Tác giả: Phạm Cao Phong
Những câu chuyện về thời thơ ấu ông Ngô Đình Quỳnh kể cho tôi mang âm hưởng trầm buồn.
Câu chuyện thời thơ ấu của ông làm tôi không cười nổi. Lần đầu đến trường ở Paris, giờ ra chơi, ông trố mắt nhìn những bạn cùng lớp:
-Khi đám bạn tổ chức trò ‘cút bắt’ thì tôi ngớ cả người, trò gì vậy ? Tôi như một một nhà bác học ngây người khám phá cuộc sống sinh hoạt của những chú kiến!
-Lần đầu thấy tuyết rơi, tôi ngạc nhiên lắm, tại sao lại có một đất nước như vậy!
-Khi ở Sài Gòn, trong Dinh Tổng thống, tôi gần như không bao giờ được nhìn thấy cha tôi. Phòng của gia đình chúng tôi ở liền bên nhau. Nhưng dù không ai bảo, chúng tôi luôn luôn không muốn quấy rầy cha mẹ. Vì hiểu rằng, cha mẹ chúng tôi bận nhiều công việc. Ngay cả trong những bữa ăn chung của cả gia đình, chúng tôi vẫn giữ nề nếp cổ truyền. Yên lặng tuyệt đối trong khi dùng cơm. Trẻ con chỉ có quyền nghe lời cha mẹ. Gia đình chúng tôi ít trao đổi trong những dịp như thế.“
Sài Gòn những năm ông Quỳnh vừa chào đời chìm trong hỗn loạn.
Vương quốc trù phú phương Nam mà thủ đô lại do tướng cướp Bảy Viễn cầm đầu ngành an ninh, kẻ điều hành khu ăn chơi Đại Thế Giới.
Đường phố Sài Gòn tràn ngập thiết giáp, xe quân sự, các binh đoàn lính viễn chinh của Pháp thất trận từ miền Bắc rút về. Cộng thêm các nhóm giáo phái vũ trang Cao Đài, Hòa Hảo lộng hành. Thêm nữa, con số 1, 2 triệu người di cư chạy xuống phía Nam làm xáo trộn cuộc sống của 14 triệu người dân bản địa. Một bài toán ngay cả các quốc gia châu Âu lành lặn, ít tật nguyền còn phải xính vính thời nay.
Miền Bắc cài cắm những tình báo chiến lược như Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Ngọc Thảo vào đến tận bộ máy hành chính, quân sự cao cấp nhất. Đại tá Thảo góp phần không nhỏ trong những bất ổn gây ra cho VNCH.
Cuộc sống của gia tộc Ngô Đình không tránh khỏi lo chung cái lo của nước, sợ chung cái sợ của dân ? Liệu có một ốc đảo bình yên trong bão cát sa mạc ?
Đoàn Thêm, một người gần gũi gia đình ông Diệm, trong cuốn sách ‘Những năm tháng không quên‘ kể lại:
“Tháng 4/-1955 khi Saigon đang ngút ngàn khói lửa, Bình Xuyên quyết ăn thua đủ với chính quyền, gia đình bà Nhu vẫn còn ở tại căn nhà của bác sĩ Cao Xuân Cẩm, trước dưỡng đường Saint Pierre Saigon.
Khi trận chiến giữa Bình Xuyên và chính quyền bùng nổ, Đại úy Huỳnh Văn Cao bàn tính với Thiếu tá Vinh làm thế nào để di tản gia đình bà Nhu vào trong Dinh, nếu không Bình Xuyên có thể làm “hoảng” giết ông bà Nhu hoặc bắt cóc mấy đứa con của bà để làm điều kiện thương thuyết. Ý kiến này mọi người đều cho là phải.
Trước đó Tổng thống Diệm cũng tỏ ý băn khoăn ngỏ ý với ông Bằng “Mi bàn với Vinh và Cao làm sao che chở cho gia đình ông Nhu ở Saint Pierre… Bình Xuyên nó làm dữ quá…” Mấy hôm sau, gia đình bà Nhu di tản vào Dinh Độc Lập, ở trong một gian phòng phía góc trái. Lúc đầu ông Nhu nằm ghế bố vì không có giường.”
Sinh hoạt trong gia đình ông Nhu cũng không khá giả gì, phải nói là vất vả. Ông Đoàn Thêm mô tả:
“Gia đình bà Nhu ở trong Dinh Tổng Thống với hai phòng không được rộng rãi lắm.
Bà nổi tiếng là người “keo kẹt”, chi tiền chợ hàng ngày. Ông Nhu thì vợ cho ăn uống như thế nào thì ăn uống như vậy, không đòi hỏi. Những người hầu cận cho biết, nhiều khi ông Nhu đi săn mang về theo ít thịt nai hoặc thịt mấy con chim thì bà Nhu lại bớt tiền chợ và dùng đồ săn đó bắt ông chồng ăn cả hai ba bữa. Hai căn phòng của ông Nhu trang hoàng không có gì xa hoa lộng lẫy trái lại có vẻ bình thường trung lưu.”
Cuộc sống gia đình eo hẹp, nhưng bà Trần Lệ Xuân vẫn giữ nguyên sự hào hoa, tử tế với người dưới. Đại úy Đỗ Thọkể lại trong hồi ký mang tên ông:
“Đối với gia nhân phục dịch với gia đình, bà Nhu tỏ thái độ mến thương. Nếu không muốn nói là một cử chỉ bình dân, đại chúng. Hằng tháng những người bồi, người bếp lo tròn công việc tươm tất, bà Nhu thưởng thêm tiền bằng cách bỏ vào một chiếc phong bì dán kín rất lịch sự.
Đối với chồng con, bà Nhu hết lòng săn sóc.”
Sự đùm bọc giữa Tổng thống Diệm và gia đình ông Nhu gắn kết bởi sự có mặt của mấy anh em ông Quỳnh. Ông Trần Kim Tuyến nhận xét :
“Ông Diệm rất yêu mến đám con trai của bà Nhu. Đó cũng là lý do dễ hiểu, khi cha con ông Khôi qua đời (1945) thì mấy chú con trai của ông Nhu trở thành kẻ nối dõi tông đường của Dòng họ Ngô Đình. Ngô Đình Trác đứng vào hàng đích tôn thừa tự và là bực trưởng của gia tộc Ngô Đình sau này.
Mấy chú con trai của ông Nhu trở thành nhịp cầu nối tiếp giữa TT Diệm và vợ chồng ông Nhu mặc dầu bản chất giữa TT Diệm và ông Nhu rất khác biệt nhau. Anh em không mấy khi gần nhau qua những phút tâm tình hàn huyên. Nhưng mấy đứa cháu trai lại trở thành nguồn sinh thú tinh thần của TT Diệm và đó cũng là hy vọng của ông Tổng Thống còn nặng lòng với nho giáo… trong tình tự gia đình.” (trích Lương Khải Minh trong cuốn ‘Làm sao giết một tổng thống’).
Tóm tắt sinh hoạt của Tổng thống Diệm, đại úy Đỗ Thọ viết trong cuốn Hồi ký Đỗ Thọ:
“Buổi sáng Tổng thống Diệm dậy rất sớm. Ít sai vặt những người thân cận. Và tự tay làm lấy như pha trà vào bình, lấy thuốc hút, cởi quần áo và mặc quần áo. Ngủ giường không nệm. Trong phòng ngủ bài trí đơn sơ. Ăn uống không lấy gì sang trọng, thích ăn món Huế và nhiều rau muống, rau cải, khoai luộc chín.
Thỉnh thoảng đổi món Tây. Uống nước suối Vĩnh Hảo cùng với rượu vang đỏ hoặc rượu lễ. Áo quần ba bộ complet, giầy ba đôi, hai đen, một nâu. Áo quần may ở hiệu Chua. Hớt tóc do một người bồi. Ít đọc báo, nhưng thích đọc sách về máy ảnh, đồng hồ.
Tất cả những chi tiết riêng, cá nhân sau giờ làm việc, Tổng thống Diệm không chung đụng với gia đình ông Ngô Đình Nhu. Nghĩa là chưa bao giờ tôi thấy Tổng thống Diệm ngồi ăn cơm với gia đình ông Nhu, ngoại trừ sự có mặt của Đức cha Ngô Đình Thục.
Trong phạm vi của một sĩ quan tùy viên, tôi hiểu Tổng thống Ngô Đình Diệm ngần ấy”
“Ông Diệm thích đánh cờ, nhưng chơi không giỏi, nên thường rủ đại úy Bằng đánh cờ với đứa cháu Ngô Đình Trác, con ông Nhu và ông đứng ngoài coi.”
Tôi hỏi ông Ngô Đình Quỳnh về mấy anh chị em ông. Ông kể :
“Chị Ngô Đình Lệ Thủy lớn nhất, nhưng hay bị em sinh sau Ngô Đình Trác ăn hiếp. Vì anh Trác là cháu đích tôn của bác tôi, Tổng thống Ngô Đình Diệm. Anh Trác được cưng lắm. Anh Trác biết lắp ráp các mô hình máy bay thu nhỏ. Tôi ham, nhưng một lần ngịch của anh Trác làm hư món đồ đó. Anh Trác rầy tôi rất nặng lời “
Ký ức về tuổi thơ của ông Quỳnh cũng thu hẹp trong ngày cuối tuần đi mua sách, ăn kem:
“Kỷ niệm của tôi là Dinh Độc Lập và biệt thự của gia đình chúng tôi ở Đà Lạt, và phong cảnh Việt Nam, rừng rú. Khi ra biển chúng tôi đi đến Long Hải. Ở Saigon, chúng tôi quen được dẫn đi dạo chơi một vòng nhỏ vào dịp cuối tuần. Ham thích của của tôi là được qua hiệu sách Pháp, nơi có bán những cuốn truyện tranh về Mickey và Donald. Không hiểu sao những quyển sách này họ lại để trên giá sách rất cao. Anh vệ sĩ phải nhấc tôi lên bằng hai tay như thế này. (Ông Quỳnh làm cử chỉ như nâng một đứa trẻ).
Sau đó tôi chỉ cho anh, lấy cho tôi quyển này, quyển này và quyển này. Rồi đến quầy trả tiền. Sau đó chúng tôi đến tiệm God dard, một quán bar có bán kem làm theo kiểu Pháp. Chúng tôi mua kem và bánh mì làm theo kiểu Paris. Tôi rất thích bánh mì baguette (bánh mỳ dài, kiểu Pháp). Tôi chỉ có dịp đi chơi quanh quẩn như vậy. Chỉ có thế thôi “
Tôi đau lòng nghĩ những vạt nắng hiếm hoi, đẹp đẽ ấy của Sài Gòn trong sâu thẳm của ông Quỳnh hẳn chìm dưới bức tranh nặng nề được ông Lương Khải Minh viết dưới đây trong cuốn ‘Làm sao giết một tổng thống‘:
“Đêm 30/11, Trung Úy Sung thuật lại: ông Nhu bảo gọi Đại Úy Hạp vào ngay để ông biểu. Khi nhân chứng gọi điện thoại cho ông Hạp, ông này còn lừng khừng “Cơm đã chứ, tôi ăn xong vào được không?” Hỏi lại ý ông Nhu, ông bảo phải vào ngay, khỏi cần ăn cơm nhà.
Khi Hạp cùng mấy anh em vào phòng riêng của ông Nhu thì ông chỉ ghế mời ngồi rồi gọi ông già Tường, quản gia:
– Làm hai ly Martell cho các chú ấy uống đi.
Tay ông Nhu vẫn cầm ly rượu. Trán ông thỉnh thoảng nhăn lại, cằm ông bạnh ra.
Đây là lần thứ nhất, nhân chứng cũng như Đại Úy Hạp được cái hân hạnh cụ Nhu chỉ ghế mời ngồi và cùng “cụng ly”. Chưa ai dám lên tiếng. Ông Nhu đã than thở: “Quyết định đi thì ông Cụ không cho đi. Giữ ở lại thì ông cũng không chịu nghe…”
Rồi ông Nhu yên lặng một lúc lâu. Đại Úy Hạp lên tiếng: “Ông cố vấn kêu chúng cháu vô đây có việc gì?”
Ông Nhu khẽ thở dài rồi yên lặng nhìn hai người một lúc lâu, mới nói: “Sáng mai, các anh đưa mấy đứa nhỏ lên Đà Lạt dùm tôi.”
Hạp hỏi: “Ông Cố vấn không đi?”
Suy nghĩ một lát rồi ông Nhu trả lời: “Chắc là không đi được”.
Rồi lại yên lặng hàng 10 phút ông Nhu mới lên tiếng, bảo Đại Úy Hạp: “Lấy hết quần áo về chưa? Cứ sắp xếp sẵn… khi nào cần thì bảo”
Đại Úy Hạp hỏi: “Bao giờ chúng cháu đưa hai cậu và em Quyên về?”
Ông Nhu thủng thẳng đáp nhát gừng: “Bao giờ gọi điện thoại thì về”
Rồi lại yên lặng… lát sau ông nói một mình vu vơ: “Nghe thì không nghe, đi thì không cho đi. Tụi nó làm tới bây giờ rồi tính sao. Khó cho tao quá đi”.
Đại Úy Hạp ngồi yên lặng vì không biết phải nói gì hơn.
Ông Nhu ngồi lặng thinh khoảng 30 phút như một pho tượng. Tay vẫn cầm ly Martell. Ông Nhu nằm ngả người ra ghế tựa, uống đến ly Martell thứ ba, ông ngồi như thế lặng lẽ từng giờ.
Bỗng ông Nhu ngồi nhổm dậy, nét mặt chảy dài nói vu vơ: “Chà… mẹ con nó đi hết rồi”. Ông Nhu quay lại hỏi Đại Úy Hạp:
– Mười ngàn tôi đưa Đại Úy còn không? Hạp đáp: “Thưa ông Cố vấn đã hết từ lâu rồi”.
Ông Nhu biết, linh cảm được bất hạnh đang đến. Lẽ ra, ông có thể thoát cái chết tức tưởi. Nếu không cả nể, thương ông Diệm, ông Nhu đã ra nước ngoài vào ngày 28/11/1963.
Tôn Thất Đính vừa nhận 1 triệu đô la của Đại sứ quán Mỹ để làm phản. Tướng Đính sẽ không thể nhìn thẳng vào mắt hai anh em ông Diệm, ông Nhu. Ân tình quá nặng mà quay ngoắt vậy thì đành khép mắt họ lại thôi.
Cuốn ‘Làm sao giết một tổng thống’ viết tiếp:
Đại Úy Hạp vẫn thường tâm sự với ông già Tường, Trung Úy Sung: “Ông cố vấn tiêu xài kỹ quá đi. Từ khi bà đi ngoại quốc thì ông ở nhà lo việc chi tiêu. Đưa cho ai đồng nào, ông Cố Vấn bắt ghi từng mục”. Đưa cho Hạp mười ngàn. Hạp tiêu xong lại phải trình bản kết toán đầy đủ chi tiết.
Ông Nhu hỏi Hạp:
– Bây giờ đưa bọn nhỏ lên Đà Lạt thì cần bao nhiêu mới đủ chi dùng? Hỏi rồi ông Nhu đáp liền: “Thôi đưa Đại Úy 15 ngàn đủ chứ?”
Hạp hỏi ông Nhu: “Thưa ông các cậu đi bằng máy bay nào? Đi Air Vietnam cho tiện được không?”
Ông Nhu trầm ngâm rồi lắc đầu: “Đi Air Vietnam nguy hiểm lắm. Nó đi thẳng, bắt mấy đứa nhỏ làm con tin thì sao?”
Ông Nhu bảo Hạp liên lạc với Đại Tá Hiển để lấy máy bay của Không quân Việt Nam cho chắc chắn.
Lặng thinh một lúc lâu bỗng ông Nhu đứng lên lấy hai khẩu súng kiểu 22 loại không gây tiếng nổ trao cho Hạp, ông Nhu khoe: “Họ mới biếu moa. Cho Hạp một khẩu. Loại súng này đặc biệt lắm. Để ở nhà sợ thằng Trác nó bắn bậy bạ.” Rồi ông Nhu lại con cà con kê một lúc lâu.
Mẩu đối thoại ‘gà trống trông con’ của ông Nhu đượm buồn, hoang vắng. Đó là những khoảng khắc cuối cùng của cuộc đời ông Nhu.
Hai ngày sau, ông Nhu sẽ không bao giờ còn được nhìn thấy mặt mấy đứa con.
“Tình hình Đà Lạt vào ngày 1-11 vẫn như vô sự. Đại Úy Hạp và Hữu vẫn đi phố xem xét tình hình như thường lệ. Ông Hạp cho 4 chiếc Thiết Giáp đi tuần tiễu quanh phố. Tình hình biến chuyển đột ngột. Sáng ngày 2, Trường Võ Bị Đà Lạt trở thành Tổng Hành Dinh của phe đảo chánh gồm Trung Tá Trần Ngọc Huyến và Thiếu Tá Ngô Như Bích. Ông Trần Văn Phước vẫn trung thành với chế độ Ngô Đình Diệm. “
“Rút kinh nghiệm vụ đảo chính hụt 11/11/1960, ông Huyến chỉ “ra tay” khi được tin thành Cộng Hòa và Dinh Gia Long thất thủ. Ngay sau đó, ông Trần Văn Phước, Thị Trưởng Đà Lạt bị phe Trung Tá Trần Ngọc Huyến bắt giữ tại trưởng Võ Bị. Điều quan trọng đối với phe ông Huyến là làm thế nào bắt được ba đứa con của ông Nhu. Một vài người khác thì có máu tham thì lại đặc biệt lưu ý đến chiếc valise mà Đại Úy Hạp mang từ Saigon lên từ ngày 30.
Phía đầu giây bên kia ông Phước gọi cho Đại Úy Hạp: “Anh mang Quỳnh, Trác, Quyên vào đây cho tôi”.
Ông Hạp quay lại nói với Đại Úy Hữu: “Không hiểu như thế nào, giọng ông Phước lại hơi run run, ngắt quãng. Có lẽ đã bị bắt”.
Tuy vậy, ông Hạp cũng hứa sẽ đưa ba đứa nhỏ vào ngay. Mặt khác, ông Hạp lại cho người lên trường Võ Bị do thám và xin gặp ông Phước thì ở đây cho biết không thể gặp ông Phước được. Đại Úy Hạp bắt đầu nao núng.
Đại Úy Hạp và Hữu cùng quyết định đem 3 đứa nhỏ con ông Nhu đi trốn. Để làm kế nghi binh, nhân chứng cho xe Mercedes chạy vòng quanh thành phố cứ làm như trên xe có ba đứa nhỏ. Trong khi đó, Hạp, Hữu cùng đoàn cận vệ đem 3 đứa nhỏ con ông Nhu tẩu thoát, lẩn trong rừng thông đi từ Dinh số 1 về Dinh số 2 rồi men theo đường rừng xuống Đơn Dương. Đại Úy Hạp định tâm xuống Phan Rang tìm đến Trung Tá Khánh Tỉnh Trưởng tỉnh này.
Lặn lội trong rừng suốt buổi chiều cho đến đêm, nhân chứng và đoàn tùy tùng mới đến vùng Danhim. Phần thì đói, khát… lại mệt mỏi vì đường trường.
Đoàn lữ hành cả bọn phải dừng lại cho dựng lều và phân phối lo cận vệ lo việc bố phòng.
Lúc ấy, Đại Úy Hạp lo ngại nhất là đám người chung quanh và Việt Cộng trong vùng. Nhưng biết làm thế nào hơn. Các con ông Nhu vẫn chưa được tin báo về cha mình bị giết.
Đi mỗi ngày đường lại trải qua một đêm nằm giữa rừng nên con bé Quyên chịu không nổi, bắt đầu đau. Đại Úy Hạp cố tìm cách bắt liên lạc với Saigon nhưng đều bặt tin.
Phe đảo chánh cũng đang xua quân đi lùng bắt đám con ông Nhu.
Trưa ngày mùng 3, máy bay của quân đoàn II lượn quanh vùng Danhim phát thành kêu gọi Đại Úy Hạp đem theo 3 đứa bé về trình diện Hội đồng Quân nhân Cách mạng (nhóm tưởng đảo chính)
Đại Úy Hạp và Hữu đều lo ngại. Tổng Thống Diệm và ông Nhu còn bị giết huống chi 3 đứa nhỏ.
Đại Úy Hạp đề nghị đoàn lữ hành sẽ băng qua rừng xuống Phan Rang rồi một là tìm cách về Xuân Lộc ấn náu, nếu thuận tiện thì về thẳng Saigon nếu không sẽ qua Phước Long và rồi sang Cao Miên.
Nhưng cuối cùng, đoàn lữ hành phải khoanh tay vì hết tiền. Mấy bữa liền, bọn con ông Nhu phải ăn đồ hộp và uống nước lạnh. Con bé Quyên đã đuối sức. Quyên cũng như Quỳnh bước đường lưu lạc. Cận vệ thì anh nào cũng tay cầm súng, sẵn sàng đối phó. Hai ông Hạp và Hữu không dám rời bọn nhỏ một phút.
Mãi đến ngày 3, Đại Úy Hạp mới cho Trác biết tin bác và ba của Trác đã chết. Lúc đầu Trác không tin. Sau cho Trác theo dõi radio, bấy giờ Trác mới tin. Đôi mắt chú bé rưng rưng nhưng không nói một lời nào.
Phi cơ vẫn bay lượn trên nền trời Danhim, phát thanh kêu gọi Hạp và Hữu đưa bọn nhỏ trở về Đà Lạt. Trác nói với Đại Úy Hạp: “Đại Úy đưa các em tôi về”
Trác lại nói: “Hai em tôi nó mệt quá, ở trong rừng lạnh chết mất. Đi làm sao được nữa…”
Đại Úy Hữu đáp: “Nếu ý cậu muốn như vậy cũng được. Đại Úy Hạp sẽ tìm cách thu xếp để cậu về”.
Sau đó “đoàn lữ hành” kéo nhau băng rừng trở về thành phố. Cho chắc hơn, ông Hạp vẫn để bọn nhỏ ở trong rừng thông. Ông cho người về phố quan sát đồng thời gọi cho phe đảo chánh báo tin với một điều kiện ông Hạp chỉ nộp 3 đứa nhỏ cho Tướng Khánh. Gọi máy xong, ông Hạp lại cho di chuyển 3 đứa nhỏ đến một địa điểm khác sợ bị lộ mục tiêu.
Phe đảo chánh vẫn xua quân đi tìm rất ráo riết.
Ngày 3/11, Tướng Khánh đã có mặt ở Đà Lạt nhận lãnh 3 đứa con ông Nhu. Tướng Khánh nắm tay Đại Úy Hạp, giọng buồn: “Tụi nó làm không có ra cái gì hết. Giết người ta, thảm hại quá! “ (Trích “Làm sao giết một tổng thống”)
Đó là những chi tiết về những ngày cuối cùng ở Việt Nam của ba anh em ông Ngô Đình Quỳnh mà trong bài viết trước tôi có nhắc tới (Ông Ngô Đình Quỳnh kể về cha mẹ ông và cuộc đảo chính tháng 11/1963).
Tôi đặt câu hỏi cho ông Ngô Đình Quỳnh:
-Cha và mẹ của ông ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống của ông?
-Tôi đi khỏi Đà Lạt hồi mười một tuổi. Ảnh hưởng của cha tôi không được lâu dài lắm. Nhưng chính cũng nhờ cha mà tôi được biết hơn về đất nước. Cha tôi rất ưa săn bắn. Tôi hay được đi cùng. Hai anh em trai đều được đi cùng với cha tôi, khi ông đi săn trong rừng. Ông đi săn bắn loại thú lớn, như đi săn hươu nai ở Long Hải.
Trong những dịp đi săn cùng với ông, tôi được biết cha tôi dưới dạng một người vui tính. Khi ở Sài Gòn, trong Dinh Tổng thống, tôi gần như không bao giờ được nhìn thấy cha tôi. Nhưng tôi luôn vẫn giữ một hình ảnh rực rỡ về cha tôi.
Tất nhiên, tôi chịu ảnh hưởng mẹ nhiều hơn. Ảnh hưởng này đối với tôi cho mãi đến khi mẹ tôi qua đời.
Tôi tiếp thu được của mẹ tôi chủ yếu là lòng tin và sức mạnh tinh thần. Một sức mạnh giúp tôi vượt lên.
Mẹ tôi nói không có gì là không thể làm được. Đúng vậy. Nhưng nếu luật pháp ngăn cấm? Thế thì phải thay luật pháp. Đối với mẹ tôi, không có gì thành vấn đề, không có gì làm bó chân, bó tay. Khi mình hợp với lẽ phải, khi hành vi của mình chính đáng thì cứ thẳng tiến.
Tôi học nhiều ở mẹ, tin được mình cũng có sức mạnh tinh thần. Được sức mạnh này dẫn dắt mình.“
Chia tay ông để lên xe về Paris, tôi suy nghĩ không nguôi về những câu chuyện thời thơ ấu ông kể, và về dòng họ Ngô Đình danh tiếng, sự kết thúc của họ.
Bài viết cho BBC News Tiếng Việt dựa trên cuộc phỏng vấn video của nhà báo Phạm Cao Phong thực hiện tại Brussels, Vương quốc Bỉ với ông Ngô Đình Quỳnh, tháng 12/2022.