Tin thế giới tối thứ Hai: “Cha đẻ” ChatGPT cảnh báo mặt trái của công nghệ AI

“Cha đẻ” ChatGPT cảnh báo mặt trái của công nghệ AI

‘Cha đẻ’ của ChatGPT – Sam Altman. (Ảnh chụp màn hình video)

Ngày 16/3, người được xem như “cha đẻ” của ChatGPT, ông Sam Altman, đã tuyên bố bản thân công ty tung ra công nghệ mới này cũng lo sợ nó sẽ gây ra mối đe dọa cho con người, thậm chí là “thực sự nguy hiểm”.

Theo tờ Guardian, CEO Altman của OpenAI với tư cách là nhà đồng phát triển, cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng điều đáng lo ngại nhất là liệu ChatGPT có bị lợi dụng để lan truyền tin tức giả mạo trên diện rộng hay không. Trong tình hình hiện nay, việc viết mã máy tính của ChatGPT không ngừng tốt hơn, giúp dễ dàng sử dụng AI này cho các cuộc tấn công mạng. Nhưng Altman cũng nói rằng dù vậy, cho đến nay ChatGPT vẫn là công nghệ tuyệt vời nhất.

Thông tin chỉ ra doanh nhân Elon Musk cũng là một trong những nhà đầu tư đầu tiên vào OpenAI, ông đã nhiều lần đưa ra cảnh báo rằng AI và AGI (trí tuệ nhân tạo tổng hợp) và các công nghệ liên quan có thể nguy hiểm hơn vũ khí hạt nhân, đồng thời lo lắng cho Microsoft trong việc giải tán cơ quan giám sát đạo đức và tích hợp ChatGPT trên công cụ tìm kiếm Bing của Microsoft. Do đó, ông Musk tin rằng chính phủ cũng nên xây dựng các quy định an toàn liên quan đến AI.

Về vấn đề giám sát an toàn AI, CEO Altman đề cập rằng việc giám sát hoạt động xử lý của công nghệ này sẽ rất quan trọng trong việc ngăn chặn những tác động tiêu cực tiềm ẩn đối với loài người, dù vậy chúng ta cũng cho phép mình hào hứng với tâm trạng lo sợ mà chúng ta cảm thấy.

Thủ đoạn mới trong cuộc chiến thông tin của Trung Quốc

Ngày 7/2, công ty phân tích truyền thông xã hội Graphika đã xuất bản một báo cáo có tiêu đề “Deepfake thật đến mức: Những kẻ thân Trung Quốc gây ảnh hưởng trực tuyến bằng cách quảng bá video về nhân vật hư cấu do AI tạo ra”. Báo cáo chỉ ra có phương tiện truyền thông mới giả tưởng có tên “Tin tức sói” (Wolf News) đã sử dụng AI để giả mạo 2 người dẫn chương trình phát đi các bản tin liên quan thân Đảng Cộng sản Trung Quốc và bôi nhọ Mỹ.

Báo cáo cũng cho hay cuối năm ngoái, một tài khoản người máy (bot) thân Trung Quốc đã đăng trên Facebook và Twitter một video về hai “người dẫn chương trình” của “Tin tức sói”. Họ đã tiết lộ đủ loại manh mối kỳ lạ ở khắp mọi nơi; giọng nói của những “người dẫn chương trình” này khá cứng và không đồng bộ với hình dạng miệng, còn khuôn mặt như các nhân vật trong trò chơi điện tử có tóc dính trên đầu trông không tự nhiên, trong khi đó phụ đề đầy lỗi ngữ pháp.

Sau gần 10 năm phát triển, công nghệ deepfake đã có thể tạo ra những nhân vật biết nói. Trong không ít trường hợp, phần mềm trí tuệ nhân tạo được sử dụng để gây ra vấn đề tin tức méo mó trong công chúng; chẳng hạn như vào năm ngoái khi Nga tấn công Ukraine, trên các nền tảng xã hội đã xuất hiện ảnh giả mạo Tổng thống Zelensky của Ukraine tuyên bố đầu hàng.

Các chuyên gia về thông tin sai lệch từ lâu đã cảnh báo, những hình ảnh deepfake có thể làm xói mòn khả năng của mọi người trong nhận diện thật/giả trên không gian mạng, thậm chí có thể bị lạm dụng để gây ra tình trạng bất ổn hoặc gây ra các vụ bê bối chính trị. Giờ đây những dự đoán này đã trở thành hiện thực.

Mặc dù deepfake bị bắt quả tang được sử dụng trong các chiến dịch thông tin sai lệch thân Trung Quốc vẫn còn rất vụng về khiến chúng có thể bị phát hiện nếu để ý một chút, nhưng thế giới loài người phải nghiêm túc cẩn trọng trước thực tế đối mặt với “một chương mới của cuộc chiến thông tin đã mở ra”.

Vương Quân, Vision Times

Nghiên cứu: Gần 200 ngân hàng Mỹ có nguy cơ sụp đổ giống SVB

Theo một nghiên cứu được công bố gần đây, có khoảng 200 ngân hàng khác ở Mỹ đang đứng trước trước những nguy cơ tương tự vốn khiến Ngân hàng Silicon Valley (SVB) sụp đổ vào đầu tháng này.

Các nhà nghiên cứu thuộc Mạng Nghiên cứu Khoa học Xã hội cho biết 186 ngân hàng trên khắp nước Mỹ có nguy cơ sụp đổ nếu một nửa số người gửi tiền không bảo hiểm của họ rút vốn. Tiền gửi tại các ngân hàng thành viên lên tới 250.000 USD sẽ được bảo hiểm bởi Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC); sau khi SVB sụp đổ, cơ quan này đã đồng ý điều chỉnh lại mức bảo hiểm tiền gửi.

“Các khoản lỗ kết hợp với đòn bẩy không được bảo hiểm tạo ra động cơ thúc đẩy những người gửi tiền không có bảo hiểm của SVB hành động”, phần tóm lượt của bài nghiên cứu viết. “Chúng tôi đã tính toán những động cơ tương tự trên mẫu nghiên cứu của tất cả các ngân hàng Hoa Kỳ. Ngay cả khi chỉ một nửa số người gửi tiền không được bảo hiểm quyết định rút tiền, thì gần 190 ngân hàng sẽ gặp nguy cơ tiềm ẩn đối với những người gửi tiền được bảo hiểm, với 300 tỷ USD tiền gửi bảo hiểm có khả năng gặp rủi ro.”

“Nếu việc rút tiền gửi không bảo hiểm gây ra khoản thiếu hụt dù là nhỏ, thì về cơ bản sẽ có nhiều ngân hàng gặp rủi ro hơn. Nhìn chung, những tính toán này cho thấy rằng sự sụt giảm gần đây về giá trị tài sản ngân hàng đã làm tăng đáng kể tính mong manh của hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ đối với việc rút tiền của những người gửi tiền không được bảo hiểm.”

Theo các tác giả của bài báo, người gửi tiền được bảo hiểm của những ngân hàng đó cũng có thể gặp vấn đề khi cố gắng rút tiền mặt nếu những ngân hàng này gặp phải việc rút tiền hàng loạt. Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng những ngân hàng này nắm giữ một lượng lớn tài sản của họ dưới dạng trái phiếu chính phủ và chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp, vốn phản ứng mạnh với mức lãi suất đã được Cục Dự trữ Liên bang tăng đáng kể trong năm qua.

“Tính toán của chúng tôi cho thấy các ngân hàng này chắc chắn có nguy cơ sụp đổ đột ngột nếu không có sự can thiệp hoặc tái cấp vốn khác của chính phủ”.

Bài nghiên cứu đã đánh giá sổ sách của các ngân hàng trên khắp Khoa Kỳ, tìm thấy sự không nhất quán ước tính 2 nghìn tỷ USD trong giá trị thị trường tổng thể của chúng. Bài viết cũng lưu ý rằng những người gửi tiền không được bảo hiểm là nguồn tài trợ chính cho các ngân hàng thương mại và chiếm khoảng 9 nghìn tỷ USD nợ phải trả, đồng nghĩa với việc nguy cơ bị rút tiền hàng loạt là một “rủi ro đáng kể” của các ngân hàng này.

“Khi lãi suất tăng, giá trị tài sản của ngân hàng có thể giảm, có khả năng dẫn đến phá sản ngân hàng thông qua hai nguyên nhân lớn nhưng có liên quan với nhau. Thứ nhất, nếu các khoản nợ của ngân hàng vượt quá giá trị tài sản của nó, thì ngân hàng đó có thể mất khả năng thanh toán. Điều này đặc biệt có khả năng xảy ra đối với những ngân hàng cần tăng lãi suất tiền gửi khi lãi suất chung tăng. Thứ hai, những người gửi tiền không được bảo hiểm có thể trở nên lo lắng về những tổn thất tiềm ẩn và rút tiền của họ, từ đó gây ra tình trạng rút tiền hàng loạt tại ngân hàng.”

Những chi tiết khác

Ngoài SVB, Ngân hàng Signature của New York cũng sụp đổ. Tuần trước, Ngân hàng First Republic có trụ sở tại California đã nhận được khoản tiền ‘tiếp tế’ trị giá 30 tỷ USD từ một số ngân hàng hàng đầu của Hoa Kỳ trong một gói được hỗ trợ bởi chính quyền Biden sau khi cổ phiếu của ngân hàng này lao dốc từ sự sụp đổ của SVB, làm dấy lên lo ngại rằng tình trạng này sẽ lan sang các ngân hàng khác trong khu vực .

Trong một tuyên bố chung, các tổ chức tài chính gồm Bank of America, Citigroup, JPMorgan Chase, Wells Fargo, Goldman Sachs, Morgan Stanley, BNY-Mellon, PNC Bank, State Street, Truist và U.S. Bank đồng ý sẽ cung cấp tiền mặt cho ngân hàng First Republic. Những khoản tiền gửi này sẽ không được bảo hiểm.

Một số người cho rằng những rắc rối mà các ngân hàng gặp phải gần đây là do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã tăng lãi suất một cách nhanh chóng để giảm mức lạm phát cao. Cổ phiếu của các ngân hàng khác ngoài First Republic cũng đã bị ảnh hưởng đáng kể trong vài ngày qua, trong đó có cổ phiếu ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sĩ giảm mạnh xuống mức thấp kỷ lục vào đầu tháng này.

Tập đoàn tài chính SVB xác nhận vào ngày 17/3 rằng họ đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản và sẽ tìm kiếm người mua tài sản của mình sau khi ngân hàng SVB bị các cơ quan quản lý liên bang tiếp quản. Tập đoàn cho biết họ có khoản 2,2 tỷ USD thanh khoản sau ghi nhận vào cuối năm ngoái với hơn 200 tỷ USD tài sản.

Trước khi FDIC vào cuộc, các khách hàng của SVB đã cố gắng rút 42 tỷ USD vào cùng ngày 9/3, trong bối cảnh lo ngại về sức khỏe tài chính tổng thể của ngân hàng.

Cũng trong ngày 17/3, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã phát biểu với các nhà lập pháp tại phiên điều trần của Ủy ban Tài chính Thượng viện rằng các khoản tiết kiệm và tiền gửi ngân hàng của người Mỹ “vẫn an toàn” trong bối cảnh hỗn loạn tài chính mới manh nha. Bà Yellen nhấn mạnh rằng Bộ Tài chính và các cơ quan liên bang khác cam kết đảm bảo hệ thống ngân hàng của Hoa Kỳ hoạt động tốt.

“Tôi có thể đảm bảo với các thành viên của ủy ban này rằng hệ thống ngân hàng của chúng tôi vẫn ổn định và người Mỹ có thể cảm thấy tự tin rằng tiền gửi của họ sẽ ở đó khi họ cần”, bà Yellen phát biểu trong một tuyên bố đã được chuẩn bị sẵn. “Những hành động trong tuần này thể hiện cam kết kiên quyết của chúng tôi nhằm đảm bảo rằng tiền tiết kiệm của người gửi vẫn an toàn.”

Vy An (Theo Epoch Times)

Ông Putin bất ngờ đến thăm thành phố cảng Mariupol do Nga chiếm đóng

Hình ảnh chụp từ video do đài truyền hình Nga VGTRK phát hành hôm 19/3/2023 cho thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) đang nói chuyện với Phó Thủ tướng Marat Khusnullin khi họ xem các hình minh họa tái thiết trong khi ông đến thăm thành phố Mariupol của Ukran tối ngày 18/3/2023. (Ảnh: Pool/AFP/Getty Images)

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có chuyến thăm bất ngờ tới thành phố cảng Mariupol. Đây là chuyến công du đầu tiên của ông tới một thành phố do lực lượng Nga kiểm soát từ tháng 5/2022.

Thành phố cảng Mariupol nằm ở vùng Donetsk, một trong bốn khu vực bị Nga chiếm đóng và sáp nhập từ Ukraine vào tháng 9/2022. Cộng đồng quốc tế và các quốc gia tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã lên án vụ sáp nhập này là “bất hợp pháp”.

Ông Putin đã đặt chân đến Mariupol vào tối 18/3 (theo giờ địa phương) sau khi thăm Bán đảo Crimea ở phía tây nam Mariupol để kỷ niệm 9 năm ngày Nga sáp nhập bán đảo này từ Ukraine, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết hôm Chủ nhật (19/3).

Hãng thông tấn Nga TASS cho hay, ông Putin đã tới Mariupol bằng trực thăng. Một video chính thức cho thấy ông Putin lái xe hơi để thị sát một số địa điểm trong thành phố và trò chuyện với người dân địa phương vào ban đêm.

Trong video, ông ngồi trong xe hơi với Phó Thủ tướng Nga Marat Khusnullin, người giải thích về các nỗ lực tái thiết thành phố. Truyền thông Nga cho hay ông Putin đã tự lái xe quanh “các khu tưởng niệm”, phòng hòa nhạc và bờ biển của thành phố cảng.

Hôm 18/3, nhà lãnh đạo Nga đã đi cùng với Thống đốc địa phương, ông Mikhail Razvozhayev, khi đến thăm thành phố cảng Biển Đen Sevastopol ở Bán đảo Crimea. Sau đó, ông cũng đến thăm một trung tâm trẻ em và trường nghệ thuật mới trong khu vực này.

Sau chuyến thăm tới Mariupol, ông Putin đã gặp các nhà lãnh đạo quân sự và quân đội Nga tại một sở chỉ huy ở Rostov-on-Don, một thành phố miền nam nước Nga cách xa hơn khoảng 180 km về phía đông, và hội đàm với Tướng Valery Gerasimov, người đang phụ trách các hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine, ông Peskov cho biết.

Theo đó, ông Putin muốn “kiểm tra công việc của bộ chỉ huy trong điều kiện hoạt động bình thường”.

Năm ngoái, một nhóm nhỏ của lực lượng Ukraine đã cầm chân quân đội Nga trong gần 3 tháng tại một nhà máy thép ở Mariupol trước khi đầu hàng Nga vào tháng 5/2022.

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti, Phó Thủ tướng Nga Marat Khusnulin tái khẳng định sự hiện diện không ngừng của Nga tại thành phố cảng Mariupol, đồng thời cho biết thêm rằng việc tái thiết các khu vực của thành phố bị phá hủy trong cuộc xung đột sẽ được hoàn tất vào cuối năm nay.

“Người dân đã bắt đầu quay trở lại. Họ tích cực quay trở lại khu vực này sau khi họ nhận thấy rằng quá trình tái thiết đang được tiến hành”, ông Khusnulin nói với hãng tin RIA Novosti.

Trước khi Nga xâm lược Ukraine, Mariupol có dân số lên đến 450.000 người. Tuy nhiên, sau khi Nga chiếm đóng thành phố vào tháng 5/2022, chỉ còn khoảng 100.000 người còn trụ lại nơi đây, nhiều người trong số đó không có thức ăn, nước uống hoặc các nhu yếu phẩm cơ bản. Thành phố cảng đã phải hứng chịu một số cuộc oanh tạc dữ dội nhất, khiến nhiều tòa nhà và công trình kiến trúc bị phá hủy.

Chuyến thăm bất ngờ của ông Putin tới Mariupol diễn ra chưa đầy 2 ngày sau khi Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) hôm 17/3 phát lệnh bắt giữ nhà lãnh đạo Nga với cáo buộc Moscow “có thể liên quan tội ác chiến tranh” khi đưa trẻ em từ các khu vực bị chiếm đóng của Ukraine sang Nga một cách bất hợp pháp.

Đáp lại, ông Putin đã không bình luận về trát này. Phía Điện Kremlin, vốn không công nhận thẩm quyền của tòa án, tuyên bố trát này không có hiệu lực pháp lý.

Chuyến thăm Mariupol của ông Putin cũng diễn ra trước chuyến thăm dự kiến tới Moscow của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trong tuần này. Chuyến thăm của ông Tập được kỳ vọng sẽ mang lại một huyết mạch ngoại giao cho ông Putin, trong nỗ lực nhằm chống lại áp lực không ngừng nghỉ từ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các đồng minh của tổ chức này.

Phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby nói với đài Fox News rằng bất kỳ lời kêu gọi ngừng bắn nào ở Ukraine xuất phát từ cuộc gặp giữa hai nguyên thủ quốc gia Nga – Trung là điều không thể chấp nhận được đối với Hoa Kỳ, bởi vì nó sẽ chỉ “phê chuẩn cuộc chinh phạt của Nga cho đến nay” và cho Moscow “thời gian để tái trang bị, đào tạo lại, tái điều động và cố gắng lên kế hoạch cho một cuộc tấn công mới”.

Ông Mykhailo Podolyak, chánh văn phòng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, đã tỏ ra khinh bỉ chuyến đi của ông Putin tới Mariupol.

“Tội phạm luôn bị lôi cuốn đến hiện trường vụ án. Trong khi các quốc gia trên thế giới văn minh thông báo về việc bắt giữ ‘lãnh đạo chiến tranh’ nếu anh ta vượt qua biên giới, thì kẻ tổ chức các vụ sát hại hàng nghìn gia đình Mariupol đã đến đây để chiêm ngưỡng những tàn tích và những ngôi mộ tập thể của thành phố này”.

Nhiều chính phủ phương Tây đã lên án việc Nga sáp nhập Bán đảo Crimea vào năm 2014. Tháng 9/2022, Moscow chính thức tuyên bố 4 khu vực phía nam và phía đông Ukraine là lãnh thổ của Nga sau các cuộc trưng cầu dân ý bị phương Tây bác bỏ.

Lam Giang tổng hợp

Bà Pelosi cáo buộc ông Trump ‘kích động bạo lực’

Cựu Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi phát biểu trong một cuộc họp báo tại Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ ở Washington, Hoa Kỳ, hôm 29/7/2022. (Ảnh: Ting Shen/Bloomberg/Getty Images)

Cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi hôm thứ Bảy (19/3) đã chỉ trích tuyên bố của cựu Tổng thống Donald Trump về việc ông có thể bị bắt vào tuần tới, và gọi đó là hành động ‘liều lĩnh’ và cáo buộc ông ‘kích động bạo lực’.

Theo hãng tin Fox News, bà Pelosi đã đăng tải lên Twitter vào ngày 18/3 rằng: “Tuyên bố của cựu Tổng thống sáng nay rất liều lĩnh. Ông ấy làm vậy là vì để bản thân tiếp tục xuất hiện trong các bản tin và kích động những người ủng hộ ông ấy bạo loạn. Ông ấy không thể trốn tránh việc vi phạm pháp luật, không tôn trọng các cuộc bầu cử của chúng ta và kích động bạo lực. Hệ thống pháp luật của chúng ta sẽ quyết định cách thức buộc ông ấy phải chịu trách nhiệm”.

Bà Pelosi đăng tải bình luận trên sau khi ông Trump thông báo trên mạng xã hội Truth Social rằng ông có thể bị bắt vào hôm 21/3. Trong khi đó, truyền thông cho biết văn phòng luật sư quận Manhattan đang chuẩn bị đưa ra cáo trạng về các khoản tiền mà Trump đã thực hiện với tư cách là ứng cử viên Tổng thống vào năm 2016.

Bà Pelosi cũng ẩn ý trên Twitter rằng ông Trump có thể bị truy tố.

Bà viết: “Dù đại bồi thẩm đoàn quyết định như thế nào, thì những cân nhắc của họ đều biểu thị rõ ràng: Không ai đứng trên luật pháp, kể cả cựu Tổng thống Mỹ”.

Theo hãng tin The Hill, cựu Phó Tổng thống Mike Pence lập luận rằng việc Văn phòng Biện lý Quận Manhattan truy tố ông Donald Trump sẽ là một “vụ truy tố mang tính chính trị”.

Trong một cuộc phỏng vấn với chương trình “This Week” của đài ABC, được phát sóng ngày 19/3, Phó Tổng thống Pence nói rằng: “Tôi ngạc nhiên trước ý tưởng truy tố một cựu Tổng thống Hoa Kỳ vào thời điểm Thành phố New York đang trải qua một làn sóng tội phạm. Tôi cho rằng sự việc này chỉ cho quý vị thấy rõ hơn về phe cánh tả cực đoan ở đất nước này khi công tố viên Manhattan cho rằng việc truy tố Tổng thống Trump là ưu tiên hàng đầu của họ”.

Tuy nhiên, ông Pence cũng lập luận rằng nếu ông Trump bị truy tố, bất kỳ cuộc biểu tình nào diễn ra nhằm phản đối sự việc đó cũng cần phải đúng luật và phi bạo lực.

“Chúng ta tôn trọng quyền của người dân nhằm bày tỏ sự bất mãn với cuộc truy tố mang tính chính trị nhằm vào cựu Tổng thống. Bạo lực xảy ra vào ngày 6/1/2021, bạo lực từng xảy ra ở các thành phố trên khắp nước Mỹ vào mùa hè năm 2020 là một sự ô nhục. Người dân Mỹ sẽ không tha thứ cho điều đó và bất kỳ ai gây bạo lực sẽ bị trừng phạt với mức án cao nhất”, cựu “phó tướng” của ông Trump nhấn mạnh.

“Vụ việc này giống như một vụ truy tố mang tính chính trị. Và về phần mình, tôi chỉ cảm thấy đó không phải là điều mà người dân Mỹ muốn chứng kiến”, ông Pence nói.

Phát ngôn viên của ông Trump, ông Steven Cheung, nói với The Epoch Times trong một tuyên bố gửi qua thư điện tử rằng cựu Tổng thống chưa nhận được thông báo chính thức về bất kỳ vụ bắt giữ nào đang chờ xử lý.

“Không có bất kỳ thông báo chính thức nào ngoài những thông tin rò rỉ bất hợp pháp từ Bộ Tư pháp và Văn phòng Biện lý quận Manhattan cho đài NBC và các hãng tin giả khác rằng công tố viên Đảng Dân chủ Cấp tiến do ông George Soros tài trợ ở Manhattan đã quyết định nâng Cuộc săn phù thủy của mình lên một tầm cao mới”, ông Steven Cheung nói.

“Cựu Tổng thống Trump đang nhấn mạnh một cách đúng đắn sự vô tội của mình cũng như sự vũ khí hóa hệ thống tư pháp của chúng ta”, ông tiếp tục.

Trao đổi với đài Fox News trong một tuyên bố hôm thứ Sáu (17/03), ông Cheung nói rằng ông Trump “hoàn toàn vô tội” và cuộc điều tra này là một cuộc tấn công có động cơ chính trị nhằm cản trở cuộc tái tranh cử của ông vào năm 2024.

“Các đảng viên Đảng Dân chủ lại làm điều đó, nhấn ‘Nút hạt nhân’ và tấn công một Tổng thống vì một kẻ tống tiền đáng xấu hổ. Điều này sẽ gây phản tác dụng mạnh mẽ cho Đảng Dân chủ và kết thúc bằng sự ô nhục cho Quốc gia của chúng ta”.

Một số nhân vật nổi tiếng của công chúng, bao gồm Giám đốc điều hành Tesla, ông Elon Musk, đã bày tỏ lo ngại rằng việc ông Trump có thể bị truy tố và bắt giữ sẽ phản tác dụng.

Ông Musk tuyên bố trên Twitter rằng nếu ông Trump bị bắt giữ vào tuần tới, ông tin rằng cựu Tổng thống sẽ tái đắc cử trong một chiến thắng áp đảo.

Trao đổi với hãng tin Newsmax hôm 17/3, cựu Dân biểu đảng Cộng hòa và người sáng lập Truth Social Devin Nunes nói rằng, việc truyền thông đưa tin về bản cáo trạng cho thấy rằng nước Mỹ hiện đang chuyển thành một “nền cộng hòa chuối”. Đó là nơi mà hệ thống tư pháp được sử dụng để nhắm vào các đối thủ chính trị.

“Với tư cách là người dẫn đầu cuộc điều tra về trò lừa bịp của Nga, tôi đã nói từ lâu rằng nước Mỹ đã trở thành một nước cộng hòa chuối. Đó là nơi mà quý vị có một hệ thống tư pháp hai tầng, nơi đảng Dân chủ nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Và sau đó một người nào đó như Tổng thống Trump, hoặc các đảng viên Cộng hòa khác, phải tuân theo tiêu chuẩn lố bịch này”, ông Nunes nói với hãng tin này.

Cũng giống như ông Musk, ông Nunes tin rằng việc truy tố ông Trump sẽ phản tác dụng.

“Nếu họ tiếp tục truy tố, điều đó sẽ chỉ giúp Tổng thống Trump dễ dàng thắng cử hơn vì mọi người đã nhìn ra bản chất của sự việc này. [Đây] chỉ là một trò hề, và là một cuộc tấn công khác nhằm vào ông Trump để bằng mọi giá ngăn ông ấy trở thành Tổng thống Mỹ một lần nữa”.

Thanh Hải tổng hợp

Related posts