đồng minh thân cận nhất của Hoa Kỳ tại Trung Đông.

Bến cảng Khalifa – nguồn Abu Dhabi Ports 

Theo lời của các giới chức Hoa Kỳ thì họ tin rằng Trung Quốc đang có âm mưu nhằm thiết lập một căn cứ quân sự tại U.A.E., và cũng có thể xem đây như bước đầu tiên trong mưu đồ rộng lớn hơn là toàn khu vực Trung Ðông – cho thấy một sự thật khó có thể làm ngơ rằng Hoa Kỳ đang ngày càng phải đối đầu với Bắc Kinh trong việc cạnh tranh ảnh hưởng trên toàn cầu.

Trong nhiều thập niên qua, Hoa Kỳ đã đóng vai trò trung tâm trong khu vực, ủng hộ việc thành lập quốc gia Israel, đặt căn cứ quân sự tại đây và gần đây nhất là làm trung gian trong việc ký kết Hiệp định Abraham đưa đến việc bình thường hóa quan hệ giữa Israel và một số quốc gia vùng Vịnh, trong đó có U.A.E. Bắc Kinh đã phản công lại với các thỏa thuận thương mại và ngoại giao vắc xin – và nay thì đang cố gắng mở rộng sự hiện diện quân sự của họ.

Âm mưu của Trung Quốc tại bến cảng ở U.A.E. lần này thực ra cũng không mới mẻ gì so với những âm mưu trước đây của họ tại những nơi khác. Họ lợi dụng mối quan hệ thương mại để thiết lập một đầu cầu cho hoạt động quân sự của họ. Năm 2017, Trung Quốc đã cho xây dựng tiền đồn quân sự ở ngoại quốc đầu tiên tại Djibouti, một quốc gia thuộc Ðông Phi châu, để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động quân sự của họ quanh khu vực Ấn Ðộ Dương và châu Phi. Tại Cambodia năm 2019, Trung Quốc ký một thoả thuận bí mật cho phép quân đội của họ sử dụng một căn cứ hải quân tại đây. Ở những nơi khác, Trung Quốc đã cho xây dựng cơ sở tại các hải cảng thương mại ở Pakistan và Sri Lanka và sau này có thể được sử dụng bởi lực lượng hải quân đang ngày càng lớn mạnh của họ.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tăng cường quan hệ kinh tế với U.A.E. và hiện là một trong những đối tác thương mại lớn nhất cũng như là khách hàng tiêu thụ dầu lớn nhất của vùng Vịnh. Trong khi đó thì U.A.E. đã chấp nhận cho công ty kỹ thuật Huawei xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông cho họ mặc dù đã được các giới chức cao cấp của phương Tây cảnh báo rằng hệ thống viễn thông này có thể bị gián điệp Trung Quốc sử dụng làm thiết bị theo dõi và thu thập tin tức cho họ.

Khoảng một năm trước, các tin tức tình báo của Hoa Kỳ thu thập được cho thấy có những dấu hiệu hoạt động khả nghi của Trung Quốc tại bến cảng Khalifa, cách khoảng 50 dặm về hướng bắc thủ đô Abu Dhabi của U.A.E., và cũng là nơi tập đoàn vận chuyển khổng lồ Cosco (China Ocean Shipping Company) của Trung Quốc đã cho xây dựng và hiện đang điều hành một bến bốc dỡ các thùng vận chuyển hàng thương mại.

Bến bốc dỡ hàng của Trung Quốc tại Khalifa nơi có những hoạt động khả nghi – nguồn shippingherald.com

Những tin tức thu thập được lúc ban đầu vẫn chưa thể khẳng định được rõ ràng. Nhưng đến mùa Xuân vừa qua, các không ảnh chụp từ vệ tinh đã cho phép các giới chức tình báo Hoa Kỳ đi đến kết luận rằng Trung Quốc đang cho xây dựng một số cơ sở để sử dụng cho hoạt động quân sự tại bến cảng. Chính quyền Biden đã được báo động và liên tục cho tiến hành các biện pháp ngoại giao để thuyết phục U.A.E. rằng những cơ sở đang được xây dựng đó có mục đích quân sự và họ cần phải ra lệnh cho dừng công việc xây dựng trên.

Trong số những dấu hiệu đầy khả nghi nói trên, cơ quan tình báo Hoa Kỳ phát hiện công ty Trung Quốc đã cho đào một cái hố khổng lồ để đặt móng và việc họ lắp đặt các khung sườn bằng thép cứng cho thấy mục đích là để xây dựng một tòa nhà nhiều tầng. Ðã có lúc khu vực xây dựng được che đậy rất kín để tránh sự dòm ngó từ bên ngoài. Những hành động mập mờ lén lút trên nếu không cảnh giác sẽ rất dễ bị Trung Quốc qua mặt.

U.A.E. là một trong những đồng minh Trung Ðông thân cận nhất của Hoa Kỳ. Hai quốc gia từ lâu đã thiết lập được những quan hệ an ninh và thương mại mật thiết, và âm mưu xâm nhập của Trung Quốc vào U.A.E. cho thấy quyền lợi của Hoa Kỳ tại khu vực Trung Ðông thậm chí có khả năng ngày càng bị đe dọa nhiều hơn từ phía Trung Quốc.

Quốc gia vùng Vịnh này là một trong những nước sản xuất dầu và khí đốt quan trọng trên thế giới, là nơi đóng quân của quân đội Hoa Kỳ, từng hợp tác với Washington trong các kế hoạch chống khủng bố, và là quốc gia Ả Rập đầu tiên gửi quân tới Afghanistan sau khi Hoa Kỳ chiếm đóng xứ này vào cuối năm 2001. Gần đây hơn, U.A.E. đã tạm thời nhận chứa chấp người tị nạn Afghanistan được di tản ra khỏi Kabul sau khi chính quyền Afghanistan sụp đổ hồi mùa Hè vừa qua.

Tổng thống Joe Biden đã bày tỏ mối lo ngại trực tiếp với nhà lãnh đạo của U.A.E. là thái tử Mohammed bin Zayed al Nahyan về sự hiện diện ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại đây và Hoa Kỳ lo ngại những hoạt động của Trung Quốc có thể gây ảnh hưởng bất lợi đến mối quan hệ đối tác giữa hai nước.

Hoa Kỳ và U.A.E. trong cuộc thảo luận trực tiếp về an ninh khu vực trong tháng 9 vừa qua – nguồn middleeast.in-24.com

Kể từ đầu năm nay, các giới chức an ninh và ngoại giao của Hoa Kỳ và U.A.E. đã mở ra nhiều cuộc thảo luận trực tiếp về vấn đề bến cảng Khalifa. Rồi cuối tháng 9 vừa qua, trong chuyến viếng thăm Abu Dhabi, cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan và phụ tá hàng đầu về vấn đề Trung Ðông là ông Brett McGurk đã trình bày với các giới chức U.A.E. nhiều chi tiết hơn về những tin tức tình báo Hoa Kỳ thu thập được liên quan đến địa điểm mà công ty Trung Quốc đang cho xây dựng. Các cuộc thảo luận vẫn còn đang tiếp diễn và gần đây Hoa Kỳ đã thực hiện một cuộc kiểm tra địa điểm và tin rằng công việc xây dựng tại đây đã bị đình chỉ.

Mối lo ngại về sự hợp tác an ninh giữa Trung Quốc và U.A.E. có khả năng đe dọa đến thoả thuận bán vũ khí trị giá $23 tỷ giữa Hoa Kỳ và U.A.E. bao gồm 50 chiến đấu cơ F-35, 18 máy bay không người lái Reaper và nhiều loại vũ khí tối tân khác.

Về phần U.A.E., họ cũng đang muốn ký một hiệp ước chiến lược với Washington để có được sự bảo đảm cam kết từ phía Hoa Kỳ là sẽ bảo vệ họ nếu trong trường hợp bị tấn công. Trong những năm gần đây, nhiều quốc gia Ả Rập trong vùng Vịnh, do ngày càng bị áp lực đe doạ từ Iran, đã phải đặt câu hỏi về mức độ cam kết của Hoa Kỳ trong việc gìn giữ an ninh cho khu vực. Họ đã chứng kiến trước mắt việc Hoa Kỳ đang chuyển dần trọng tâm an ninh sang khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và mối lo ngại nói trên chỉ ngày càng tăng, nhất là sau cuộc rút quân đầy hỗn loạn của Hoa Kỳ ra khỏi Afghanistan.

Theo lời một giới chức ngoại giao cao cấp chuyên về an ninh khu vực Trung Ðông thì việc ngưng xây dựng dường như đã đưa mối bang g giữa Washington và Abu Dhabi trở lại bình thường, và kế hoạch bán các loại máy bay quân sự F-35 và MQ-9 Reaper cho U.A.E. sẽ được tiếp tục.

Có thể nói âm mưu xây dựng cơ sở quân sự của Trung Quốc tại U.A.E. đã bị lật tẩy. Tuy nhiên, bài học ở đây là thế giới tự do chớ nên lơ là trong việc cảnh giác đối với các hoạt động của Trung Quốc bởi họ luôn có dư thời gian và kiên nhẫn chờ đợi những sơ hở để lợi dụng. Một điều rõ ràng là Trung Quốc ngày càng gia tăng sự hiện diện của họ tại nhiều quốc gia thông qua các hứa hẹn về sự hợp tác kinh tế và xây dựng hạ tầng cơ sở – với dự án Nhất đới Nhất lộ có thể xem như điểm tựa cho mưu đồ bành trướng ảnh hưởng của họ.

VH

Related posts