Mỹ phát hiện dấu hiệu đạn dược Trung Quốc nghi được Nga dùng ở Ukraine

Các binh sĩ thuộc Trung đoàn bộ binh xung kích số 5 của Ukraine cho đạn vào thùng trước khi đặt súng phóng lựu tự động MK-19 do Mỹ sản xuất về phía các vị trí của Nga cách đó chưa đầy 800 mét tại tiền tuyến gần Toretsk ở vùng Donetsk vào ngày 12 tháng 10 năm 2022. (Ảnh: YASUYOSHI CHIBA/AFP via Getty Images)

Các nguồn tin từ chính phủ Mỹ cho biết hôm 17/3 rằng Mỹ đã phát hiện đạn dược Trung Quốc đã xuất hiện trên chiến trường ở Ukraine. Phía Mỹ nghi ngờ chúng được lực lượng Nga sử dụng.

Các quan chức Mỹ cuối tuần qua xác nhận với báo Nhật Kyodo News rằng họ đã phát hiện đạn do Trung Quốc sản xuất được sử dụng trên chiến trường Ukraine, sau khi phân tích thành phần và các yếu tố khác của chúng.

“Đó là điều mà chúng tôi đã rất cảnh giác và tiếp tục theo dõi cẩn thận”, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói, thêm rằng Washington sẽ có hành động nếu xác định được Bắc Kinh đã cung cấp số đạn này. Các quan chức Mỹ không nói rõ loại đạn nào được sử dụng.

Mỹ cũng đã thông báo cho một số nước đối tác về vấn đề này, nguồn tin tiết lộ thêm.

Phản ứng trước thông tin này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân hôm 20/3 tuyên bố “chính Washington là bên cung cấp vũ khí vào chiến trường Ukraine, không phải Bắc Kinh”.

Thông tin được đưa ra giữa lúc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang có chuyến thăm cấp nhà nước tới Moscow từ hôm 20/3. Trong chuyến công du đầu tiên tới Nga kể từ khi cuộc chiến Ukraine bắt đầu vào tháng 2 năm ngoái, ông Tập được cho là sẽ tái khẳng định mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Trong cuộc hội đàm với ông Tập, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cảnh báo ông về những hậu quả nghiêm trọng nếu Trung Quốc hỗ trợ quân sự cho Nga trong cuộc chiến ở Ukraine.

Khi cuộc chiến ở Ukraine bước sang năm thứ hai, nếu Mỹ xác nhận đạn dược Trung Quốc đang được Nga sử dụng thì căng thẳng giữa đôi bên sẽ tiếp tục không thể hạ nhiệt. Tổng thống Biden đã nói vào đầu tuần này rằng ông mong sớm được nói chuyện với Tập mà không cần giải thích chi tiết.

Trung Quốc đang cố gắng thể hiện mình là một nhà môi giới hòa bình trung lập và liên tục phủ nhận mọi ý định cung cấp vũ khí cho Nga trong cuộc chiến ở Ukraine. Nhưng nước này đã tránh lên án cuộc tấn của Nga nhằm vào nước láng giềng.

Quân nhân Ukraine bắn một khẩu lựu pháo M777 vào các vị trí của Nga gần Bakhmut, miền đông Ukraine, vào ngày 17 tháng 3 năm 2023, trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraine. (Ảnh: ARIS MESSINIS/AFP via Getty Images)

Khi giao tranh ở miền đông Ukraine gia tăng, các quan chức phương Tây cho biết quân đội Nga và Tập đoàn Wagner, lực lượng lính đánh thuê chiến đấu cho Điện Kremlin, đang phải vật lộn với tình trạng thiếu đạn dược.

Người sáng lập công ty quân sự tư nhân Wagner, Yevgeny Prigozhin, hồi tháng trước đã cáo buộc quân đội Nga và Bộ Quốc phòng không cung cấp đủ đạn dược cho các tay súng của họ.

Theo các nguồn tin, trong khi quân đội Ukraine cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt, lực lượng lính đánh thuê Wagner hiện đang cố gắng chuyển vũ khí của họ ở các quốc gia khác để dùng trong cuộc chiến đang diễn ra.

Trang Politico của Hoa Kỳ tuần này đưa tin rằng, các công ty Trung Quốc đã gửi cho các thực thể của Nga 1.000 khẩu súng trường tấn công, các bộ phận máy bay không người lái và các thiết bị khác có khả năng sử dụng trong quân sự.

Dữ liệu hải quan cho thấy các lô hàng được thực hiện từ tháng 6 đến tháng 12 năm ngoái, theo Politico. Dù vậy, dữ liệu không cho thấy rằng liệu các mặt hàng này có được gửi đến Nga một cách cụ thể để hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của nước này ở Ukraine hay không.

Phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia của Nhà Trắng John Kirby cho biết: “Chúng tôi vẫn có cùng mức độ lo ngại như đã nói trước đó về khả năng Trung Quốc cung cấp vũ khí sát thương và năng lực sát thương cho Nga. Song chúng tôi tin rằng họ vẫn chưa đưa ra quyết định chính thức”.

Trung Quốc luôn phủ nhận điều việc cung cấp vũ khí cho Nga, chỉ trích Mỹ mới là bên cung cấp vũ khí nhiều nhất vào chiến trường Ukraine. Bắc Kinh cũng cáo buộc Washington bôi nhọ, gây ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ hai bên cũng như tiến trình giải quyết xung đột Ukraine.

Trung Quốc là quốc gia có quan hệ chặt chẽ với Nga, nhiều lần kêu gọi các bên tìm kiếm giải pháp hòa bình cho xung đột Ukraine và từ chối trừng phạt Moscow, bất chấp sức ép của phương Tây. Bắc Kinh gần đây công bố kế hoạch 12 điểm về hòa bình Ukraine, được Nga, Belarus ủng hộ, song các nước phương Tây cho rằng kế hoạch này phản ánh chưa đầy đủ cuộc chiến.

Mỹ cũng bày tỏ hoài nghi về chuyến thăm của ông Tập đến Nga, cho rằng những đề xuất hòa bình mà ông Tập đưa ra chỉ thể hiện quan điểm một chiều về chiến sự Ukraine và có lợi cho Nga.

Viên Minh (Tổng hợp)

Related posts