Trân Văn
27-3-2023
Liệu lần này, UBND TP.HCM có làm… “mái” để “che” cho “sáng kiến” của Sở QHKT TP.HCM như trước nay, hệ thống công quyền từ trung ương tới địa phương vẫn làm như thế với đủ loại “sáng kiến” bất kể thường dân xúm vào phân tích thiệt – hơn thế nào?
Tờ Tuổi trẻ vừa công bố kết quả cuộc khảo sát ý kiến độc giả về “sáng kiến” mà Sở Quy hoạch – Kiến trúc (Sở QHKT) ở TP.HCM vừa đệ trình UBND TP.HCM: Làm “mái che” cho vỉa hè đường Lê Lợi trên địa bàn quận 1.
Theo kết quả cuộc khảo sát vừa đề cập thì 84,4% không tán thành “sáng kiến” của Sở QHKT. Theo họ, “mái che” sẽ sớm hư hỏng do thời tiết. Muốn tạo bóng mát, tốt nhất là trồng thêm cây trên lề của trục đường này (1).
***
“Sáng kiến” dựng… “mái che” có chiều ngang 4 mét, chạy dọc vỉa hè đường Lê Lợi được giới thiệu hồi cuối tuần trước. Sở QHKT TP.HCM cho rằng cần làm điều này vì… Đường Lê Lợi đã được tái lập nguyên trạng, giao thông thông thoáng nhưng cảnh quan và các tiện ích cho hoạt động mua sắm, đi bộ của người dân cũng như du khách vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ, trong khi đây là trục đường có tính chất thương mại, nơi dừng chân của du khách và là cầu nối của các công trình trọng điểm cho nên cần phải nghiên cứu xây dựng trục đường này trở thành khu phố thương mại đi bộ thân thiện, hiện đại. Bởi không thể bố trí ngay cây và mảng xanh đủ lớn, đủ dày để tạo bóng mát cho vỉa hè như trước nên cần đầu tư từ 20 tỉ đến 30 tỉ tăng cường mái che nắng mưa, tạo không gian đi bộ (2).
Kết quả cuộc khảo sát do tờ Tuổi Trẻ thực hiện đã giúp hình dung dân chúng đánh giá “sáng kiến” dựng “mái che” trên vỉa hè đường Lê Lợi thế nào. Còn các chuyên gia? Họ cũng thế!..
Không có chuyên gia nào tận tình ủng hộ “sáng kiến” dựng “mái che” khi trả lời phỏng vấn của VnExpress. Ông Võ Kim Cương (cựu Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM), bà Nguyễn Thị Lan Thi (Giảng viên Đại học Khoa tự nhiên TP.HCM), khẳng định họ không đồng tình vì “mái che” làm giảm sự thông thoáng, ngoài chi phí đầu tư còn phải chi thêm tiền bảo trì, không an toàn nếu mưa to gió lớn. Mái che vỉa hè thường chỉ được dựng ở những khu vực đã có metro hoặc mạng lưới giao thông công cộng đồng bộ nhưng đường Lê Lợi chưa hội đủ các yếu tố này. Cách tốt nhất trong việc khôi phục cảnh quan, tạo bóng mát là trồng lại cây. Ông Nguyễn Hữu Nguyên (Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP.HCM), bà Hoàng Ngọc Lan (Đại học Kiến trúc TP.HCM), không phủ nhận “sáng kiến” nhưng lưu ý phải đánh giá kỹ hiệu quả giữa chi phí đầu tư và tác dụng. Ông Nguyên nhắc đến chuyện đang… “rất thiếu nhà vệ sinh công cộng” còn bà Lan thì đề cập đến việc phải bảo đảm “yếu tố thẩm mỹ, cảnh quan khu vực” (3).
***
Việc thi công hạ tầng cho tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên đã khiến phần lớn vỉa hè dọc trục Lê Lợi… trọc lóc. Khôi phục cảnh quan, bóng mát ở khu vực trung tâm TP.HCM là chuyện tất nhiên nhưng tại sao Sở QHKT TP.HCM không tha thiết với chuyện trồng cây như suy nghĩ của đa số dân chúng và chuyên gia mà lại thích giải pháp tạm thời là dựng… “mái che” – vốn phức tạp và dễ dàng dẫn tới nhiều chuyện phiền toái hơn trong tương lai? Tại sao trong việc giải quyết những vấn đề liên quan đến dân sinh, tư duy của những viên chức hữu trách vẫn khác hẳn với đa số thường dân – đối tượng thụ hưởng phúc lợi?
Liệu lần này, UBND TP.HCM có làm… “mái” để “che” cho “sáng kiến” của Sở QHKT TP.HCM như trước nay, hệ thống công quyền từ trung ương tới địa phương vẫn làm như thế với đủ loại “sáng kiến” bất kể thường dân xúm vào phân tích thiệt – hơn thế nào?
Chú thích
(2) https://zingnews.vn/de-xuat-lap-mai-che-via-he-rong-4-m-o-trung-tam-tphcm-post1415183.html