Nhiều điểm bất thường trong phiên tòa xét xử cô giáo Lê Thị Dung
Người dân không được vào bên trong tham dự phiên tòa, phóng viên phải theo dõi phiên tòa qua phòng riêng để tác nghiệp… là một trong số những điểm bất thường trong phiên tòa xét xử cô giáo Lê Thị Dung.
Hôm nay (ngày 12/6), TAND tỉnh Nghệ An mở phiên tòa phúc thẩm đối với bà Lê Thị Dung (SN 1971, nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An).
Trước đó, vào ngày 24/4, TAND huyện Hưng Nguyên đã xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bà Dung mức án 5 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Tòa đã triệu tập nhân viên giám định của Sở Tài chính Nghệ An, Sở GD&ĐT Nghệ An, đại diện Phòng Tài chính Kế hoạch huyện, Kho bạc Nhà nước huyện Hưng Nguyên và nhiều người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Điều đáng nói, rất đông người dân có mặt trước trụ sở TAND tỉnh Nghệ An theo dõi phiên tòa qua hệ thống loa phát thanh nhưng không được vào dự trực tiếp. Các phóng viên, cơ quan báo chí cũng phải theo dõi phiên tòa qua phòng riêng để tác nghiệp.
Chồng và con của bị cáo cũng không được vào dự phiên tòa ngay từ đầu. Đến khi bị cáo Lê Thị Dung nêu: “Tôi chưa thấy chồng và con ở phiên tòa” và đề nghị HĐXX cho phép người thân vào dự phiên tòa thì họ mới được vào dự.
Bị cáo Lê Thị Dung xin HĐXX cung cấp giấy bút để ghi chép.
Tại phiên tòa, bị cáo Lê Thị Dung nói: “Thời điểm bị cáo gửi kháng cáo bản án sơ thẩm, bị cáo chưa nhận được bản án nên tại phiên tòa phúc thẩm này, bị cáo xin kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm”.
Bị cáo Dung kêu oan và cho rằng quy chế chi tiêu nội bộ được đơn vị xây dựng công khai, dân chủ, được gửi cho cấp trên giám sát và có hiệu lực thi hành, không vi phạm pháp luật.
“Tất cả việc chi của bị cáo cho bản thân và tất cả giáo viên trong đơn vị đều hưởng như bị cáo. Khi chưa chứng minh được bị cáo vi phạm quy chế chi tiêu nội bộ, các văn bản tài chính kế toán liên quan thì không thể kết tội cho bị cáo”, bị cáo Dung nói.
Ngoài ra, bị cáo Dung cũng cho rằng trong quá trình tố tụng có nhiều dấu hiệu oan sai.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Lê Thị Dung đề nghị thay đổi biện pháp ngăn chặn trước khi phiên tòa, tuy nhiên, HĐXX cho biết “sẽ xem xét sau”.
Có 7 luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi cho bà Dung tại phiên tòa phúc thẩm
Một trong số luật sư được gia đình mời bảo vệ quyền lợi cho bà Dung là Trần Hồng Phúc – Công ty Luật TNHH SMIC (Đoàn luật sư Hà Nội). Trong văn bản gửi đến HĐXX phúc thẩm, luật sư Trần Hồng Phúc kiến nghị triệu tập bổ sung ông Nguyễn Phi Thăng, Kiểm sát viên Viện KSND huyện Hưng Nguyên (người thực hành quyền công tố tại phiên tòa sơ thẩm xét xử bà Lê Thị Dung) có mặt tại phiên tòa phúc thẩm.
Luật sư Trần Hồng Phúc cũng kiến nghị sự giúp đỡ để bảo đảm sự có mặt của một giáo viên thuộc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên là một trong 2 người đã tố giác tội phạm đối với bà Lê Thị Dung và yêu cầu cơ quan chức năng khởi tố bà Dung.
Theo luật sư Phúc, trong phiên tòa, luật sư sẽ yêu cầu làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến vụ án như chứng cứ tố giác, vai trò của người tố giác tội phạm, sự hợp pháp của kết quả giám định, căn cứ của việc áp dụng pháp luật và bị cáo có tội hay không…
“Chúng tôi sẽ nỗ lực làm việc để làm sáng tỏ mọi sự thật của vụ án, góp phần bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người”, luật sư Trần Hồng Phúc chia sẻ.
Khánh Vy
Quảng Ninh: Lái xe gây tai nạn chết người rồi rời hiện trường, chủ tịch phường ra trình diện
Liên quan vụ tai nạn khiến một người đàn ông lớn tuổi đi xe đạp điện tử vong, Chủ tịch UBND phường Trưng Vương (TP. Uông Bí) đã ra trình diện.
Tối ngày 12/6, cơ quan chức năng TP. Uông Bí (Quảng Ninh) cho biết Cơ quan CSĐT Công an TP. Uông Bí đang xác minh, điều tra vụ tai nạn khiến một người chết.
Theo thông tin trên ban đầu, người gây tai nạn là ông Lương Tiến Đạt (SN 1986, trú tại phường Nam Khê, TP Uông Bí) – Chủ tịch UBND phường Trưng Vương (TP. Uông Bí).
Trước đó, khoảng 19h30 ngày 9/6, tại Km86+250, Quốc lộ 18A, thuộc phường Nam Khê đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông. Xe ô tô nhãn hiệu Ford Everest mang BKS 14A-025.90 do ông Đạt cầm lái va chạm với xe đạp điện do ông Đ.V.T (SN 1963, trú tại phường Nam Khê) điều khiển và một xe máy đi cùng chiều.
Vụ tai nạn khiến ông T. tử vong, còn người đi xe máy bị thương, được người dân đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Sau khi gây tai nạn do hoảng loạn, lo sợ, nên ông Đạt đã điều khiển xe rời khỏi hiện trường, theo Lao Động.
Sau đó, được gia đình và người thân động viên, ông Đạt đã đến cơ quan công an trình diện.
Theo Dân trí, ông T. là người thân của ông Đạt. Sau vụ việc, gia đình ông Đạt đã tổ chức lo hậu sự cho nạn nhân.
HIện, vụ việc đang được cơ quan chức năng TP. Uông Bí tiếp tục điều tra.
Bảo Khánh
Hải Phòng: Chủ tịch xã để người dân xây nhà hàng trên đất nông nghiệp
Chủ tịch UBND xã Quảng Thanh bị cách chức vì để nhiều công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Đồng thời, Phó chủ tịch UBND và cán bộ địa chính xã Quảng Thanh cũng bị cảnh cáo.
Ngày 11/6, lãnh đạo huyện Thủy Nguyên (TP. Hải Phòng) cho hay cơ quan này vừa có quyết định kỷ luật cách chức Chủ tịch UBND xã Quảng Thanh Bùi Văn Lên vì đã vi phạm về quản lý đất đai, để người dân lấn chiếm 766m2 đất công bên bờ kênh nước ngọt Hòn Ngọc, xây dựng trái phép nhà hàng kiên cố.
Cùng với ông Lên, Phó chủ tịch UBND xã và cán bộ địa chính xã Quảng Thanh cũng bị UBND huyện Thủy Nguyên thi hành kỷ luật cảnh cáo.
Thời gian qua, tại xã Quảng Thanh xảy ra tình trạng các hộ dân thu gom, mua bán, xây dựng các công trình trái phép quy mô lớn trên đất nông nghiệp nhưng không được phát hiện kịp thời.
Tình trạng trên dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, gây khó khăn cho việc giải quyết, xử lý, cưỡng chế các công trình vi phạm.
Cụ thể như công trình vi phạm tại thôn 1, xã Quảng Thanh có quy mô 2,5 tầng với diện tích 517m2 xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, của ông Nguyễn Đăng Công (SN 1982, ngụ xã Phù Ninh, huyện Thủy Nguyên).
Nguồn gốc phần đất này là đất nông nghiệp trồng cây hằng năm khác do UBND xã Quảng Thanh quản lý.
Vào tháng 6/2022, ông Công nhận chuyển nhượng lại thửa đất mặt đường 352 tại thôn 1, xã Quảng Thanh của một hộ dân, có diện tích 419m2 (đã có sổ đỏ).
Tại đây, ông Công xây dựng công trình nhà hàng Bamboo. Tuy nhiên, ông này không xây dựng đúng diện tích có trong sổ đỏ, mà lại xây dựng trên 766m2 đất nông nghiệp khác do UBND xã Quảng Thanh quản lý, giáp với thửa đất ở, sát kênh Hòn Ngọc.
Ông Công xây dựng nhà hàng trái phép từ tháng 7/2022 nhưng đến ngày 28/4/2023, công trình đã hoàn thiện, chuẩn bị đưa vào hoạt động, UBND xã Quảng Thanh mới lập biên bản vi phạm hành chính. Ngày 11/5, UBND huyện Thủy Nguyên ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 7,7 triệu đồng đối với ông Công.
Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng yêu cầu chủ công trình tự tháo dỡ nhà hàng nhưng ông Công không chấp hành mà còn có đơn kiến nghị với các cơ quan chức năng, cho rằng diện tích 766m2 xây nhà hàng được ông mua bằng hình thức viết giấy tay với một hộ dân, chứ không phải đất lấn chiếm.
Ngày 25/5, UBND huyện Thủy Nguyên đã ra quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, khôi phục lại tình trạng ban đầu của thửa đất trước khi vi phạm.
Dự kiến vào ngày 13/6 tới, UBND huyện Thủy Nguyên sẽ cưỡng chế phá dỡ công trình nhà hàng Bamboo của ông Công.
Ngọc Mai
Điện Biên: 2 cán bộ xã chiếm đoạt khoản hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo
Hai cán bộ xã Pú Xi, huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên) chiếm đoạt khoản hỗ trợ tiền điện của hộ nghèo, hộ chưa có điện tại các bản ở xã này để chi tiêu cá nhân.
Ngày 12/6, thông tin từ Công an huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên) cho hay đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 2 công chức UBND xã Pú Xi để điều tra về hành vi Tham ô tài sản quy định tại Điều 353 Bộ luật Hình sự.
Hai bị can gồm: Lò Văn Dũng (SN 1990, trú tại bản Pá Cha, xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên) – cán bộ văn phòng – thống kê kiêm thủ quỹ xã Pú Xi; Lò Văn Phường (SN 1988, trú tại bản Lúm, xã Mường Mùn, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) – cán bộ văn hóa và xã hội.
Cơ quan chức năng cũng đã khám xét nơi làm việc của 2 cán bộ này.
Trước đó, ngày 17/5, người dân trình báo đến Cơ quan CSĐT Công an huyện Tuần Giáo về việc cán bộ xã Pú Xi đã chiếm đoạt tiền hỗ trợ tiền điện quý IV năm 2022 của hộ nghèo, hộ chưa có điện của các bản tại địa phương.
Dựa trên tài liệu, chứng cứ thu thập được, công an xác định 2 công chức xã trên đã lợi dụng chức vụ, tự ý chiếm đoạt số tiền hơn hơn 88 triệu đồng là tiền hỗ trợ tiền điện quý IV năm 2022 của hộ nghèo, hộ chưa có điện của các bản ở xã Pú Xi để sử dụng vào mục đích cá nhân.
Vụ việc đang được Công an huyện Tuần Giáo tiếp tục điều tra mở rộng.
Thạch Lam