Hôm 19/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ông hoan nghênh việc Trung Quốc sẵn sàng đóng ‘vai trò mang tính xây dựng’ trong việc chấm dứt xung đột ở Ukraine, đồng thời tái khẳng định quan hệ giữa Nga và Trung Quốc đang ở ‘thời kỳ vàng son’.
Theo thông báo từ Điện Kremlin hôm 17/3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm cấp nhà nước tới Nga trong 3 ngày từ 20/3 tới 22/3 với hy vọng mang lại một bước đột phá về vấn đề Ukraine khi Bắc Kinh tìm cách khẳng định mình là một người kiến tạo hòa bình.
Hãng tin AFP trích dẫn một bài báo Trung Quốc được Điện Kremlin xuất bản ngày 19/3, trước thềm chuyến thăm Moscow của ông Tập Cận Bình, cho biết ông Putin khẳng định chất lượng mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc đang “cao hơn các liên minh chính trị và quân sự thời Chiến tranh Lạnh”.
Nhà lãnh đạo Nga cho biết, ông có “kỳ vọng cao” về cuộc hội đàm với nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ mang lại kết quả tốt đẹp
“Chúng tôi không nghi ngờ gì về việc những kỳ vọng này sẽ tạo động lực mạnh mẽ mới cho toàn bộ mối quan hệ hợp tác song phương”, ông nói thêm.
Đặc biệt, Tổng thống Nga đã ca ngợi “sự sẵn sàng của Trung Quốc trong việc đóng vai trò mang tính xây dựng” nhằm giải quyết cuộc xung đột kéo dài một năm ở Ukraine. Bên cạnh đó, ông bày tỏ sự biết ơn tới Bắc Kinh vì lập trường “cân bằng” đối với các sự kiện ở Ukraine cũng như sự hiểu biết của Bắc Kinh về bối cảnh của cuộc xung đột cũng như “những lý do thực sự” đằng sau nó.
“Nga sẵn sàng giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine bằng các biện pháp chính trị và ngoại giao”, ông Putin khẳng định trong bài báo.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh việc Kyiv cần công nhận “những thực tế địa chính trị mới”, cụ thể là việc Nga sáp nhập 4 khu vực của Ukraine vào năm ngoái, cũng như việc Moscow sáp nhập Bán đảo Crimea vào năm 2014. Mặt khác, nhà lãnh đạo Nga lập luận rằng chính phủ Ukraine đang rời xa thực tế và không nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình.
Thông báo về chuyến thăm hôm 17/3, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cũng khẳng định Bắc Kinh sẽ “đóng vai trò xây dựng trong việc thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình”.
Trung Quốc trở thành ‘trung gian hoà giải’ trên trường quốc tế?
Mới được tái đắc cử chức Chủ tịch Trung Quốc và Chủ tịch Quân ủy Trung ương nhiệm kỳ thứ 3, ông Tập Cận Bình đang thúc đẩy vai trò lớn hơn của Trung Quốc trên trường quốc tế. Trong động thái gần đây nhất, Trung Quốc đã đóng vai trò làm trung gian hoà giải cho Iran và Ả Rập Xê Út, tiến tới việc hai quốc gia Trung Đông đồng ý bình thường hoá quan hệ.
Hôm 10/3, theo thoả thuận do Trung Quốc làm trung gian, Riyadh và Tehran có kế hoạch mở lại các Đại sứ quán của họ trong vòng hai tháng tới.
Tháng trước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng công bố kế hoạch hòa bình 12 điểm về xung đột Nga – Ukraine trong ngày đánh dấu 1 năm chiến sự (hôm 24/2) mang tên “lập trường về giải pháp chính trị cho khủng hoảng Ukraine”.
Kế hoạch kêu gọi chấm dứt chiến sự, nối lại các cuộc đàm phán hòa bình, bảo vệ nhà máy hạt nhân và ngưng các biện pháp trừng phạt.
Động thái này cũng thể hiện lập trường của Trung Quốc từ đầu chiến sự tới giờ chính là không tán thành xung đột và phản đối việc sử dụng và đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân. Trung Quốc cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ thường dân trong cuộc chiến.
Bắc Kinh công bố kế hoạch hòa bình sau cuộc gặp giữa Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác ngoại sự Trung ương Trung Quốc Vương Nghị với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Tổng thống Vladimir Putin tại Mocsow.
Phía Nga hoan nghênh các đề xuất của Trung Quốc nhằm giải quyết xung đột ở Ukraine và cho biết Moscow sẵn sàng đàm phán hoà bình. Trong khi đó, phương Tây tỏ ra ngờ vực trước kế hoạch này.
Tổng Thư ký của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg nói rằng Bắc Kinh thiếu “sự tin cậy” để đưa ra kế hoạch hoà bình vì nước này từ chối lên án Nga. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho rằng lộ trình hoà bình mà Trung Quốc nêu nêu ra là một bộ nguyên tắc mơ hồ, không phải là kế hoạch hành động cụ thể.
Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy bày tỏ mong muốn gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình để thảo luận về đề xuất của Bắc Kinh.
Tại sao Trung Quốc cố gắng làm trung gian?
Hãng tin Reuters lập luận rằng, Trung Quốc có truyền thống tuân thủ nguyên tắc không can thiệp vào xung đột của các nước khác, đặc biệt là những nước xa xôi.
Tuy nhiên, giới quan sát nhận định rằng, một thỏa thuận hòa bình giữa Iran và Ả Rập Xê Út cho thấy mục tiêu của Trung Quốc là thể hiện mình là một cường quốc có trách nhiệm dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình.
Ông Wang Jiangyu, Giáo sư chuyên ngành luật tại Đại học Hong Kong, cho biết: “Ông Tập muốn được nhìn nhận trên trường quốc tế với tư cách là một chính khách có sức ảnh hưởng ít nhất là ‘ngang ngửa’ với nhà lãnh đạo Hoa Kỳ”.
Chưa dừng lại ở đó, Trung Quốc cũng nóng lòng muốn xoa dịu những lời chỉ trích rằng Bắc Kinh đứng về phía Nga.
Các nhà phân tích cho rằng nỗ lực làm trung gian hòa giải là một công cuộc làm ăn “ít vốn lời cao” cho Trung Quốc, ngay cả khi rất khó có thể đạt được một bước đột phá nhanh chóng.
Huyền Anh tổng hợp