Sáng ngày 11/3/2023 theo giờ Bắc Kinh, ông Lý Cường đã được bầu làm Thủ tướng Quốc vụ viện. Dưới đây là tiểu sử của tân Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường.
Ông Lý Cường sinh năm 1959 ở huyện Thụy An, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Dân tộc: Hán.
Ông gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào năm 1983.
Ông Lý là Ủy viên Dự khuyết Trung ương ĐCSTQ khóa XVIII (2012 – 2017); được bổ sung làm Ủy viên Trung ương tại Phiên họp toàn thể lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XVIII;
Là Ủy viên Trung ương khóa XIX (2017 – 2022), Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIX.
Năm 2022, ông trở Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ khóa XX, là một trong bảy lãnh đạo cao nhất của chế độ này, đứng ở vị trí số 2 chỉ sau ông Tập Cận Bình.
Mới đây nhất, ngày 11/3/2023, ông được bầu làm Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc.
Học vấn
Năm 1978 – 1982, ông học chuyên ngành Cơ giới hóa nông nghiệp tại cơ sở Ninh Ba của Đại học Nông nghiệp Chiết Giang và nhận bằng Cử nhân.
Năm 1985 – 1987, ông học Xã hội học tại Đại học Hàm thụ Xã hội học Trung Quốc.
Năm 1995-1997, ông Lý học Khóa sau đại học về kỹ thuật quản lý nâng cao tại Đại học Chiết Giang.
Năm 2001-2002, ông học Khóa bồi dưỡng cán bộ trẻ và trung niên 1 năm tại Trường Đảng Trung ương ĐCSTQ.
Năm 2001-2004, ông học Cao học tại chức, chuyên ngành Kinh tế thế giới tại Trường Đảng Trung ương ĐCSTQ.
Năm 2003-2005, ông học Quản trị Kinh doanh tại Đại học Bách khoa Hong Kong (PolyU) và nhận bằng Thạc sĩ.
Sự nghiệp
Ông Lý Cường bắt đầu công tác từ năm 1976, khởi đầu là công nhân cơ điện trạm tưới tiêu ở thị trấn Mã Tự thuộc huyện Thụy An, sau đó làm công nhân trong nhà máy.
Trong 40 năm đầu (từ năm 1976 đến 2016), sự nghiệp của ông gắn liền với quê nhà Thụy An và tỉnh Chiết Giang.
Tại Chiết Giang
Sau khi hoàn thành việc học tại Đại học Nông nghiệp Chiết Giang, năm 1982, ông Lý trở thành người phụ trách của Đoàn ủy thị trấn Sằn Thăng, huyện Thụy An.
Năm 1983: ông làm cán bộ Đoàn Thanh niên Huyện ủy Thụy An.
Năm 1984: ông Lý Cường được thăng chức Bí thư Đoàn Thanh niên Huyện ủy Thụy An.
Năm 1985: ông là cán bộ Phòng cứu tế nông thôn Sở Dân chính của tỉnh Chiết Giang, sau đó lên chức Phó trưởng phòng, và trở thành Trưởng phòng vào năm 1988.
Năm 1991: ông Lý là thành viên Đảng tổ, Trưởng phòng Nhân sự của Sở Dân chính tỉnh Chiết Giang.
Năm 1992: ông Lý Cường lên làm Phó giám đốc Sở Dân chính tỉnh Chiết Giang.
Năm 1996: ông là Ủy viên Thường vụ Thành ủy Kim Hoa tỉnh Chiết Giang, Bí thư Thành ủy Vĩnh Khang.
Năm 1998: ngoài hai chức vụ trên, ông Lý còn kiêm vị trí Chủ nhiệm Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân thành phố Vĩnh Khang.
Cũng trong năm 1998, ông trở thành Phó chủ nhiệm và thành viên Đảng tổ của Văn phòng chính quyền tỉnh Chiết Giang.
Năm 2000: ông Lý Cường làm Cục trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Cục quản lý công nghiệp và thương mại tỉnh Chiết Giang.
Năm 2002: ông được thăng chức Bí thư Thành ủy Ôn Châu tỉnh Chiết Giang, sau đó kiêm nhiệm chức Chủ nhiệm Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân thành phố Ôn Châu.
Năm 2004: ông là Thư ký trưởng của Bí thư Tỉnh ủy Chiết Giang (khi này Bí thư Tỉnh ủy Chiết Giang là ông Tập Cận Bình), đến năm 2005 làm Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Chiết Giang.
Năm 2011: ngoài chức Thư ký trưởng, ông Lý còn là Phó bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật tỉnh Chiết Giang.
Năm 2012: ông giữ chức Phó bí thư Tỉnh ủy kiêm Quyền tỉnh trưởng tỉnh Chiết Giang.
Năm 2013 – 2016: bên cạnh chức Phó bí thư Tỉnh ủy, ông chính thức trở thành Tỉnh trưởng tỉnh Chiết Giang.
Tại Giang Tô
Năm 2016: ông Lý Cường được điều động làm Bí thư Tỉnh ủy Giang Tô, sau đó kiêm vị trí Chủ nhiệm Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân của tỉnh.
Ông còn là Bí thư thứ nhất Quân ủy Quân khu Giang Tô. Ông là lãnh đạo toàn diện và cao nhất tỉnh Giang Tô trong một thời gian ngắn, cho đến cuối năm 2017, tổng cộng 15 tháng.
Tại Thượng Hải
Năm 2017, sau khi được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị ĐCSTQ khóa XIX, ông Lý Cường được bổ nhiệm làm Bí thư Thành ủy Thượng Hải.
Thân tín của ông Tập Cận Bình
Chức vụ đáng chú ý nhất của ông Lý Cường khi chưa vào trung ương là Thư ký trưởng của ông Tập Cận Bình khi ông Tập làm Bí thư Tỉnh ủy Chiết Giang từ năm 2002 đến 2007.
Kể từ năm 2012, khi ông Tập Cận Bình trở thành Tổng bí thư ĐCSTQ, ông Lý Cường cũng được thăng tiến nhanh chóng, lần lượt là Phó bí thư Tỉnh ủy Chiết Giang, Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật tỉnh Chiết Giang, Tỉnh trưởng Chiết Giang, Bí thư Tỉnh ủy Giang Tô, Ủy viên Bộ chính trị Trung ương, Bí thư Thành ủy Thượng Hải.
Tờ Ming Pao của Hong Kong ngày 31/1/2023 đăng bài chỉ ra rằng, Giang Tô là quê hương của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân. Sau khi lên nắm quyền, ông Tập Cận Bình đã tiến hành một chiến dịch thanh tẩy đẫm máu trong chốn quan trường Giang Tô. Khi ấy, Giang Tô bỗng chốc trở thành “hố trũng chính trị”.
Theo bài báo, vào năm 2016, Tỉnh trưởng Chiết Giang là ông Lý Cường đã được ông Tập Cận Bình ưu ái và bổ nhiệm thành “lãnh đạo cao nhất” của Giang Tô. Tuy ông Lý Cường ở Giang Tô chưa đầy 2 năm, sau đó được chuyển sang làm Bí thư Thành ủy Thượng Hải, nhưng đã giúp Giang Tô trở mình khỏi chiến dịch thanh tẩy.
Ngoài ra, với cương vị là bí thư thành ủy ở Thượng Hải, ông Lý cũng phải chịu trách nhiệm về việc phong tỏa Thượng Hải trong đại dịch Covid-19 hồi đầu năm 2022. Nhưng do tổ chức kém, đợt phong tỏa đã khiến dân chúng phẫn nộ và gây ra nhiều tình huống bi thảm. Tuy nhiên, nhờ là đồng minh của ông Tập Cận Bình, trong phiên họp toàn thể đầu tiên của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ khóa XX được tổ chức vào cùng năm, ông Lý Cường vẫn được bầu vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị.
Nội bộ ĐCSTQ còn có 2 quy ước bất thành văn về người kế nhiệm vị trí Thủ tướng, một là độ tuổi “bảy lên tám xuống” (tức là tới thời điểm bầu cử, nếu người đó mới 67 tuổi thì vẫn được thăng chức và làm hết nhiệm kỳ nếu không có biến cố gì, nhưng nếu đã 68 tuổi thì sẽ phải bước xuống), hai là trước khi làm Thủ tướng phải từng giữ chức Phó thủ tướng.
Theo đó, năm nay ông Lý Cường mới 64 tuổi, đạt một trong hai điều kiện trên, nhưng ông lại chưa từng trải qua chức vụ Phó thủ tướng. Do đó, năng lực của ông Lý Cường trên cương vị mới sẽ rất được chú ý.
Sau chính sách phong tỏa Zero Covid bị phản đối gay gắt, việc ông Lý Cường được ngồi vào chiếc ghế Thủ tướng là một dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy tầm quan trọng của lòng trung thành đối với ông Tập.
Tân Thủ tướng Trung Quốc
Trước khi Trung Quốc có tân thủ tướng, ngoại giới cho rằng, người kế nhiệm ông Lý Khắc Cường (Thủ tướng Trung Quốc từ tháng 3/2013 đến tháng 3/2023) sẽ là người phù hợp nhất với mục tiêu “thịnh vượng chung” của ông Tập. Cựu Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (trái) bắt tay với tân Thủ tướng Lý Cường tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào sáng ngày 11/3/2023.(GREG BAKER/POOL/AFP via Getty Images)
Ông Christopher Beddor, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc thuộc công ty chuyên tư vấn về kinh tế Gavekal Dragonomics, cho biết trong một bài báo gần đây đăng trên Bloomberg rằng, về cơ bản, chức vị thủ tướng này có tầm ảnh hưởng như thế nào thì còn phải phụ thuộc vào ông Tập Cận Bình. “Về ông Lý Cường, rất rõ ràng, chức năng của ông ấy là biến những tham vọng và khuynh hướng của ông Tập thành chương trình nghị sự chính sách”.
Bà Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của ngân hàng Natixis SA, cho biết: “Việc cải cách toàn diện quốc gia là một cách khác để ông Tập Cận Bình đảm bảo rằng ông ấy kiểm soát tất cả các đòn bẩy quyền lực, điều này sẽ tạo ra rất ít khoảng trống cho ông Lý Cường hoạt động độc lập”. Bà cho rằng, mối quan hệ thân thiết giữa ông Lý Cường và ông Tập “chỉ có nghĩa rằng ông ấy (Lý Cường) sẽ nghe lời hơn ông Lý Khắc Cường”.
Sau khi nhậm chức thủ tướng, ông Lý Cường sẽ phải đối mặt với tình trạng suy thoái kinh tế của Trung Quốc, bao gồm tiêu dùng yếu, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, thị trường bất động sản đi xuống, thiếu niềm tin kinh doanh, rắc rối nợ của chính quyền địa phương, dân số già và hàng loạt vấn đề khác ở trong nước. Đồng thời, ông cũng sẽ phải đối mặt với mối quan hệ Trung – Mỹ ngày càng xấu đi và các vấn đề quốc tế khác.
Đông Phương