Liên Thành
Da Ji Yuan mới đây đã đăng một bài viết về cựu nhân viên lãnh sự quán Trung Quốc, cho biết về quá trình dẫn tới quyết định chạy trốn của anh. Sau đây là những nội dung chính của bài viết.
Đổng La Bân (Dong Luobin), một nhân viên ngoại giao sinh sau thập niên 80 đã trốn khỏi Lãnh sự quán Trung Quốc ở New Zealand, cho biết: “Chúng ta đang sống trong một thế giới trần trụi, không có bất kỳ sự riêng tư nào. Tất cả những điều này đã gieo mầm cho cuộc chạy trốn của tôi ngày hôm nay”.
Năm năm trước, Đổng La Bân, đến từ vùng nông thôn Hà Bắc, Trung Quốc, được Bộ Ngoại giao Trung Quốc cử đến làm việc tại Lãnh sự quán Trung Quốc ở thành phố Auckland, New Zealand. Anh nói với các phóng viên rằng khi anh ấy đến Auckland vào tháng 3 năm 2018, hộ chiếu của anh đã bị nhân viên đại sứ quán tịch thu ngay khi anh ra khỏi sân bay. Sau khi đến lãnh sự quán, sau bữa ăn, cấp trên lập tức tuyên bố “kỷ luật” với những người mới đến – không được phép ra ngoài một mình, ít nhất ba người trở lên mới có thể ra ngoài, và phải giám sát lẫn nhau.
Đổng La Bân giải thích: “Chỉ có hai người thì không thể ra ngoài. Phải có ba người mới có thể giám sát lẫn nhau. Mỗi lần ra ngoài đều có bốn năm người, năm sáu người thậm chí hàng chục người đi cùng nhau. Luôn luôn là một nhóm hoạt động”.
“Sau khi ra ngoài, bạn không được phép tiếp xúc với người ngoài. Một khi bị phát hiện ra, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Ví dụ, một sự việc xảy ra gần đây đã được báo cáo trong ‘tất cả các đại sứ quán’ (các đại sứ quán và lãnh sự quán Trung Quốc trên toàn thế giới). Có một nhân viên hậu cần của đại sứ quán nói với một người gốc Hoa địa phương mấy câu thì bị tuỳ viên quân sự của đại sứ quán phát hiện ra rằng người gốc Hoa địa phương đó đến từ Đài Loan, do đó nhân viên hậu cần này ngay lập tức được điều trở lại Trung Quốc”.
Dù là hậu cần hay quan chức ngoại giao, nhân viên lãnh sự quán đều “sống không bằng con người”
Ngoài việc không có tự do cá nhân ở nước ngoài, Đổng La Bân còn nhận thấy rằng, ngay cả tự do tư tưởng cũng không có. Tổng lãnh sự thậm chí còn cảnh báo rằng mọi hoạt động của nhân viên đại sứ quán đều minh bạch.
Đổng La Bân kể: “Sau khi bạn đến Lãnh sự quán Trung Quốc ở Auckland, bạn sẽ được xem một số video tuyên truyền của ĐCSTQ mỗi tuần, liên tục tẩy não bạn và tăng cường cái gọi là ‘giáo dục tư tưởng’”.
Đổng La Bân nói: “Công việc và cuộc sống của nhân viên lãnh sự quán đều nằm trong bức tường, và họ không thể đọc báo địa phương hay xem các trang web nước ngoài. Thẻ điện thoại di động của chúng tôi đều do lãnh sự quán cấp, Internet chúng tôi sử dụng đều là thiết bị của Trung Quốc và mã của mỗi văn phòng là khác nhau. Tổng lãnh sự cũng nói rằng mọi hoạt động của bạn ở đây đều minh bạch. Vì vậy, tôi nghĩ rằng không có sự khác biệt giữa ở đây và Trung Quốc, thậm chí ở Trung Quốc còn tốt hơn”.
Anh Đổng nói: “Bộ Ngoại giao không phải là bộ phận duy nhất trong lãnh sự quán. Theo như tôi biết, còn có những người từ các tỉnh khác nhau ở Trung Quốc thuộc Ban Tuyên truyền hoặc Bộ Văn hóa. Bạn không biết danh tính của anh ta, ngay cả khi bạn biết địa vị bề ngoài của anh ta, bạn cũng không biết anh ta làm gì, có thể một trong số họ là gián điệp hoặc mật vụ. Công việc của mỗi người là khác nhau, nhưng đều giám sát lẫn nhau, chính là muốn tạo ra bầu không khí như vậy, khiến mọi người cảm thấy lo lắng, vì vậy mọi người đều nói chuyện nhỏ giọng”.
Đổng La Bân cho biết áp lực của môi trường khiến con người cảm thấy đau khổ, và nỗi đau này ngày càng trầm trọng hơn theo thời gian.
“Công việc của chúng tôi có vẻ rất vẻ vang, và chúng tôi ăn mặc chỉnh tề khi ra ngoài. Thực tế, dù bạn là nhân viên hậu cần hay nhà ngoại giao, thì đều sống không bằng con người. Mọi người đều chịu rất nhiều áp lực và không tin tưởng lẫn nhau. Làm việc vất vả không sao, nhưng môi trường áp lực mới thật sự thống khổ. Bạn biết rõ rằng nếu bạn bước ra khỏi cánh cửa này chính là một thế giới tự do, nhưng bạn không thể đi ra được. Sự thống khổ ngày càng lớn dần, ‘không thể hỏi điều không nên hỏi, không thể nói những điều không được nói, không thể nhìn những gì không nên nhìn’.”
Lãnh đạo Lãnh sự quán Trung Quốc: Cuộc sống của người Trung Quốc còn không được tự do như thú cưng của nước ngoài
Đổng La Bân (Dong Luobin) cũng nhìn ra lý do tại sao Lãnh sự quán Trung Quốc lại đề phòng nhân viên như vậy: “Mục đích của tất cả các quy tắc họ đặt ra, chính là sợ rằng người của họ sẽ biết rằng mọi người còn có thể có cách sống khác, và họ sợ rằng các giá trị quan của thế giới tự do sẽ ảnh hưởng đến bạn”.
Anh Đổng kể: “Một lãnh đạo cấp cao của Lãnh sự quán Trung Quốc có nuôi một con chó. Trong một lần ngồi trên xe, ông ta vô tình nói: Cuộc sống của người Trung Quốc còn không được tự do như chó của nước ngoài”. Câu nói này khiến Đổng La Bân cảm khái vạn lần, ngầm hạ quyết tâm “nhất định phải chạy trốn”.
Theo các báo cáo, vào tháng 5 năm 2018, cảm thấy có cơ hội tốt, Đổng La Bân đã lao ra khỏi Lãnh sự quán Trung Quốc ở Auckland mà không ngoảnh mặt lại, sau đó nộp đơn xin tị nạn chính trị cho chính phủ New Zealand. Trên đất New Zealand, đây là trường hợp đầu tiên nhân viên chính phủ nước ngoài bỏ trốn và có thể là duy nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Sau khi Đổng La Bân bỏ trốn, Lãnh sự quán Trung Quốc đã tìm kiếm anh khắp nơi, và các thành viên gia đình anh ở Trung Quốc liên tục bị các ban ngành của chính quyền TQ tra hỏi và sách nhiễu. Nhưng trong thâm tâm anh biết rằng anh sẽ không bao giờ có thể quay trở lại nữa.
Sau khi vợ của Đổng biết tin, cô ấy không bỏ rơi anh và nuôi con một mình. Sau nhiều năm gian khổ, cuối cùng cả gia đình cũng được đoàn tụ.
Đổng La Bân, khi đó 34 tuổi, không có chức vụ cao trong Lãnh sự quán Trung Quốc ở Auckland, nhưng anh được trả lương cao và có ngoại hình đẹp. Báo cáo nói rằng, không lâu sau khi bỏ trốn, anh đã tiết lộ hành trình lựa chọn “chạy trốn” của mình. Nhưng báo cáo đã bị gác lại vào thời điểm đó do những lo ngại về an ninh. Cho đến vài ngày trước, anh mới quyết định công khai trải nghiệm này.
Lúc 5 tuổi chứng kiến vụ đàn áp đẫm máu: “Máu chảy từ trong sân ra ngoài”
Đổng La Bân (Dong Luobin) sinh năm 1984 trong một gia đình Công giáo. Anh nhớ lại rằng khi anh 5 tuổi, anh đã tận mắt chứng kiến sự đàn áp mạnh mẽ của chính quyền Trung Quốc đối với Giáo hội Công giáo trung trinh mà anh đang tu tập trong đó.
Anh nói: “Do truyền thừa từ lịch sử, hơn 80% người dân trong làng chúng tôi là người Công giáo. Lý do làng chúng tôi bị đàn áp là vì chính quyền TQ muốn quy tất cả Công giáo và Cơ đốc giáo vào ‘Giáo hội yêu nước Tam tự’ đặt dưới sự kiểm soát của chính quyền. Tiếp theo, họ muốn phá bỏ nhà thờ hiện có của chúng tôi do các nhà truyền giáo phương Tây xây dựng và xây dựng lại một nhà thờ được chính quyền phê duyệt, và linh mục nên được thay thế bằng một người do chính phủ bổ nhiệm, nhưng dân làng không đồng ý và không cho phép chính quyền làm như vậy, họ không có lý do chính đáng nên kiếm cớ để phá bỏ nhà thờ”.
Cái gọi là “Giáo hội yêu nước Tam tự” là một giáo hội Cơ đốc giáo Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Cục quản lý các vấn đề tôn giáo của chính quyền Trung Quốc, bao gồm đạo Tin lành và Công giáo, với mục đích là “tự quản, tự dưỡng và tự truyền bá.” Nói cách khác, Cơ đốc giáo ở Trung Quốc là một tổ chức tôn giáo dưới sự lãnh đạo của chính quyền TQ không liên quan gì đến các đoàn thể tôn giáo nước ngoài”.
Đổng La Bân nói: “Thực ra ai cũng hiểu tại sao chính quyền lại phá bỏ nhà thờ. Nếu không đi, họ sẽ lấy nhiều lý do để đe dọa, thế là mâu thuẫn nảy sinh và họ bắt đầu đàn áp. Lúc đầu, cảnh sát vũ trang đến nhưng họ không không ngờ giáo hội có nhiều tín đồ và đồng tâm hiệp lực đến như vậy, do đó họ phái thêm quân đội tới, áp đặt lệnh giới nghiêm, bao vây toàn bộ thôn, chỉ được phép vào, không được phép ra, ra sẽ bị bắn”.
“Lúc đó tôi mới 5 tuổi, nhưng tôi nhớ rõ rằng những người lính yêu cầu chúng tôi ngồi trên bậc thềm và đặt tay sau lưng, không cử động. Chúng tôi đã thấy cảnh sát vũ trang và binh lính đánh đập các giáo hữu, bao gồm cả các linh mục và hội trưởng giáo hội. Ban ngày họ dùng gạch, gậy gộc để đánh người, ban đêm nếu ai ra khỏi thôn liền bị bắn. Có một người bị bắn mấy phát, cuối cùng phải chạy vào chuồng lợn mới có thể giữ mạng. Bây giờ ông ấy vẫn còn sống”.
“Lúc đó có một linh mục, và giáo hữu muốn bảo vệ ông ấy, những người lính liền đánh những giáo hữu này trong sân của linh mục, bị đánh đến nỗi co quắp cả lại và không thể di chuyển được. Một số đã bị đánh chết, một số người bị thương, máu chảy từ sân ra bên ngoài”.
“Lúc tôi hơn 20 tuổi, khi nghe những người thuộc thế hệ đó kể về sự việc này, tôi mới biết rằng, năm đó bệnh viện được lệnh không điều trị cho những tín đồ bị thương này. Có một hội trưởng giáo hội lẽ ra có thể điều trị được, nhưng chính quyền Trung Quốc biết người này dẫn đầu phản kháng nên liền bức hại ông ấy, cuối cùng vị hội trưởng này đã trở thành người thực vật, nằm trên giường hơn 20 năm cho đến khi chết. Tôi đã gặp vị hội trưởng này mấy lần, ông gần như chỉ còn da bọc xương.”
Đổng La Bân nói rằng anh ấy không thực sự hiểu những điều xảy ra vào thời điểm đó cho đến khi anh ấy lớn lên, và những điều này chỉ được truyền miệng trong làng của anh ấy, và rất ít người bên ngoài biết về chúng.
Anh ấy nói rằng niềm tin tôn giáo của anh ấy đã khiến anh ấy lớn lên trong sự áp chế, và khi anh ấy càng lớn hơn, anh ấy ngày càng cảm thấy nhân tính của mình bị áp chế.
“Lớn lên, tôi phát hiện đi nhà thờ chỉ có thể đến nhà người khác, không thể tham gia một cách quang minh chinh đại (công khai). Các linh mục sau thánh lễ phải vội vã ra về, không dám ở lại dù chỉ một khắc, và họ phải đi cửa sau. Khi đến lễ Giáng sinh, Lễ Phục sinh hoặc các ngày lễ lớn, các linh mục trong làng đều bị ‘bắt đi uống trà’ (đi gặp nhân viên chính quyền). Do đó chúng tôi phải tìm các linh mục từ các giáo phận khác và đưa họ đến làm lễ vào đêm khuya, ngay cả khi trời rất lạnh.”
Quan trọng hơn là, những giá trị tốt đẹp mà tôn giáo nắm giữ không được xã hội chấp nhận. Anh nói: “Không chỉ vậy, khi tôi bước vào xã hội, tôi chợt thấy rằng những giá trị phổ quát mà tôi đã tiếp nhận như lòng bác ái, lòng nhân ái, suy nghĩ cho người khác và tha thứ cho kẻ thù hoàn toàn không được xã hội chấp nhận, ngược lại, mọi người còn cho rằng bạn có vấn đề”.
Đổng La Bân (Dong Luobin) cũng kể lại rằng khi anh ấy 28 tuổi, anh ấy suýt bị bắt vì một bài viết mà anh ấy đăng trên Internet.
“Tôi từng đăng một bài viết trên mạng xã hội QQ về giáo hội và hiện trạng các vấn đề xã hội ở Trung Quốc. Tôi gửi nó đi vào khoảng 9 giờ tối hôm đó. Đến gần 12 giờ đêm, tôi bất ngờ thấy có rất nhiều xe ô tô trước nhà, tiếng đóng cửa và xuống xe. Tôi đang nằm nghỉ thì bỗng lòng bàn chân toát mồ hôi, lúc đó tôi mới ý thức được nguy hiểm đang đến gần”.
“Nhưng họ lại không bắt tôi. Một lúc sau một người lớn tuổi trong làng nói với tôi rằng họ định bắt tôi vào đêm đó vì bài viết tôi đăng trên mạng. Nhưng ông ấy đã bảo đảm cho tôi vào thời điểm đó, vì vậy tôi đã thoát khỏi kiếp nạn này. Lúc đó, tôi mới nhận ra rằng trên Internet thực sự không có tự do”.
Mặc dù đã biết rõ rằng không có tự do trên Internet ở Trung Quốc, Đổng La Bân vẫn đăng lại một số bài viết trên WeChat, nhưng chúng đã nhanh chóng bị xóa.
Anh ấy nói: “Sau đó trên WeChat, tôi định đăng lại một số bài viết hay, phản ánh tình hình xã hội Trung Quốc hiện nay, nhưng phát hiện rằng chúng đã nhanh chóng bị xóa. Sau vài giờ đăng, tôi xem lại thì thấy chúng đã biến mất, thậm chí bài viết của cá nhân tôi, tất cả đều biến mất. Chúng ta đang sống trong một thế giới trần trụi, không có bất kỳ sự riêng tư nào. Tất cả những điều này đã gieo mầm cho cuộc chạy trốn của tôi ngày hôm nay. Vào thời điểm đó, tâm thái chạy trốn này đã rất mạnh mẽ: “phải rời khỏi Trung Quốc”.